Thị trường liên ngân hàng mở đầu tuần mới với đà tăng vọt của lãi suất VND, trong khi lãi suất USD cũng bật lên sau quãng đi ngang.
Giao dịch sáng nay (25/7) cho thấy lãi suất VND trên thị trường này đã tăng rất mạnh tại tất cả các kỳ hạn. Diễn biến này nối tiếp xu hướng đã thể hiện rõ trong tuần qua.
Cụ thể, lãi suất VND qua đêm tăng tới 0,96 điểm phần trăm so với cuối tuần qua - một mức tăng ít thấy trong thời gian gần đây, qua đó đã lên tới 3,53%/năm.
Lãi suất VND qua đêm liên tiếp tăng vọt những phiên gần đây
Trong suốt cuộc khủng hoảng đại dịch COVID-19, lãi suất VND qua đêm trên thị trường liên ngân hàng phổ biến duy trì các mức rất thấp dưới 1%/năm, thậm chí có nhiều thời điểm chỉ quanh 0,1%/năm. Theo đó, biến động trên cho thấy khác biệt lớn.
Trước thời điểm diễn ra đại dịch, lãi suất VND qua đêm cùng thời điểm này năm 2019 xoay quanh 2,7%/năm; nhưng trước đó, cùng thời điểm này năm 2018 lãi suất qua đêm cũng ở mức rất cao với quanh 4,7%/năm.
Lãi suất VND qua đêm hiện đã cao hơn cùng kỳ 2019 - trước đại dịch COVID-19
Trở lại với diễn biến sáng nay, lãi suất VND đều tăng mạnh ở tất cả các kỳ hạn, thậm chí tại kỳ hạn 1 tuần tăng tới 1 điểm phần trăm và kỳ hạn 1 tháng tăng tới 1,13 điểm phần trăm; các kỳ hạn từ 1 tuần đến 9 tháng hiện đã xoay quanh mức 4%/năm.
Mức độ của đợt biến động này rất mạnh, khi lãi suất VND qua đêm đã tăng tới 2,54 điểm phần trăm trong vòng một tuần trở lại đây; các kỳ hạn khác cũng đã tăng quanh 1 điểm phần trăm.
Điểm được chú ý nữa: nếu như lãi suất VND bật tăng mạnh trong tuần trước thì lãi suất USD cũng trên thị trường liên ngân hàng gần như đi ngang, nhưng đến sáng nay lãi suất USD cũng đã đồng loạt bật tăng ở tất cả các kỳ hạn. Lãi suất USD qua đêm chỉ nhích nhẹ 0,04 điểm phần trăm nhưng các kỳ hạn từ 1 tuần đến 6 tháng đều tăng đáng kể quanh 0,2 điểm phần trăm.
Do có các mức tăng đột biến nên chênh lệch lãi suất VND vẫn cao hơn nhiều so với lãi suất USD trên cùng thị trường liên ngân hàng. Điều này có ảnh hưởng nhất định đến tỷ giá USD/VND, và tỷ giá giao ngay trên thị trường liên ngân hàng có xu hướng hạ nhiệt trong tuần qua cho đến sáng nay, tính chung đã giảm 0,26% trong một tuần trở lại đây.
Diễn biến của lãi suất trên thị trường liên ngân hàng được chú ý với nhiều biến động, theo hướng tăng mạnh lên, kể từ khi Ngân hàng Nhà nước trở lại hút bớt tiền về trong hai tháng trước. Cùng đó, một lượng lớn VND được hút về qua kênh Ngân hàng Nhà nước bán ra ngoại tệ bình ổn thị trường.
Riêng ở kênh tín phiếu, sau khi Ngân hàng Nhà nước hút ròng tới hơn 170.000 tỷ đồng thì lượng tín phiếu dần đáo hạn lượng lớn gần đây; số lượng tiền “tạm nhốt” qua kênh này theo đó đến cuối tuần qua chỉ còn 123.304 tỷ đồng.
Trong khi đó, như đề cập cuối tuần qua, hoạt động bơm – hút tiền của Ngân hàng Nhà nước đã chính thức đảo pha: tạm ngừng hút bớt tiền về qua phát hành tín phiếu, trong khi mở mạnh lượng hỗ trợ qua thị trường mở (OMO). Phiên cuối tuần trước đã có tới suýt soát 5.000 tỷ đồng được bơm ra qua OMO với lãi suất 2,5%, đưa tổng nguồn hỗ trợ, bơm vào hệ thống và đọng lại đến cuối tuần qua là 7.421,22 tỷ đồng.
Như vậy thị trường liên ngân hàng, hoạt động điều tiết và cân đối nguồn của Ngân hàng Nhà nước đang trải qua những biến động lớn. Một trong những tác động đến từ bên ngoài, khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) liên tiếp tăng mạnh lãi suất và dự kiến có thêm đợt tăng vào cuối tuần này.
Diễn biến sáng nay có thể xem là sự khởi động đón đợi quyết định tăng tiếp lãi suất của Fed nói trên, cũng như bắt nhịp dòng chảy tín dụng tiếp tục tăng lên giai đoạn nửa cuối năm…
Điểm còn chờ đợi là “van” trên thị trường mở sẽ tiếp tục thế nào, khi lãi suất VND liên ngân hàng tăng mạnh lên phản ánh cầu tăng cao. Kết quả và mức độ Ngân hàng Nhà nước bơm hỗ trợ, điều hòa qua OMO phải đợi chốt phiên giao dịch cũng như diễn biến ngắn hạn sắp tới, ít nhất đến thời điểm có quyết định về lãi suất tiếp theo của Fed.
Chia sẻ thông tin hữu ích