Soi quỹ đất Khu công nghiệp có thể sẵn sàng cho thuê của loạt doanh nghiệp BCM, GVR, SNZ, KBC, PHR, VGC
Doanh nghiệp có quỹ đất sẵn sàng cho thuê lớn sẽ có cơ hội tăng trưởng cao hơn trong làn sóng dịch chuyển nhà máy tiếp theo.
Sự bùng phát của dịch Covid-19 đã tác động mạnh đến nền kinh tế thế giới, gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu và khiến xu hướng chuyển dịch nhà máy ra khỏi Trung Quốc tái khởi động.
CTCK VNDIRECT cho rằng nhu cầu thuê đất tại các khu công nghiệp (KCN) Việt Nam sẽ tăng mạnh sau đại dịch. Các doanh nghiệp phát triển KCN được đánh giá có triển vọng tích cực. Tuy nhiên, với nguồn cung đất KCN vẫn hạn chế trong giai đoạn 2020-2021, các doanh nghiệp có nhiều quỹ đất sẵn sẽ có cơ hội tăng trưởng cao hơn trong làn sóng dịch chuyển nhà máy tiếp theo.
Ngoài ra, Becamex IDC còn sở hữu gần 1.000 ha đất đô thị Dự án Thành phố mới Bình Dương. Các khu công nghiệp cũ của Becamex IDC đều có tỉ lệ lấp đầy gần 100%, trong khi các khu công nghiệp mới như KCN Bàu Bàng và KCN Bàu Bàng mở rộng mới đi vào khai thác cũng được lấp đầy nhanh chóng.
Với vị thế là một doanh nghiệp đứng đầu trong ngành cao su tự nhiên, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (mã GVR) sở hữu một quỹ đất cực lớn. Quỹ đất này bao gồm phần lớn là đất canh tác cao su sạch có thế được chuyển đổi mục đích sử dụng sang đất khu công nghiệp hoặc bất động sản với chi phí thấp.
Đến năm 2025, dự kiến GVR sẽ chuyển đổi thêm 7.000 ha đất cao su thành đất công nghiệp, các khu đất này sẽ nằm ở Đồng Nai, Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước, kế hoạch này cũng đã được thông qua.
Trong khi đó, Tổng CTCP Phát triển khu công nghiệp (Sonadezi – mã SNZ) là một trong những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực phát triển và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp lâu đời nhất tại Đồng Nai và cả nước.
Hiện Sonadezi sở hữu 10 KCN với quỹ đất vào khoảng 4.757 ha bao gồm KCN Biên Hòa 1 (340 ha), KCN Biên Hòa 2 (365 ha), KCN Gò Dầu (182,4 ha), KCN Amata Việt Nam giai đoạn 1 (130 ha), KCN – Đô thị Long Thành (488 ha), KCN Xuân Lộc (108 ha), KCN – đô thị Châu Đức (2.287 ha), KCN Giang Điền (529,2 ha), KCN Thạnh Phú (177,2 ha), KCN Suối Tre (150 ha).
Tại miền Bắc, Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc – CTCP (mã KBC) là doanh nghiệp niêm yết đứng đầu về dịch vụ kinh doanh và cho thuê các khu công nghiệp với quỹ đất lên đến 5.134 ha KCN và 1.060 ha KĐT. Đối tác chủ yếu của KBC là các tập đoàn lớn như Samsung, LG.
Năm 2020, Nam Sơn Hạp Lĩnh dự kiến đi vào hoạt động với kế hoạch cho thuê khoảng 60ha, các KCN Quang Châu, Tân Phú Trung tiếp tục giữ tốc độ cho thuê ổn định. Về dài hạn, KBC có kế hoạch xin trình khu KCN mới là Bình Giang – Hưng Yên (900ha), là quỹ đất đóng góp tăng trưởng dài hạn cho doanh nghiệp.
Trong bối cảnh ngành kinh doanh chính là cao su đang gặp nhiều khó khăn, CTCP Cao su Phước Hòa (mã PHR) đã và đang tận dụng quỹ đất dồi dào của mình để đẩy mạnh hoạt động trong lĩnh vực bất động sản KCN.
Trong hơn 2 năm qua, PHR đã chuyển dần vườn cây cao su tại Việt Nam sang Campuchia, đồng thời chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất trồng cây cao su sang đất công nghiệp để cho thuê. Các khu công nghiệp có liên quan đến PHR đều tọa lạc trên các trục đường lớn và chính yếu của Bình Dương, nên có nhiều lợi thế.
Theo chiến lược phát triển giai đoạn 2021 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030, trong tổng số 15.000 ha đất cao su mà PHR đang quản lý, công ty dự kiến dành khoảng 5.000 ha đất để xây dựng 5 khu công nghiệp. Hiện, công ty đang có nhiều động thái quyết liệt nhằm giải quyết các khó khăn, vướng mắc về mặt pháp lý cho các dự án như VSIP III, Tân Lập,…
Ngoài ra, Phước Hòa dự kiến sẽ trình Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam giao Phước Hòa làm nhà đầu tư 2 KCN – Đô thị - Dịch vụ Hội Nghĩa và Bình Mỹ, trước mắt là thành lập Ban quản lý dự án KCN – Đô thị - Dịch vụ Hội Nghĩa.
Khởi đầu kinh doanh vật liệu xây dựng, Tổng Công ty Viglacera – CTCP (mã VGC) đang dần xoay trụ sang lĩnh vực bất động sản KCN với tỷ trọng doanh thu ngày càng tăng và biên lợi nhuận gộp cao so với các mảng khác. Đến nay, Viglacera đã phát triền 11 KCN và 01 Đặc khu kinh tế ViMariel - Cuba, với tồng diện tích lên tới 4.038 ha, thu hút đầu tư gần 12 tỷ USD tại các KCN trong nước.
Năm 2019, Viglacera đã triển khai thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng 387 ha; Đầu tư hạ tầng kỹ thuật 406 ha; Cho thuê được 166ha tại KCN Yên Phong MR, KCN Đông Mai, KCN Tiền Hải, KCN Phú Hà, KCN Dông Văn IV. Tồng diện tích đất công nghiệp đã đầu tư hạ tầng chưa cho thuê khoảng 236 ha trong đó đất công nghiệp sẵn sàng cho thuê 123 ha, đất công nghiệp đang đầu tư hạ tầng dở dang 113ha.
Trên thực tế, quá trình chuyển dịch dòng vốn FDI sẽ diễn ra trong thời gian dài và làn sóng chuyển dịch nhà máy vừa tái khởi động chưa tác động rõ rệt đến kết quả kinh doanh. Trong quý I/2020, ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến các hoạt động kinh tế bị trì hoãn, nhiều doanh nghiệp bất động sản KCN không giữ được đà tăng trưởng.
Tuy nhiên, nhiều CTCK vẫn đánh giá triển vọng tích cực đối với nhóm bất động sản KCN khi quá trình chuyển dịch thực sự diễn ra sau đại dịch Covid-19 đặc biệt với các doanh nghiệp có quỹ đất sẵn sàng cho thuê lớn.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận