menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Gia Huy

Cổ đông ngân hàng gặp vận: Chia nhau nghìn tỷ, hàng tỷ cổ phiếu vào tài khoản

Cổ tức bằng tiền mặt hay cổ phiếu đều được coi là thu nhập của nhà đầu tư

Nhiều ngân hàng có kế hoạch trả cổ tức bằng cả tiền mặt và cổ phiếu cho cổ đông. Nhận cổ tức bằng tiền mặt là ưu tiên nhưng nếu phải nhận cổ phiếu cũng không phải hẳn là kém vui khi chứng khoán đang đi lên mạnh mẽ.

Đua trả cổ tức cho cổ đông

Hội đồng quản trị VietinBank vừa phê duyệt việc tăng vốn điều lệ thông qua phát hành cổ phiếu trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận còn lại năm 2020. VietinBank dự kiến phát hành gần 564,3 triệu cổ phiếu để trả cổ tức theo tỷ lệ 11,7415% (cổ đông sở hữu 1.000 cổ phiếu tại ngày chốt quyền được nhận thêm 117 cổ phiếu mới). Thời gian phát hành dự kiến là trong quý III – quý IV/2023.

Ngoài kế hoạch tăng vốn trên, VietinBank còn có kế hoạch tăng vốn điều lệ thông qua việc phát hành cổ phiếu để trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận còn lại của năm 2021 và lợi nhuận còn lại luỹ kế đến hết năm 2016. Theo đó, ngân hàng sẽ dùng 12.330 tỷ đồng lợi nhuận giữ lại để chia cổ tức bằng cổ phiếu, khối lượng phát hành hơn 1,2 tỷ đơn vị.

Về việc phân phối lợi nhuận năm 2022, sau khi trích các quỹ bắt buộc, lợi nhuận còn lại là 11.521 tỷ đồng sẽ được VietinBank dùng để chia cổ tức bằng cổ phiếu theo phê duyệt của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Trong khi đó, VPBank dự kiến chi gần 8.000 tỷ đồng tiền mặt từ nguồn lợi nhuận của năm 2022 để trả cổ tức với tỷ lệ 10%. Theo kế hoạch, muộn nhất là quý III, VPBank sẽ hoàn tiến hành việc trả cổ tức cho cổ đông.

Eximbank và OCB cũng mới được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chấp thuận phương án tăng vốn điều lệ thông qua việc phát hành cổ phiếu trả cổ tức, thưởng. 2 ngân hàng này dự kiến hoàn thành việc phát hành cổ phiếu trả cổ tức cho cổ đông trong năm 2023.

Theo đó, Eximbank sẽ phát hành 265,5 triệu cổ phiếu để trả cổ tức với tỷ lệ 18% nhằm tăng vốn điều lệ thêm tối đa 2.656 tỷ đồng. Nguồn vốn thực hiện là từ nguồn lợi nhuận còn lại lũy kế năm trước (đến cuối năm 2021) và lợi nhuận của năm 2022 sau khi trích lập các quỹ.

OCB cũng được phép phát hành gần 685 triệu cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu, tương đương với tỷ lệ 50%. Sau phát hành, vốn điều lệ của OCB dự kiến tăng từ 13.699 tỷ đồng lên 20.548 tỷ đồng.

Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LPBank) công bố chốt danh sách cổ đông vào ngày 23/8 để phát hành hơn 328,5 triệu cổ phiếu trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu tỷ lệ 19%. Sau phát hành, vốn điều lệ của LPBank sẽ tăng thêm 3.285 tỷ đồng.

Ngoài ra, LPBank cũng dự kiến tăng thêm 5.000 tỷ đồng vốn điều lệ thông qua việc phát hành thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu.

Trước đó, nhiều ngân hàng đã chốt danh sách cổ đông hưởng quyền nhận cổ tức trong tháng 7.

Ngày 25/7, SHB cũng chốt danh sách cổ đông để chi trả cổ tức năm 2022 bằng cổ phiếu. Cụ thể, ngân hàng này dự kiến phát hành hơn 552 triệu cổ phiếu để trả cổ tức cổ đông hiện hữu với tỷ lệ phát hành là 18%, tức cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ nhận thêm 18 cổ phiếu mới.

Vietcombank thông báo 26/7 là ngày đăng ký cuối cùng hưởng quyền nhận cổ tức từ nguồn lợi nhuận còn lại năm 2019, 2020. Theo đó, Vietcombank sẽ phát hành phát hành gần 856,6 triệu cổ phiếu để trả cổ tức theo tỷ lệ 18,1%.

Tương tự, HDBank cũng lập danh sách cổ đông hưởng quyền nhận cổ tức năm 2022 bằng cổ phiếu vào ngày 20/7 với tỷ lệ chi trả 15%. Cùng với cổ tức tiền mặt tỷ lệ 10% được chi trả hồi đầu tháng 6 vừa qua, cổ đông của HDBank năm nay được nhận cổ tức với tổng tỷ lệ 25%.

Ngày 17/7 vừa qua là ngày đăng ký cuối cùng của cổ đông Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) để nhận cổ tức bằng cổ phiếu. Theo đó, MB sẽ phát hành khoảng 680 triệu cổ phiếu để trả cổ tức với tỷ lệ 15%.

Trước đó, hồi đầu tháng 7, Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank) công bố phát hành thêm hơn 211,6 triệu cổ phiếu với tỷ lệ 100:25, tức cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ được nhận thêm 25 cổ phiếu mới.

Cổ phiếu về tay, tiền 'bay hơi' vì giá xuống

Trong giai đoạn 2020 - 2022, Ngân hàng Nhà nước “cấm” các ngân hàng thương mại trả cổ tức bằng tiền mặt và yêu cầu các ngân hàng trả cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn, dành nguồn lực xử lý nợ xấu. Ngoại lệ, các ngân hàng quốc doanh (Vietcombank, BIDV, VietinBank) vẫn được trả cổ tức tiền mặt do yêu cầu từ Kho bạc Nhà nước.

Năm nay, cơ quan quản lý không siết trả cổ tức bằng tiền mà chỉ khuyến khích ngân hàng trả cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn, nâng cao năng lực tài chính và khả năng cấp tín dụng cho nền kinh tế, ổn định mặt bằng lãi suất thị trường.

Dù vậy, hiện chỉ có 6 ngân hàng thực hiện chia một phần cổ tức bằng tiền mặt là: VPBank, VIB, TPBank, HDBank, ACB và MB.

Một số ngân hàng chia cổ tức bằng tiền mặt và cả bằng cổ phiếu. Còn lại đa số các nhà băng vẫn kiên định với chiến lược chia cổ tức toàn bộ bằng cổ phiếu, để tăng vốn điều lệ, nâng cao năng lực tài chính. Bởi vốn điều lệ cao sẽ là “bộ đệm” giúp cho ngân hàng có thêm nguồn lực để chống chọi với khó khăn, đồng thời hỗ trợ nền kinh tế.

Kinh tế khó khăn, giá cổ phiếu sụt giảm, cổ đông nhiều ngân hàng mong ngóng cổ tức “tiền tươi thóc thật”. Song nhiều ngân hàng vẫn nói không với cổ tức tiền mặt suốt nhiều năm.

Theo giải thích của lãnh đạo các ngân hàng, việc không chia cổ tức tiền mặt là để nâng cao năng lực tài chính, đáp ứng tốt hơn các quy định về an toàn trong hoạt động ngân hàng, đầu tư cơ sở vật chất, số hóa, mở rộng quy mô cho vay và giữ chân nhân tài...

Về phía cổ đông, cổ tức bằng tiền mặt hay cổ phiếu đều được coi là thu nhập của nhà đầu tư. Theo quy định hiện hành, cổ tức bằng tiền mặt hoặc bằng cổ phiếu đều phải nộp 5% thuế thu nhập cá nhân.

Còn khi nhận cổ tức bằng cổ phiếu, nhà đầu tư chưa phải nộp thuế, thay vào đó khi cổ đông thực hiện chuyển nhượng cổ phiếu mới phải nộp thuế thu nhập cá nhân.

Đồng thời, giá cổ phiếu trên thị trường cũng sẽ bị điều chỉnh tương ứng với số cổ tức mà ngân hàng chi trả trên mỗi cổ phiếu.

Trong năm vừa qua, giá nhiều cổ phiếu giảm mạnh. Không ít người chấp nhận nắm giữ cổ phiếu và trông chờ vào cổ tức. Nhưng nhiều ngân hàng tiếp tục gây thất vọng khi vẫn quyết không chia cổ tức tiền mặt cho dù có kết quả kinh doanh tốt. Dù thị trường chứng khoán đang có đi lên, giá cổ phiếu ngân hàng đang đi lên tích cực nhưng với hàng tỷ cổ phiếu sắp dồn ra thị trường thì các cổ đông vẫn phải gánh nỗi buồn: "cổ tức về tay, tiền tỷ bay hơi" vì cổ phiếu mất giá.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
2 Yêu thích
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại