Tồn kho ngành thép ước giảm 25.000 tỷ xuống mức thấp nhất trong 5 quý
Tổng lượng tồn kho của các doanh nghiệp thép tại thời điểm 30/9 ước tính giảm 25.000 tỷ đồng so với con số kỷ lục cuối quý II trước đó, xuống còn khoảng 85.000 tỷ đồng, thấp nhất trong vòng 5 quý trở lại đây.
Mùa báo cáo quý III đã gần đi đến hồi kết, bức tranh tài chính của ngành thép gần như đã lộ diện toàn bộ. Theo thống kê, tổng lượng tồn kho của các doanh nghiệp thép tại thời điểm 30/9 ước tính giảm 25.000 tỷ so với con số kỷ lục cuối quý II trước đó, xuống còn khoảng 85.000 tỷ đồng, thấp nhất trong vòng 5 quý trở lại đây. Như vậy, sau một quý II gia tăng tích trữ đột biến, các doanh nghiệp thép đã mạnh tay xả kho trong quý III vừa qua.
Trong đó, Hòa Phát là cái tên xả kho mạnh nhất trong quý III với lượng tồn kho giảm gần 13.700 tỷ đồng so với đỉnh vào cuối quý trước. Tuy nhiên, tồn kho của doanh nghiệp này vẫn chiếm quá nửa trong tổng lượng tồn kho của toàn ngành thép thời điểm 30/9, với giá trị gần 44.000 tỷ đồng (đã bao gồm trích lập dự phòng giảm giá gần 900 tỷ).
Không chỉ riêng Hòa Phát, tồn kho của hầu hết các doanh nghiệp thép hàng đầu đều đã giảm mạnh, chỉ trừ một vài ngoại lệ như Thép Nam Kim (NKG), Thép Tiến Lên (TLH), Tisco (TIS),... vẫn tiếp tục tăng tích trữ. Hoa Sen Group (HSG), VNSteel (TVN), Pomina (POM), Thép SMC (SMC) là những doanh nghiệp có lượng tồn kho giảm đến hàng nghìn tỷ sau quý vừa qua.
Xu hướng này trái ngược hoàn toàn với quý II trước đó khi tồn kho của các doanh nghiệp thép đồng loạt tăng mạnh trong bối cảnh giá thép thế giới đã chiết khấu khá sâu từ đỉnh. Tuy nhiên, việc giá thép tiếp tục giảm mạnh có lẽ nằm ngoài dự tính của nhiều doanh nghiệp thép.
Cụ thể, giá thép thanh thế giới có thời điểm đã rơi xuống mức thấp nhất trong vòng 20 tháng vào giữa tháng 7 trước khi hồi lại đôi chút. Tính chung trong quý III, giá loại mặt hàng này đã giảm khoảng 12,5%. HRC thậm chí còn liên tục giảm mạnh từ đầu tháng 4 và vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Riêng trong quý vừa qua, giá HRC đã mất thêm khoảng 16,5%.
Lượng tồn kho “khổng lồ” với giá cao rõ ràng đã gây áp lực lớn lên kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp thép trong quý vừa qua. Thêm nữa, giá than - nguyên liệu đầu vào chiếm tỷ trọng lớn nhất trong sản xuất thép, vẫn đang neo cao gần đỉnh cũng ảnh hưởng đáng kể đến lợi nhuận ngành thép.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận