Soi con số nợ xấu hàng nghìn tỷ của các ông lớn ngân hàng Sacombank, VPBank, BIDV và VietinBank
Trong nhóm 22 ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính năm 2019, có tới 5 nhà băng ghi nhận con số nợ xấu nội bảng trên mức 5.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, tính cả nợ xấu đã bán cho VAMC thì lại là một câu chuyện khác.
“Đỉnh” nhất về nợ xấu nội bảng phải kể đến Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV, BID) với mức tăng 3,45% lên tới 19.451 tỷ đồng, tức tăng thêm 649 tỷ đồng so với năm 2018.
Con số nợ xấu nội bảng của BIDV gần gấp đôi Vietinbank và gấp 3 lần Vietcombank.
Tuy nhiên, so với mức tăng mạnh hơn với gần 13% của dư nợ cho vay (đạt hơn 1,11 triệu tỷ đồng), đã giúp kéo tỷ lệ nợ xấu của BIDV từ 1,9% đầu kỳ xuống 1,74%.
Điều đáng ngại nhất ở BIDV chính là nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5) kỳ này tăng đột biến 56% so với đầu kỳ và chiếm tới gần 58% so với tổng nợ xấu nội bảng, lên tới 11.209 tỷ đồng; trong khi đó nợ nhóm 3 và 4 đều giảm 29%.
Ngoài ra, cũng cần lưu ý đến khoản mục Chứng khoán đầu tư giữ tới ngày đáo hạn của BIDV vẫn ở mức cao so với các nhà băng khác là 16.570 tỷ đồng, dù ghi nhận giảm hơn 5.000 tỷ đồng so đầu kỳ.
Chính bởi nợ xấu cao đã kéo theo chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của BIDV chiếm tới 64,7% lợi nhuận trước dự phòng dù chỉ tăng nhẹ 5,6% so với năm 2018, từ 18.893 tỷ lên tới hơn 20.0000 tỷ.
Chính tốc độ giải quyết nợ xấu này đã ảnh hưởng tới lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ của BIDV trong năm 2019 khi chỉ đạt 8.486 tỷ đồng, chưa bằng phân nửa của Vietcombank.
Đối với Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank, STB), việc xử lý nợ xấu luôn là vấn đề quan trọng được các nhà đầu tư theo dõi.
Theo đó, tỷ lệ nợ xấu (không bao gồm nợ đã bán cho VAMC) của Sacombank năm 2019 giảm từ mức 2,2% xuống 1,94%, tương ứng chiếm 5.733 tỷ đồng (tăng nhẹ 1,5% so đầu kỳ).
Tuy nhiên, kỳ thực tại thời điểm kết thúc năm 2019, tổng số dư nợ xấu mà Sacombank đã bán cho VAMC (thể hiện trong khoản mục Chứng khoán đầu tư giữ tới ngày đáo hạn - Chứng khoán Nợ do các TCKT trong nước phát hành) là hơn 29.710 tỷ đồng, giảm gần 8.000 tỷ đồng, tương đương giảm 21% sau một năm.
Tính chung, tổng nợ xấu cuối năm 2019 (bao gồm cả nợ xấu nội bảng và nợ xấu ngoại bảng tại VAMC) của Sacombank ở mức 35.443 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ nợ xấu 10,9%.
Với những nỗ lực đó, VCSC có đánh giá tích cực cho tiến độ xử lý các tài sản nợ xấu của Sacombank.
Và VCSC kỳ vọng rằng, quỹ đất Phong Phú sẽ được Sacombank thanh lý thành công trong năm 2020, khoản vay gốc từ bán quỹ đất Cần Đước sẽ được nhận trong năm 2021 và số dư VAMC ròng sẽ được xử lý và dự phòng hết vào cuối năm 2020.
Kế hoạch trước đại hội đồng cổ đông của Sacombank về xử lý các khoản nợ tồn đọng trong năm 2020 là từ 12.000 - 15.000 tỷ đồng, không tính việc thanh lý quỹ đất Phong Phú, nhưng VCSC cho rằng việc thanh lý thành công quỹ đất Phong Phú sẽ giúp hỗ trợ con số này.
VCSC cho rằng các thông tin chi tiết hơn về các khoản xử lý nợ lớn (như thanh lý quỹ đất Phong Phú và thu nợ gốc ở Cần Đước) sẽ chỉ được công bố tại đại hội cổ đông thường niên sắp tới.
Trong khi nợ xấu của BIDV vẫn theo chiều hướng tăng thì cùng thuộc Nhà nước, nhưng Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank, CTG) lại có tín hiệu khả quan khi giảm 21%, tức 2.896 tỷ đồng để xuống mức 10,813 tỷ đồng. Tương ứng tỷ lệ nợ xấu giảm từ 1,59% của đầu kỳ xuống còn 1,16%.
Đồng thời, khoản mục Chứng khoán nợ do các tổ chức kinh tế trong nước phát hành của Vietinbank khá thấp, chỉ hơn 662 tỷ đồng, nhưng vẫn gấp đôi so đầu kỳ.
Tuy nhiên, cũng cần lưu ý, nợ xấu giảm nhưng dự phòng rủi ro tín dụng của VietinBank lại tăng mạnh tới gần 68% khi chiếm hơn 13.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, đặt trong bối cảnh dư nợ cho vay chỉ tăng nhẹ 8,13% thì đây vẫn là một con số đáng lưu ý. Bởi tỷ lệ Cho vay/Huy động (LDR) của VietinBank vẫn còn cao khi đạt 88% tính đến cuối năm 2019.
Ngân hàng cần phải đưa tỷ lệ LDR xuống còn 85% để tuân thủ Thông tư 22 trong năm 2020. Do đó, Ban lãnh đạo VietnBank đặt kế hoạch tăng trưởng tín dụng năm 2020 chỉ từ đạt 8-10%.
Giống với BIDV, nợ có khả năng mất vốn của VietinBank vẫn chiếm chủ yếu tới 67% với 7.204 tỷ đồng, song có một điều khả quan hơn đó chính là con số này đã ghi nhận giảm mạnh gần 25% so với đầu kỳ.
Trong đó, theo Chứng khoán Bản Việt (VCSC), tỷ lệ nợ xấu tại riêng ngân hàng mẹ chỉ 2,63%, trong khi tại công ty con là FE Credit vẫn lên tới 5,98%.
Đáng nói, con số nợ xấu của VPBank ở mức 8.798 tỷ đồng, tăng hơn 13% so đầu kỳ. Tuy nhiên nhờ dư nợ cho vay tăng gần 16% lên mức 257.184 tỷ đồng nên tính trên tỷ lệ nợ xấu có xu hướng giảm.
Còn chứng khoán nợ do các tổ chức kinh tế trong nước phát hành của VPBank cũng không phải là con số nhỏ với 14.222 tỷ đồng, cũng tăng rất mạnh so mức 8.828 tỷ đồng của đầu kỳ.
Theo VPBank, ngân hàng đã tất toán toàn bộ dư nợ trái phiếu trị giá hơn 3.100 tỷ tại VAMC còn lại trong năm 2019. Từ đó, tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng mẹ bao gồm cả dư nợ trái phiếu tại VAMC giảm từ 4,01% cuối năm 2018 xuống còn 2,18%.
Quyết tâm xử lý dứt điểm dư nợ trái phiếu tại VAMC làm cho chi phí dự phòng của VPBank tăng 22% khi đã phải chi ra 13.687 tỷ đồng.
Khác với 2 nhà băng trên, nợ có khả năng mất vốn của VPBank không chiếm chi phối dù ghi nhận tăng gần 10% so với đầu kỳ lên 2.038 tỷ đồng. Mà chính nợ nhóm 3 chiếm chủ yếu với 5.312 tỷ đồng.
Nếu tính khoản mục Chứng khoán nợ do các tổ chức kinh tế trong nước phát hành của Vietcombank là 544 tỷ đồng, tăng gấp đôi so đầu kỳ.
Mặcdù nợ có khả năng mất vốn của Vietcombank suy giảm 5% so đầu kỳ song vẫn ở mức cao tới 4.529 tỷ đồng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận