🔴[LIVE STREAM] VN-INDEX 24/12/2024: Merry Christmas - Chuông giáo đường vang lên
Dòng tiền tham gia khá yếu khiến thị trường thiếu động lực để tăng tốc, tuy nhiên vẫn có một số cổ phiếu như YEG, hay nhóm ngành như bảo hiểm, nhựa và cao su vẫn tỏa sáng.
Nối tiếp đà tăng của phiên giao dịch cuối tuần trước ngày 20/12, thị trường tiếp tục duy trì sự khởi sắc và VN-Index dễ dàng lấy lại mốc 1.260 điểm khi sắc xanh lan tỏa bảng điện tử. Tuy nhiên, chỉ số VN-Index vẫn chưa thể bứt tốc trong bối cảnh dòng tiền tham gia khá yếu và thiếu động lực hỗ trợ từ nhóm cổ phiếu bluechip cũng như các nhóm ngành trụ cột.
Bước sang phiên giao dịch chiều, thị trường không có nhiều biến động. Dòng tiền ít ỏi vẫn luân chuyển tìm cơ hội ở một số cổ phiếu và nhóm ngành, trong đó, nhóm cổ phiếu nhựa và cao su đã được “gọi tên” trong phiên chiều nay.
Bên cạnh cổ phiếu CSM khoe sắc tím từ phiên sáng và tiếp tục dư mua trần nhiều hơn với hơn nửa triệu đơn vị, trong phiên chiều, nhóm nhựa và cao su có thêm BMP, TNC tăng kịch trần. Ngoài ra, BRC cũng tăng mạnh 4%, DRC tăng 2,9%, AAA tăng 2,3%, APH tăng hơn 1%...; hay ở sàn HNX, tâm điểm là cổ phiếu NTP tăng gần 6,2%...
Trong khi đó, diễn biến có phần yếu hơn ở các nhóm lớn như ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, đã khiến thị trường chung chỉ duy trì trạng thái lình xình với mức tăng nhẹ hơn 5 điểm và thanh khoản tiếp tục giảm mạnh.
Đóng cửa, sàn HOSE có 263 mã tăng và 135 mã giảm, VN-Index tăng 5,26 điểm (+0,42%) lên 1.262,76 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 494,7 triệu đơn vị, giá trị 12.305,7 tỷ đồng, giảm 13% về khối lượng và 9,1% về giá trị so với phiên cuối tuần trước ngày 20/12. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 110 triệu đơn vị, giá trị gần 2.953 tỷ đồng.
Nhóm VN30 vẫn giữ mức tăng hơn 5 điểm khi có 18 mã tăng và 8 mã giảm, trong đó đáng chú ý là cổ phiếu chứng khoán SSI giảm mạnh nhất khi để mất 1,5%, còn lại chỉ giảm nhẹ. Ngược lại, mã bảo hiểm BVH khá ấn tượng khi nới rộng biên độ, đóng cửa tăng 3,7% lên mức 53.000 đồng/CP, tiếp theo là cặp đôi ngân hàng STB tăng 1,9% và SSB tăng 1,5%...
Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, YEG chưa có dấu hiệu giảm nhiệt. Kết phiên, YEG tăng 6,8% lên mức giá trần 20.300 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh hơn 4,51 triệu đơn vị và dư mua trần 1,15 triệu đơn vị. Như vậy, chỉ sau 5 phiên giao dịch, cổ phiếu YEG đã tăng hơn 39% và trong khoảng 1 tháng, thị giá mã này đã tăng gấp đôi.
Ngoài YEG, một số mã vừa và nhỏ khác như DAH, VAF, HTN, TDH cũng kéo trần thành công; CMV không giữ được sắc tím nhưng đóng cửa vẫn tăng mạnh 6,4%, GMC tăng 6,2%, HAG tăng 4,9%, OGC tăng 4,7%...
Về thanh khoản, chỉ có 3 mã có khối lượng khớp lệnh trên chục triệu đơn vị, gồm HPG khớp 12,9 triệu đơn vị và STB cùng VIX khớp hơn 10 triệu đơn vị. Trong đó, HPG đóng cửa tăng 1,1%, STB tăng 1,9%, còn VIX giảm 1%.
Xét về nhóm ngành, ngoài nhóm nhựa và cao su khởi sắc, nhóm bảo hiểm tiếp đà tăng của phiên sáng đã tiếp tục nới rộng biên độ và vươn lên vị trí dẫn đầu thị trường. Bên cạnh mã lớn BVH tăng tốt, các mã khác như BMI tăng 2,6%, MIG và PRE cùng tăng 2,2%, PVI tăng 7,3%, ABI tăng 1,6%...
Trong khi đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng có phần kém khả quan hơn khi bên cạnh các mã thu hẹp biên độ, một số mã khác như HDB, VIB quay về mốc tham chiếu, đặc biệt là cổ phiếu lớn nhất ngành là VCS đảo chiều giảm nhẹ 0,1%.
Nhóm cổ phiếu chứng khoán giao dịch phân hóa và trở về vạch xuất phát. Trong đó, VIX và SSI là 2 mã giao dịch sôi động nhất ngành, đóng cửa giảm 1% và 1,5%, HCM, VIX, VDS, ORS đều điều chỉnh nhẹ; trái lại VCU, VND, FTS, BSI, DSC có được sắc xanh nhưng mức tăng chủ yếu chưa tới 0,5%.
Trên sàn HNX, thị trường nới nhẹ biên độ tăng nhờ lực cầu sôi động hơn và diễn biến có chút tích cực hơn ở nhóm HNX30.
Đóng cửa, sàn HNX có 93 mã tăng và 64 mã giảm, HNX-Index tăng 1,44 điểm (+0,64%) lên 228,51 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 52,89 triệu đơn vị, giá trị 917,53 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm gần 20 triệu đơn vị, giá trị 238,5 tỷ đồng.
Cổ phiếu giao dịch sôi động nhất thị trường là SHS với xấp xỉ 4 triệu đơn vị khớp lệnh, đóng cửa mã này đứng giá tham chiếu. Ngoài SHS, một số mã khác trong rổ HNX30 như TNG, CEO, MBS đứng giá tham chiếu, trong khi PVC giảm mạnh nhất là 1,9%, HLD giảm 1,7%m DHT giảm 1%, LHC và PVS cùng giảm nhẹ 0,6%.
Ngược lại, CAP là mã tăng tốt nhất của rổ trên khi đóng cửa tăng 8,1%, nhưng điểm sáng như đã nói ở trên là cổ phiếu nhựa NTP khi đóng cửa ghi nhận mức tăng 6,2% lên mức 67.300 đồng/CP với thanh khoản đạt hơn 1,22 triệu đơn vị….
Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, nhiều mã đã đua nhau tăng vọt và giao dịch sôi động, như MST tăng 1,4% và khớp 3,85 triệu đơn vị, NRC tăng kịch trần và khớp 2,66 triệu đơn vị cùng khối lượng dư mua trần gần nửa triệu đơn vị, AAV tăng 2,6% và khớp 2,54 triệu đơn vị, VC7 tăng 7,2% và khớp 1,88 triệu đơn vị, API tăng 5% và khớp 1,5 triệu đơn vị…
Trên UPCoM, thị trường tiếp tục có nhịp rung lắc nhẹ trong phiên chiều, nhưng một lần nữa UPCoM-Index nhanh chóng đảo chiều khởi sắc trở lại.
Đóng cửa, UPCoM-Index tăng 0,33 điểm (+0,35%) lên 93,72 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt gần 44 triệu đơn vị, giá trị 538 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 9,58 triệu đơn vị, giá trị đạt gần 93,5 tỷ đồng.
Cặp đôi nhỏ chứng khoán trên UPCoM vẫn duy trì sức nóng. Trong đó, AAS đóng cửa giữ sắc tím với khối lượng khớp lệnh gần 2,2 triệu đơn vị và dư mua trần hơn 0,9 triệu đơn vị; còn SBS tăng 11,4% lên gần mức giá trần 4.900 đồng/CP và khớp 2,21 triệu đơn vị.
Ngoài ra, một số mã cũng có giao dịch tích cực như DGT tăng 5% và khớp 2,68 triệu đơn vị, DDV tăng 2% và khớp 2,51 triệu đơn vị, HBC tăng 3,8% và khớp gần 1 triệu đơn vị.
Trong khi đó, cặp đôi khác trong top vừa và nhỏ là HNG và BCR có thanh khoản tốt nhất thị trường, lần lượt đạt 5,64 triệu đơn vị và 4,36 triệu đơn vị, đều đóng cửa đứng giá tham chiếu.
Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai đều tăng nhẹ, trong đó VN30F2501 đáo hạn gần nhất vào ngày 16/1/2025 tăng 6,8 điểm, tương đương +0,5% lên 1.328 điểm; khớp lệnh đạt hơn 112.400 đơn vị, khối lượng mở hơn 38.710 đơn vị.
Chia sẻ thông tin hữu ích