Top 10 doanh nghiệp có lợi nhuận cao nhất nửa đầu năm 2022
Top 10 doanh nghiệp có lợi nhuận cao nhất 6 tháng đầu năm 2022 chứng kiến sự xáo trộn lớn, phản ánh chân thực diễn biến thị trường thời gian qua.
Xung đột Nga - Ukraine kéo dài, chính sách Zero Covid của Trung Quốc, lạm phát gia tăng và lo ngại suy thoái làm giảm nhu cầu tiêu dùng… đang là những yếu tố khiến nền kinh tế toàn cầu lâm nguy. Tình hình các doanh nghiệp có lợi nhuận cao nhất trên thị trường chứng khoán cũng phần nào phản ánh những bất trắc vừa qua.
Hòa Phát dù “thê thảm” vẫn dẫn đầu
6 tháng đầu năm 2022, Hòa Phát soán ngôi đầu của Vinhomes về lợi nhuận trước thuế (LNTT) dù trước đó Chủ tịch Trần Đình Long dự báo ngành thép sẽ có một năm kinh doanh “thê thảm”.
Ngành thép đã trải qua nửa năm khó khăn bởi sức ép cả về phía cung và cầu. Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ hai thế giới lâm vào khủng hoảng, đặc biệt là ngành bất động sản, khiến nhu cầu thép sụt giảm.
Đồng thời, sự đứt gãy của hệ thống vận tải toàn cầu khiến giá than (một trong những nguyên liệu chính để sản xuất thép) đã tăng hai chữ số trong nửa đầu năm.
Kết quả ông lớn ngành thép lãi 13.300 tỷ đồng trước thuế trong nửa đầu năm, giảm hơn 26% so với cùng kỳ 2021.
Dù vậy, Hòa Phát vẫn đứng đầu về LNTT khi Vinhomes - quán quân nửa đầu năm 2021 đã giảm lợi nhuận gần 2/3, từ mức 20.555 tỷ đồng xuống còn 7.245 tỷ đồng nửa năm nay. .
Cuối năm là giai đoạn cao điểm xây dựng và tiêu thụ thép tại thị trường nội địa, Hòa Phát có thể hưởng lợi từ việc tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công và đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng tại Trung Quốc.
Giá nhiên liệu leo thang giúp doanh nghiệp xăng dầu lọt top 3
Lọc hóa dầu Bình Sơn bất ngờ giữ vị trí á quân sau một kỳ kinh doanh thành công. Doanh thu nửa đầu năm tăng 78% so với cùng kỳ. LNTT tăng xấp xỉ 267%, đạt 13.164 tỷ đồng - thua kém không đáng kể so với Hòa Phát.
Sau đợt giảm sốc năm 2020, giá dầu đã bắt đầu phục hồi trong năm 2021 và tăng mạnh ở những tháng đầu năm 2022. Dầu là sản phẩm đầu ra chính của Lọc hóa dầu Bình Sơn, vì thế đây là một trong những doanh nghiệp được hưởng lợi nhiều nhất từ xu hướng tăng giá dầu thô trong nửa đầu năm nay.
Giá dầu Brent leo thang cũng tạo động lực tăng trưởng vượt trội cho Tổng Công ty Khí Việt Nam - PV Gas. Đồng thời, giá CP (giá gas thống nhất theo chuẩn thế giới) bình quân 6 tháng đầu năm cũng tăng 50% so với cùng kỳ, đóng góp không nhỏ vào kết quả kinh doanh của PV Gas.
Quý II/2022, PV Gas có màn bứt tốc ngoạn mục khi lợi nhuận ròng tăng 123% so với cùng kỳ, đạt 5.141 tỷ đồng - kết quả cao nhất theo quý kể từ khi niêm yết.
Kết thúc 6 tháng đầu năm, LNTT của công ty tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ. Nhờ đó, PV Gas giành được vị trí thứ 3 trong top 10 doanh nghiệp có lợi nhuận cao nhất.
Với lợi thế là công ty duy nhất cung cấp khí tự nhiên cho tiêu dùng trong nước, đặc biệt cho sản xuất điện, PV Gas đang đứng trước cơ hội tăng trưởng hơn nữa vào cuối năm do sự gián đoạn nguồn cung kéo dài từ khủng hoảng Nga - Ukraine.
Doanh nghiệp hóa dầu và cảng hàng không tăng trưởng 3 chữ số
Bên cạnh Bình Sơn và PV Gas, Đạm Phú Mỹ cũng là doanh nghiệp hưởng lợi nhờ biến động giá năng lượng toàn cầu.
Giá urê tiếp tục ở mức cao trong giai đoạn 2022-2023 do giá khí đốt và giá than (nguyên liệu đầu vào của urê) tăng cao, trong khi nguồn cung từ Nga, Trung Quốc và châu Âu sụt giảm.
Nhờ đó, giá bán phân bón và hóa chất nửa đầu năm tăng mạnh giúp doanh thu của Đạm Phú Mỹ tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ. LNTT tăng hơn 304%, đạt 4.156 tỷ đồng.
Giá than cao sẽ ảnh hưởng xấu đến các nhà sản xuất phân bón chạy bằng than, vì giá than chiếm tới 70% chi phí sản xuất phân urê. Lợi thế sẽ nghiêng về các nhà sản xuất phân bón bằng khí đốt như Đạm Phú Mỹ.
Trong báo cáo tháng 7/2022, Cơ quan Năng lượng Quốc tế đã nâng dự báo giá khí đốt trung bình năm 2022 lên khoảng 5% so với báo cáo hồi tháng 4, cho thấy giá khí đốt vẫn sẽ duy trì ở mức cao, qua đó hỗ trợ giá urê.
Ngoài Lọc hóa dầu Bình Sơn và Đạm Phú Mỹ, Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cũng là doanh nghiệp có mức tăng trưởng lợi nhuận 3 chữ số.
Du lịch mở cửa, lượng hành khách trong nước và quốc tế phục hồi mạnh mẽ đã giúp ACV có một kinh doanh khởi sắc với doanh thu nửa đầu năm 2022 tăng gần 62%, lợi nhuận tăng gần gấp 3 lần so với cùng kỳ, đạt 4.269 tỷ đồng.
Trong tháng 7 vừa qua, lượng hành khách quốc tế đạt 1,3 triệu, tăng gấp 9 lần so với mức trung bình trong quý I/2022 và gấp 2 lần so với mức trung bình trong quý II/2022. Du lịch và hàng không trên đà phục hồi sau đại dịch sẽ trở thành động lực tăng trưởng chính của ACV trong năm nay.
Các doanh nghiệp đầu ngành đồng loạt tăng trưởng âm
Thị trường bất động sản thời gian qua khá trầm lắng do sức ép từ việc kiểm soát chặt chẽ kênh tín dụng ngân hàng và phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Đồng thời, lãi suất cho vay tăng cũng ảnh hưởng đến quyết định mua nhà của người dân.
Vinhomes để mất vị trí quán quân lợi nhuận vào tay Hòa Phát sau một kỳ kinh doanh ảm đạm. Doanh thu nửa đầu năm giảm hơn 67% so với cùng kỳ do lượng bất động sản bàn giao hạn chế. LNTT của Vinhomes cũng giảm tỷ lệ tương tự, còn 7.245 tỷ đồng.
Bù lại cho khoản doanh thu và lợi nhuận sụt giảm, tính đến cuối quý II/2022, Vinhomes nắm giữ hơn 49.000 tỷ đồng do người mua trả tiền trước, tăng gấp 5,5 lần so với đầu năm.
Chứng khoán Bản Việt dự báo doanh thu từ các dự án Ocean Park, Smart City, Grand Park và The Empire sẽ đóng góp vào lợi nhuận nửa cuối năm của Vinhomes.
Bán niên 2022 chứng kiến lợi nhuận của các doanh nghiệp đầu ngành như Hòa Phát, Vinhomes hay Vinamilk đều sụt giảm.
Dù chiếm 55% thị phần ngành sữa Việt Nam, Vinamilk đang cho thấy dấu hiệu giảm tốc. Nửa đầu năm, doanh thu nội địa và xuất khẩu đều giảm so với cùng kỳ năm trước, lần lượt là 1,2% và 7,9%.
Vị trí xáo trộn cuối bảng xếp hạng
Doanh nghiệp đầu ngành đồ uống - Sabeco giữ nguyên vị trí thứ 8 trong top 10 doanh nghiệp có lợi nhuận cao nhất bán niên 2022. Hoạt động du lịch và giải trí mở cửa sau thời gian giãn cách xã hội kéo dài, thúc đẩy sự hồi phục và tăng trưởng tích cực cho ngành bia Việt Nam.
Nửa đầu năm 2022, doanh thu của Sabeco tăng 25% so với cùng kỳ. Trong khi, LNTT tăng hơn 47%, đạt 3.736 tỷ đồng. Quý II/2022, Sabeco ghi nhận mức lãi sau thuế cao kỷ lục sau khi về tay tập đoàn Thái Lan, đạt gần 1.800 tỷ đồng.
Thế giới di động (TGDĐ) và FPT từ vị trí giữa bảng xếp hạng, đều đã bị đẩy xuống cuối bảng với mức lợi nhuận không quá chênh lệch.
Nửa đầu năm, TGDĐ ghi nhận LNTT đạt 3.705 tỷ đồng, tăng 7,3% so với cùng kỳ. Sự tăng trưởng chậm chạp của TGDĐ phần lớn do “gánh” lỗ cho chuỗi cửa hàng Bách hóa xanh (BHX) và An Khang.
Dịch vụ công nghệ thông tin tại thị trường nước ngoài và viễn thông đóng góp phần lớn vào cơ cấu lợi nhuận của FPT. 6 tháng đầu năm, FPT ghi nhận LNTT đạt 3.637 tỷ đồng, tăng xấp xỉ 24% so với cùng kỳ.
FPT đã nhận 13 dự án dịch vụ công nghệ thông tin, quy mô trên 5 triệu USD và 77 dự án trên 1 triệu USD tại thị trường nước ngoài. Doanh thu ký mới tăng 40% so với cùng kỳ.
Theo dõi người đăng bài
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường