AGM sẽ tổ chức hội nghị trái chủ cho 2 lô trái phiếu trong tháng 2
HĐQT CTCP Xuất nhập khẩu An Giang (Angimex, HOSE: AGM) đã ra nghị quyết tổ chức hội nghị trái chủ cho các mã trái phiếu AGMH2123001 và AGMH2223001.
Danh sách trái chủ thực hiện quyền tham dự hội nghị của AGM sẽ được chốt ngày 17/01 với mã trái phiếu AGMH2223001 và ngày 18/01 với mã AGMH2123001. Thời gian dự kiến tổ chức là ngày 02/02 với mã AGMH2223001 và ngày 03/02 với mã AGMH2123001.
Hội nghị được tổ chức nhằm xin ý kiến trái chủ về kế hoạch xử lý trái phiếu.
Trước đó, AGM đã tổ chức ĐHĐCĐ bất thường vào ngày 29/12/2022, thông qua kế hoạch xử lý các gói trái phiếu đã phát hành của Công ty.
Cụ thể, với lô trái phiếu AGMH2123001, mệnh giá 350 tỷ đồng, lãi suất 7%/năm, kỳ hạn 24 tháng và đáo hạn ngày 09/11/2023; AGM đã nhận được văn bản của trái chủ đề nghị mua lại trước hạn.
Với lô trái phiếu AGMH2223001, mệnh giá 300 tỷ đồng, Công ty đã mua lại trước hạn gần 90 tỷ đồng, dư nợ còn lại là 210 tỷ đồng, kỳ hạn 18 tháng, đáo hạn ngày 14/09/2023 và lãi suất 7%/năm. Với tình hình hiện tại, AGM đánh giá khả năng trái chủ yêu cầu mua lại trước hạn tại thời điểm tròn 12 tháng kể từ ngày phát hành.
AGM cho biết sau sự kiện ông Đỗ Thành Nhân bị khởi tố từ tháng 4/2022, tình hình tài chính của Công ty gặp nhiều khó khăn. Trước yêu cầu của các trái chủ, Công ty trình cổ đông phương án xử lý việc thanh toán khoản gốc và lãi cho trái phiếu đã phát hành như sau:
Đối với trái phiếu mã AGMH2123001, Công ty dự kiến xử lý một số tài sản bảo đảm của trái phiếu để lấy tiền trả lãi và gốc với tổng số tiền gần 379 tỷ đồng.
Đối với trái phiếu mã AGMH2223001, AGM dự kiến dùng nguồn vốn của Công ty; xử lý tài sản bảo đảm của lô trái phiếu; vay trung - dài hạn; thanh lý tài sản không dùng, các kho đang dừng hoạt động để trả tổng cộng gốc và lãi vay gần 225 tỷ đồng.
Ước tính, AGM sẽ phải tìm kiếm nguồn tiền trả gốc và lãi của hai lô trái phiếu gần 604 tỷ đồng.
Thanh lý tài sản để xử lý mất cân đối vốn
Tính tới ngày 31/12/2022, tổng tài sản ngắn hạn của AGM là 370 tỷ đồng, nợ ngắn hạn là 595 tỷ đồng, cân đối thiếu 225 tỷ đồng. AGM cho biết việc mất cân đối vốn trên do Công ty nhận chuyển nhượng mua đất, kho ở Đồng Tháp và Tri Tôn (196.6 tỷ đồng); mua 19% vốn tại Công ty TNHH AGM Furious (32.3 tỷ đồng).
Theo kế hoạch năm 2022, AGM dự kiến phát hành cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu tăng vốn điều lệ để bù đắp thiếu hụt 225 tỷ đồng. Tuy nhiên, do nhiều điều kiện khách quan, Công ty chưa phát hành cổ phiếu như kế hoạch dự kiến dẫn tới mất cân đối 225 tỷ đồng.
Tại ĐHĐCĐ bất thường năm 2022, AGM đã hủy phương án chào bán cổ phiếu. Thay vào đó, HĐQT thông qua phương án xử lý mất cân đối vốn bằng cách thanh lý các tài sản của AGM.
Kế hoạch xử lý mất cân đối vốn của AGM
Nguồn: AGM
Theo đó, Công ty dự kiến thanh lý các tài sản để bổ sung vốn lưu động ở 9 phân xưởng, nhà máy, kho (với tổng diện tích 40,542.6 m2, giá sổ sách 127.2 tỷ đồng và giá bán dự kiến 240 tỷ đồng). Nếu bán thành công, Công ty sẽ bổ sung thêm được 240 tỷ đồng vào vốn lưu động.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận