24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Phan Hà Liên
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Nước ngoài mạnh tay chỉ tỷ USD thâu tóm công ty tài chính Việt

Ngân hàng bán công ty tài chính là “một mũi tên trúng nhiều đích”, vừa thu về một khoản tiền lớn để nâng cao năng lực tài chính, vừa chia sẻ rủi ro.

Trong bối cảnh thị trường tài chính tiêu dùng gặp nhiều khó khăn, thách thức thì các nhà đầu tư nước ngoài lại đẩy mạnh thâu tóm các công ty tài chính Việt Nam. Hàng tỷ USD được chi ra cho kỳ vọng về “con gà đẻ trứng vàng” trong tương lai.

Thương vụ tỷ USD

Thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam liên tục chứng kiến các thương vụ M&A giữa các “ông lớn” nước ngoài với các tổ chức trong nước. Trong đó, có những công ty tài chính đang chiếm thị phần lớn nhưng các ngân hàng Việt vẫn quyết bán đứt.

Mới đây, Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) đã bán 100% vốn góp tại Công ty Tài chính Bưu điện (PTF) cho Công ty AEON Financial Service, thành viên của AEON Group - tập đoàn bán lẻ lớn nhất Nhật Bản. Thương vụ này có giá trị 4.300 tỷ đồng.

Vào tháng 6/2023, Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) hoàn tất chuyển nhượng 50% cổ phần SHB Finance cho Krungsri Bank. Trong 3 năm tiếp theo, SHB sẽ chuyển nhượng toàn bộ 50% cổ phần đang nắm giữ còn lại cho Krungsri Bank. Tổng giá trị thương vụ được ước tính khoảng 3.600 tỷ đồng.

Trước đó, MB và HDBank cũng đã bán 49% công ty tài chính trực thuộc cho Shinsei Bank và Tập đoàn Saison Nhật Bản.

Thương vụ lớn nhất là Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) chuyển nhượng 49% vốn điều lệ Công ty Tài chính TNHH MTV Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (FE Credit) cho công ty con thuộc SMBC Group (Nhật Bản). Thương vụ này đã mang về cho VPBank gần 32.000 tỷ đồng.

Trước đó, vào năm 2018, Công ty TNHH Lotte Card (Hàn Quốc) đã chi gần 1.700 tỷ đồng mua lại Công ty Tài chính TNHH MTV Kỹ thương (TechcomFinance) từ Techcombank.

Theo nguồn tin của Reuters, Kasikornbank (KBank), ngân hàng lớn thứ hai của Thái Lan, đang đàm phán để mua lại công tài chính tiêu dùng Home Credit Việt Nam. Thỏa thuận này dự báo có giá trị lên tới 1 tỷ USD.

MSB cũng đã công bố kế hoạch bán 100% vốn tại Công ty Tài chính TNHH MTV Cộng Đồng (FCCOM) cho đối tác ngoại. Vào cuối năm 2021, lãnh đạo MSB cho biết thương vụ chuyển nhượng FCCOM có giá trị trên 2.000 tỷ đồng.

Theo các chuyên gia tài chính, ngân hàng bán công ty tài chính là “một mũi tên trúng nhiều đích”, vừa thu về một khoản tiền lớn để nâng cao năng lực tài chính, vừa chia sẻ rủi ro.

Việc thoái vốn khỏi các công ty tài chính không chỉ mang lại nguồn thu nhập lớn, giúp ngân hàng gia tăng hệ số an toàn vốn mà còn tập trung vào những mảng kinh doanh cốt lõi, hạn chế sự chồng chéo trong chiến lược phát triển kinh doanh, khi nhiều ngân hàng vẫn phát triển mảng bán lẻ cho khách hàng hộ gia đình, cá nhân và gia tăng mảng ngân hàng số để phục vụ nhóm khách hàng này.

Ông Đỗ Quang Vinh, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc SHB chia sẻ, việc chuyển nhượng vốn cho Krungsri sẽ mang lại nguồn thặng dư đáng kể cho cổ đông SHB, tạo thêm nguồn lực để ngân hàng tiếp tục tăng cường năng lực tài chính và các yếu tố nền tảng, qua đó thúc đẩy hoạt động kinh doanh ở các phân khúc trọng tâm, đặc biệt đẩy mạnh đầu tư hơn nữa cho quá trình chuyển đổi số…

Với các tập đoàn tài chính hàng đầu châu Á, việc đầu tư vào các công ty tài chính là bước đi để mở rộng tầm ảnh hưởng tại Việt Nam. Mua bán, sáp nhập công ty tài chính được dự báo sẽ gia tăng trong bối cảnh thị trường cho vay tiêu dùng còn nhiều khó khăn.

Giữa sóng gió vẫn hấp dẫn vốn ngoại

Vài năm trước, cho vay tiêu dùng từng được xem là “con gà đẻ trứng vàng” với mức tăng trung bình trên 20% mỗi năm. Tuy nhiên, từ đầu năm 2020, tài chính tiêu dùng phải đối mặt với nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19, kinh tế khó khăn… khiến nhu cầu vay vốn của khách hàng sụt giảm mạnh, chất lượng tài sản đi xuống, nhiều khách hàng không có khả năng trả và bùng nợ. Không ít công ty tài chính có nợ xấu tăng nhanh, phải thu hẹp quy mô hoạt động, thậm chí thua lỗ nặng.

Khó khăn của công ty tài chính phản ánh rõ trong kết quả kinh doanh nửa đầu năm 2023. 6 tháng đầu năm nay, lợi nhuận sau thuế của một số công ty tài chính sụt giảm mạnh, từ 30 - 80%, thậm chí tới hơn 300% so với cùng kỳ năm 2022. Trong khi đó, nợ xấu của 16 công ty tài chính tiêu dùng vào cuối năm 2022 đã tăng hơn 23% so với năm trước đó.

Tuy vậy, các chuyên gia cho rằng, khó khăn chỉ là nhất thời, tín dụng tiêu dùng là mảng tiềm năng chưa được khai phá hết. Với dân số hơn 100 triệu người và tỷ trọng dư nợ cho vay tiêu dùng ở mức thấp… nên đây là một mảnh đất đầy tiềm năng. Các nhà đầu tư nước ngoài có kinh nghiệm, có tiềm lực và công nghệ sẽ khai thác tốt hơn thị trường này. Và mua bán, sáp nhập là con đường duy nhất để thâm nhập thị trường. Khó khăn hiện tại của thị trường lúc này chính là cơ hội tốt cho các nhà đầu tư.

Chuyên gia kinh tế, TS. Đinh Thế Hiển nhìn nhận, tùy vào từng chiến lược hoạt động kinh doanh của tổ chức tài chính mà họ quyết định thoái vốn, chuyển nhượng phần vốn góp ở các công ty tài chính. Bối cảnh trước mắt là khó khăn nhưng với những tổ chức tài chính quốc tế thì Việt Nam vẫn là thị trường cho vay tiêu dùng rất tiềm năng về dài hạn.

Còn theo đánh giá của KBank, Việt Nam là một thị trường tiềm năng, dân số trong độ tuổi lao động tăng nhanh, ước tính hơn 69% dân số không có tài khoản ngân hàng, mức cao nhất trong khu vực châu Á.

Các nhà đầu tư nước ngoài khi thâm nhập thị trường tài chính Việt Nam đều có những “vũ khí” rất riêng có thể khai phá mạnh hơn thị trường đầy tiềm năng này. Chẳng hạn, KBank đang áp dụng giải pháp KBank Biz Loan - một dịch vụ tín dụng dành cho các cửa hàng bán lẻ quy mô nhỏ. Nếu thương vụ mua lại Home Credit thành công, KBank sẽ có thêm cơ hội để thúc đẩy các dịch vụ tài chính cho các khách hàng doanh nghiệp siêu nhỏ, hộ kinh doanh tại Việt Nam. Còn với việc mua lại PTF, AEON cũng sẽ mở rộng cơ hội tăng tốc mảng mua trước trả sau tại Việt Nam.

Theo TS. Đinh Thế Hiển, tổ chức tài chính nước ngoài thường có nguồn vốn dài hạn và họ không tìm kiếm nguồn lợi nhuận nhanh mà quan tâm tính bền vững nên họ sẵn sàng rót vốn vào những công ty tài chính tiêu dùng của Việt Nam trong bối cảnh hiện nay.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Mã chứng khoán liên quan bài viết
40.30 (0.00%)
10.25 (0.00%)
19.05 -0.15 (-0.78%)
11.45 -0.05 (-0.43%)
prev
next

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả