24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Phạm Duy Công
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Cổ phiếu bán lẻ “ứng trước” tương lai

Trong 2 tháng qua, nhóm cổ phiếu bán lẻ/phân phối sản phẩm công nghệ tăng giá mạnh, có mã tăng hơn gấp đôi, dù ngành này đối mặt với nhiều khó khăn, lợi nhuận sụt giảm.

Định giá cổ phiếu cao kỷ lục

Năm 2023 đã kết thúc và nhà đầu tư đang tìm kiếm câu chuyện mới cho năm tài chính 2024. Nhóm bán lẻ/phân phối sản phẩm công nghệ chưa công bố kết quả kinh doanh quý IV/2023 nhưng dự kiến không có nhiều cải thiện sau khi ghi nhận lợi nhuận sụt giảm, thậm chí thua lỗ.

Thực tế, bên cạnh nhu cầu suy giảm do ảnh hưởng bởi nền kinh tế tăng trưởng chậm lại, dưới sự phát động của Thế giới Di động, ngành bán lẻ sản phẩm công nghệ bước vào cuộc chiến cạnh tranh về giá gay gắt, dẫn tới biên lợi nhuận của toàn ngành giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều năm qua, kéo theo bức tranh lợi nhuận lao dốc.

Cụ thể, trong 9 tháng đầu năm 2023, lợi nhuận của Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới Di động (Thế giới Di động) giảm 97,8%, lợi nhuận của Tổng công ty cổ phần Dịch vụ Tổng hợp Dầu khí (Petrosetco) giảm 46,5%, lợi nhuận của Công ty cổ phần Thế giới Số (Digiworld) giảm 48,4% so với cùng kỳ năm 2022. Trong khi đó, Công ty cổ phần Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail) lỗ 225,7 tỷ đồng (cùng kỳ lãi 301,4 tỷ đồng).

Vậy nhưng, từ ngày 15/11/2022 đến 16/1/2024, giá cổ phiếu PET của Petrosetco tăng 134,1%, cổ phiếu FRT của FPT Retail tăng 90,3%, cổ phiếu DGW của Digiworld tăng 55%, cổ phiếu MWG của Thế giới Di động tăng 18,2%.

Dữ liệu lịch sử cho thấy, định giá P/E nhóm bán lẻ/phân phối sản phẩm công nghệ dao động phổ biến trong khoảng 12 - 22 lần, trong khi mức định giá hiện tại của MWG là 93 lần, PET là 37 lần, DGW là 21,4 lần.

Giá cổ phiếu đi lên trong khi lợi nhuận tụt dốc, khiến lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu (EPS - mẫu số trong công thức định giá P/E) giảm, dẫn tới định giá P/E tăng cao, kém hấp dẫn đối với nhà đầu tư theo trường phái đầu tư giá trị. Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Nam, một nhà đầu tư theo trường phái tăng trưởng có cái nhìn tích cực hơn khi cho rằng, giá cổ phiếu là dữ liệu quá khứ, triển vọng lợi nhuận hồi phục sẽ giúp EPS dần cải thiện, từ đó hạ định giá P/E trong thời gian tới. Kỳ vọng này cũng diễn ra đối với nhóm ngành thép. Trong nửa cuối năm 2022 và nửa đầu năm 2023, hầu hết doanh nghiệp thép lỗ lớn hoặc lãi mỏng, nhưng giá cổ phiếu giảm ít, với niềm tin kết quả kinh doanh sẽ sớm khởi sắc trở lại, dẫn tới định giá P/E cao kỷ lục.

Triển vọng ngành năm 2024

Ngành bán lẻ/phân phối sản phẩm công nghệ được kỳ vọng sẽ ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan hơn trong năm 2024.

Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định, năm 2024, thị trường điện thoại thông minh sẽ tăng trưởng dương trở lại sau 2 năm suy giảm, nhờ niềm tin và sức mua của người tiêu dùng đang phục hồi. Trong đó, nhu cầu được thúc đẩy bởi tác động trễ của các chính sách vĩ mô đang dần lan toả khắp nền kinh tế, khi lãi suất giảm và kinh tế hồi phục. Tuy nhiên, thị trường điện thoại thông minh có dấu hiệu bão hòa trong thời gian dài nên khó có thể kỳ vọng các doanh nghiệp bán lẻ/nhà phân phối sản phẩm này sẽ bật tăng mạnh mẽ.

Thực tế, trước lo ngại về sự bão hoà của thị trường, nhiều doanh nghiệp liên tục mở rộng lĩnh vực hoạt động, nhằm tạo động lực tăng trưởng mới.

Chẳng hạn, bên cạnh việc phát triển chuỗi nhà thuốc Long Châu, FPT Retail mới đây mở rộng thêm dịch vụ khi cung cấp mạng di động FPT -MVNO nhằm tận dụng và phát huy những lợi thế nhằm phục vụ khách hàng.

Tính đến cuối quý III/2023, FPT Retail có 1.384 cửa hàng Long Châu, tăng 447 so với cuối năm 2022, vượt kế hoạch là mở mới 400 cửa hàng mới trong năm 2023. Chuỗi nhà thuốc này có lãi từ năm 2021 khi ghi nhận doanh thu 3.977,2 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 4,9 tỷ đồng; năm 2022 ghi nhận doanh thu 9.595,9 tỷ đồng, lãi trước thuế 53,3 tỷ đồng; trong 9 tháng đầu năm 2023 đạt doanh thu 11.088 tỷ đồng.

VDSC dự báo, doanh thu của chuỗi nhà thuốc Long Châu có thể đạt tốc độ tăng trưởng CAGR giai đoạn 2024 - 2028 là 17,3%, nhờ doanh nghiệp tích cực mở rộng số lượng cửa hàng và phạm vi phủ sóng trên toàn quốc.

Về nhà thuốc Long Châu, Công ty Chứng khoán SSI nhận định, quy mô lớn hơn sẽ tạo điều kiện tìm nguồn cung ứng trực tiếp nhiều hơn, giúp chuỗi nhà thuốc tăng biên lợi nhuận trong dài hạn. Trong quý III/2023, biên lợi nhuận gộp của Long Châu duy trì ổn định quanh mức 21 - 22%.

Tương tự, tại Thế giới Di động, sau khi công bố kết quả kinh doanh kém khả quan trong 11 tháng đầu năm 2023, cũng như thực hiện đóng 200 cửa hàng trong quý IV/2024, công ty này đẩy mạnh tái cấu trúc khối cửa hàng để đảm bảo sự tập trung và hiệu quả kinh doanh, giải quyết các vấn đề dôi dư nguồn lực phát sinh do tái cấu trúc.

“Chúng tôi tin rằng, diễn biến không thuận lợi trong năm 2023 sẽ tạo nền tảng thấp cho giai đoạn 2024, mở đường cho sự tăng trưởng mạnh mẽ. Chúng tôi kỳ vọng, hoạt động mua hàng của người tiêu dùng sẽ cải thiện vào cuối năm 2024, thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ ngành hàng ICT/CE. Bên cạnh đó, chúng tôi kỳ vọng, doanh thu của chuỗi Bách hoá xanh sẽ tiếp tục tăng trưởng nhờ chiến lược ‘đẩy doanh số’, sau khi Công ty hoàn tất quá trình tái cơ cấu. Nếu không có chi phí bất thường như năm 2023, cùng với doanh thu trung bình tháng mỗi cửa hàng dự kiến của chuỗi Bách hoá xanh và sự giảm dần áp lực lên biên gộp của chuỗi Thế giới Di động/Điện máy xanh, chúng tôi tin rằng, năm 2024 sẽ là một năm ít căng thẳng hơn đối với Thế giới Di động”, VDSC dự báo triển vọng hồi phục của Thế giới Di động năm 2024.

Đại diện FPT Retail

Về thị trường công nghệ thông tin và truyền thông (ICT), sức mua ở mảng điện thoại và laptop vẫn còn yếu, do yếu tố vĩ mô chưa được cải thiện nhiều, chưa thấy có các sản phẩm đột phá để tạo ra nhu cầu mới. Tuy nhiên, xét về ngành bán lẻ nói chung trong năm 2024, một số yếu tố có khả năng cải thiện tốt. Điển hình là áp lực từ chi phí lãi vay cao so với cùng kỳ năm trước kỳ vọng sẽ lắng xuống, nhờ các điều kiện kinh tế vĩ mô dần cải thiện, nhiều quyết sách được đưa ra để kích thích nền kinh tế, hỗ trợ các doanh nghiệp bán lẻ, cũng như người tiêu dùng. Sức mua dần cải thiện và thị trường bán lẻ có thể phục hồi mạnh mẽ hơn vào nửa cuối năm 2024.

FPT Long Châu vẫn sẽ là động lực tăng trưởng của FPT Retail. Mục tiêu trong năm 2024, FPT Long Châu tiếp tục mở rộng vùng phủ, đầu tư mang đến các trải nghiệm dịch vụ mới cho khách hàng, bước đầu thử nghiệm sang những mảng kinh doanh mới trong lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ như tiêm chủng.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Mã chứng khoán liên quan bài viết
133.90 +0.90 (+0.68%)
59.00 +0.30 (+0.51%)
24.75 -0.15 (-0.60%)
173.20 +3.30 (+1.94%)
41.45 (0.00%)
prev
next

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả