Chứng khoán tuần từ 19 - 23/9: Chờ động thái tăng lãi suất từ Fed
Thị trường chứng khoán Việt Nam đã có tuần biến động mạnh cùng thế giới. Đây cũng là tuần giảm thứ 3 liên tiếp của chỉ số VN-Index với thanh khoản suy giảm. Giới phân tích nhận định, tâm điểm của thị trường tuần tới là kỳ họp chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) diễn ra vào ngày 20 - 21/9.
Tâm lý thận trọng chiếm ưu thế
Công ty cổ phần Chứng khoán MB (MBS) cho biết, thị trường trong nước tuần qua chỉ có 2 phiên tăng và 3 phiên giảm, đây cũng là tuần giảm thứ 3 liên tiếp của chỉ số VN-Index.
Dòng tiền thận trọng sau báo cáo lạm phát tháng 8 tại Mỹ, bên cạnh đó rủi ro từ các phiên đáo hạn phái sinh cùng các quỹ đầu tư ETF (quỹ đầu tư mô phỏng theo biến động của chỉ số chứng khoán hoặc trái phiếu) cơ cấu ở phiên cuối tuần cũng khiến nhà đầu tư hạn chế giao dịch hoặc đứng ngoài quan sát.
Thị trường chốt tuần bằng phiên giảm khi có giao dịch của các quỹ ETF tái cơ cấu danh mục. Nhà đầu tư cũng đã chủ động hạn chế giao dịch trong phiên sáng do vậy thanh khoản cũng xuống ở mức thấp. Tuy vậy vẫn có điểm tích cực trong phiên này khi lực cầu chủ động chờ đợi đợt cơ cấu danh mục của các quỹ ETF để mua giá tốt.
Tâm điểm tuần tới là kỳ họp chính sách tiền tệ của Fed vào ngày 20 - 21/9, khi giới đầu tư kỳ vọng Fed nâng lãi suất 0,75 điểm phần trăm, tuy nhiên xác suất Fed tăng 1 điểm phần trăm cũng đang tăng lên, theo dữ liệu từ CME Group, giới đầu tư đang đặt cược 30% vào bước nhảy lãi suất “khủng” này.
Do vậy, trong kịch bản Fed tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm, thị trường sẽ có phản ứng tích cực và ngược lại nếu Fed nâng lãi suất 1 điểm phần trăm, thị trường sẽ có nhiều biến động, chỉ số VN - Index có vùng hỗ trợ ở 1.218- 1.220 điểm.
Theo Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS), sau phiên giảm mạnh giữa tuần trước, giao dịch trên thị trường tuần qua có phần thận trọng hơn do là tuần đáo hạn phái sinh, các quỹ ETF thực hiện đảo danh mục, bên cạnh đó thông tin lạm phát của Mỹ trong tháng 8 cao hơn dự kiến và chứng khoán Mỹ giảm mạnh ngày 13/9 cũng tác động tới tâm lý chung của nhà đầu tư.
Mặc dù VN-Index giảm nhẹ trong phiên 14/9, nhưng áp lực bán gia tăng trong phiên đảo danh mục ETF cuối tuần đã khiến cho chỉ số có tuần giảm điểm thứ 3 liên tiếp xuống mốc 1.234,03 điểm, giảm1,18% so với cuối tuần trước; chỉ số HNX-Index chốt tuần tại 272,88 điểm, giảm tới 4,13% còn UPCOM-Index là 89,46 điểm, giảm 1,3%.
Tổng giá trị giao dịch trên cả 3 sàn đạt 75.057 tỷ đồng, tương ứng 15.000 tỷ đồng/phiên, giảm 15,5% so với tuần trước. Khối lượng giao dịch tại sàn HOSE giảm 19,4% và giá trị giao dịch giảm 15,4%. Tại HNX, khối lượng giao dịch giảm 15,1% và giá trị giao dịch giảm 7,8%. Tại UPCOM cả khối lương giao dịch và giá trị giao dịch cùng giảm mạnh lần lượt 50% và 29,3%.
Với mức giảm điểm trên cả hai sàn trong tuần qua, toàn bộ các nhóm ngành đều có mức sụt giảm. Nhóm cổ phiếu nguyên vật liệu giảm mạnh nhất trong tuần qua với 2,1% giá trị vốn hóa, với các mã tiêu biểu như: HSG giảm 4,18%, NKG giảm 3,48%, HPG giảm 3,36%...; trong đó, HPG và HSG trong kỳ cơ cấu danh mục của các quỹ ETF phiên cuối tuần đã bị bán ra lần lượt 7,8 và 5,6 triệu cổ phiếu.
Nhóm cổ phiếu trụ cột thị trường là ngân hàng cũng có mức giảm 1,7% giá trị vốn hóa. Các mã giảm mạnh như TCB giảm 4,4%, SHB giảm 4,2%, BID và VPB đều giảm 4,1%, ACB giảm 3,5%, CTG giảm 2,4%...
Tiếp theo là nhóm cổ phiếu dầu khí với mức giảm 1,2%, nguyên nhân chủ yếu là do giá dầu thế giới tuần qua vẫn tiếp tục sụt giảm, với các mã tiêu biểu như: BSR giảm 2,7%, PLX giảm 2,6%, OIL giảm 1,9%...
Nhóm cổ phiếu công nghệ thông tin cũng mất 1,4% giá trị vốn hóa, chủ yếu là do ảnh hưởng của cổ phiếu FPT giảm 2,1%...
Khối ngoại bán ròng trên hai sàn trong tuần qua với giá trị ròng đạt 901,19 tỷ đồng. Xét theo khối lượng ròng, STB là mã chứng khoán bị bán ròng nhiều nhất với 15,5 triệu cổ phiếu. Tiếp theo là FUEVFVND với gần 7,9 triệu đơn vị và VND với 7,6 triệu cổ phiếu. Ở chiều ngược lại, PVD là mã chứng khoán được mua ròng nhiều nhất với 12 triệu cổ phiếu.
Trên thị trường phái sinh, các hợp đồng tương lai VN30 đang thấp hơn so với VN30 từ 15,76 đến 21,53 điểm sau phiên đáo hạn 15/9, cho thấy các nhà giao dịch vẫn đang nghiêng về khả năng thị trường có thể tiếp tục điều chỉnh trong thời gian tới.
SHS cho rằng, VN-Index tạo đáy tại vùng 1.140 điểm trong tháng 7, phục hồi trong tháng 8 và trong tháng 9 sẽ diễn biến điều chỉnh, tích lũy thêm để tạo nền giá tích lũy trung dài hạn.
Với vùng hỗ trợ tâm lý quanh 1.200 - 1.225 điểm cũng là vùng hỗ trợ của trendline (đường xu hướng, được xác định dựa vào các đỉnh và đáy của giá) nối các vùng đáy trung hạn cao dần từ vùng 1.000 - 1.030 điểm, thấp nhất năm 2021 và vùng 1.143 - 1.156 điểm, thấp nhất tháng 5 và tháng 7 năm 2022.
Các ngưỡng kháng cự quan trọng là vùng 1.260 điểm, vùng 1.250 điểm tương ứng đường xu hướng giảm giá ngắn hạn nối các đỉnh giá cao nhất tháng 9/2022.
Chuyên gia từ SHS cũng nhận định, dù thị trường tuần qua diễn biến khá tiêu cực với áp lực bán, điều chỉnh mở rộng, nhưng lực cầu ngắn hạn vẫn gia tăng ở các mã nhóm đầu tư công, năng lượng, lương thực.
Dựa trên kỳ vọng vào nhu cầu cuối năm, cũng như kỳ vọng vào định hướng ưu tiên trong nội dung Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, dự kiến sẽ trình Chính phủ xem xét thông qua và trình Quốc hội quyết định tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV vào tháng 10. Theo đó có nội dung "nhất trí với các đột phá phát triển hạ tầng, ưu tiên phát triển mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông; trong đó có giao thông đô thị Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh, năng lượng, viễn thông..."
Trên góc nhìn dài hạn, thị trường vẫn đang tích lũy trên nền định giá ở mức thấp so với trung bình 5 năm gần nhất. Nhà đầu tư duy trì tỷ trọng hợp lý, chờ thêm các thông tin mới về tình hình kinh doanh của doanh nghiệp khi quý III/2022 gần kết thúc, các thông tin vĩ mô, tăng trưởng GDP…, cũng như xu hướng của thị trường chung cải thiện để xem xét gia tăng thêm tỷ trọng đầu tư đối với các mã có tiềm năng tăng trưởng tốt, SHS khuyến nghị.
Theo Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS), VN-Index diễn biến đồng pha với chứng khoán thế giới trong tuần vừa qua.
Trên thế giới, tuần vừa qua Mỹ công bố chỉ số giá tiêu dùng cao vượt kỳ vọng thị trường bất chấp việc giá nhiên liệu đã hạ nhiệt. Trong bối cảnh đó, các kỳ vọng thị trường về việc tăng lãi suất có thay đổi đáng kể.
VCBS cho rằng, rủi ro điều chỉnh về mặt định giá vẫn hiện hữu với các tài sản có mối liên hệ với lãi suất dài hạn. Với các diễn biến này, tâm lý thận trọng vẫn chiếm ưu thế trong tuần tới khi các mục tiêu liên quan đến ổn định kinh tế vĩ mô Việt Nam vẫn đang gặp thách thức lớn.
Đồng pha với thế giới
Thị trường chứng khoán Việt Nam đi xuống cũng đồng pha với các thị trường trên thế giới. Thực tế, đây cũng tuần giao dịch nhiều khó khăn đối với các thị trường chứng khoán trên thế giới.
Theo đó, chứng khoán Phố Wall đi xuống trong phiên 16/9, đã khiến mức giảm theo tuần càng sâu hơn giữa lúc thị trường ngày càng lo sợ một cuộc khủng hoảng kinh tế sau cảnh báo mới nhất từ hãng kho vận FedEx.
Bên cạnh đó, những lo ngại về lạm phát cùng chính sách tăng lãi suất mạnh tay của Fed đã khiến các chỉ số chính S&P 500 và Nasdaq ghi nhận mức giảm hàng tuần tính theo tỷ lệ phần trăm tồi tệ nhất kể từ tháng 6/2022.
Phiên này, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 0,5% xuống 30.822,42 điểm. Chỉ số tổng hợp S&P 500 giảm 0,7% xuống 3.873,33 điểm. Chỉ số công nghệ Nasdaq Composite cũng mất 0,9% xuống 11.448,40 điểm.
Với mức giảm ghi nhận trong phiên 16/9, tính chung trong tuần qua chỉ số Dow giảm 4,1% trong khi S&P 500 lùi 4,8% và Nasdaq Composite mất 5,5%.
Nhiều nhà phân tích đã hạ dự báo của họ về triển vọng lợi nhuận doanh nghiệp trong quý III/2022. Theo công ty chuyên về dữ liệu tài chính FactSet, thị trường hiện kỳ vọng tăng trưởng thu nhập đối với nhóm chỉ số S&P 500 chỉ là 3,7% trong quý III/2022, giảm mạnh so với kỳ vọng tăng trưởng 9,8% ghi nhận hồi cuối tháng Sáu.
Ông Alessio de Longis, Giám đốc danh mục đầu tư cấp cao tại công ty quản lý đầu tư Invesco nhận định, thị trường chứng khoán sẽ còn giảm sâu nữa vì giới đầu tư trước đây hầu như không đặt cược vào một cuộc suy thoái. Ông dự kiến rằng nền kinh tế Mỹ sẽ suy thoái trong 12 tháng tới khi Fed tích cực tăng lãi suất để giảm lạm phát.
Tại châu Á, các thị trường chứng khoán cũng hầu hết giảm điểm phiên cuối tuần 16/9. Kết thúc phiên này, tại thị trường Tokyo, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 1,11% xuống 27.567,65 điểm.
Tại thị trường Seoul, chỉ số Kospi của Hàn Quốc hạ 0,79%, nối dài chuỗi ngày giảm điểm sang ngày thứ ba liên tiếp. Kết thúc phiên này, chỉ số Kospi hạ 19,05 điểm, xuống 2.382,78 điểm.
Không nằm ngoài xu hướng trên, tại Trung Quốc, hai sàn giao dịch chứng khoán chủ chốt là Thượng Hải và Hong Kong cũng đồng loạt đỏ sàn, do mối quan ngại lạm phát dai dẳng và xu hướng tăng lãi suất. Chốt phiên, chỉ số Hang Seng giảm 0,89% xuống 18.761,69 điểm. Chỉ số Shanghai Composite mất 2,3% xuống 3.126,40 điểm.
Các thị trường khác của khu vực châu Á-Thái Bình Dương như Mumbai (Ấn Độ) và Sydney (Australia)... cũng hạ điểm, khi giới đầu tư giữ tâm lý thận trọng trước cuộc họp của Fed.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận