VN-INDEX 30/07/2024: Giải cứu Cường USD - Game hủy niêm yết
Thị trường vẫn duy trì trạng thái giao dịch ảm đạm và chỉ số VN-Index tăng nhẹ. Trong đó, tâm điểm đáng chú ý là cặp đôi QCG và HVN đều tăng hết biên độ với khối lượng dư mua trần khá lớn.
Dòng tiền vẫn chủ yếu đứng ngoài khiến thanh khoản thị trường mất hút, nhưng áp lực bán được tiết chế đã giúp VN-Index tiếp tục duy trì đà tăng nhẹ trong phiên sáng ngày 29/7 với mốc 1.250 điểm đóng vai trò là ngưỡng kháng cự của thị trường.
Bước sang phiên giao dịch chiều, thị trường vẫn giao dịch ảm đạm với lực cầu chỉ nhúc nhắc tham gia khiến thanh khoản tiếp tục giữ ở mức thấp nhất của năm và chỉ số VN-Index chỉ tăng nhẹ. Trong khi các nhóm cổ cột ngân hàng, chứng khoán, thép, bất động sản chủ yếu phân hóa, điểm nóng thị trường thuộc về các mã vừa và nhỏ với diễn biến xoay quanh những thông tin doanh nghiệp.
Trong đó, tâm điểm đáng chú ý là cổ phiếu QCG. Sau chuỗi ngày dài u ám bởi thông tin bắt, khởi tố và tạm giam bà Nguyễn Thị Như Loan khiến giá cổ phiếu bốc hơi gần 50%, QCG đã chính thức được giải cứu thành công trong phiên giao dịch chiều 29/7. Một trong những động lực chính đến từ thông báo cuối tuần qua về việc ông Nguyễn Quốc Cường chính thức trở thành người đại diện pháp luật của Quốc Cường Gia Lai.
Ngoài việc thay mẹ - bà Như Loan - trong vai trò người đại diện theo pháp luật, Tổng giám đốc Nguyễn Quốc Cường còn được đề cử bầu vào HĐQT Quốc Cường Gia Lai. Việc bổ nhiệm sẽ được cổ đông xem xét tại cuộc họp đại hội cổ đông thường niên diễn ra vào ngày 30/7 tới đây.
Như vậy, trong phiên hôm nay, cổ phiếu QCG đã biến động mạnh từ mức giá mở cửa nằm sàn đã đóng cửa tại mức giá trần, với tổng mức biến động lên tới gần 15%. Kết phiên, QCG tăng 7% lên mức giá 6.7700 đồng/CP với thanh khoản khủng lên tới 7,5 triệu đơn vị, gấp gần 20 lần khối lượng khớp lệnh trung bình 10 phiên gần đây và dư mua trần 0,72 triệu đơn vị.
Bên cạnh QCG, cổ phiếu HVN cũng là một trong những cái tên đáng chú ý của thị trường. Sau chuỗi ngày dài bị bán tháo đã đã được giải cứu vào cuối tuần trước ngày 26/7 với mức tăng gần 3,5%, cổ phiếu HVN đã hot trở lại trong phiên hôm nay khi đóng cửa tăng 6,9% lên mức giá 22.350 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh gần 3,77 triệu đơn vị và dư mua trần 1,5 triệu đơn vị.
Trái lại, với thông tin bị yêu cầu mở thủ tục phá sản, cổ phiếu LDG đã có phiên nằm sàn thứ 3 liên tiếp. Kết phiên, LDG đứng tại mức giá 2.100 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh hơn 3 triệu đơn vị và dư bán sàn tới gần 15,3 triệu đơn vị.
Ngoài LDG, thị trường đón thêm 2 thành viên khác là HNG và HBC cũng chịu áp lực bán tháo mạnh trong phiên hôm nay sau thông tin HOSE yêu cầu hủy niêm yết bắt buộc do doanh nghiệp 3 năm liên tiếp kinh doanh thua lỗ. Theo đó, đóng cửa, HNG giảm 6,9% xuống mức giá sàn 4.340 đồng/CP và khớp gần 2,5 triệu đơn vị với lượng dư bán sàn hơn 10,56 triệu đơn vị; HBC cũng giảm 6,9% xuống mức 6.750 đồng/CP với thanh khoản chỉ đạt gần 0,3 triệu đơn vị và dư bán sàn tới hơn 13 triệu đơn vị.
Xét về nhóm ngành, nhóm cổ phiếu phân bón vẫn là điểm sáng của thị trường. Bên cạnh BFC duy trì sắc tím với khối lượng dư mua trần gần 1 triệu đơn vị, các mã lớn trong ngành đều nới rộng biên độ tăng trong phiên chiều như DPM tăng 1,84%, DCM tăng 4,55%, trong đó DCM khớp lệnh 7,82 triệu đơn vị, thuộc top 10 mã có thanh khoản tốt nhất thị trường.
Trong bộ 3 trụ cột chính bank chứng thép, nhóm thép có diễn biến tích cực hơn với HPG tăng 1,6%, đóng cửa tại mức giá 27.900 đồng/CP và khớp 15,44 triệu đơn vị, HSG tăng 0,6%, NKG, TLH, SMC đều tăng hơn 1%.
Ở nhóm cổ phiếu ngân hàng và chứng khoán đều phân hóa và đóng cửa vẫn giữ mức tăng nhẹ. Trong đó, cổ phiếu BID tiếp tục là điểm sáng của dòng bank khi đóng cửa tăng 1,84% lên mức 47.100 đồng/CP, là mã đóng góp nhiều nhất với gần 1,2 điểm cho chỉ số chung; còn TPB vẫn giao dịch sôi động nhất ngành khi có 13,24 triệu đơn vị khớp lệnh, kết phiên tăng 1,4% lên mức 18.100 đồng/CP.
Trong nhóm chứng khoán, cổ phiếu VIX vẫn có thanh khoản tốt nhất thị trường với hơn 22 triệu đơn vị, nhưng biên độ tăng thu hẹp khi kết phiên chỉ còn tăng 0,7%, về đúng giá mở cửa tại 13.900 đồng/CP.
Một vài mã đáng chú ý khác trên thị trường như HAG, BCG, TCH với thanh khoản vượt trội, đều đạt hơn 10 triệu đơn vị, nhưng diễn biến giá cũng phân hóa, trong khi HAG tăng 2,9%, TCH tăng 3,9%, thì BCG giảm 2,7%.
Chốt phiên, sàn HOSE có 244 mã tăng và 168 mã giảm, VN-Index tăng 4,49 điểm (+0,36%) lên 1.246,6 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 496,87 triệu đơn vị, giá trị 11.379,74 tỷ đồng, tăng 8,3% về khối lượng nhưng giảm 4% về giá trị so với phiên cuối tuần trước ngày 26/7. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 32,23 triệu đơn vị, giá trị hơn 887 tỷ đồng.
Trên sàn HNX, thanh khoản cải thiện tích cực nhưng HNX-Index vẫn duy trì đà tăng nhẹ trong suốt cả phiên chiều.
Đóng cửa, sàn HNX có 96 mã tăng và 61 mã giảm, HNX-Index tăng 0,86 điểm (+0,36%) lên 237,52 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 44,56 triệu đơn vị, giá trị hơn 914 tỷ đồng, tăng 35,94% về lượng và 38,9% về giá trị so với phiên trước đó. Giao dịch thỏa thuận có thêm 6,2 triệu đơn vị, giá trị 147,14 tỷ đồng.
Cổ phiếu TNG bất ngờ tăng vọt trong phiên chiều, đóng cửa ghi nhận mức tăng 5,7% lên mức 26.100 đồng/CP với thanh khoản dẫn đầu thị trường, đạt 4,58 triệu đơn vị.
Bên cạnh đó, cổ phiếu phân bón LAS khởi sắc khi đóng cửa tăng 4,8% lên mức 26.000 đồng/CP và khối lượng khớp lệnh đạt 1,76 triệu đơn vị; trong khi cổ phiếu thép VGS ấn tượng hơn khi kết phiên tăng 7,5% lên vùng giá cao nhất trong ngày 37.400 đồng/CP và khớp lệnh 1,63 triệu đơn vị.
Mặt khác, nhóm chứng khoán vẫn giao dịch phân hóa, với cặp đôi SHS và MBS sôi động nhất ngành, lần lượt đạt 3,78 triệu đơn vị và 2,24 triệu đơn vị, đóng cửa diễn biến trái chiều nhau với SHS giảm 0,6%, còn MBS tăng 0,3%.
Trên UPCoM, dù có chút rung lắc nhẹ đầu phiên nhưng thị trường sớm đảo chiều hồi phục nhẹ trở lại.
Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 0,28 điểm (+0,3%) lên 95,46 điểm với 154 mã tăng và 97 mã giảm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 31,67 triệu đơn vị, giá trị 479 tỷ đồng.
Trong khi các cổ phiếu thép trên sàn HOSE khởi sắc với mức tăng hạn chế, thì TVN trên UPCoM lại khá ấn tượng khi đóng cửa tăng tới 11,1% lên mức 10.000 đồng/CP và khớp lệnh 1,31 triệu đơn vị. Cổ phiếu khác trong ngành là TIS cũng tăng mạnh, đạt 6,6%, đóng cửa đứng tại mức giá 6.500 đồng/CP.
Một số mã đáng chú ý khác trên thị trường như OIL tăng 6,4%, VGT tăng 5,5%, VGI tăng 6,3%, DDV tăng 5% với khối lượng giao dịch đạt một vài triệu đơn vị. Cổ phiếu BSR duy trì đà tăng nhẹ 0,9%, đóng cửa tại mức giá 22.000 đồng/Cp với giao dịch dẫn đầu thị trường, đạt 3,35 triệu đơn vị.
Trái lại, DGT tiếp tục lùi nhẹ so với phiên sáng, đóng cửa giảm 5,5% xuống mức giá thấp nhất ngày 8.600 đồng/CP, khối lượng giao dịch chỉ thua BSR, đạt 2,92 triệu đơn vị.
Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai đều đóng cửa trong sắc xanh. Trong đó, VN30F2408 tăng 2,8 điểm, tương đương +0,2% lên 1.287,8 điểm, khớp lệnh hơn 136.990 đơn vị, khối lượng mở gần 62.300 đơn vị.
Theo dõi người đăng bài
Tiếp cận các chuyên gia VIP/PRO hàng đầu của 24HMONEY
Nhận ngay bài viết tài chính chuyên sâu
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận