Chính sách tiền tệ gặp áp lực, cổ phiếu ngân hàng lao dốc
Lạm phát tăng đặt ra nhiều thách thức cho NHNN trong điều hành chính sách tiền tệ, gây sức ép lên cổ phiếu ngân hàng, NHNN muốn gia hạn Nghị quyết 42... là tâm điểm ngân hàng tuần qua.
Tín dụng bật mạnh, giá cả leo thang: Cơ quan quản lý có thay đổi chính sách tiền tệ?
Giá cả và lạm phát thế giới đang tăng phi mã gây áp lực lên chính sách tiền tệ. Theo ông Cao Minh Hoàng, Giám đốc đầu tư Công ty Quản lý quỹ IPA, hai rủi ro nhất trên thị trường thế giới hiện nay là căng thẳng Nga - Ukraine cùng các biện pháp trừng phạt leo thang và việc nhiều quốc gia lớn có thể tăng lãi suất để đối phó với lạm phát.
Tuần này, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ có phiên họp chính sách, khả năng tăng lãi suất của ECB vẫn để ngỏ. Trong khi đó, trong phiên họp chính sách sách giữa tháng này, khả năng tăng lãi suất 0,25% của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã gần như chắc chắn. Tuy vậy, khả năng Fed thu hẹp thêm bảng cân đối tài sản - đồng nghĩa với thắt chặt thêm chính sách tiền tệ - cũng không loại trừ.
Theo nhận định của ông Cao Minh Hoàng, giá cả hàng hóa và lạm phát tăng nhanh trên thế giới đang khiến các quốc gia châu Âu và Mỹ khó khăn hơn trong việc đưa ra chính sách tiền tệ, vì vừa phải đối phó với lạm phát, vừa phải đối phó với hệ quả của các biện pháp trừng phạt Nga có thể gây ra cho nền kinh tế.
Các chuyên gia có chung nhận định rằng, chính sách tiền tệ của các nước thời gian tới sẽ khó dự đoán hơn với các quốc gia trên thế giới, song các nước đều có sự thận trọng, “nuông chiều” nhất định với thị trường tài chính toàn cầu, không có các quyết sách quá sốc và chủ đạo vẫn là theo hướng thắt chặt hơn.
Lạm phát và giá cả hàng hóa trên thế giới tăng phi mã cũng như xu hướng tăng lãi suất của các nước lớn dự báo sẽ tác động không nhỏ tới lạm phát của Việt Nam, từ đó gây nhiều áp lực lên điều hành chính sách tiền tệ.
Trong 2 tháng đầu năm, tín dụng tăng khoảng 1,825, tăng rất mạnh so với mức tăng 0,06% của 2 tháng đầu năm 2020 và mức 0,67% của 2 tháng đầu năm 2021. Trong khi đó, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay trên thị trường cũng đang dần có dấu hiệu nhích lên.
Năm nay, NHNN dự kiến tín dụng tăng 14%, có thể điều chỉnh linh hoạt, tùy theo diễn biến thị trường. Bên cạnh đó, NHNN cũng đang khẩn trương soạn thảo các văn bản hướng dẫn để triển khai gói cấp bù lãi suất 40.000 tỷ đồng, tương đương 2 triệu tỷ đồng sẽ bơm ra cho nền kinh tế năm nay và năm sau.
Câu hỏi đặt ra là, trong bối cảnh tín dụng phục hồi mạnh và lạm phát gia tăng, liệu NHNN có thay đổi chính sách tiền tệ theo hướng thắt chặt thêm giống như các quốc gia khác?
TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế cho rằng, giá dầu và giá hàng hóa trên thế giới tăng mạnh sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới Việt Nam. Nếu Chính phủ không có các biện pháp để ổn định giá các mặt hàng thiết yếu, thì lạm phát sẽ gia tăng, khiến việc phục hồi kinh tế gặp khó khăn. Vì vậy, ông Lực cho rằng, điều quan trọng nhất là phải chuẩn bị nguồn cung, tránh hiện tượng khan hiếm giả, kiểm soát lạm phát và thực hiện ngay các gói hỗ trợ phục hồi nền kinh tế.
Theo nhận định của các chuyên gia, mặc dù áp lực lạm phát là rất lớn, song Việt Nam vẫn có nhiều dư địa để kiểm soát. Ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận Kinh tế vĩ mô và Chiến lược thị trường thuộc Khối Phân tích (CTCP Chứng khoán VnDirect) cho rằng, lạm phát trên thế giới đang phân hóa mạnh mẽ. Trong khi Mỹ, Anh và một số nước EU đang phải đối mặt với lạm phát cao, thì một số nước châu Á như Việt Nam, Trung Quốc đang kiểm soát lạm phát khá tốt.
Bình quân 2 tháng đầu năm nay, CPI cả nước chỉ tăng 1,68% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo ông Hinh, lạm phát ở Việt Nam năm nay chỉ khoảng 3,5% và Việt Nam hoàn toàn có thể thực hiện các giải pháp nới lỏng tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ nền kinh tế.
Theo giới chuyên gia, sự “lệch pha” của Việt Nam với nhịp tăng trưởng của thế giới chính là lý do khiến lạm phát ở Việt Nam chưa đáng ngại. Cụ thể, năm 2021 là đỉnh phục hồi của nhiều nước trên thế giới, trong khi Việt Nam lại bị ảnh hưởng nặng nề của làn sóng Covid-19 thứ tư. Năm 2022, nhờ phủ sóng vắc-xin, Việt Nam mới bước vào nhịp tăng trưởng, chậm so với thế giới khoảng 6 tháng, Chỉ số Quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất liên tục đạt trên 50 điểm trong 5 tháng liên tiếp…
Về giá xăng dầu, các chuyên gia cho rằng, thuế và phí chiếm tới 4% cơ cấu giá thành xăng dầu trong nước, Chính phủ hoàn toàn có thể can thiệp để giữ giá nếu giảm thuế, phí xăng dầu. Tương tự, với giá y tế, giáo dục, điện nước…, Chính phủ cũng có thể tham gia điều chỉnh linh hoạt để kiểm soát lạm phát.
Với chính sách tiền tệ, ảnh hưởng rõ nhất của lạm phát toàn cầu là lạm phát đang tăng lên. Dù vậy, theo nhận định của giới phân tích, năm nay, NHNN sẽ không tăng lãi suất cơ bản và sẽ có nhiều biện pháp để hỗ trợ thanh khoản hệ thống. Vì vậy, lãi suất cho vay nếu tăng cũng chỉ tăng xung quanh 1%.
Biến số kinh tế - chính trị thế giới đang gây sức ép lớn cho điều hành chính sách tiền tệ năm nay. Dù vậy, với nền tảng tốt trong nước, dự trữ ngoại hối kỷ lục, vốn FDI liên tục tăng mạnh, niềm tin của người dân và nhà đầu tư vững chắc…, NHNN cũng đang có nhiều điểm tựa để tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ ổn định, linh hoạt.
Cung tiền không gây áp lực lớn tới lạm phát
Giá cả hàng hóa - đặc biệt là xăng dầu – tăng phi mã cộng với gói hỗ trợ phục hồi kinh tế 350.000 tỷ đồng sắp giải ngân đang gây ra những lo ngại về lạm phát.
Mặc dù vậy, ông Nguyễn Bích Lâm - Chuyên gia kinh tế, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng, sức ép từ gói hỗ trợ này không lớn, xét về mặt cung tiền.
Cụ thể, gói hỗ trợ 350 nghìn tỷ thực hiện trong 2 năm với cơ cấu: chính sách tài khoá chiếm 83% tương đương với 291 nghìn tỷ; chính sách tiền tệ chiếm 14% tương đương với 52,5 nghìn tỷ (trong đo có gói cấp bù lãi suất 40.000 tỷ đồng); Hỗ trợ khác chiếm 3%.
“Giải ngân gói 350.000 tỷ tác động đến lạm phát chủ yếu do sức ép tăng giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào và lạm phát chuỗi cung ứng. Cơ cấu của gói 350.000 tỷ có nhiều gói nên không gây nên lạm phát do cung tiền. Thêm nữa Ngân hàng Nhà nước có giải pháp và kinh nghiệm điều hành chính sách tiền tệ nên nhiều năm qua, lạm phát của Việt Nam không do yếu tố tiền tệ”, ông Lâm khẳng định.
Mặc dù nhận định cung tiền không gây áp lực cho lạm phát, song ông Lâm thừa nhận, lam phát năm 2022 chịu ảnh hưởng bởi rất nhiều yếu tố, đặc biệt là do cầu tăng mạnh trong khi cung thiếu hụt.
Cụ thể, năm nay, tổng cầu tăng đột biến (do triển khai gói 350.000 tỷ đồng hỗ trợ phục hồi nền kinh tế, đầu tư vào cơ sở hạ tầng tăng, các gói kích thích từ năm 2021 thẩm thấu; tiêu dùng của hộ gia đình phục hồi tăng trở lại sau năm 2021 trầm lắng và giảm sâu…).
Trong khi đó, nguồn cung lại thiếu hụt do tình trạng thiếu nguyên vật liệu đầu vào cho các ngành, đặc biệt nguyên nhiên vật liệu nhập khẩu.
Ngoài ra, đứt gẫy chuỗi cung ứng thế giới và trong nước khiến cho giá nguyên vật liệu tăng và đứng ở mức cao nhất là giá xăng dầu, giá chất đốt, điện, lương thực, thức ăn chăn nuôi gia tăng… Bên cạnh đó, do thiếu hụt lao động, doanh nghiệp phải tăng lương, dẫn tới tăng chi phí và giá thành sản phẩm.
“Có thể thấy, năm 2022, áp lực lạm phát của kinh tế nước ta xuất phát từ sự kết hợp, cộng hưởng của cả tổng cầu tăng đột biến và nguồn cung khó đáp ứng mức tăng của tổng cầu. Trong đó, yếu tố thứ hai đóng vai trò chính, lớn hơn trong việc gia tăng lạm phát của nền kinh tế. Nói cách khác, áp lực lạm phát trong năm 2022 của nước ta vừa đến từ vấn đề kinh tế vĩ mô và lạm phát chuỗi cung ứng toàn cầu cũng như chuỗi cung ứng trong nước”, ông Lâm đánh giá.
Mặc dù Chính phủ có nhiều biện pháp để kiểm soát lam phát như; đảm bảo đầy đủ các nguồn cung (xăng dầu, sắt thép…); điều hành giá xăng dầu, giá điện, giá dịch vụ do Nhà nước quản lý đúng thời điểm, đúng liều lượng; Phối hợp điều hành chính sách tài khoá và tiền tệ linh hoạt, đảm bảo thanh khoản cho nền kinh tế, song việc kiểm soát lạm phát ở mức 4% theo mục tiêu Quốc hội đề ra, theo chuyên này là không đơn giản. Bởi khi xây dựng mục tiêu lạm phát 4%, chúng ta không thể dự báo được tình hình chính trị thế giới như hiện nay mà chủ yếu dựa trên nền số liệu lạm phát thấp của năm 2021.
Áp lực tăng lãi suất đè nặng lên cổ phiếu ngân hàng
Chiến tranh Nga - Ukraine và các biện pháp trừng phạt kinh tế leo thang đang tác động tiêu cực đến nhiều ngành kinh tế toàn cầu. Tại Việt Nam, áp lực lạm phát tăng là rất lớn và ngành ngân hàng được xếp vào nhóm ngành có ảnh hưởng tiêu cực, bởi lạm phát tăng, kéo theo lãi suất huy động tăng, khiến “nồi cơm” lợi nhuận của ngân hàng nhỏ lại.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, lãnh đạo một ngân hàng TMCP cho hay, năm nay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và Chính phủ vẫn giao nhiệm vụ cho ngành ngân hàng phải giảm lãi suất cho vay, trong khi mặt bằng lãi suất huy động đang nhích lên rõ rệt. Điều này sẽ làm giảm biên lãi thuần (NIM) của các ngân hàng.
“Hiện tại, các ngân hàng vẫn sống dựa khoảng 70% vào tín dụng, NIM giảm sẽ làm lợi nhuận ngân hàng không như kỳ vọng. Đây là lo lắng của nhà đầu tư, khiến cổ phiếu giảm”, vị lãnh đạo này nhận định.
Trong tuần này, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ có phiên họp chính sách. Tuần sau, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cũng sẽ họp và chính thức công bố quyết định tăng lãi suất, cũng như lộ trình tăng lãi suất trong năm.
Giữa tháng 2 vừa qua, cổ phiếu ngân hàng đã lao dốc sau khi có tin đồn về việc Fed có thể họp khẩn về việc tăng lãi suất. Dù khả năng đó không xảy ra, song cổ phiếu ngân hàng vẫn trong giai đoạn tiêu cực. Tuần qua, cổ phiếu “vua” tiếp tục đi xuống, sau khi NHNN có văn bản yêu cầu ngân hàng thương mại báo cáo về tình hình hợp tác với thị trường Nga, tác động của lệnh trừng phạt Nga đối với việc xử lý giao dịch cho khách hàng.
Hai năm qua, môi trường lãi suất thấp khiến tốc độ tăng trưởng huy động vốn khu vực dân cư của ngân hàng sụt giảm mạnh và thấp hơn tiền gửi doanh nghiệp. Lo ngại dòng tiền huy động tiếp tục sụt giảm nếu lạm phát tăng, nhiều ngân hàng đã phải nâng lãi suất huy động từ đầu năm nay.
Ngân hàng tăng lãi suất huy động để thu hút tiền gửi, trong khi không thể tăng mạnh lãi suất cho vay tương ứng, khiến biên lợi nhuận bị thu hẹp.
Thời điểm này năm ngoái, cổ phiếu ngân hàng “lên hương” nhờ thông tin tấp nập về chia cổ tức khủng. Năm nay, mùa Đại hội đồng cổ đông của các ngân hàng sắp bắt đầu cùng những kế hoạch chia cổ tức cao ngất ngưởng.
Cụ thể, theo kế hoạch được VIB thông báo, tại Đại hội đồng cổ đông năm 2022, ngân hàng này dự kiến trình cổ đông thông qua phương án chia cổ phiếu thưởng 35% cho cổ đông hiện hữu và 0,7% cho nhân viên từ nguồn vốn chủ sở hữu.
Dù chưa công bố tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông năm nay, song một số ngân hàng cũng hé lộ kế hoạch chia cổ tức khủng, như MSB dự định chia cổ tức 30%, OCB dự kiến duy trì mức 20 - 25% cho cổ đông. SHB dự kiến chi trả cổ tức năm 2021 bằng cổ phiếu với tỷ lệ tối thiểu 15%. Các ông lớn như BIDV, Vietcombank… có kế hoạch phát hành hàng tỷ cổ phiếu để tăng vốn năm 2022.
Ngoài thông tin tăng vốn, nhiều thông tin mua bán - sáp nhập (M&A) cũng đang hỗ trợ cổ phiếu ngân hàng. Cụ thể, VPBank đang khẩn trương hoàn tất thương vụ bán 15% vốn cho đối tác nước ngoài, VietinBank đang khẩn trương thoái vốn khỏi công ty con. Một loạt ngân hàng khác cũng đang tìm kiếm nhà đầu tư nước ngoài như Vietcombank, OCB, LienVietPostBank, Nam A Bank... Chưa kể, hàng loạt thương vụ bán bảo hiểm độc quyền trị giá hàng ngàn tỷ đồng đang được nhiều ngân hàng khẩn trương đàm phán.
Bất chấp các thông tin tích cực, cổ phiếu vua vẫn liên tục lao dốc. Thống kê dữ liệu của Fiintrade cho thấy, trong vòng một tháng qua, giá trị vốn hóa của ngành ngân hàng đã bốc hơi khoảng 107.000 tỷ đồng, tương đương 4,7 tỷ USD. Trong số các nhóm ngành trên thị trường, ngân hàng là ngành giảm điểm mạnh nhất trong tháng qua, giảm tới 5,17%.
Ông Phan Dũng Khánh, chuyên gia kinh tế cho rằng, nếu lạm phát tăng nhanh, nhiều ngành kinh tế sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực và ngân hàng nằm trong nhóm này.
Chưa kể, nhiều ý kiến cũng cho rằng, cổ tức ngân hàng dù cao, nhưng cũng không còn hấp dẫn bởi nhà đầu tư đã “ngán” cổ phiếu giấy. Trong khi đó, các thương vụ M&A cũng không còn chứa đựng yếu tố bất ngờ.
Điểm tích cực là định giá cổ phiếu ngân hàng đang về vùng hấp dẫn. NIM của các ngân hàng năm nay có thể giảm, song vẫn ở mức cao; dự báo lợi nhuận toàn ngành năm nay vẫn tăng trưởng trên 20%, lạc quan so với rất nhiều ngành kinh tế khác.
Ông Đặng Trần Phục, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần AzFin Việt Nam đánh giá, triển vọng cổ phiếu ngân hàng năm 2022 là khá tốt, song không có nhiều sóng. Dù vậy, theo ông Phục, việc chia cổ tức cao bằng cổ phiếu, nới room vốn ngoại… sẽ giúp ngân hàng tăng mạnh vốn chủ sở hữu, tăng tỷ lệ an toàn vốn, giúp ngành ngân hàng phát triển bền vững hơn. Những vấn đề này sẽ góp phần giúp giá cổ phiếu ngân hàng tăng trưởng tốt trong trung và dài hạn.
Thực tế, khoảng một tháng gần đây, nhiều mã cổ phiếu ngân hàng vẫn được khối ngoại mua ròng. Cổ phiếu của một số ngân hàng thường xuyên trong tình trạng gần hết room ngoại, được nhà đầu tư săn đón như VIB, VPB, TCB, OCB… Theo các công ty chứng khoán, năm 2022, cổ phiếu ngân hàng sẽ không có nhiều sóng, song sẽ có sự phân hóa. Theo đó, những cổ phiếu có câu chuyện riêng sẽ vẫn hấp dẫn với nhà đầu tư.
Ngân hàng Nhà nước muốn Quốc hội gia hạn thêm 3 năm Nghị quyết về xử lý nợ xấu
Ngân hàng Nhà nước vừa lấy ý kiến góp ý dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết số 42. Theo đó, NHNN đề xuất kéo dài thời hạn của Nghị quyết là đến ngày 15/8/2025 thay vì hạn cuối là 15/8/2022 nhằm tránh khoảng trống pháp lý trong khi đợi Luật Xử lý nợ xấu được ban hành.
Chính phủ có trách nhiệm nghiên cứu, đề xuất xây dựng Luật về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng trong thời gian kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết 42.
Để đảm bảo đúng trình tự, thủ tục và thời hạn theo quy định, Chính phủ kiến nghị Quốc hội cho phép áp dụng trình tự thủ tục rút gọn và thông qua Nghị quyết kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết số 42 tại 1 kỳ họp vào tháng 5/2022.
Việc chấm dứt cơ chế xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 sẽ dẫn đến các khoản nợ cũ chưa xử lý xong, trong khi đó nợ xấu mới tiếp tục hình thành do đại dịch Covid-19, sẽ phải kéo dài hoặc không thể xử lý được, đồng thời, tổ chức tín dụng thiếu cơ chế tự xử lý nợ xấu, vấn đề này có thể gây bất ổn cho nền kinh tế nói chung và hệ thống ngân hàng nói riêng.
Đánh giá kết quả thực hiện nghị quyết sau gần 5 năm thực hiện, Ngân hàng Nhà nước cho biết xử lý nợ xấu đã đạt kết quả tích cực.
Theo đó, báo cáo của các tổ chức tín dụng nêu rõ lũy kế từ ngày 15/8/2017 đến ngày 30/11/2021, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý được 373.300 tỷ đồng nợ xấu; trong đó xử lý nợ xấu nội bảng là 193.300 tỷ đồng; xử lý các khoản nợ đang hạch toán ngoài bảng cân đối kế toán là 98.400 tỷ đồng...
Tổng số nợ xấu được xử lý trong thời gian áp dụng Nghị quyết 42 đạt trung bình khoảng 5.660 tỷ đồng/tháng, cao hơn khoảng 2.140 tỷ đồng/tháng so với kết quả xử lý nợ xấu trung bình tại thời điểm trước khi Nghị quyết số 42 có hiệu lực.
Tuy nhiên, dịch COVID-19 bùng phát đã ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng tín dụng của hệ thống các tổ chức tín dụng. Nợ xấu và tỷ lệ nợ xấu nội bảng tăng liên tục từ năm 2020 đến nay, đến cuối tháng 11/2021 tăng cao ở mức trên 2%.
Trong trường hợp đánh giá một cách thận trọng, tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ bán cho Công ty quản lý nợ và tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) và các khoản nợ tiềm ẩn thành nợ xấu ở mức cao (so với tổng dư nợ) là 7,42%.
Trong khi nợ xấu có nguy cơ tăng lên thì việc không tiếp tục thực hiện các quy định của Nghị quyết 42 sẽ gây ra nhiều tác động tiêu cực.
Thứ nhất, việc chấm dứt cơ chế xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 sẽ dẫn đến các khoản nợ cũ chưa xử lý xong, trong khi đó nợ xấu mới tiếp tục hình thành do đại dịch Covid-19, sẽ phải kéo dài hoặc không thể xử lý được, đồng thời, tổ chức tín dụng thiếu cơ chế tự xử lý nợ xấu, vấn đề này có thể gây bất ổn cho nền kinh tế nói chung và hệ thống ngân hàng nói riêng.
Thứ hai, việc chấm dứt cơ chế xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 sẽ gặp phải những tác động như trước khi có Nghị quyết 42. Cụ thể, làm giảm ý thức tự trả nợ của khách hàng, quyền chủ nợ hợp pháp của các tổ chức tín dụng sẽ không được bảo vệ. Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 bùng phát sẽ dẫn đến khó khăn trong việc kiểm soát nợ xấu phát sinh và duy trì tỷ lệ nợ xấu ở mức an toàn, ảnh hưởng đến sự an toàn, lành mạnh của hệ thống các tổ chức tín dụng nói riêng và nguồn cung tín dụng cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế nói chung.
Bên cạnh đó, việc chấm dứt quyền thu giữ tài sản theo Nghị quyết 42, sẽ khiến ngân hàng,VAMC phát sinh thêm chi phí, giảm giá trị thu hồi từ xử lý tài sản bảo đảm, khiến việc xử lý nợ xấu khó khăn hơn...
Việc chấm dứt cơ chế xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 cũng sẽ làm giảm ý thức tự trả nợ của khách hàng, làm ảnh hưởng tới niềm tin của công chúng đối với công tác tái cơ cấu và xử lý nợ xấu, qua đó ảnh hưởng đến sự an toàn, lành mạnh của hệ thống các tổ chức tín dụng và tạo ra nguy cơ rủi ro lan truyền; nền kinh tế sẽ dễ bị tổn thương khi hệ thống các TCTD đối mặt với các nguy cơ, rủi ro đổ vỡ.
SHB nới room ngoại lên mức tối đa 30%
Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) thông báo thực hiện điều chỉnh tỷ lệ room nhà đầu tư nước ngoài của SHB từ 10% lên mức tối đa là 30%.
Theo đó, SHB điều chỉnh tỷ lệ room nhà đầu tư nước ngoài của ngân hàng từ 10% lên mức tối đa là 30%. Điều chỉnh này có hiệu lực từ ngày 4/3.
Theo quy định tại Nghị định số 01/2014/NĐ-CP về việc nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của tổ chức tín dụng Việt Nam, tỷ lệ sở hữu cổ phần nhà đầu tư nước ngoài không quá 5% vốn điều lệ đối với cá nhân nước ngoài; không quá 15% vốn điều lệ đối với tổ chức nước ngoài; không quá 20% vốn điều lệ đối với nhà đầu tư chiến lược; nhà đầu tư nước ngoài và người có liên quan không quá 20% vốn điều lệ.
Trước đó, vào tháng 8/2021, SHB đã tạm khóa tỷ lệ sở hữu nước ngoài ở mức 10% nhằm thực hiện phương án chào bán, phát hành chứng khoán đã được Đại hội đồng cổ đông thường niên 2021 thông qua.
Trong đợt phát hành gần nhất, SHB đã chào bán thành công hơn 539 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, qua đó nâng vốn điều lệ lên mức hơn 26.674 tỷ đồng.
Mới đây, SHB đã chốt quyền tham dự đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022 vào 13h30 ngày 20/4 tới đây. Theo đó, ngày đăng ký cuối cùng để lập danh sách cổ đông tham dự đại hội là ngày 15/3, ngày giao dịch không hưởng quyền tương ứng là ngày 14/3.
Hiện ngân hàng chưa công bố tài liệu đại hội cổ đông 2022. Tuy nhiên, tại kỳ đại hội này, SHB sẽ thực hiện bầu HĐQT và Ban Kiểm soát nhiệm kỳ mới 2022 - 2026.
Khi đó, theo quy định của Luật các Tổ chức tín dụng sửa đổi, ông Đỗ Quang Hiển (bầu Hiển) sẽ phải đưa ra quyết định chọn "ghế" chủ tịch tại SHB hay Tập đoàn T&T.
Trong năm 2021, SHB đạt kết quả kinh doanh khả quan với lợi nhuận trước thuế đạt 6.221 tỷ đồng, tăng 90,3% so với cùng kỳ và hoàn thành 107% kế hoạch đề ra.
Tính đến ngày 31/12/2021, tổng tài sản của SHB đạt 506.500 tỷ đồng, tăng 23% so với cuối năm 2020, trong đó dư nợ cấp tín dụng đạt 369.000 tỷ đồng, tăng 16%. Huy động vốn thị trường 1 đạt 379 nghìn tỷ đồng, tăng 12%. Tỷ lệ nợ xấu riêng lẻ dừng ở mức 1,3%, tỷ lệ bao phủ nợ xấu ở mức trên 90%.
Trên thị trường chứng khoán, đóng cửa phiên giao dịch ngày 7/3, thị giá cổ phiếu SHB dừng ở mức 21.050 đồng/cổ phiếu, vẫn nằm ở mức cao so với đầu năm nay.
Dragon Capital trở thành cổ đông lớn của Sacombank
Theo thông tin từ Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE), một nhóm cổ đông nước ngoài đã nâng tỷ lệ sở hữu tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank - Mã: STB) lên trên 5%.
Cụ thể, bà Trương Ngọc Phương, đại diện cho một nhóm nhà đầu tư nước ngoài có liên quan công bố về sở hữu tại ngân hàng Sacombank gồm các quỹ thành viên của Dragon Capital.
Ngày 8/3 vừa qua, Dragon Capital thông qua Vietnam Enterprise Investment Limited đã mua vào 1,25 triệu cổ phiếu, nâng sở hữu từ 93,9 triệu cổ phiếu lên 95,2 triệu cổ phiếu, tương đương 5,05% vốn cổ phần ngân hàng.
Trong các quỹ thành viên của Dragon Capital, Norges Bank là đơn vị nắm giữ nhiều cổ phiếu STB nhất, với số lượng gần 18 triệu đơn vị. Tiếp theo là Amersham Industries Limited (15,9 triệu cổ phiếu) và Vietnam Enterprise Investments Limited (15,7 triệu cổ phiếu).
Trước đó, nhóm quỹ Dragon Capital chính thức trở thành cổ đông lớn của một ngân hàng khác là MB vào ngày 1/3. Cụ thể, 12 quỹ Dragon Capital nâng tổng số cổ phiếu sở hữu tại MB lên gần 189,3 triệu đơn vị, tương đương hơn 5% vốn điều lệ của MB.
Năm 2021, Sacombank lãi trước thuế 4.400 tỷ đồng, tăng 31,8% so với năm 2020 và vượt 10% kế hoạch năm. Tính đến 31/12/2021, tổng tài sản của Sacombank đạt 521.196 tỷ đồng, tăng 5,8% so với thời điểm đầu năm. Trong đó, dư nợ cho vay khách hàng tăng 14% lên 387.930 tỷ đồng; các khoản phải thu, lãi phí phải thu giảm mạnh 36% xuống còn 24.826 tỷ đồng.
Chất lượng tài sản của ngân hàng được cải thiện khi số dư nợ xấu giảm 1% xuống còn 5.721 tỷ đồng, qua đó, kéo tỷ lệ nợ xấu nội bảng từ mức 1,7% hồi đầu năm xuống 1,47% cuối năm. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu của Sacombank tăng từ mức 93,6% lên 120,9%.
Bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Tổng giám đốc Sacombank cho biết, sau 5 năm, Sacombank có tốc độ xử lý nợ xấu rất tích cực. Ngân hàng đã thu hồi gần 72.000 tỷ đồng nợ xấu và tài sản tồn đọng, trong đó khoảng 60.000 tỷ là các khoản thuộc Đề án, đạt gần 70% kế hoạch tổng thể.
Còn theo Chủ tịch Hội đồng quản trị Sacombank Dương Công Minh, sau khi hoàn thành tái cơ cấu trong năm 2022, Ngân hàng sẽ bán 32,5% vốn cổ phần cho hai đối tác nước ngoài.
Tuy nhiên, việc này phải được sự đồng ý của Chính phủ và đại diện của số cổ phần đó là Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC). Sacombank đang xin cơ chế để mua lại 32,5% cổ phần là nợ xấu đã bán mà VAMC quản lý.
Trước đó, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2021 của Sacombank, ông Nguyễn Tiến Đông, Chủ tịch VAMC cho biết, trong tổng số khoản nợ Sacombank còn tồn đọng mà VAMC quản lý mới chỉ xử lý được một nửa.
Một nửa còn lại có xấp xỉ 10.000 tỷ đồng là cổ phiếu Sacombank (mã chứng khoán STB) của ông Trầm Bê. VAMC đã trình phương án xử lý khoản nợ xấu này lên Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, dự kiến trong nửa đầu năm 2022 sẽ nhận được câu trả lời chính thức.
Theo Chủ tịch VAMC, số cổ phiếu STB của ông Trầm Bê khi được xử lý sẽ giúp Sacombank cải thiện hoạt động. Người mua sẽ đưa “tiền tươi” vào để tái cơ cấu và thúc đẩy Sacombank phát triển.
Trong khi đó, ông Minh kỳ vọng, sau khi xử lý, ông chủ thực sự của số cổ phần trên sẽ xuất hiện và chăm lo cho Sacombank, tương tự như ông đang chăm lo cho Ngân hàng hiện nay.
Mới đây, trong báo cáo chiến lược năm 2022, Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) nhận xét, quy định về trần sở hữu nước ngoài (room) dẫn đến việc khó tăng room cho tất cả các ngân hàng trong hệ thống, nhưng Sacombank là ứng viên sáng giá trong việc nới room lên 49% theo Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).
Liên quan đến room, theo Quyết định 22/2021/QĐ-TTg ngày 2/7/2021 thay thế Quyết định 58/2016/QĐ-TTg, Nhà nước sẽ sở hữu ít nhất 65% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết tại các ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước trong giai đoạn 2021 - 2025.
Do đó, VCSC không kỳ vọng có sự nới room cho khối ngân hàng này trong ngắn hạn. Thay vào đó, nhóm phân tích VCSC cho rằng, có thể nới room tại một số ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân.
Theo EVFTA, trong 5 năm kể từ ngày hiệp định có hiệu lực (1/8/2020), Việt Nam cam kết xem xét cho phép 2 tổ chức tín dụng châu Âu được sở hữu tới 49% vốn điều lệ của hai ngân hàng Việt Nam. Tuy nhiên, thỏa thuận này sẽ không áp dụng đối với các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước chi phối là BIDV, VietinBank, Vietcombank, Agribank.
Vì thế, ứng cử viên có cơ hội cao trong cam kết EVFTA này là Sacombank, do 32,5% lượng cổ phiếu đang lưu hành của ngân hàng được giữ làm tài sản thế chấp cho một khoản nợ không thanh toán được đã được chuyển nhượng cho VAMC.
Trên thị trường chứng khoán, đóng cửa phiên giao dịch ngày 10/3, thị giá cổ phiếu STB dừng ở mức 31.550 đồng/cổ phiếu
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận