Chọn cổ phiếu ‘vua’ nào đầu tư cho nửa cuối năm?
Những ngân hàng được cấp room tín dụng cao hơn so với ngành, tăng trưởng bền vững, bộ đệm an toàn vốn và chất lượng tài sản tốt sẽ có triển vọng khả quan hơn và ngược lại.
Mở cửa phiên 29/8, loạt cổ phiếu ngân hàng nổi sóng, tăng mạnh nhất phải kể đến STB tăng hơn 3%, MBB tăng 1,4%, VPB tăng gần 2%, ACB tăng hơn 1%... Xuyên suốt cả phiên, nhóm ngân hàng đóng vai trò nâng đỡ thị trường trong khi hàng loạt nhóm ngành khác như chứng khoán, bất động sản, tiêu dùng... giảm giá.
Tuy nhiên, áp lực bán gia tăng từ sau 14h, đặc biệt là khối ngoại, nhóm ngân hàng cũng không giữ vững đà tăng, nhiều cổ phiếu về mức tham chiếu như VPB, TCB, VIB hay giảm như BID, SHB…
Xét từ đầu tháng 8, đi cùng diễn biến chung của thị trường các cổ phiếu vua cũng phục hồi nhưng phân hóa như LPB tăng hơn 9%, STB tăng 7,6%, ACB tăng 4,4%, VPB và VCB tăng trên 3%… Thực tế, sự phân hóa đã diễn ra trong nửa đầu năm. Mức sinh lời bình quân của nhóm này đạt hơn 14% vượt trội so với mức 10% của VN-Index, tuy nhiên, chỉ có 12/27 mã có mức sinh lời cao hơn VN-Index, đặc biệt là LPB và TCB.
Nhóm ngân hàng cũng ghi nhận sự phân hóa trong kết quả kinh doanh. Các nhà băng có mức tăng trưởng lợi nhuận mạnh gồm LPB, VPB, TCB, HDB…, ngược lại tăng trưởng âm gồm NVB, VIB, OCB, ABB, PGB… do tín dụng tăng thấp và trích lập dự phòng cao.
Chứng khoán Agriseco nhận định những ngân hàng được cấp room tín dụng cao hơn so với ngành, tăng trưởng bền vững, bộ đệm an toàn vốn và chất lượng tài sản tốt sẽ có triển vọng khả quan hơn và ngược lại. Kế hoạch tăng vốn cuối năm cũng là đà thúc đẩy hỗ trợ cho giá cổ phiếu ngân hàng. Bên cạnh đó, kế hoạch nâng hạng thị trường lên thị trường mới nổi trong năm 2025 kỳ vọng giúp các cổ phiếu bluechip, trong đó có nhóm cổ phiếu vua, thu hút dòng tiền quan tâm giai đoạn tới.
Chiều ngày 28/8, NHNN thông báo tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống tính đến 26/8 đạt 6,63% so với cuối năm 2023, thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu định hướng đầu năm (15%). Mức tăng trưởng tín dụng của các nhà băng không đồng đều, có đơn vị tăng trưởng âm trong khi một số tăng sát chỉ tiêu NHNN đã thông báo.
Theo đó, kể từ ngày 28/8, tổ chức tín dụng có tốc độ tăng trưởng tín dụng đạt từ 80% chỉ tiêu NHNN đã thông báo đầu năm 2024 sẽ được chủ động điều chỉnh tăng thêm dư nợ tín dụng dựa trên cơ sở điểm xếp hạng. Việc bổ sung hạn mức này là sự chủ động của NHNN mà các tổ chức tín dụng không cần phải đề nghị.
Trong nửa đầu năm, nhiều nhà băng đạt tốc đột tăng trưởng tín dụng vượt trội so với toàn ngành như Techcombank đạt 14%, LPBank đạt 15,2%, ACB đạt 12,8%, HDBank khoảng 12,5% và nhiều đơn vị khác trên 10% như VPBank, MBBank, MSB…
Nhiều động lực cho tăng trưởng tín dụng cuối năm
Chứng khoán VPBankS cho rằng mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay có thể đạt được mục tiêu đề ra nhờ mùa tiêu dùng, sản xuất kinh doanh vào nửa cuối năm. Thêm nữa, việc Fed hạ lãi suất vào tháng 9 sẽ giúp chênh lệch lãi suất điều hành của Việt Nam và Mỹ thu hẹp lại, Việt Nam sẽ có dư địa điều hành chính sách tiền tệ nới lỏng và tỷ giá được kiểm soát hơn.
Mặt khác, ngành bất động sản, chiếm đến hơn 20% tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế, đang có chuyển động theo hướng tích cực. Bất động sản là một lĩnh vực hấp dẫn đối với hoạt động cho vay ngân hàng do nhu cầu cao và ổn định, cùng với tài sản thế chấp mạnh. Nhu cầu cho nhà ở rất lớn nên còn rất nhiều dư địa cho vay.
Thời gian qua, lãi suất cho vay mua nhà đã giảm nhiều nhưng giá nhà vẫn neo ở mức cao so với thu nhập và ngành ngân hàng cần xử lý nợ xấu tồn đọng nên tình hình giải ngân cho vay mua nhà chưa quá tích cực.
Từ ngày 1/8, 3 bộ luật gồm Luật đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Nhà ở chính thức có hiệu lực. Luật mới góp phần bảo vệ quyền lợi người mua nhà trong việc giảm vốn bị chiếm dụng bởi doanh nghiệp bất động sản trong khi đang xử lý pháp lý dự án như chỉ thu tiền cọc không quá 5% giá bán, thanh toán lần đầu không quá 30% giá trị hợp đồng, giảm tỷ lệ thanh toán khi thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai xuống còn 50% thay vì 70%. Đồng thời, luật mới cũng gỡ nhiều vướng mắc, tăng cầu cho mảng chung cư khi bỏ quy định sở hữu có thời hạn, mở rộng đối tượng mua nhà ở xã hội.
VPBankS kỳ vọng các chính sách, cơ chế điều hòa giá nhà đất cho phù hợp với mức thu nhập của người dân và gói tín dụng cho vay nhà ở xã hội 120.000 tỷ sẽ thúc đẩy tăng trưởng tín dụng bền vững hơn. Mặt khác, quy định mới làm tăng chi phí vốn, sinh ra nhu cầu vốn tín dụng để vận hành doanh nghiệp/dự án nhiều hơn từ phía các công ty bất động sản.
Phân khúc cho vay bất động sản khu công nghiệp còn chiếm tỷ trọng nhỏ trong cho vay bất động sản nhưng tiềm năng lớn. Động lực đến từ quỹ đất khu công nghiệp tiếp tục được bổ sung mạnh mẽ trong giai đoạn 2025-2030, với trọng tâm mở rộng là các khu vực được coi là trung tâm khu công nghiệp, có khả năng thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước như Đông Nam Bộ, đồng bằng Sông Hồng, Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung. Hơn nữa, kể từ ngày 1/7, hệ số rủi ro tín dụng bất động sản khu công nghiệp giảm từ 200% xuống 160%.
VPBankS đánh giá các ngân hàng đã có chương trình riêng cho lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp sẽ hưởng lợi từ xu hướng này, trong đó có VPB, CTG, VCB, BID, MBB.
Song, Thông tư 22 có hiệu lực từ ngày 1/7, ngân hàng thương mại chỉ được cho cá nhân vay để mua nhà ở đã được hoàn thành để bàn giao, tức là nhà ở có sẵn. Hạn mức cấp tín dụng cho khách hàng cũng chặt chẽ hơn, chỉ cho vay khoảng 50% giá trị tài sản đảm bảo thay vì 70% như trước đây. Điều khoản này có thể gây khó khăn cho thị trường bất động sản và có thể giảm khả năng tiếp cận vốn kịp thời của khách hàng cá nhân tại ngân hàng nhưng có lợi cho chất lượng tài sản của ngân hàng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận