Xu hướng chuyển dịch năng lượng tương lai: Năng lượng tái tạo và điện khí “lên ngôi”
Nhiệt điện và năng lượng tái tạo có khả năng được hưởng lợi từ xu hướng hồi phục ngành, trong khi thủy điện sẽ giảm tỷ trọng đóng góp trong tổng sản lượng sản xuất do thủy văn không thuận lợi.
Dù dịch COVID-19 diễn biến phức tạp song lợi nhuận của các công ty điện gió và nhiệt điện khí vẫn tăng mạnh. Giới phân tích cho rằng, nhiệt điện và năng lượng tái tạo có khả năng được hưởng lợi từ xu hướng hồi phục ngành, trong khi thủy điện sẽ giảm tỷ trọng đóng góp trong tổng sản lượng sản xuất do thủy văn không thuận lợi.
*Mở đường cho năng lượng tái tạo và nhiệt điện khí
Sau khi chạm đáy vào quý III/2021 với mức tăng trưởng âm 2,9% so với cùng kỳ năm ngoái, Công ty cổ phần Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam) kỳ vọng trong quý IV/2021 tăng trưởng sản lượng điện sản xuất của Việt Nam sẽ phục hồi.
Theo Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVN SPC), trong tháng 10/2021, tiêu thụ điện của 21 tỉnh, thành phía Nam đã tăng 10% so với tháng trước. Các tỉnh như: Long An tăng 30%, Bình Dương tăng 17%, Tiền Giang tăng 11% nhờ vào sự phục hồi sản xuất khi các biện pháp giãn cách được nới lỏng.
Theo Công ty cổ phần Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam) trong năm 2022, mức tiêu thụ điện dự kiến cải thiện ít nhất 8,6% so với cùng kỳ để đáp ứng mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5% theo Nghị quyết số 99/NQ-CP của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2021 - 2026 thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025.
Nhiệt điện và năng lượng tái tạo có khả năng được hưởng lợi từ xu hướng hồi phục ngành, trong khi thủy điện có thể bị giảm sản lượng và tỷ trọng đóng góp trong tổng sản lượng sản xuất do thủy văn không thuận lợi.
Đối với năng lượng tái tạo, tính đến 31/10/2021, đã có 3.980 MW dự án điện gió được công nhận vận hành thương mại (COD). Công suất bổ sung này dự kiến góp phần tăng 12% cùng kỳ sản lượng điện năng tái tạo và duy trì tỷ trọng đóng góp trong tổng sản lượng ở mức 13,1% trong năm 2022.
Năm 2022, sản lượng nhiệt điện dự kiến tăng 21% cùng kỳ. Theo đó, tỷ trọng sản lượng nhiệt điện khí ước tăng từ 10,2% năm 2021 lên 11,5% năm 2022 và tỷ trọng nhiệt điện than có khả năng tăng từ 45,4% năm 2021 theo dự kiến lên 50,8% năm 2022. Theo Bộ Công Thương năm 2022, sẽ có thêm 1,930 MW công suất nhiệt điện than đi vào hoạt động.
Công ty cổ phần Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam) cho biết, giai đoạn khô hạn bắt đầu gây khó khăn cho thủy điện. Mực nước một số sông chính khu vực miền Trung và miền Nam tăng liên tục trong quý III/2021, tăng 243% so với quý trước và 74% so với cùng kỳ năm ngoái; tháng 11 năm 2021 tiếp tục tăng 66% so với tháng 10 và 20% so với cùng kỳ năm 2020.
Điều này kỳ vọng giúp kết quả kinh doanh các nhà máy thủy điện trong khu vực tiếp tục duy trì mức cao đến 6 tháng đầu năm 2022. Ngược lại, các nhà máy thủy điện miền Bắc có khả năng bước vào giai đoạn khô hạn sớm hơn dự kiến.
Trong mùa mưa năm 2021, khu vực miền Bắc hầu như không có lũ về. Mực nước một số sông chính khu vực miền Bắc ở mức thấp trong quý III/2021, giảm 39% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), các hồ thuỷ điện lớn như Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, Thác Bà, Tuyên Quang, Bản Chát trên lưu vực sông Đà chỉ tích được khoảng 60% dung tích hữu ích đến tháng 11/2021.
Công ty cổ phần Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam) nhận định, sản lượng sản xuất thủy điện trong năm 2022 giảm 15% so với năm 2021 và tỷ trọng đóng góp về mức 24,1%. Ở chiều ngược lại, năng lượng tái tạo và điện khí được kỳ vọng sẽ đóng góp nhiều hơn vào tỷ trọng sản lượng ngành điện.
Theo Thông báo số 308/TB-VPCP ngày 9/11/2021, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành yêu cầu Bộ Công Thương tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện dự thảo Quy hoạch điện VIII; rà soát kỹ về quy hoạch một số nguồn điện có tính khả thi không cao hiện chưa giao chủ đầu tư hoặc đã có chủ đầu tư nhưng có đề nghị không tiếp tục triển khai, nhất là các dự án nhiệt điện than; đề xuất các phương án xử lý phù hợp trên cơ sở nghiên cứu, tiếp thu thông điệp của Việt Nam tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp quốc (COP26).
Vì vậy, kết quả quy hoạch chính thức sẽ tiếp tục mở đường cho sự phát triển năng lượng tái tạo và nhiệt điện khí tại Việt Nam.
Theo Đề án Quy hoạch điện VIII do Bộ Công Thương chính thức trình Thủ tướng Chính phủ, tỷ trọng năng lượng tái tạo trong tổng công suất điện dự kiến tăng từ 27% trong năm 2021 lên 29% trong năm 2025 và 40% trong năm 2045. Tỷ trọng công suất điện khí mục tiêu tăng từ 9,5% trong 2021 lên 13% vào 2025; 21% trong năm 2030 và 24% vào năm 2045.
Trong số các dự án điện than đã được phê duyệt hiện nay, theo ước tính của Hiệp hội Năng lượng Việt Nam có khoảng 15,8 GW vẫn chưa thu xếp được tài chính. Một nghiên cứu đã đề xuất xây dựng thêm tổng cộng 5,6 GW điện gió; 4,9 GW điện mặt trời và 8,5 GW điện khí linh hoạt công nghệ động cơ đốt trong (ICE) để thay thế 15,8 GW điện than gặp khó khăn trong việc thu xếp vốn.
Bên cạnh đó, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cũng kiến nghị tăng công suất điện gió ngoài khơi giai đoạn 2021-2030 từ 2 GW lên 10-12 GW.
Theo Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT, ngành điện đang trải qua quá trình chuyển đổi mạnh mẽ khi Chính phủ cố gắng cân bằng các lợi ích giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường. Với mức tăng trưởng vượt kỳ vọng của quá trình này trong các năm qua, các công ty tập trung phát triển năng lượng sạch có thể phát triển vượt bậc trong những năm tới.
Thực tế, kết quả kinh doanh của các công ty điện khí và điện gió rất tích cực. Đơn cử, 9 tháng năm 2021, Công ty cổ phần Xây lắp điện 1 – PCC1 (mã chứng khoán: PC1) có doanh thu thuần đạt 7.667 tỷ đồng, tăng 83% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế của PCC1 đạt 394 tỷ đồng, tăng 47% so với cùng kỳ. So với kế hoạch đề ra cho cả năm 2021, PCC1 đã thực hiện được 96% chỉ tiêu doanh thu và vượt 13% chỉ tiêu lợi nhuận.
Theo giải trình của công ty, lợi nhuận gộp của hoạt động xây lắp và thiết bị ngành điện tăng cao so với cùng kỳ do 9 tháng năm 2021, công ty ghi nhận doanh thu của nhiều dự án tổng thầu EPC (Hợp đồng thiết kế, cung cấp thiết bị công nghệ và thi công xây dựng công trình) điện gió có giá trị lớn.
Trong tháng 10/2021, PCC1 đã được công nhận vận hành thương mại (COD) thành công 3 dự án điện gió Liên Lập, Phong Huy và Phong Nguyên với công suất 48MW/dự án, qua đó kịp thời hạn hưởng giá cố định 8,5 cent/kWh.
Công ty cổ phần Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam) nhận định trong năm 2022, mảng điện gió của PCC1 sẽ tạo ra 477 triệu kWh, tăng khoảng 500% so với cùng kỳ; đóng góp 936 tỷ đồng doanh thu, tăng 506% so với cùng kỳ và lợi nhuận gộp 358 tỷ đồng, tăng 643% cùng kỳ.
Với mức tăng trưởng vượt bậc của nhóm điện gió, lợi nhuận trước thuế trong năm 2022 từ hoạt động kinh doanh chính của PCC1 dự kiến tăng trưởng 15% cùng kỳ.
Công ty cổ phần Bamboo Capital (mã chứng khoán: BCG) cũng là một doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực năng lượng tái tạo. Báo cáo kết quả kinh doanh hợp nhất quý III/2021của doanh nghiệp rất ấn tượng, với lãi sau thuế tăng gấp 2,8 lần, góp phần quan trọng đưa lãi sau thuế lũy kế 9 tháng tăng gấp 6,8 lần so với cùng kỳ năm 2020.
Công ty cổ phần Tập đoàn Hà Đô (mã chứng khoán: HDG) cũng công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2021 với doanh thu thuần đạt 633 tỷ đồng giảm 25% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, lãi sau thuế của doanh nghiệp đạt 248 tỷ đồng, tăng 32% so với cùng kỳ.
Theo Công ty cổ phần Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam), Dự án điện gió 7A của công ty đã chính thức được EVN công nhận ngày vận hành thương mại cho 4 tuabin gió cuối cùng. Theo đó, dự án đã hoàn tất và vận hành thương mại cho 12 tuabin gió với tổng công suất trước thời hạn 1/11/2021, đủ điều kiện hưởng giá FIT ưu đãi 8,5 cent/kWh.
Đối với nhiệt điện khí, Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam- PV Power (mã chứng khoán: POW) hiện là doanh nghiệp sản xuất điện sở hữu, quản lý nhiều nhà máy điện khí nhất trong số các doanh nghiệp sản xuất điện trong nước.
Theo Báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2021 của doanh nghiệp, doanh thu đạt 5.342 tỷ đồng, giảm 14%; nhưng lợi nhuận sau thuế đạt 603 tỷ đồng, gấp gần 5 lần so với quý III/2020.
Lũy kế 9 tháng năm 2021, công ty đạt doanh thu 20.966 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 2.033 tỷ đồng, tăng 27% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu của các công ty điện gió và điện khí cũng diễn biến rất tích cực. Theo đó, tính từ cuối năm 2020 đến nay, POW tăng 19,4%, BCG tăng tới 68,3%, PC1 tăng gần 80%, HDG tăng 94,3%./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận