Chứng khoán toàn cầu đỏ lửa sau khi Mỹ bị hạ bậc tín nhiệm
Thị trường chứng khoán toàn cầu nhuốm sắc đỏ sau khi cơ quan xếp hạng Fitch Ratings hạ bậc tín nhiệm của Mỹ từ AAA xuống AA+.
Tony Sycamore, Chuyên viên phân tích thị trường tịa IG, cho biết điều này sẽ làm dấy lên làn sóng né tránh rủi ro và tác động tiêu cực tới thị trường cổ phiếu. Động thái của Fitch Ratings có thể cũng châm ngòi cho hoạt động mua tài sản trú ẩn an toàn như trái phiếu Chính phủ Mỹ và đồng Yên Nhật, đồng Franc Thụy Sỹ.
Tính tới lúc 14h45 ngày 02/08, ở thị trường Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 giảm 2.3% xuống 32,707.69 điểm, dưới sức ép của các cổ phiếu công nghệ y tế, tiện ích. Trong khi đó, chỉ số Topix cũng giảm 1.52% xuống 2,301.76 điểm.
Ở Hồng Kông, chỉ số Hang Seng giảm 2.34%, chủ yếu vì cổ phiếu chăm sóc sức khỏe. Chứng khoán Trung Quốc đại lục cũng nhuốm sắc đỏ, với chỉ số Shanghai Composite giảm 0.91% và Shenzhen Component hạ 0.49%.
Với thị trường Hàn Quốc, chỉ số Kospi giảm 1.9% xuống 2,616.47 điểm, chấm dứt chuỗi 4 phiên tăng liên tiếp. Trong khi đó, chỉ số Kosdaq sụt 3.18% xuống 909.76 điểm. Xứ sở kim chi vừa ghi nhận tỷ lệ lạm phát ở mức 2.3%, thấp nhất trong 25 tháng.
Trong khi đó, chỉ số ASX 200 giảm 1.29% xuống 7,354.7 điểm. Trong ngày trước đó, NHTW Australia giữ nguyên lãi suất ở mức 4.1%.
Trên thị trường Mỹ, hợp đồng tương lai Dow Jones giảm 139 điểm (tương đương 0.4%), S&P 500 giảm 0.57% và Nasdaq 100 lùi 0.87%.
Ở châu Âu, các chỉ số mở phiên 02/08 trong sắc đỏ, với Stoxx 600 giảm 1.07%, FTSE MIB lùi 0.97%, CAC giảm 0.87%.
Mỹ bị hạ bậc xếp hạng tín nhiệm
Fitch Ratings vừa hạ bậc tín nhiệm của Mỹ từ mức AAA xuống AA+ trong ngày 01/08.
Động thái của Fitch Ratings được đưa ra sau khi Mỹ rơi vào tình trạng bế tắc về thỏa thuận trần nợ cách đây vài tháng. Theo Fitch Ratings, các nhà làm luật của Mỹ đã đàm phán cho tới tận phút chót về thỏa thuận trần nợ và gây ra rủi ro vỡ nợ. Bên cạnh đó, sự nổi loạn trong ngày 06/01/2021 (trong giai đoạn bầu cử Tổng thống Mỹ) cũng là yếu tố khiến Fitch Ratings ra tay hạ bậc tín nhiệm của Mỹ.
Trái phiếu chính phủ Mỹ từ lâu được coi là an toàn nhất trong nhóm công cụ trú ẩn. Tuy nhiên, động thái của Fitch cho thấy tài sản này đã phần nào mất sức hấp dẫn. Việc này có thể gây ra nhiều ảnh hưởng, từ lãi vay mua nhà tại Mỹ đến các hợp đồng được thực hiện trên khắp thế giới.
Động thái của Ftich Ratings cũng có thể khiến nhà đầu tư bán trái phiếu chính phủ Mỹ, kéo theo lợi suất tăng vọt. Lợi suất này hiện là tham chiếu cho lãi suất của nhiều khoản vay.
Giải thích về việc hạ tín nhiệm, Fitch cho biết họ dự báo "tình hình tài khóa của Mỹ sẽ suy giảm trong ba năm tới, gánh nặng nợ công sẽ tăng cao và chất lượng quản trị đi xuống so với các nước có cùng xếp hạng AA và AAA trong hai thập kỷ qua". Fitch cho rằng những điều này khiến Mỹ liên tiếp rơi vào bế tắc khi đàm phán nâng trần nợ, và chỉ tìm được giải pháp vào phút chót.
Fitch Ratings cho biết quyết định này không chỉ đến từ xung đột về trần nợ mà còn đến từ “sự suy giảm dần dần về chất lượng quản trị về vấn đề tài khóa và nợ trong 20 năm qua qua”.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận