“Nóng” chuyện bán vốn cho nước ngoài trước mùa Đại hội cổ đông ngân hàng
Câu chuyện bán vốn cho đối tác ngoại đang dần trở thành một trong những vấn đề được cổ đông ngân hàng quan tâm nhiều nhất khi loạt ngân hàng đang có tín hiệu sẵn sàng triển khai các thương vụ “khủng”.
Kỳ vọng kế hoạch bán vốn “khủng” của Vietcombank và BIDV sớm hoàn tất
Ngân hàng BIDV dự kiến chào bán riêng lẻ hoặc chào bán ra công chúng hơn 455 triệu cổ phiếu.
Sau giai đoạn trầm lắng, hoạt động chào bán cổ phiếu cho cho nhà đầu tư nước ngoài đã được một số ngân hàng đẩy mạnh trở lại. Nhiều hãng chứng khoán đánh giá, thông tin về việc bán vốn cho nhà đầu tư nước ngoài sẽ là một trong những động lực chính thúc đẩy nhóm cổ phiếu ngân hàng trong năm nay.
Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Ngân hàng Vietcombank, mã cổ phiếu VCB) hiện dự kiến tổ chức Đại hội cổ đông thường niên năm 2024 vào cuối tháng 4 tới đây. Trước thềm Đại hội, một trong những nội dung được cổ đông Ngân hàng Vietcombank đặc biệt quan tâm là kế hoạch phát hành riêng lẻ 6,5% vốn điều lệ cho nhà đầu tư nước ngoài.
Theo đó, Ngân hàng Vietcombank dự kiến chào bán riêng lẻ 307,6 triệu cổ phiếu cho đối tác chiến lược nước ngoài hiện nay là Mizuho Bank (46,1 triệu cổ phiếu) và các nhà đầu tư khác (261,4 triệu cổ phiếu).
Kế hoạch này đã được ban lãnh đạo Ngân hàng Vietcombank đề cập từ năm 2022 nhưng chưa được triển khai trong năm 2023 do điều kiện kinh tế vĩ mô chưa thuận lợi. Tại Đại hội năm 2023, ban lãnh đạo Ngân hàng Vietcombank tiếp tục cho biết vẫn đang triển khai kế hoạch trên và ngân hàng đang triển khai thuê tư vấn tài chính để hỗ trợ lựa chọn cổ đông nước ngoài, dự kiến kế hoạch sẽ hoàn thành trong giai đoạn 2023-2024.
Hãng chứng khoán Vietcap hiện kỳ vọng thương vụ trên sẽ được Ngân hàng Vietcombank hoàn tất trong năm nay khi các điều kiện kinh tế vĩ mô dần thuận lợi hơn. Giá bán kỳ vọng cho thương vụ của Ngân hàng Vietcombank là 100.000 đồng/cổ phiếu VCB, cao hơn khoảng 5% so với thị giá hiện tại của cổ phiếu VCB.
Trong khi đó, tại Đại hội đồng cổ đông bất thường gần nhất, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (Ngân hàng BIDV, mã cổ phiếu BID) đã thông qua việc lùi thời gian thực hiện phương án tăng vốn sang năm 2024.
Theo phương án tăng vốn năm 2023 đã được thông qua, Ngân hàng BIDV dự kiến chào bán riêng lẻ hoặc chào bán ra công chúng hơn 455 triệu cổ phiếu, tương đương 9% vốn điều lệ tại ngày 31/12/2022. Hiện Ngân hàng này chưa công bố chi tiết kế hoạch chào bán.
Tuy nhiên, Ngân hàng BIDV từ lâu đã có kế hoạch phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài nhưng chưa thực hiện. Dựa trên thương vụ bán 15% vốn của Ngân hàng BIDV cho Ngân hàng KEB Hana Bank (Hàn Quốc) hồi năm 2019, Chứng khoán Vietcap hiện kỳ vọng giá bán vốn của Ngân hàng BIDV lần này sẽ ở khoảng 49.000 - 50.000 đồng/cổ phiếu, tương đương vùng giá hiện nay của cổ phiếu BID trên thị trường.
Loạt ngân hàng tư nhân cũng sẵn sàng đón đối tác chiến lược ngoại
Theo hãng tin Reuters, Ngân hàng SHB đang trong quá trình đàm phán bán 20% vốn cho đối tác nước ngoài với định giá ngân hàng lên đến 2,2 tỷ USD.
Ở nhóm các ngân hàng tư nhân, câu chuyện bán vốn cho đối tác nước ngoài cũng đang dần “nóng” lên. Hiện Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (Ngân hàng LPBank, mã cổ phiếu LPB) đang triển khai các bước trong kế hoạch phát hành riêng lẻ 300 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư nước ngoài. Thời gian chào bán cụ thể sẽ được Hội đồng quản trị Ngân hàng LPBank quyết định sau khi được các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
Tại cuộc gặp với nhà đầu tư mới đây, ông Hoàng Thanh Tùng - Giám đốc Ban quan hệ đầu tư của Ngân hàng TMCP Phát triển TP. Hồ Chí Minh (Ngân hàng HDBank, mã cổ phiếu HDB) chia sẻ, việc lựa chọn nhà đầu tư để phát hành tăng vốn, thu hút cổ đông chiến lược luôn nằm trong định hướng của Ngân hàng HDBank nhằm nâng cao năng lực tài chính để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng, đồng thời bảo đảm chỉ tiêu an toàn vốn và thanh khoản.
Ngân hàng HDBank đã dành khoảng 10% room ngoại hiện nay cho việc phát hành tăng vốn và đã sẵn sàng cho việc đón đối tác chiến lược. Hiện Ngân hàng HDBank có kế hoạch hoạch phát hành 12,2 nghìn tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi quốc tế trong năm nay.
Ông Hoàng Thanh Tùng cũng tiết lộ, Ngân hàng HDBank thời gian qua đã nhận được sự quan tâm từ một số đối tác nước ngoài đến từ Hàn Quốc, châu Âu và Mỹ.
Trong khi đó, hồi tháng 7/2023, hãng tin Reuters cho biết Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (Ngân hàng SHB, mã cổ phiếu SHB) đang trong quá trình đàm phán bán 20% vốn cho nhà đầu tư nước ngoài.
Một số nhà đầu tư từ Hàn Quốc và Nhật Bản đã tiếp cận Ngân hàng SHB trong thương vụ này, với định giá ngân hàng có thể đạt mức 2 - 2,2 tỷ USD. Thỏa thuận này dự kiến được hoàn tất trong năm 2023 hoặc đầu năm 2024 và cần được sự chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước.
Trước đó, ông Đỗ Quang Hiển - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội từng cho biết việc bán vốn cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài của ngân hàng sẽ hoàn tất trong năm 2023 hoặc đầu năm 2024.
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023, Ngân hàng SHB cũng đã thông qua việc tiếp tục triển khai tăng vốn từ việc phát hành cổ phiếu dành cho nhà đầu tư nước ngoài và nhà đầu tư chiến lược nước ngoài.
Ngoài ra, giới đầu tư cũng đang kỳ vọng Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (Ngân hàng SeABank, mã cổ phiếu SSB) sẽ sớm tái khởi động trở lại kế hoạch chào bán cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài sau khi đột ngột tạm dừng kế hoạch này hồi tháng 11/2023.
Trước đó, vào tháng 7/2023, Ngân hàng SeABank đã thông qua kế hoạch chào bán riêng lẻ hơn 94 triệu cổ phiếu SSB cho quỹ đầu tư Norwegian Investment Fund (Norfund) thuộc Chính phủ Na Uy. Ngân hàng SeABank từng dự kiến thu về tối thiểu 1.216 tỷ đồng từ thương vụ này.
Ngân hàng SeABank hiện là một trong số ít những ngân hàng Việt Nam hiện chưa có cổ đông chiến lược nước ngoài. Vấn đề này được các cổ đông Ngân hàng SeABank nhắc tới liên tục trong các Đại hội đồng cổ đông thường niên những năm gần đây.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận