"Trùm BOT" Tasco rút khỏi Tổng công ty Thăng Long, thu gần 300 tỷ
Ngược với động thái thoái sạch vốn của Tasco, Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng TNG đã nâng sở hữu tại Tổng công ty Thăng Long lên 50,16% vốn.
Tổng công ty Thăng Long (HNX: TTL) mới đây đã ghi nhận chuyển dịch lớn của nhóm cổ đông tư nhân. Giao dịch lần này đã khiến Tổng công ty Thăng Long đổi chủ.
Cụ thể, Công ty cổ phần Tasco (HNX: HUT) vừa bán ra 1,34 triệu và 14,8 triệu cổ phiếu TTL trong ngày 4-5/7, nhằm giảm sở hữu từ 38,66% xuống 0. Giao dịch được thực hiện theo phương thức thỏa thuận. Tasco thu về gần 300 tỷ đồng sau thương vụ và không còn là cổ đông lớn tại Tổng công ty Thăng Long. Như vậy, bình quân TTL có giá 18.400 đồng/cổ phiếu.
Tasco lần đầu xuất hiện tại Tổng công ty Thăng Long từ 2015 và quyết định thoái vốn vào cuối năm 2021, sau khi chuyển giao đội ngũ lãnh đạo với sự xuất hiện của DNP Holding - doanh nghiệp trong hệ sinh thái của doanh nhân Vũ Đình Độ.
Chiều ngược lại, diễn biến trùng hợp khi Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng TNG thông báo mua vào đúng khối lượng mà Tasco bán ra trong các ngày 4-5/7. Dù không công bố cụ thể, song đây có thể là giao dịch sang tay của 2 doanh nghiệp tư nhân.
Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng TNG trở thành cổ đông lớn tại Tổng công ty Thăng Long từ cuối tháng 5, sau đó liên tục mua gom cổ phiếu. Sau giao dịch sang tay kể trên, TNG tăng số sở hữu lên gần 21 triệu cổ phiếu TTL, tương đương với 50,16% vốn.
TNG có Tổng Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật là ông Nguyễn Hồng Giang. Ông Giang trở thành người đại diện theo pháp luật thay ông Nguyễn Việt Hà hồi tháng 4/2021. Đây là doanh nghiệp xây lắp, thi công cơ sở hạ tầng ngành nước. Một số dự án có thể kể đến như Nhà máy nước sạch DNP Bắc Giang, nhà máy nước Nhị Thành (Long An)... Đây đều là những dự án lớn của DNP Holding.
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022 của Tổng công ty Thăng Long, cổ đông đã thông qua việc cho phép Xây dựng TNG được gom lượng lớn cổ phần TTL mà không phải chào mua công khai. Bên chuyển nhượng cổ phần là Tasco và bà Lê Như Quý.
Đáng chú ý, không chỉ Tasco, Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) mới đây cũng tổ chức chào bán cạnh tranh toàn bộ 10,5 triệu cổ phiếu TTL, tương đương 25,05% vốn. Giá khởi điểm là 194,6 tỷ đồng, tương đương 18.533 đồng/cổ phiếu.
Trước đó, phiên đấu giá dự kiến diễn ra ngày 21/6 trên sàn HNX. Tuy nhiên, kết thúc thời gian đăng ký, không có nhà đầu tư đăng ký tham dự phiên đấu giá nên phiên đấu giá bị hủy. Phiên đấu giá tới sẽ được tổ chức vào 9h ngày 10/8, tại Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX).
Tổng công ty Thăng Long - CTCP tiền thân là Xí nghiệp Liên hợp Cầu Thăng Long, được Bộ GTVT thành lập vào năm 1973 với nhiệm vụ đầu tiên là xây dựng cầu Thăng Long - cây cầu lớn nhất Việt Nam thời bấy giờ.
Năm 2014, Tổng công ty Thăng Long chuyển sang mô hình công ty cổ phần với 300 tỷ đồng vốn điều lệ. Đến năm 2018, gần 42 triệu cổ phiếu Tổng công ty Thăng Long chính thức niêm yết trên sàn chứng khoán với mã TTL. Vốn điều lệ của công ty là 419 tỷ đồng.
Về hoạt động kinh doanh, kết thúc quý I/2022, Tổng công ty Thăng Long ghi nhận 207 tỷ đồng doanh thu, tăng trưởng 15,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận trước thuế đạt 6,8 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lỗ 3,12 tỷ đồng. Năm 2021 trước đó, công ty ghi nhận 1.264 tỷ đồng doanh thu và 15,2 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Tính đến cuối quý I/2022, tổng tài sản công ty đạt 2.231 tỷ đồng, trong đó nợ phải trả chiếm 72,4%, tương ứng 1.617 tỷ đồng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường