Chứng khoán sẽ đi ngang
Những cú hồi phục của thị trường chứng khoán sẽ không rõ ràng. Do đó, thị trường sẽ theo xu hướng đi ngang, giảm dần, đặc biệt khi VN-Index càng gần đến ngưỡng hỗ trợ 1.200 điểm.
Trước bối cảnh nói trên, các nhà đầu tư (NĐT) nên giảm tỷ lệ vay margin, từ đó dần tìm ra cơ hội, thay vì liên tục mua bán.
VN-Index đang giao dịch ở trên mức 1.200 điểm.
4 lưu ý với nhà đầu tư
Hai tuần giảm điểm liên tiếp đã đẩy chỉ số VN-Index rơi về điểm thấp nhất, ghi nhận là 1.218,6 điểm trong phiên giao dịch ngày 24/7 trước khi thị trường có sự hồi phục lại. Như vậy kể từ mức cao nhất 1.297 điểm, VN-Index đã giảm 5,7%, một mức giảm không quá lớn. Tuy nhiên, ở nhiều cổ phiếu lại hoàn toàn ngược lại. Khá nhiều cổ phiếu giảm mạnh, trong số những cổ phiếu như VGI, VTP, FOX, ACV… có mã giảm gần 40% từ đỉnh. Nhiều mã gặp thông tin bất lợi giảm sàn liên tiếp 3 - 4 phiên như QCG, STK…
Có thể nói rằng tâm lý các NĐT trong giai đoạn này không còn quá mạnh mẽ như trước. Mặc dù áp lực bán của khối ngoại giảm, thậm chí có phiên mua ròng trở lại, nhưng giao dịch lại khá chậm và thanh khoản không quá cao. Thị trường thường ghi nhận thanh khoản mạnh đột biến trong xu hướng giảm mạnh, thay vì đang tăng giá. Điều đó cho thấy NĐT thích bắt đáy hơn, mong muốn chờ mua giá điều chỉnh hơn nên sẽ khó tạo ra xu hướng tăng lại.
Nhìn vào thị trường giai đoạn vừa qua có mấy điểm đáng lưu ý sau: Thứ nhất, cú sụt giảm mạnh của nhiều cổ phiếu như VGI, FOX, ACV, MFS… cho thấy những cổ phiếu tăng quá nóng đang chịu áp lực điều chỉnh mạnh. Những cổ phiếu tăng nóng như vậy luôn đi kèm với margin nên áp lực bán thường sẽ rất mạnh.
Thứ hai, cú giảm mạnh bất ngờ cuối phiên giao dịch phiên ngày 23/7 cho thấy rằng áp lực bán từ margin đã xuất hiện. Thị trường bất ngờ giảm thẳng đứng từ khoảng 8 - 22 điểm chỉ trong vài phút cuối.
Thứ ba, nhiều doanh nghiệp đã công bố kết quả kinh doanh bán niên, nhưng hầu như giá không phản ánh theo chiều tích cực, có nghĩa là giá đã được phản ánh trước đó. Ngược lại, những cổ phiếu của các doanh nghiệp công bố kết quả kinh doanh không tích cực, lập tức bị bán tháo như STK.
Thứ tư, đà giảm của thị trường vừa qua không gây sốc, không có quá nhiều mã nằm sàn như trước kia cho thấy áp lực margin chưa tác động rõ rệt. Thống kê từ FiinRatings cho thấy, tổng lượng marin đến hết tháng 6 đạt đỉnh cao, khoảng 218,8 nghìn tỷ đồng, tăng 25,9% so với đầu năm nay và tăng 53,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, điều này lại đang tiềm ẩn rủi ro về sau, có nghĩa rằng những NĐT bị kẹt lại sẽ mong muốn bán tháo, tạo áp lực cho thị trường. Những NĐT liên tục bị giảm NAV sẽ có xu hướng bán dần để giảm nguy cơ bị yêu cầu bổ sung margin. Điều này vô hình chung tạo áp lực với thị trường.
NĐT nên giảm tỷ lệ vay nợ margin, từ đó dần tìm ra cơ hội, thay vì liên tục mua bán.
Giảm lướt sóng
Nếu NĐT quan sát kỹ thị trường chứng khoán, sẽ thấy thanh khoản thường gia tăng khi thị trường giảm mạnh. Điều đó cho thấy NĐT thường gia tăng mua cổ phiếu ở mức giá rẻ để lướt sóng, nhưng việc thị trường giảm từ từ như trên không đủ biên độ để lướt sóng. Những ý tưởng lướt sóng đôi khi càng khiến những NĐT chậm tay mắc kẹt thêm ở giai đoạn này.
Ở những lần giảm trước, thị trường nhiều lần chứng kiến cú giảm rất mạnh với hàng chục, thậm chỉ cả trăm mã nằm sàn. Điều này thường sẽ tạo ra một cú hồi phục đủ mạnh và đủ hấp dẫn cho NĐT lướt sóng.
Tuy nhiên, lần này không như vậy, những cú hồi phục sẽ không rõ ràng. Do đó, thị trường sẽ theo xu hướng đi ngang, giảm dần, đặc biệt khi VN-Index càng gần đến ngưỡng hỗ trợ 1.200 điểm. Chúng ta sẽ lại sắp bước vào giai đoạn vùng trũng thông tin, điều này càng củng cố cho xu hướng này trên thị trường.
Mặc dù nhiều mã giảm mạnh nhưng theo đánh giá của nhiều tổ chức, chuyên gia, vẫn chưa đủ hấp dẫn. Với kịch bản thị trường đi ngang thì các cổ phiếu sẽ tăng/giảm đan xen, rất khó để kiếm lời. Xu hướng này thường kéo dài khá lâu nên những NĐT mua bán liên tục, vay margin nhiều sẽ chịu áp lực lớn về chi phí. Vì thế, để giảm bớt áp lực, NĐT nên giảm tỷ lệ vay nợ margin, từ đó dần tìm ra cơ hội, thay vì liên tục mua bán.
Đối với triển vọng thị trường cuối năm 2024, KB Securities Vietnam giảm mức điểm kỳ vọng của chỉ số VNIndex thời điểm cuối năm xuống 1.320 điểm (từ mức 1.360 điểm trong báo cáo gần nhất). Điều này là hệ quả của việc hạ mức P/E mục tiêu của chỉ số xuống 15 lần (từ mức 15,3 trong báo cáo gần nhất - phản ánh dự báo về mức nền lãi suất tăng cao hơn), và hạ dự phóng tăng trưởng lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết trên sàn HSX xuống 14% (từ mức 19% trong báo cáo gần nhất).
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận