Triệu tập 38 pháp nhân và 22 người làm chứng tới phiên tòa xét xử vụ án FLC
Để chuẩn bị cho phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án tại Tập đoàn FLC, Hội đồng xét xử đã triệu tập 38 pháp nhân là các công ty có liên quan và 22 người làm chứng tới phiên tòa.
TTXVN đưa tin, theo kế hoạch, sáng 22-7, TAND thành phố Hà Nội sẽ mở phiên tòa xét xử sơ thẩm 50 bị cáo trong vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Thao túng thị trường chứng khoán; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán” xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn FLC (Tập đoàn FLC).
Trong vụ án này, bị cáo Trịnh Văn Quyết (cựu Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn FLC, Chủ tịch Công ty cổ phần hàng không Tre Việt), hai em gái là Trịnh Thị Minh Huế và Trịnh Thị Thúy Nga, cùng năm thuộc cấp bị VKSND Tối cao truy tố về hai tội: “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” (theo quy định tại quy định tại Điều 174, khoản 4, điểm a – Bộ luật Hình sự) và “Thao túng thị trường chứng khoán” (theo quy định tại Điều 211, khoản 2, điểm b – Bộ luật Hình sự).
Để chuẩn bị cho phiên tòa này, HĐXX đã triệu tập 38 pháp nhân là các công ty có liên quan đến việc chuyển tiền ra – vào của FLC, gồm các công ty thuộc hệ sinh thái như: Công ty cổ phần xây dựng FLC Faros, Công ty cổ phần chứng khoán BOS, Công ty cổ phần hàng không Tre Việt, Công ty cổ phần đầu tư tài chính và quản lý tài sản RTS…
Ngoài hệ sinh thái FLC, còn có một số công ty bên ngoài Công ty cổ phần nông dược HAI, Công ty trách nhiệm hữu hạn đầu tư phát triển địa ốc Khánh Hòa, Công ty trách nhiệm hữu hạn NewLand Holdings Việt Nam…
Toà cũng triệu tập 22 người làm chứng, 21 cá nhân liên quan là những người nhận tiền, chuyển tiền cho bị cáo Trịnh Văn Quyết; Tám giám định viên, gồm hai giám định viên của Bộ Tài chính, sáu giám định viên của UBCKNN; Bốn ngân hàng gồm Vietinbank, OCB, PublicBank Việt Nam.
Theo cáo trạng của VKSND Tối cao, với mục đích chiếm đoạt tiền của các nhà đầu tư để sử dụng vào mục đích riêng của mình, Trịnh Văn Quyết đã sử dụng Công ty Faros làm công cụ, chỉ đạo cấp dưới thực hiện hành vi gian dối, gồm: tăng khống vốn góp chủ sở hữu tại Công ty Faros từ 1,5 tỉ đồng lên 4.300 tỉ đồng; hoàn thiện các thủ tục để niêm yết cổ phiếu tương ứng với giá trị vốn góp khống của Công ty Faros trên sàn chứng khoán; sử dụng sàn HOSE làm công cụ, phương tiện bán cổ phiếu, chiếm đoạt tiền của các nhà đầu tư.
Mặt khác, Trịnh Văn Quyết cũng chỉ đạo Trịnh Thị Minh Huế mượn giấy tờ cá nhân của 45 cá nhân là người thân, nhân viên thuộc FLC để thành lập, đứng tên 20 doanh nghiệp và mở 500 tài khoản chứng khoán đứng tên các cá nhân, pháp nhân tại 41 công ty chứng khoán. Đồng thời, thông qua Huế chỉ đạo Trịnh Thị Thúy Nga cấp khống tiền cho các tài khoản do Huế quản lý, sử dụng để Trịnh Thị Minh Huế thực hiện các hành vi thao túng thị trường chứng khoán với 5 mã cổ phiếu AMD, HAI, GAB, FLC, ART.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận