24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Cao Vân
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Thấy gì từ loạt đại hội cổ đông bất thành?

Đại hội đồng cổ đông thường niên là dịp để các cổ đông được gặp gỡ và trao đổi với ban lãnh đạo doanh nghiệp về hoạt động kinh doanh, cũng như các kế hoạch và định hướng phát triển công ty. Song, mùa ĐHĐCĐ năm nay ghi nhận không ít đơn vị phải đến lần 2, lần 3 mới tổ chức thành công.

Thấy gì từ loạt đại hội cổ đông bất thành?

Nhiều doanh nghiệp không thể tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 ngay trong lần đầu tiên. Ảnh minh họa: Trọng Hiếu.

Vừa qua, ĐHĐCĐ thường niên (AGM) năm 2024 của CTCP Chứng khoán VNDirect (HoSE: VND) đã tổ chức bất thành do không đủ túc số. Đây là lần đầu tiên AGM của VNDirect không thể tiến hành. AGM năm 2024 của VNDirect ghi nhận 567 cá nhân tham dự trực tiếp/ủy quyền/ trực tuyến, song vẫn không đủ 50% cổ phiếu có quyền biểu quyết theo quy định.

Tương tự, Tập đoàn C.E.O (HNX: CEO) cũng tổ chức bất thành AGM năm 2024 lần 1, với tỷ lệ tham dự chỉ đạt 33,98% vốn điều lệ. Đáng chú ý, đây là năm thứ hai liên tiếp doanh nghiệp này tổ chức bất thành AGM. Năm 2023, với số lượng cổ đông sở hữu 91,1 triệu cổ phần, tương ứng chiếm tỷ lệ 35,42% vốn điều lệ dự họp, CEO Group cũng đã không đủ điều kiện để tổ chức AGM ngay trong lần đầu tiên.

Ở phía Nam, CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM (HoSE: CII). AGM lần 1 (tổ chức hôm 24/4) của CII ghi nhận chỉ có 134 cổ đông đại diện cho 117 triệu cổ phiếu, chiếm 36,77% số cổ phiếu có quyền biểu quyết tham dự. Trước đó, trong năm 2023, CII thậm chí từng tặng tiền nhưng cả 2 lần tổ chức AGM đều bất thành với tỷ lệ các cổ đông tham dự lần 1 là 23%, lần 2 là 31%. Tại AGM ngày 24/4/2024, ông Lê Quốc Bình, Tổng giám đốc CII thừa nhận: “Tổ chức thành công đại hội là rất khó, riêng tiền gửi thư mời cổ đông lên đến 1 tỷ đồng cho mỗi lần đại hội (CII tặng tiền mặt cho cổ đông tham dự), chi phí tốn kém nhưng không hiệu quả”.

Một trường hợp khác phải kể đến là CTCP Đầu tư LDG (HoSE: LDG) đã tổ chức không thành công AGM năm 2024 trong cả 2 lần. Đáng chú ý, tỷ lệ cổ đông tham dự AGM lần 1 và lần 2 của LDG đều không vượt quá 10%. Công ty lên kế hoạch tổ chức AGM lần 3 vào ngày 28/6 tới đây.

Hay AGM năm 2024 lần 1 CTCP Container Việt Nam (HoSE: VSC) cũng không thể diễn ra do tỷ lệ cổ phần tham dự chỉ là 36,7%, kém xa con số 50% theo quy định của Luật doanh nghiệp năm 2020. Đây là diễn biến bất ngờ, bởi kỳ AGM gần nhất vào năm 2023 của VSC ghi nhận 54 cổ đông tham dự, đại diện cho 89,7 triệu cổ phần, chiếm đến 74,04% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.

Ngoài những trường hợp kể trên, dữ liệu thu thập của Nhadautu.vn cho thấy còn có nhiều doanh nghiệp tổ chức bất thành AGM năm 2024 ở lần đầu tiên, như: CTCP Phát triển Nhà Bà Rịa - Vũng Tàu (HoSE: HDC), Tổng CTCP Dịch vụ Tổng hợp Dầu khí (HoSE: PET)…

Thiếu tiếng nói cổ đông chi phối

Thực tế, một số AGM dù không đủ túc số theo quy định, song lượng cổ đông tham dự vẫn rất đông, lên đến hàng trăm người. AGM năm 2024 của VNDirect là ví dụ điển hình khi có đến gần 600 đại biểu tham dự trực tiếp/trực tuyến. Thậm chí, ghi nhận của người viết cho thấy tòa nhà trụ sở VNDirect tại số 1 Nguyễn Thượng Hiền (Hai Bà Trưng, Hà Nội) không còn chỗ gửi xe cho cổ đông. Tương tự, AGM của CEO vẫn có đến hàng trăm cổ đông tham dự…

Theo đánh giá của giới chuyên gia, việc các nhóm chủ phân phối "quá tay" trong giai đoạn uptrend 2020-2022 khiến cơ cấu sở hữu của nhiều doanh nghiệp lớn trở nên rất loãng, cùng với đó là quá trình tăng vốn, phát hành mới cổ phần ồ ạt.

Theo thống kê từ FiinGroup, giá trị huy động vốn mà các doanh nghiệp niêm yết thực hiện (loại trừ nhóm ngân hàng) trong năm 2021 và 2022 lần lượt là 85,9 nghìn tỷ đồng và 82,1 nghìn tỷ đồng. Đây là các con số vượt trội hơn hẳn so với giai đoạn trước đây.

Thấy gì từ loạt đại hội cổ đông bất thành?

Với loạt kế hoạch phát hành mới của các doanh nghiệp niêm yết trong giai đoạn 2024-2025, ước tính có đến hàng chục tỷ cổ phiếu dự kiến đổ bộ lên sàn chứng khoán. Lượng cổ phiếu phát hành thêm lớn như vậy đặt ra không ít băn khoăn về mức độ rủi ro pha loãng, cũng như khả năng hấp thụ của thị trường trong thời gian tới.

Bên cạnh áp lực pha loãng, có thể thấy hầu hết các doanh nghiệp tổ chức bất thành AGM lần 1 trong bài viết đều có cổ đông lớn hoặc nhóm cổ đông lớn với tỷ lệ sở hữu dưới 30%.

Thấy gì từ loạt đại hội cổ đông bất thành?

Thống kê từ Nhadautu.vn thậm chí chỉ ra các công ty như LDG và HDC còn không có cổ đông lớn.

Rõ ràng, việc các nhóm cổ đông lớn sở hữu tỷ lệ lớn cổ phiếu hoặc nắm quyền chi phối giúp doanh nghiệp tổ chức cuộc họp AGM thành công ngay trong lần triệu tập đầu tiên. Hơn cả thế, sự xuất hiện của các cổ đông lớn, đặc biệt là những tổ chức nước ngoài, quỹ đầu tư chuyên nghiệp… sẽ càng là điểm cộng của doanh nghiệp với nhà đầu tư cá nhân, qua đó giúp doanh nghiệp có thể dễ dàng triển khai các kế hoạch hoạt động.

Một số chuyên gia nhìn nhận việc doanh nghiệp không thể tổ chức AGM do tỷ lệ quá thấp có thể gây khó khăn cho đơn vị trong việc thông qua các kế hoạch như huy động vốn qua chào bán cổ phần/tổ chức tín dụng, triển khai dự án…

Ở góc độ khác, việc các AGM tổ chức bất thành lần 1 còn do các doanh nghiệp trong nước chưa coi trọng công tác quan hệ cổ đông (IR), nâng cao năng lực quản trị.

Theo đó, một khảo sát cho thấy nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa thực hiện đầy các yêu cầu tuân thủ quy định pháp lý, chưa nói tới việc thực hành theo thông lệ quản trị tốt.

Cụ thể, nhiều quy định đang được các doanh nghiệp tuân thủ ở mức thấp. Chẳng hạn, chỉ 15% số doanh nghiệp trong Cuộc bình chọn Doanh nghiệp niêm yết (VLCA) năm 2023 có tài liệu họp đại hội cổ đông cung cấp đầy đủ thông tin về các ứng viên mới cho hội đồng quản trị và ban kiểm soát (nếu có) tối thiểu 10 ngày trước ngày khai mạc đại hội; chỉ 8% biên bản/tài liệu đại hội cổ đông có nội dung chủ toạ đại hội tóm lược tình hình thực hiện nghị quyết đại hội cổ đông năm trước, báo cáo các nội dung đã được thông qua tại các nghị quyết đại hội cổ đông trước đó mà chưa thực hiện được tại kỳ họp thường niên gần nhất.

Hay, chỉ có 12% công ty có tạo điều kiện cho cổ đông đóng góp ý kiến bên ngoài khuôn khổ các kỳ đại hội cổ đông (các hội nghị nhà đầu tư, các chương trình gặp gỡ…); 14% biên bản đại hội cổ đông có công bố danh sách thành viên hội đồng quản trị, ban kiểm soát, tổng giám đốc tham dự; 16% công ty có thành lập bộ phận quan hệ nhà đầu tư (IR) và có công bố chi tiết thông tin liên lạc của bộ phận phụ trách IR...

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Mã chứng khoán liên quan bài viết
14.20 -0.30 (-2.07%)
1.85 -0.02 (-1.07%)
13.70 -0.20 (-1.44%)
15.75 -0.15 (-0.94%)
14.15 -0.10 (-0.70%)
prev
next

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả