Tận dụng nhịp điều chỉnh để gia tăng tỷ trọng cổ phiếu lên mức cao
Chứng khoán ngày 3/12, VN-Index mở đầu phiên nhích nhẹ lên trên mốc tham chiếu trong khoảng thời gian ngắn. Sau đó, chỉ số nhanh chóng lùi xuống dưới mốc tham chiếu và duy trì trạng thái này đến hết phiên sáng.
Sắc đỏ chiếm ưu thế ở nhiều nhóm ngành cổ phiếu trong phiên sáng. Dù vậy, mức giảm của chỉ số chính VN-Index là không quá lớn khi vẫn còn nhận được sự nâng đỡ từ một vài cổ phiếu có tính dẫn dắt.
Sang đến phiên chiều, giao dịch diễn ra có phần cân bằng và khiến VN-Index biến động giằng co quanh mốc tham chiếu. Dù vậy, trước áp lực bán tương đối mạnh ở một số cổ phiếu trụ cột cũng như nhiều nhóm vốn hóa vừa và nhỏ nên VN-Index đóng cửa trong sắc đỏ. Trong khi đó, HNX-Index cũng đóng cửa ở dưới mốc tham chiếu dù phần lớn thời gian của phiên giao dịch biến động trong sắc xanh.
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 1,38 điểm (-0,11%) xuống 1.249,83 điểm. HNX-Index giảm 0,03 điểm (-0,01%) xuống 225,29 điểm. UPCoM-Index đi ngang tức vẫn giữ mức 92,44 điểm.
Ba sàn giao dịch ghi nhận 336 mã tăng trong khi có 383 mã giảm và 858 mã đứng giá hoặc không giao dịch. Toàn thị trường vẫn ghi nhận 23 mã tăng trần trong khi chỉ có 9 mã giảm sàn.
Nhóm công nghệ là tâm điểm của thị trường khi đồng loạt tăng giá. Trong đó, khác với một số phiên trước đây, CMG lại là cổ phiếu dẫn dắt dòng tiền vào nhóm ngành công nghệ. Cổ phiếu này bật mạnh từ đầu phiên và có lúc tăng hơn 6%. Nhưng sau đó, dòng tiền có phần chuyển hướng sang một số mã công nghệ khác khiến CMG hạ nhiệt và đóng cửa tăng 3,55%. Trong khi đó, FPT sau giai đoạn lình xình đầu phiên thì bật tăng trở lại và đóng cửa ở mức 145.000 đồng/cổ phiếu, tăng 1,97%. Bên cạnh đó, ELC cũng tăng 1,3%.
Nhóm cổ phiếu bảo hiểm và dược có một phiên giao dịch rất tích cực. Trong đó, IMP được kéo lên mức giá trần. BVH tăng đến hơn 6,3%, DHT tăng hơn 8,8%, MIG tăng 3,8%, BMI tăng 3,1%, DVN tăng 2,3%.
FPT và BVH là hai mã dẫn đầu về số điểm đóng góp đến VN-Index với lần lượt 1 điểm và 0,56 điểm. Bên cạnh đó, các mã như HDB, LPB, VTP, CTR… đều giữ được sự tích cực và góp phần nâng đỡ thị trường chung. HDB tăng 2,56%, LPB tăng 2,11%, VTP tăng 5,6%.
Ở chiều ngược lại, VCB là nguyên nhân chính tạo áp lực rất lớn lên thị trường chung. Ngay sau khi mở cửa, VCB đã giảm giá và tạo sức ép lớn cho VN-Index. Riêng VCB đã lấy 1,62 điểm của chỉ số này. Bên cạnh đó, BID, GVR, VNM, GAS… đều chìm trong sắc đỏ và cũng tác động xấu lên VN-Index.
Một nhóm cổ phiếu cũng gây được sự chú ý đó là cảng và vận tải biển. VTO là mã dẫn dắt dòng này khi tăng trần từ sớm lên 14.200 đồng/cổ phiếu và duy trì được mốc này đến cuối phiên. Các mã như PHP, VIP, VOS… đều tăng tốt.
Tổng khối lượng giao dịch sàn HOSE đạt hơn 673 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị giao dịch đạt 15.639 tỷ đồng, tăng 31% so với phiên trước. Giao dịch thỏa thuận chiếm đến gần 4.200 tỷ đồng. Các mã có giao dịch thỏa thuận lớn ở sàn HoSE là EIB (930 tỷ đồng), VHM (623 tỷ đồng) và SSB (410 tỷ đồng). Giá trị giao dịch trên HNX và UPCoM lần lượt là 909 tỷ đồng và 358 tỷ đồng.
FPT đứng đầu danh sách về giá trị giao dịch với 734 tỷ đồng. HPG và CTR giao dịch lần lượt 424 tỷ đồng và 331 tỷ đồng.
Khối ngoại tiếp tục bán ròng 226 tỷ đồng trên HOSE, trong đó, dòng vốn này bán ròng mạnh nhất mã VCB với 121 tỷ đồng. MWG và FPT bị bán ròng lần lượt 58 tỷ đồng và 56 tỷ đồng. Chiều ngược lại, MSN được mua ròng mạnh nhất với 80 tỷ đồng. TCB đứng sau nhưng giá trị chỉ 28 tỷ đồng.
Diễn biến chỉ số VN-Index trong thời gian qua
Chỉ mua thăm dò ở các mã có sự bứt phá mạnh hơn thị trường
Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam (CSI)
Thanh khoản gia tăng với khối lượng khớp lệnh trên HSX tiệm cận mức trung bình 20 phiên, nhưng đi kèm với đó là áp lực bán có chiều gia tăng khiến VN-Index đóng cửa trong sắc đó. Tuy vậy, mức độ giảm điểm không quá lớn và thu hẹp đáng kể về cuối phiên cho thấy xu hướng chính trong phiên là đi ngang, sideway trong biên độ hẹp.
Ở thời điểm hiện tại cần xuất hiện một phiên bùng nổ có hỗ trợ của thanh khoản để xác nhận thị trường đã tạo đáy và cũng là tín hiệu chúng ta cần chờ đợi trước khi tổng lực cho vị thế mua mới.
Trong trường hợp thị trường chỉnh về vùng hỗ trợ 1.220-1.230 điểm, chúng ta có thể ưu tiên mua lại danh mục đã bán ở ngưỡng 1.249 điểm trước đó. Các vị thế mua khác cần thận trọng và chỉ mua thăm dò ở các mã có sự bứt phá mạnh hơn thị trường chung.
Tận dụng nhịp điều chỉnh để gia tăng tỷ trọng cổ phiếu lên mức cao
Chứng khoán Yuanta Việt Nam (YSVN)
Thị trường có thể sẽ quay trở lại đà tăng trong phiên kế tiếp và VN-Index có thể sẽ kiểm tra ngưỡng kháng cự 1.260 điểm. Đồng thời, thị trường có thể sẽ sớm kết thúc giai đoạn tích lũy ngắn hạn trong 1 - 2 phiên tới cho nên thanh khoản có thể sớm gia tăng trở lại. Ngoài ra, chỉ báo tâm lý ngắn hạn tiếp tục tăng cho thấy rủi ro ngắn hạn vẫn ở mức thấp và cơ hội mua mới gia tăng.
Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức tăng. Do đó, các nhà đầu tư có thể tiếp tục tận dụng nhịp điều chỉnh để gia tăng tỷ trọng cổ phiếu lên mức cao.
Giải ngân với tỷ trọng vừa và nhỏ với thời gian trading ngắn
Chứng khoán TPBank (TPS)
VN-Index duy trì vùng giá 1.250 điểm, tuy nhiên thanh khoản yếu hơn so với trung bình 20 phiên gần nhất vẫn là điểm trừ của phiên hôm nay. Thị trường trở nên phân hoá rõ ràng khi ngành bảo hiểm, công nghệ tăng điểm còn lại các ngành khác như dầu khí, dịch vụ tiêu dùng vẫn giảm sâu. Nhà đầu tư có thể giải ngân với tỷ trọng vừa và nhỏ với thời gian trading ngắn và yếu tố thanh khoản là yếu tố cần chú ý.
Chỉ số sẽ tiếp tục duy trì trạng thái tích lũy
Chứng khoán AIS
Chỉ số VN-INdex hình thành cây nến Spinning Top (nến con xoay) thể hiện tâm lý thận trọng của nhà đầu tư khi tiệm cận kháng cự 1.260 điểm. Chỉ số sẽ tiếp tục duy trì trạng thái tích lũy hoặc điều chỉnh nhẹ, nhưng vẫn trong vùng 1.240-1.260 điểm ở một vài phiên giao dịch tới.
Vượt kháng cự 1.260 điểm (quanh giá trị đường MA50 và MA200 ngày) kèm thanh khoản cải thiện hơn, thì thị trường sẽ xác nhận bước vào xu thế tăng giá mới.
Ưu tiên chiến lược đầu tư ngắn hạn
Chứng khoán Vietcombank (VCBS)
Chúng tôi khuyến nghị nhà đầu tư ưu tiên chiến lược đầu tư ngắn hạn. Đồng thời, tận dụng các nhịp rung lắc trong các phiên tới để gia tăng tỷ trọng ở mức giá chiết khấu tốt đối với cổ phiếu có tín hiệu kiểm định hỗ trợ thành công và thu hút lực cầu giải ngân trở lại.
Một số nhóm ngành cân nhắc chọn lọc cổ phiếu bao gồm phân đạm-hóa chất, công nghệ-viễn thông, ngân hàng, bất động sản khu công nghiệp.
Giải ngân khi thị trường có các dấu hiệu hồi phục rõ ràng
Chứng khoán Asean
Chúng tôi duy trì quan điểm thị trường sẽ tiếp diễn xu hướng tăng với các nhịp vận động chậm rãi trong quá trình tích lũy lực cầu và rũ bỏ dần áp lực bán. Nhà đầu tư có thể cân nhắc gia tăng giải ngân khi thị trường có các dấu hiệu hồi phục rõ ràng đi kèm với khối lượng giao dịch tích cực, tập trung vào các cổ phiếu dài hạn có nền tảng cơ bản và triển vọng kinh doanh tốt. Đồng thời, theo sát diễn biến DXY, thị trường thế giới và tỷ giá trong nước để quản trị các rủi ro trong ngắn hạn.
Quản trị danh mục hợp lý, tránh rơi vào trạng thái quá mua
Chứng khoán Rồng Việt (VDSC)
Thị trường có diễn biến điều chỉnh nhưng đang được hỗ trợ và có nỗ lực giữ cân bằng quanh ngưỡng 1.250 điểm. Thanh khoản tăng so với phiên trước, cho thấy nguồn cung có động thái gia tăng trở lại. Dự kiến thị trường sẽ tiếp tục giằng co trong thời gian gần tới trước khi có tín hiệu cung cầu rõ nét hơn.
Nếu nguồn cung tiếp tục gia tăng và chiếm ưu thế so với dòng tiền trong giai đoạn thăm dò này thì thị trường sẽ tiềm ẩn rủi ro suy giảm trở lại. Do vậy, nhà đầu tư vẫn cần quan sát diễn biến cung cầu để đánh giá trạng thái thị trường.
Hiện tại, nhà đầu tư có thể khai thác cơ hội ngắn hạn tại một số cổ phiếu có diễn biến dần khởi sắc từ vùng hỗ trợ. Tuy nhiên, nhà đầu tư vẫn cần quản trị danh mục hợp lý, tránh rơi vào trạng thái quá mua, có thể cân nhắc diễn biến hồi phục để chốt lời ngắn hạn.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường