Tìm giải pháp đặc trị đội, nhóm thao túng chứng khoán
Trong bối cảnh tình trạng lợi dụng hội, nhóm trên không gian mạng để thao túng giá cổ phiếu có diễn biến phức tạp, các cơ quan quản lý cần sớm nâng cao chế tài và tăng hình thức xử phạt để răn đe. Cùng với đó là xây dựng chương trình giáo dục kiến thức tài chính cho nhà đầu tư và người dân thay vì chỉ dừng lại ở những thông điệp cảnh báo.
Thấy gì từ một số vụ tháo túng thị trường chứng khoán?
Từ đầu năm 2021 đến cuối tháng 6-2024, Ủy ban chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã xử phạt 1.250 trường hợp tổ chức, cá nhân vi phạm hành chính về chứng khoán với tổng số tiền 83,25 tỉ đồng. Đồng thời, cơ quan này cũng chuyển hồ sơ một số vụ thao túng giá cổ phiếu tại các doanh nghiệp như ASA, FLC, Louis Holding sang cơ quan điều tra.
Tuy nhiên, tình trạng một số cá nhân, tổ chức lợi dụng sử dụng hội, nhóm trên không gian mạng để hô hào đầu tư một số mã cổ phiếu nhằm mục đích thao túng giá cổ phiếu, gây tác động xấu đến thị trường chứng khoán vẫn tiếp diễn. Những lời mời chào như “Thị trường chứng khoán tăng/giảm vì yếu tố…”, “Để được tư vấn kỹ hơn, vui lòng tham gia nhóm…” xuất hiện tràn lan trên mạng xã hội.
Tin tưởng lời mời chào, ông Nguyễn Hoàng Linh (Long Biên, Hà Nội) cùng nhiều nhà đầu tư mới (F0) đã chọn tham gia một số nhóm với mong muốn có một khoản thu nhập thụ động hàng tháng/quý.
Thế nhưng, thu nhập thì chưa có mà ông Linh đã nhiều lần bị trưởng nhóm “xoay mòng mòng” vì những lời tư vấn mua/bán. Thậm chí, ông không thể nắm giữ mã cổ phiếu nào quá hai tuần vì cứ bị thúc giục mua vào, bán ra liên tục.
“Có giai đoạn thị trường phục hồi mạnh từ đáy nhưng tỷ suất lợi nhuận/tổng vốn đầu tư của tôi quá mỏng vì cứ mua vào – bán ra liên tục. Số tiền lãi chỉ vài đồng”, ông Linh nói.
Trong quá trình đầu tư, ông Linh cũng chứng kiến nhiều nhà đầu tư F0 có tâm lý “ăn xổi”, sẵn sàng chỉ nhiều hơn 2 triệu đồng mỗi tháng cho khoản phí thành viên tại các nhóm “VIP”, để được “phím” cổ phiếu có tiềm năng tăng trưởng cao. “Nhưng thực tế cho thấy nhiều nhóm chủ yếu lôi kéo mua/bán, không phân tích được nội tại doanh nghiệp mà chỉ hô hào mua vào các mã có khả năng tăng bằng lần”, ông Linh đánh giá.
Nhiều vụ việc lôi kéo nhà đầu tư để trục lợi đã bị cơ quan chức phát hiện và xử lý. Theo thông tin từ Công an thành phố Hà Nội, một nhóm đối tượng đã sử dụng các nhóm trên Zalo, Telegram để đưa khuyến nghị về mã CMS của Công ty cổ phần tập đoàn CMH Việt Nam nhằm định hướng quyết định mua/bán của nhà đầu tư từ ngày 4-5 đến ngày 31-10-2023. Khi giá cổ phiếu đạt đỉnh, nhóm này bán ra lượng lớn để thu lợi bất chính hơn 10 tỉ đồng.
Tinh vi hơn, một số cá nhân còn giả mạo nhân viên, lãnh đạo công ty chứng khoán, rồi tìm cách chèo kéo nhà đầu tư ký hợp đồng hợp tác đầu tư, kèm lời hứa “bảo đảm tỷ lệ sinh lời/bù lỗ mỗi ngày”, “đặc quyền giao dịch T+1 (nay mua mai bán)”. Khi nhà đầu tư tin tưởng và chuyển tiền vào “tài khoản giao dịch nội bộ”, các cá cá nhân này sẽ xoá tài khoản, giải tán nhóm và biến mất.
Kết quả, khách hàng bị chiếm đoạt toàn bộ tiền vốn còn các công ty chứng khoán bị “vạ lây” vì chịu tổn thất uy tín.
Qua những sự trên, ông Kiều Văn Cường, nhà đầu tư có hơn 15 năm tham gia thị trường đánh giá, các nhà đầu tư mới (F0) sở hữu một số đặc điểm như thiếu kiến thức nền tảng, thiếu kinh nghiệm, không có chiến lược đầu tư cụ thể… nên thường mua/bán theo cảm tính hoặc tâm lý đám đông.
“Với mong muốn làm giàu nhanh, nhiều nhà đầu tư thường tin lời mách bảo, tin chưa được kiểm chứng hoặc phân tích kỹ thuật tên các hội, nhóm mà không biết người tư vấn, dẫn dắt mình tới từ đơn vị nào, giữ vị trí gì” ông Cường nói và cho biết từng chứng kiến nhiều nhóm có hàng chục nghìn thành viên, bị giải tán sau một đêm.
Mạnh tay hơn với “đội lái”
Tuy nhiên, để giải quyết tận gốc vấn đề, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích thuộc Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng, cần nâng cao chế tài kiểm soát và xử lý để tạo sức răn đe, đặc biệt là với hành vi thao túng thông tin, giá cổ phiếu qua các hội, nhóm.
“Giá trị giao dịch của nhà đầu tư nhỏ lẻ chiếm tỷ lệ khá lớn trên tổng giá trị giao dịch trung bình hàng ngày của thị trường. Vì vậy, việc bổ sung thêm quy định về hành vi thao túng sẽ góp phần giảm thiệt hại trên thị trường”, ông Minh đề xuất.
Theo ông, việc các giao dịch liên tục ở các tài khoản và những tài khoản này liên tục lặp lại là một dấu hiệu để cơ quan quản lý có thể xem xét như là một yếu tố liên quan đến hoạt động làm giá hoặc hành vi thao túng cổ phiếu.
“Có thể nên liệt kê vào những dạng như vậy nhưng nên quan sát về mặt kỹ thuật giao dịch. Đặc biệt, cơ quan quản lý cần giám sát hoạt động này một cách thường xuyên ở các công ty chứng khoán”, ông Minh nói.
Không chỉ mạnh tay với “đội lái”, việc nâng cao nhận thức, qua đó giúp nhà đầu tư rơi vào bẫy cũng là yếu tố cần được lưu tâm. Có ý kiến cho rằng, nhiều nhà đầu tư thường phản ứng thái quá với sai phạm, dù chỉ là sai phạm nhỏ của doanh nghiệp nên dễ bị thao túng tâm lý và bán tháo theo tin đồn. Chỉ cần nhà đầu tư không mua ‘cổ phiếu rác’ của doanh nghiệp thường xuyên vi phạm là cũng đã góp phần làm thị trường lành mạnh hơn.
Ông Kiều Văn Cường, nhân vật vừa kể ở trên, cho rằng nhà đầu tư F0 nên tìm mua những cổ phiếu tốt của doanh nghiệp có tiềm năng tăng trưởng và sở hữu đội ngũ lãnh đạo uy tín; tránh xa cổ phiếu của doanh nghiệp có tình trạng, thông thường không công bố thông tin nhưng khi cổ phiếu lên giá thì tin tức được tung ra liên tục; báo cáo tài chính không có gì ấn tượng nhưng giá tăng cao.
“Khi đọc các tin tức này, nhà đầu tư phải tìm hiểu thật kỹ thông tin đưa ra có đúng hay không. Nếu doanh nghiệp không có tiềm năng gì, báo cáo tài chính cũng không có dấu hiệu tăng trưởng thì nhiều khả năng cổ phiếu công ty này đang bị đội lái thao túng”, ông Cường nói.
Ngoài ra, nhà đầu tư nên chủ động trang bị kiến thức cơ bản về tài chính, kinh tế và hoạt động của doanh nghiệp càng sớm càng tốt. Những kiến thức này có thể có qua các khoá học, toạ đàm, hội thảo do công ty chứng khoán, quỹ đầu tư uy tín tổ chức. Đồng thời, nhà đầu tư cũng nên tìm sự hướng dẫn từ những nhà đầu tư có kinh nghiệm trên các diễn đàn, nhóm đầu tư lâu năm.
Cùng với đó, một số ý kiến cho rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo có thể xem xét, đưa các kiến thức tài chính cơ bản vào chương trình giáo dục phổ thông tương tự như cách mà Thái Lan và một số quốc gia phát triển đang áp dụng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận