Trái phiếu riêng lẻ - 'sân chơi' của ai?
Dự thảo mới nhất của luật sửa bảy luật thuộc lĩnh vực tài chính, trong đó có Luật Chứng khoán, đã “nới hơn”, cho phép nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân được mua, giao dịch, chuyển nhượng trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trong một số trường hợp thay vì “cấm” như phương án trước đó. Song, hiện vẫn còn các ý kiến khác nhau về vấn đề này.
“Nhượng bộ” hơn với nhà đầu tư cá nhân
Theo dự thảo mới nhất, có hai đối tượng được tham gia mua, giao dịch, chuyển nhượng trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) riêng lẻ, gồm nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là tổ chức (sau đây gọi là nhà đầu tư tổ chức) và nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân (sau đây gọi là nhà đầu tư cá nhân) trong một số trường hợp.
Cụ thể, nhà đầu tư cá nhân chỉ được mua, giao dịch, chuyển nhượng TPDN riêng lẻ nếu doanh nghiệp phát hành có xếp hạng tín nhiệm và có tài sản bảo đảm; hoặc có xếp hạng tín nhiệm và có bảo lãnh thanh toán của tổ chức tín dụng.
Như vậy, dự thảo luật mới nhất đã có bước “nhượng bộ” đáng kể với nhà đầu tư cá nhân. Trước đó, tại dự thảo luật trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào tháng 10-2024, Chính phủ đề xuất: cho phép nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là tổ chức được tham gia mua, giao dịch, chuyển nhượng TPDN riêng lẻ; còn nhà đầu tư cá nhân chỉ tham gia mua, giao dịch, chuyển nhượng TPDN riêng lẻ do tổ chức tín dụng phát hành.
Lý do của đề xuất này là: TPDN chào bán riêng lẻ, đặc biệt là các loại trái phiếu do các doanh nghiệp chưa niêm yết phát hành, là loại sản phẩm có mức độ rủi ro rất cao. Trong khi đó, tổng dư nợ TPDN của nước ta tại thời điểm cuối tháng 8-2024 đạt khoảng 1.025.000 tỉ đồng, tương đương 10% GDP. Đáng chú ý, cơ cấu phát hành chưa hợp lý khi phát hành riêng lẻ chiếm tỷ trọng quá lớn, khoảng 88%; phát hành ra công chúng chỉ khoảng 12%. Điều này không chỉ hạn chế khả năng tiếp cận vốn của các doanh nghiệp từ nhà đầu tư đại chúng mà còn tạo ra rủi ro về tính minh bạch của thị trường.
Nhìn ra thế giới, pháp luật của một số quốc gia không cấm nhà đầu tư chuyên nghiệp là cá nhân tham gia thị trường này, nhưng trên thực tế hoạt động giao dịch, mua bán, đầu tư TPDN riêng lẻ thường chỉ được thực hiện giữa các tổ chức đầu tư chuyên nghiệp như các công ty chứng khoán, các quỹ đầu tư và các ngân hàng đầu tư. Các nhà đầu tư cá nhân thường không tham gia trực tiếp vào thị trường này do hạn chế về khả năng quản trị rủi ro và nguồn lực, tính hiệu quả khi thực hiện các hoạt động phòng ngừa rủi ro.
Bên cạnh ý kiến ủng hộ thì cũng có những ý kiến không tán thành phương án này. Trong đó, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) lo ngại khả năng “gây tắc nghẽn, đứt gãy thị trường TPDN”, bởi các nhà đầu tư tổ chức đang vướng nhiều hạn chế về quy định đầu tư trái phiếu. Do vậy, các nhà đầu tư cá nhân vẫn đang là một trong số các nhà đầu tư lớn có thể hấp thụ TPDN. Nếu hạn chế các nhà đầu tư này, doanh nghiệp khó có thể phát hành trái phiếu thêm vì không có đủ nhà đầu tư trên thị trường để hấp thụ lượng trái phiếu phát hành ra. Đặc biệt, trong giai đoạn tới, doanh nghiệp sẽ có nhu cầu huy động vốn để cơ cấu lại các khoản nợ đến hạn hoặc cơ cấu các khoản nợ có chi phí huy động vốn cao, ước tính khoảng 543.000 tỉ đồng trong vòng bốn năm tới. Vì thế, doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng lớn trong việc huy động vốn để tái cơ cấu nợ, có thể ảnh hưởng mạnh đến thanh khoản 3-5 năm tới.
Vẫn chưa có tiếng nói chung
Quay trở lại với dự thảo mới nhất, khi thẩm tra, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng việc bổ sung quy định về các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp tham gia mua, giao dịch, chuyển nhượng TPDN riêng lẻ là cần thiết để giảm thiểu rủi ro trong thời gian qua của thị trường TPDN riêng lẻ, bao gồm cả TPDN riêng lẻ của công ty đại chúng theo quy định của Luật Chứng khoán và TPDN riêng lẻ của công ty không phải là đại chúng theo quy định của Luật Doanh nghiệp.
Nhiều ý kiến trong Ủy ban đồng tình với đề xuất của Chính phủ, theo đó nhà đầu tư cá nhân được mua, giao dịch, chuyển nhượng TPDN trong trường hợp doanh nghiệp phát hành có xếp hạng tín nhiệm và có tài sản bảo đảm hoặc có xếp hạng tín nhiệm và có bảo lãnh thanh toán của tổ chức tín dụng. Điều này nhằm nâng cao chất lượng hàng hóa trên thị trường, giúp thị trường TPDN hoạt động an toàn, lành mạnh hơn.
Tuy nhiên, một số ý kiến trong Ủy ban lại ủng hộ phương án Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước đó, bởi cho rằng, nhà đầu tư cá nhân thường hạn chế về khả năng quản trị rủi ro và nguồn lực tài chính, nhất là trong điều kiện thị trường phát triển nhanh, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Phương án ban đầu của Chính phủ sẽ giúp phân luồng nhà đầu tư tham gia mua, giao dịch, chuyển nhượng TPDN riêng lẻ theo hướng: các nhà đầu tư là cá nhân sẽ tham gia thị trường TPDN chào bán ra công chúng - công khai, minh bạch, ít rủi ro hơn; hoặc tham gia đầu tư TPDN riêng lẻ qua các quỹ đầu tư là các tổ chức đầu tư chuyên nghiệp, có khả năng quản trị rủi ro tốt, kỹ năng đầu tư và được cấp phép, giám sát bởi các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành.
Lại có ý kiến cho rằng, để phù hợp với trình độ phát triển của thị trường TPDN và tạo sự linh hoạt trong điều hành của Chính phủ, bảo đảm luật phải mang tính ổn định, có giá trị lâu dài thì dự thảo luật chỉ quy định chung: nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định của Chính phủ. Theo đó, Chính phủ sẽ quy định cụ thể tiêu chuẩn, điều kiện, đối tượng nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp tham gia mua, giao dịch, chuyển nhượng TPDN trên cơ sở bảo vệ quyền, lợi ích của nhà đầu tư, bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh của thị trường.
Trong phiên thảo luận tổ vào cuối tháng 10 vừa qua, một số đại biểu Quốc hội không nhất trí với việc hạn chế sự tham gia của nhà đầu tư cá nhân vào thị trường TPDN riêng lẻ. Theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Như So (Bắc Ninh), điều này có thể gây ra sự can thiệp không cần thiết vào thị trường. Ông cho rằng, chúng ta đang trong môi trường tài chính tự do, các nhà đầu tư chuyên nghiệp có sự hiểu biết sâu sắc, có khả năng đánh giá và quản trị rủi ro cao hơn so với nhà đầu tư nhỏ lẻ. Các nhà đầu tư chuyên nghiệp có quyền tự do tiếp cận các sản phẩm đầu tư có mức độ rủi ro khác nhau.
“Trong một thị trường vốn hiệu quả, việc giới hạn quyền của nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư chuyên nghiệp, có thể làm giảm tính linh hoạt và khả năng tiếp cận vốn của các doanh nghiệp. Tại Singapore, một trong những trung tâm tài chính hàng đầu châu Á, nhà đầu tư chuyên nghiệp có quyền mua trái phiếu không bảo đảm từ các doanh nghiệp có hồ sơ tài chính minh bạch. Chính sách này giúp tăng cường khả năng huy động vốn của doanh nghiệp mà không phải chịu các ràng buộc pháp lý”.
Vì vậy, theo ông Nguyễn Như So, thay vì giới hạn quyền của nhà đầu tư, nên tập trung vào các biện pháp thúc đẩy sự minh bạch thông tin và nâng cao hiểu biết của nhà đầu tư, để họ có thể tự quyết định và tự chịu trách nhiệm đối với các giao dịch của mình. Điều này không chỉ hỗ trợ sự phát triển của thị trường vốn mà còn tạo ra môi trường cạnh tranh công bằng cho doanh nghiệp.
Đại biểu Nguyễn Như So là một doanh nhân, cũng dễ hiểu khi ông ủng hộ quyền tự do tiếp cận các sản phẩm TPDN của các nhà đầu tư cá nhân. Tuy nhiên, ở góc nhìn khác, có thể các phương án của Chính phủ sẽ được đại biểu Quốc hội ủng hộ.
Dự thảo Luật sửa bảy luật thuộc lĩnh vực tài chính, trong đó có Luật Chứng khoán, được Quốc hội thảo luận ở hội trường vào ngày 7-11. TPDN phát hành riêng lẻ có nên dành cho nhà đầu tư cá nhân hay chỉ nên là “sân chơi” của nhà đầu tư tổ chức - vấn đề này chắc chắn sẽ được thảo luận kỹ lưỡng để tạo giai đoạn phát triển ổn định và dài hạn là phù hợp với diễn biến thị trường, tạo tiền đề cho việc phục hồi thị trường một cách minh bạch hơn và không để lặp lại các điểm chưa hợp lý, hay rủi ro đã xảy ra trên thị trường TPDN riêng lẻ trong thời gian vừa qua.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận