Thị trường chứng khoán vẫn trong nhịp hồi kỹ thuật ngắn hạn
Chứng khoán ngày 25/4, sau khi phục hồi lấy lại mốc hỗ trợ tâm lý 1.200 điểm, VN-Index trong phiên giao dịch này chịu áp lực rung lắc điều chỉnh trở lại ở vùng hỗ trợ và dao động trong biên độ hẹp 1.200 - 1.211 điểm tương ứng vùng giá cao nhất năm 2018.
Kết phiên VN-Index giảm nhẹ 0,64 điểm (-0,05%) về mức 1.204,97 điểm, duy trì trên mốc tâm lý 1.200 điểm. HNX-Index giảm 0,30 điểm (-0,13%) lên mức 227,57 điểm. Độ rộng thị trường trên 2 sàn giao dịch nghiêng về tiêu cực khi nhiều mã chịu áp lực điều chỉnh nhẹ trở lại khi có 398 mã giảm giá (8 mã giảm sàn), 218 mã tăng giá (17 mã tăng trần) và 136 mã giữ giá tham chiếu.
Giá trị khớp lệnh trên hai sàn niêm yết chỉ đạt 15.363,28 tỷ đồng, giảm khá mạnh 28,22% so với phiên trước, chỉ khoảng 60% mức trung bình cho thấy áp lực điều chỉnh khá thấp sau phiên phục hồi tốt, cũng như nhà đầu tư thận trọng hơn trong giao dịch trước kỳ nghỉ lễ kéo dài 5 ngày.
Khối ngoại gia tăng giao dịch, tiếp tục xu hướng bán ròng liên tục trên HOSE với giá trị gia tăng lên 464,31 tỷ đồng trong phiên hôm nay; tập trung bán ròng khá đột biến ở chứng chỉ quỹ FUEVFVND... duy trì mua ròng tốt trên HNX với giá trị 88,89 tỷ đồng, tập trung đột biến ở cổ phiếu PVS, IDC.
Nhóm cổ phiếu công nghệ, viễn thông tiếp tục có diễn biến tích cực khi nhiều mã tăng giá tốt, thanh khoản gia tăng mạnh, tuy nhiên phân hóa mạnh hơn với FOX (+7,84%), VGI (+3,09%), FPT (+2,58%), VTP (+2,03%)... ngoài các cổ phiếu chịu áp lực điều chỉnh CTR (-1,61%), CMG (-1,55%), VTK (-1,45%)...
Các cổ phiếu bán lẻ tiếp tục có diễn biến tích cực, thanh khoản gia tăng mạnh như MWG (+2,87%), MSN (+1,79%), FRT (+1,32%%)... ngoài PET (-0,83%), DGW (-0,68%)... điều chỉnh nhẹ, thanh khoản giảm khá mạnh, dưới mức trung bình.
Các mã ngân hàng cũng phân hóa mạnh, đa số biến động trong biên độ hẹp, thanh khoản giảm, dưới mức trung bình, đa số giảm điểm với OCB (-1,81%), TCB (-1,81%), MSB (-1,45%), MBB (-1,33%)... ABB (+2,63%), EIB (+1,70%), HDB (+0,45%), VCB (+0,44%)...
Nhóm cổ phiếu dịch vụ tài chính, chứng khoán đa số cũng chịu áp lực điều chỉnh khá mạnh, thanh khoản giảm mạnh so với phiên trước như CSI (-5,44%), VIG (-2,78%), VDS (-2,35%), BSI (-1,71%)... ngoài các mã tăng giá nhẹ như TVB (+2,48%), SHS (+0,54%)...
Nhóm cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp, cao su sau giai đoạn chịu áp lực bán mạnh tiếp tục phục hồi tốt hơn, thanh khoản cải thiện, nhưng vẫn dưới mức trung bình như PHR (+1,79%), IDC (+1,47%), DTD (+1,18%)... và các mã chịu áp lực điều chỉnh trở lại, thanh khoản suy giảm sau phiên phục hồi mạnh với DPR (-1,33%), SIP (-1,10%), GVR (-0,34%)...
Các cổ phiếu bất động sản kém tích cực hơn, đa số chịu áp lực điều chỉnh khá mạnh trở lại với CCL (-5,25%), FIR (-4,04%), NHA (-2,79%), CEO (-2,14%)... ngoài QCG (+6,71%), HPX (+2,35%), TCH (+1,61%)... Các nhóm ngành khác cũng có diễn biến khá tương tự, đa số chịu áp lực điều chỉnh nhẹ, thanh khoản suy giảm.
Chỉ số VN-Index trong thời gian qua
Quản trị rủi ro và bán giảm vị thế
Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV)
Trạng thái giằng co là diễn biến chủ đạo với việc hình thành mẫu nến “Spinning” đi cùng khối lượng giao dịch thấp nhất kể từ đầu năm cho đến nay.
Sau phiên tăng điểm tích cực trước đó, lực cầu dường như vẫn đang cho thấy sự dè dặt và trạng thái dòng tiền vẫn đang đứng ngoài quan sát là chủ yếu.
Với việc đường MA20 ngày vẫn đang hướng xuống và đã cắt đường MA50, VN-Index nhiều khả năng sẽ sớm gặp áp lực rung lắc trở lại quanh vùng cản gần 1.220 (+/-5) điểm trong quá trình hồi phục.
Nhà đầu tư được khuyến nghị ưu tiên quản trị rủi ro và bán giảm vị thế, cơ cấu lại danh mục trong các nhịp hồi phục sớm.
Thị trường vẫn trong nhịp hồi kỹ thuật ngắn hạn
Chứng khoán Kiến Thiết (CSI)
Dù có sự bùng nổ và tăng mạnh về điểm số trong phiên giao dịch hôm qua, nhưng đà tăng không thể tiếp diễn trong phiên giao dịch hôm nay. Đi kèm với đó là thanh khoản ở mức rất thấp, khối lượng khớp lệnh thấp nhất trong 3 tháng trở lại đây và sụt giảm mạnh 41,6% so với mức trung bình 20 phiên.
Sự thận trọng của giới đầu tư khiến thị trường dao động trong khung hẹp và chủ yếu đi ngang trong phiên giao dịch hôm nay. Sắc xanh/đỏ xen kẽ giữa các nhóm ngành với mức biến động không quá lớn.
Tâm lý thận trọng trước kỳ nghỉ dài khiến cho khối lượng giao dịch sụt giảm mạnh và chưa tác động lớn đến xu hướng sau phiên giao dịch hôm nay. Thị trường vẫn trong nhịp hồi kỹ thuật ngắn hạn mà chưa thoát khỏi xu hướng điều chỉnh.
Vì vậy, CSI duy trì quan điểm quan sát, hạn chế việc mở vị thế mua mới, thậm chí căn bán khi nhịp hồi kỹ thuật đưa VN-Index tiến tới ngưỡng kháng cự 1.220 - 1.245 điểm. Trong chiều hướng mua mới, cần kiên nhẫn chờ đợi mốc hỗ trợ 1.125 - 1.137 điểm.
Kỳ vọng giữ được vùng giá 1.180 điểm
Chứng khoán Tiên Phong (TPS)
Một phiên điều chỉnh ngay sau phiên tăng trước đó cho thấy xu thế tăng giá còn chưa mạnh và cũng thể hiện tâm lý của nhà đầu tư còn thờ ơ, đứng ngoài thị trường. Chúng ta dễ nhận thấy rằng thị trường vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro của việc rung lắc trong giai đoạn thiếu vắng thanh khoản như ở hiện tại.
Xuyên suốt thời gian vừa qua, team phân tích nhấn mạnh tầm quan trọng của thanh khoản và xu hướng sắp tới của VN-Index sẽ đi theo xu hướng của phiên bùng nổ thanh khoản. Trước phiên giao dịch cuối cùng của tháng 4, thị trường đang có trạng thái rút chân thể hiện lực mua đã quay trở lại cả ở đồ thị tuần lẫn đồ thị tháng.
Giữ vững được biểu hiện của đồ thị như hiện tại, chúng ta có thể kỳ vọng vào việc tạo nền và tăng điểm trong thời gian tới khi thanh khoản trở lại. Phiên giao dịch ngày mai 26/4 chỉ cần giữ được vùng giá 1.180 thì chúng ta có thể duy trì được nhận định tạo nền như hiện tại, nếu giá tăng cao kèm có thanh khoản thì sẽ xác nhận chính thức kết thúc điều chỉnh.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường