menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Anh Đức

Xướng danh vua tiền mặt

Nhiều doanh nghiệp đang nắm giữ lượng tiền mặt dồi dào hàng chục ngàn tỉ đồng, khoản lãi ngân hàng cũng bằng con số nhiều doanh nghiệp khác phấn đấu cả năm...

Trên sàn chứng khoán Việt Nam, một nghịch lý là trong khi nhiều doanh nghiệp đang khát vốn và gặp khó khăn trong việc huy động nguồn tài chính cần thiết, một số doanh nghiệp khác lại sở hữu lượng tiền mặt dồi dào. Những doanh nghiệp nhỏ phải vật lộn với chi phí lãi vay cao hoặc áp lực phát hành thêm cổ phiếu để thu hút vốn, do khả năng tiếp cận các nguồn tài trợ còn hạn chế, trong khi rất nhiều doanh nghiệp niêm yết có lượng tiền mặt lên đến hàng chục ngàn tỉ đồng. Đa phần đây là những doanh nghiệp đầu ngành, Top đầu thị phần và kinh doanh hiệu quả trong nhiều năm qua. Lợi nhuận tốt, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh dương đã giúp các công ty này tích lũy được một lượng tiền mặt rất lớn.

Quán quân dầu khí

Số liệu thống kê của NCĐT cho thấy, Top 10 “vua tiền mặt” trên thị trường chứng khoán Việt Nam đang sở hữu hơn 304.570 tỉ đồng tiền mặt (bao gồm tiền, các khoản tương đương tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn). Các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn của những doanh nghiệp này chủ yếu là tiền gửi có kỳ hạn từ 3 tháng đến 1 năm hoặc trái phiếu ngắn hạn. So với thời điểm đầu năm 2024, lượng tiền mặt của Top 10 gần như đi ngang với mức tăng chưa đến 1%.

Xướng danh vua tiền mặt

Trong Top 10 “vua tiền mặt”, dễ dàng nhận thấy nhóm ngành dầu khí đang chiếm ưu thế khi có tới 3 đại diện trong danh sách này bao gồm Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV GAS, mã GAS); Công ty Cổ phần Lọc hóa Dầu Bình Sơn (mã BSR) và Tập đoàn Xăng Dầu Việt Nam (Petrolimex, mã PLX). Thống kê của NCĐT cho thấy, 3 doanh nghiệp dầu khí sở hữu hơn 108.642 tỉ đồng tiền mặt (bao gồm tiền, các khoản tương đương tiền và các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn), chiếm hơn 34,6% trong tổng lượng tiền mặt của Top 10.

Chia sẻ với NCĐT, bà Đỗ Minh Trang, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán ACB (ACBS), cho biết tỉ lệ tiền mặt/tổng tài sản của hầu hết các doanh nghiệp dầu khí đều rất cao. Tuy nhiên, việc nhận định xem đây có phải là yếu tố tích cực hay không phải căn cứ vào hiệu quả sử dụng vốn và kế hoạch phát triển kinh doanh trong thời gian tới của các doanh nghiệp này. Nếu tình trạng “đại gia tiền mặt” là do thiếu ý tưởng kinh doanh hiệu quả để mở rộng đầu tư thì không phải là dấu hiệu tốt.

“Chúng tôi thấy rằng, rất nhiều doanh nghiệp ngành dầu khí đang có kế hoạch phải sử dụng vốn đầu tư lớn trong giai đoạn sắp tới liên quan đến việc triển khai Lô B Ô Môn từ thượng nguồn tới hạ nguồn như PTSC (mã PVS), PV Drilling (mã PVD), PV GAS. Vì vậy, chúng tôi cho rằng đây là dấu hiệu tích cực, giúp các doanh nghiệp này có bộ đệm tốt để sẵn sàng triển khai các dự án mới”, bà Minh Trang chia sẻ.

Xướng danh vua tiền mặt

Ảnh minh họa: Shutterstock.com

Theo dự phóng kết quả kinh doanh giai đoạn 2024-2025 của ACBS, với quan điểm giá dầu bình quân sẽ đi ngang ở vùng 80-85 USD/thùng, hầu hết các doanh nghiệp dầu khí đều có triển vọng tăng trưởng lợi nhuận tốt, không có áp lực nợ vay và hầu như không có rủi ro về tỉ giá. Trong trường hợp giá dầu tăng lên so với dự báo, triển vọng kinh doanh của các doanh nghiệp dầu khí sẽ tích cực hơn kỳ vọng.

Chưa bàn đến những lợi thế về kinh doanh, lượng tiền mặt dồi dào đã đem lại cho các doanh nghiệp nguồn thu lớn từ lãi tiền gửi, tiền cho vay. Gần như các doanh nghiệp “ngồi không” cũng hưởng lãi hàng tỉ đồng mỗi ngày, hàng trăm tỉ đồng chỉ trong quý đầu năm, bất kể lãi suất có ở vùng thấp.

PV GAS, chẳng hạn, thu về hơn 4,8 tỉ đồng mỗi ngày từ lãi tiền gửi, tiền cho vay, hay Lọc hóa Dầu Bình Sơn với hơn 354,8 tỉ đồng từ lãi tiền, tiền cho vay trong quý I/2024, tương ứng khoảng 3,9 tỉ đồng mỗi ngày. Một sự so sánh tuy có phần khập khiễng nhưng lại rất thú vị để phần nào thấy được doanh thu từ lãi tiền gửi, tiền cho vay này khủng cỡ nào so với các đơn vị kinh doanh khác. Đơn cử như Thảo Cầm Viên Sài Gòn bán hàng triệu vé mỗi năm và thu về hơn 144 tỉ đồng doanh thu (năm 2022); Đầm Sen Nước đón hàng triệu lượt khách mỗi năm thu về khoảng 250 tỉ đồng doanh thu năm 2023; hay đơn vị kinh doanh cáp treo ở Núi Bà Đen (Công ty Cổ phần Cáp treo Núi Bà Tây Ninh) thu về hơn 43 tỉ đồng doanh thu năm 2023.

Xướng danh vua tiền mặt

Ở góc nhìn lãi suất, bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối Nghiên cứu, Công ty Chứng khoán MB (MBS), cho rằng lãi suất huy động đã hoàn thành chu kỳ giảm và sẽ tạo đáy trong nửa sau năm 2024. Động lực đến từ việc cầu tín dụng sẽ tiếp tục xu hướng tăng lên từ giữa năm 2024 khi sản xuất và đầu tư tăng tốc mạnh hơn trong những tháng cuối năm.

“Dự báo lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng thương mại lớn có thể nhích thêm 50-70 điểm cơ bản, quay về mức 5,1-5,3% trong nửa sau năm 2024. Ở chiều ngược lại, lãi suất đầu vào tăng, song tôi cho rằng lãi suất cho vay sẽ chưa bắt nhịp với đà tăng mà sẽ vẫn duy trì ở mặt bằng hiện tại trong bối cảnh các cơ quan quản lý và ngân hàng nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn. Bên cạnh đó, tính đến thời điểm ngày 12/6, tín dụng mới chỉ tăng 3,5%, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm ngoái, do đó lãi đầu ra sẽ khó bật mạnh”, bà Khánh Hiền chia sẻ với NCĐT.

Lợi thế và bất lợi của người cầm tiền

Bà Minh Trang của ACBS cho rằng việc một số công ty hiện là “đại gia tiền mặt” do 2 yếu tố bao gồm quá trình tích lũy lợi nhuận trong các năm trước và đặc thù kinh doanh của một số doanh nghiệp thiên về thương mại và không cần phải đầu tư chi phí vốn dài hạn dẫn tới tăng tỉ lệ nợ vay.

Ở mặt tích cực, việc có lượng tiền mặt dồi dào giúp báo cáo tài chính của các doanh nghiệp này có vẻ an toàn, giảm áp lực nợ vay. Theo lý thuyết, nhà đầu tư luôn tìm kiếm các doanh nghiệp có lượng tiền mặt dồi dào thể hiện trên bảng cân đối kế toán, bởi vì họ tin rằng nhiều tiền mặt sẽ giúp doanh nghiệp xử lý một cách dễ dàng nếu các kế hoạch kinh doanh đang xấu đi và nó cũng cho doanh nghiệp nhiều sự lựa chọn hơn trong việc tìm kiếm cơ hội đầu tư trong tương lai. Đặc biệt, doanh nghiệp trong những ngành sản xuất, dịch vụ có tính chu kỳ thì cần duy trì lượng tiền mặt nhiều để vượt qua giai đoạn đi xuống của chu kỳ sản xuất.

Tuy nhiên, đại diện của ACBS lại không thực sự đánh giá cao việc này, vì lượng tiền mặt lớn trong bối cảnh lãi suất thấp kéo dài không giúp công ty tối ưu hóa doanh thu tài chính. Tiền mặt lớn có thể cho thấy công ty đang bế tắc về ý tưởng mở rộng kinh doanh. Nếu điều này chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn khi công ty đang chờ đợi giải ngân vào dự án mới thì không sao, nhưng nếu điều này diễn ra trong nhiều năm và tỉ lệ ROE (lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu) của doanh nghiệp thấp thì đây không phải là điều tốt.

Xướng danh vua tiền mặt

Nếu một doanh nghiệp khi đầu tư vào một dự án mới hoặc mở rộng sản xuất có khả năng tạo ra tỉ suất sinh lợi trên vốn cổ phần là 20%, thì chi phí cơ hội của việc nắm giữ nhiều tiền mặt thật sự đắt. Bởi lãi suất cho tiền gửi không kỳ hạn khó lòng đạt tới 10%.

Trên thực tế, với lợi thế lớn về lượng tiền mặt dồi dào, các doanh nghiệp đã chọn cho mình những chiến lược và đầu tư phù hợp, từ việc mở rộng đầu tư trong nước đến việc rót vốn ở thị trường nước ngoài. Tại thời điểm cuối quý I/2024, PV GAS là doanh nghiệp niêm yết sở hữu lượng tiền mặt lớn nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam. Tổng lượng tiền mặt (bao gồm tiền, các khoản tương đương tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn) lên đến hơn 42.580 tỉ đồng, chiếm hơn 46,4% tổng tài sản của doanh nghiệp này.

So với thời điểm đầu năm 2024, lượng tiền mặt của PV GAS đã tăng hơn 4,5%. Lượng tiền mặt dồi dào không chỉ giúp hoạt động kinh doanh của Công ty ổn định mà còn giúp PV GAS tích cực triển khai các dự án trọng điểm, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Bên cạnh kết quả sản xuất kinh doanh, năm 2023 PV GAS đã chính thức ghi tên Việt Nam - PV GAS vào bản đồ kinh doanh LNG toàn cầu, tham gia vào “chuỗi giá trị LNG” của thế giới.

Xướng danh vua tiền mặt

Ảnh minh họa: Shutterstock.com

Nắm giữ vị trí á quân trên bảng xếp hạng là Lọc Hóa dầu Bình Sơn với hơn 40.330 tỉ đồng tiền mặt vào cuối quý I/2024, tăng 5,8% so với đầu năm 2024. Với lượng tiền mặt dồi dào, Công ty đã triển khai nhiều chiến lược và hoạt động quan trọng để củng cố và phát triển kinh doanh.

Năm 2023, nhà máy lọc dầu Dung Quất đạt công suất tối ưu, sản lượng sản xuất và tiêu thụ đạt hơn 7,34 triệu tấn (cao nhất kể từ khi nhà máy lọc dầu Dung Quất đi vào vận hành thương mại trong điều kiện nhà máy đang ở cuối chu kỳ bảo dưỡng tổng thể). Trong năm 2024, nhà máy lọc dầu Dung Quất sẽ tiến hành bảo dưỡng tổng thể lần 5 và sản xuất khoảng 5,7 triệu tấn sản phẩm các loại.

Tương tự, với lượng tiền mặt thuộc Top 3, Công ty Cổ phần Tập đoàn Hòa Phát (mã HPG) đã thực hiện nhiều chiến lược quan trọng để củng cố và mở rộng hoạt động kinh doanh. Một trong những bước đi quan trọng là đầu tư vào việc mở rộng sản xuất, đặc biệt là các dự án lớn như Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất. Trung tâm Phân tích, Công ty Chứng khoán Agribank (Agriseco Research) cho rằng với lợi thế về chuỗi giá trị hoàn thiện và chi phí, Hòa Phát có thể gia tăng thị phần khi ngành thép phục hồi và biên lợi nhuận gộp được cải thiện nhờ giá nguyên vật liệu đầu vào được dự báo giảm trong năm 2024 trong khi giá thép được kỳ vọng đã tạo đáy.

Xướng danh vua tiền mặt

Kế hoạch B của đại gia tiền mặt

Sở hữu lượng tiền mặt dồi dào, nhiều doanh nghiệp lớn của Việt Nam như Tập đoàn FPT, Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk, mã VNM), Công ty Cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động (mã MWG) và Tổng Công ty Cổ phần Đầu tư Quốc tế Viettel (Viettel Global, mã VGI) đẩy mạnh đầu tư ra nước ngoài để đạt được nhiều lợi ích chiến lược trong bối cảnh cạnh tranh trong nước ngày càng khốc liệt.

Nổi bật trong xu hướng này phải kể đến FPT. Các văn phòng mới được Tập đoàn liên tiếp mở tại Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc, Indonesia, Mexico, nâng tổng số quốc gia, vùng lãnh thổ trên toàn cầu có sự hiện diện của FPT lên 30. Ngoài ra, để mở rộng trung tâm dịch vụ công nghệ, quy mô thị trường, tập khách hàng, FPT rất tích cực tham gia các thương vụ M&A và đầu tư chiến lược.

Riêng trong năm 2023, FPT tiến hành 4 thương vụ M&A và đầu tư chiến lược vào các công ty công nghệ tại Mỹ, Pháp. Mới đây, FPT công bố hợp tác chiến lược toàn diện với Nvidia, tập đoàn công nghệ đa quốc gia hàng đầu thế giới, để thúc đẩy nghiên cứu trí tuệ nhân tạo (A.I), cung cấp dịch vụ, giải pháp cho khách hàng Việt Nam và trên toàn cầu. Sau nhiều năm mở rộng thị trường nước ngoài, năm 2023, lần đầu tiên FPT đạt doanh thu dịch vụ công nghệ thông tin từ nước ngoài 1 tỉ USD.

Xướng danh vua tiền mặt

Ảnh minh họa: Shutterstock.com

Viettel Global cũng là cái tên nổi bật trong nỗ lực đầu tư ra nước ngoài. Hoạt động chính của Tổng Công ty và các công ty con là đầu tư và vận hành các mạng viễn thông ở nước ngoài và cung cấp những dịch vụ công nghệ thông tin có liên quan.

Năm 2023 Viettel Global mang về 400 triệu USD, là năm thứ 2 liên tiếp dòng tiền về của các thị trường tương đương 10.000 tỉ đồng, đưa Viettel vào danh sách Top đầu các doanh nghiệp nhà nước đầu tư ra nước ngoài mang nhiều tiền nhất về Việt Nam. Thành công của hoạt động đầu tư nước ngoài đã góp phần đưa Viettel trở thành thương hiệu có giá trị đạt xấp xỉ 9 tỉ USD, là thương hiệu viễn thông duy nhất của Đông Nam Á có mặt trên bảng xếp hạng Global 500 của Brand Finance.

Với những trái ngọt ban đầu từ thị trường quốc tế cùng sự kỳ vọng tích cực của nhà đầu tư, giá cổ phiếu FPT và VGI đều đã tăng trưởng mạnh mẽ trong nửa đầu năm 2024 và đều đang ở vùng giá cao nhất lịch sử.

Trong lĩnh vực sản xuất thực phẩm sữa, Vinamilk với lượng tiền mặt lên đến hàng chục ngàn tỉ đồng là cái tên được nghĩ đến đầu tiên. Nguồn tiền dồi dào đã tạo lực đẩy mạnh mẽ cho doanh nghiệp đầu ngành sữa trong quá trình tìm kiếm động cơ tăng trưởng mới, từ các thương vụ M&A trong nước để mở rộng sản xuất, gia tăng khả năng phân phối sản phẩm và đa dạng hóa dòng sản phẩm đến các thương vụ đầu tư ở nước ngoài.

Bên cạnh ngành kinh doanh sữa chủ đạo, Vinamilk vẫn tích cực khai thác cơ hội kinh doanh tại những thị trường mới thông qua hoạt động M&A, liên doanh hoặc đầu tư mạo hiểm. Năm 2023, doanh thu thuần của Vinamilk từ thị trường nước ngoài đạt 9.752 tỉ đồng, tăng 5,4% so với cùng kỳ, trong khi lợi nhuận gộp từ thị trường nước ngoài đạt 3.651 tỉ đồng, tăng 9,3%.

Có thể thấy, lượng tiền mặt dồi dào là nền tảng vô cùng quan trọng giúp nhiều doanh nghiệp mạnh tay trong các thương vụ đầu tư. Nhất là trong bối cảnh Việt Nam ngày càng tham gia vào nhiều hiệp định kinh tế thế giới, các điều kiện để giới hạn đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam dần được dỡ bỏ, cạnh tranh trong nước đã ngày càng trở nên gay gắt, thúc đẩy nhiều doanh nghiệp rót tiền cho các khoản đầu tư ở nước ngoài.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Mã liên quan
Giá
Biểu đồ

23.80

-0.15 (-0.63%)

Biểu đồ mã ACB

130.50

-2.30 (-1.73%)

Biểu đồ mã FPT
Xem thêm Xem thêm
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả