Bất ngờ lợi nhuận doanh nghiệp khai thác than
Quý III, giá than thế giới tăng phi mã tưởng như giúp kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp khai thác than tăng bằng lần, nhưng thực tế lại khác.
Bắt đầu từ khoảng tháng 6/2021, giá than đá thế giới bắt đầu tăng phi mã từ mức 90 USD/tấn, đến nay đã xấp xỉ 210 USD/tấn; tức là tăng hơn gấp đôi chỉ sau 3 tháng. Theo đà tăng giá quốc tế, giá than nội địa cũng tăng lên mức bình quân hơn 2.000.000 đồng/tấn, tương ứng mức tăng khoảng 20% so với thời điểm cuối quý II năm nay.
Khi giá thế giới tăng vọt, cổ phiếu “vàng đen”, vốn là nhóm cổ phiếu khá trầm lắng và không có nhiều dấu ấn trên sàn chứng khoán đã thu hút sự chú ý của dòng tiền, đã bứt phá mạnh trong tháng 9 với nhiều phiên tăng trần.
Tính đến cuối tháng 9, nhóm cổ phiếu than như TC6 của Than Cọc Sáu, TVD của CTCP Than Vàng Danh, THT của CTCP Than Hà Tu, TDN của Than Đèo Nai đã tăng xấp xỉ 70 - 80% trong vòng 1 tháng, dù đã hạ nhiệt khoảng 20% so với mức giá đỉnh.
Nhiều nhà đầu tư kỳ vọng giá cổ phiếu than sẽ tiếp tục tăng mạnh khi lợi nhuận quý III của doanh nghiệp được công bố và có sự cải thiện mạnh mẽ so với cùng kỳ, tương tự như nhóm cổ phiếu phân bón dầu khí, hoặc nhóm khai thác khí như GAS…
Tuy nhiên, cơ chế hoạt động và kinh doanh của các doanh nghiệp ngành than lại khác biệt, mà nếu nhà đầu tư không am hiểu bản chất, rất dễ bị ngộ nhận, ảnh hưởng đến hành động đầu tư.
Cụ thể, than là khoáng sản đặc biệt. Lâu nay, các doanh nghiệp khai thác than không được Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) cho phép xuất khẩu và áp giá trực tiếp với khách hàng mua, mà họ chỉ có chức năng khai thác theo định mức sản lượng được giao hàng năm, định mức tỷ suất lợi nhuận cũng thường được ấn định theo con số dự toán trước và được điều chỉnh không quá nhiều dù giá cả thị trường có tăng mạnh.
Toàn bộ than khai thác được, doanh nghiệp trong nước phải bán cho doanh nghiệp thương mại của ngành than, các doanh nghiệp thương mại này mới có chức năng xuất khẩu trực tiếp.
Hiện nay, than khai thác trong nước chủ yếu là than cám, có giá và chất lượng thấp hơn, chứ không phải than đá, được dùng phổ biến trong sản xuất công nghiệp, đang có giá tăng mạnh thời gian qua.
Một lãnh đạo doanh nghiệp than cho biết, thông thường, doanh nghiệp thương mại sẽ nhập thêm than tốt từ nước ngoài về sau đó trộn với than khai thác trong nước để xuất khẩu được giá hơn. Do đặc thù vận hành như vậy nên dù giá than thị trường cao hơn, định mức lợi nhuận mà các doanh nghiệp khai thác than được hưởng cũng khó có thể được điều chỉnh tương ứng.
Thực tế này đã phản ánh rõ trong bức tranh lợi nhuận quý III/2021 của các doanh nghiệp ngành than. Lấy ví dụ ở Than Vàng Danh, báo cáo ước thực hiện kế hoạch sản xuất - kinh doanh 9 tháng năm 2021 cho thấy, tháng 9, doanh thu của Công ty đạt 413 tỷ đồng, thấp hơn kế hoạch bình quân tháng của năm 2021 là 503 tỷ đồng, lợi nhuận chỉ đạt 2,039 tỷ đồng.
Lũy kế 9 tháng đầu năm nay, Công ty đạt 3.878 tỷ đồng doanh thu, lợi nhuận đạt 46,2 tỷ đồng. So với cùng kỳ 2020, Công ty đạt doanh thu cao hơn 319 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận lại thấp hơn 2 tỷ đồng (9 tháng đầu năm 2020, Công ty đạt 48,68 tỷ đồng lợi nhuận).
Với cơ chế hoạt động và quản lý tương tự, các doanh nghiệp khai thác than khác trong hệ thống Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) dự kiến có kết quả không quá đột biến so với các quý trước.
Phải chăng hiểu rất rõ bản chất hoạt động của doanh nghiệp trong ngành mà vừa qua, nhiều cổ đông nội bộ của các doanh nghiệp ngành than đã đăng ký bán ra cổ phiếu. Ví dụ, nhằm mục đích cơ cấu danh mục đầu tư, ông Nguyễn Văn Dũng, Ủy viên Hội đồng quản trị Than Vàng Danh đăng ký bán 110.000 cổ phiếu TVD trên tổng số 119.897 cổ phiếu TVD mà ông này sở hữu.
Giao dịch được thực hiện theo phương thức khớp lệnh, dự kiến từ ngày 23/9 đến ngày 15/10/2021. Cả ủy viên Hội đồng quản trị và Thư ký Công ty, người có liên quan của họ ở Than Cọc Sáu đều đăng ký bán ra toàn bộ cổ phiếu mà họ sở hữu.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận