24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Nguyễn Văn Khánh
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Những cổ phiếu miệt mài dò đáy

Trước xu hướng chung của thị trường, nhiều cổ phiếu sau khi tạo đáy vào tháng 11-2022 đã đi lên mạnh mẽ kể từ đó đến nay, mang lại lợi nhuận không nhỏ cho các nhà đầu tư. Tuy nhiên, cũng có những cổ phiếu vẫn đang trên đường đi tìm đáy mới.

Trên đường về lại đáy cũ

Thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn đang trong nhịp điều chỉnh kể từ giữa tháng 11-2023 đến nay, với chỉ số VN-Index đã giảm hơn 4% tính đến phiên giao dịch đầu tuần này (27-11). So với đỉnh cao 1.255 điểm đạt được vào đầu tháng 9, VN-Index đã rớt hơn 13,5%. Tuy nhiên, nếu so với thời điểm đầu năm nay, chỉ số này vẫn đang ghi nhận mức tăng hơn 6,5%.

Trước xu hướng chung của thị trường, nhiều cổ phiếu sau khi tạo đáy vào tháng 11-2022 đã đi lên mạnh mẽ kể từ đó đến nay, mang lại lợi nhuận không nhỏ cho các nhà đầu tư. Có thể kể đến các nhóm cổ phiếu như ngân hàng, chứng khoán, hay một vài cổ phiếu bất động sản, đặc biệt là những cổ phiếu hưởng lợi từ xu hướng lãi suất giảm kể từ đầu năm đến nay.

Ngược lại, cũng có những cổ phiếu không ngừng suy giảm trong thời gian qua, bất chấp thị trường chung có những giai đoạn đi lên mạnh mẽ. Trong số này không thể không nhắc đến blue-chip nổi danh một thời là MWG (trên sàn HOSE) của Công ty cổ phần (CTCP) Đầu tư Thế giới Di động, khi giá cổ phiếu này sắp về lại mức đáy của tháng 11-2022. Kết quả kinh doanh yếu kém cùng kế hoạch thu hẹp quy mô hoạt động đã khiến nhiều nhà đầu tư bi quan về triển vọng phát triển của doanh nghiệp này trong tương lai.

Quí 3-2023, Thế giới Di động chỉ lãi vỏn vẹn gần 39 tỉ đồng, xếp áp chót về lợi nhuận trong nhóm VN 30. Lũy kế chín tháng đầu năm nay doanh nghiệp này lãi ròng 77,5 tỉ đồng, mới đạt 2% kế hoạch lợi nhuận.

Thông tin mới nhất cho thấy ông lớn ngành bán lẻ này sẽ tiến hành cải tổ toàn diện để thích ứng với bối cảnh kinh doanh đầy biến động, trong đó dự kiến đóng 200 cửa hàng hoạt động không hiệu quả trong quí 4-2023. Với việc Apple đã mở cửa hàng trực tuyến tại Việt Nam, các nhà đầu tư cũng lo ngại mảng bán điện thoại, máy tính của Thế giới Di động đứng trước thách thức cạnh tranh quyết liệt hơn.

Ở mảng bán lẻ thực phẩm, Công ty Chứng khoán Vietcap mới đây dự báo chi phí bán hàng cao hơn sẽ khiến Bách hóa Xanh lỗ gần 1.000 tỉ đồng trong năm 2023 và tiếp tục lỗ gần 300 tỉ đồng trong năm 2024. Trong khi đó, về thông tin giao dịch bán cổ phần Bách hóa Xanh, đại diện Thế giới Di động cho biết giao dịch vẫn đang trong quá trình thực hiện và chọn cách không đưa ra bất kỳ bình luận nào vì tính chất bảo mật cho đến khi giao dịch kết thúc.

Dù vậy, không ít nhà đầu tư và chuyên gia phân tích cho rằng việc Thế giới Di động về lại đáy cũ đang mang lại cơ hội bắt đáy ở cổ phiếu này, với kỳ vọng thị trường bán lẻ sẽ phục hồi mạnh mẽ hơn trong thời gian tới, giúp hoạt động kinh doanh của Thế giới Di động quay lại thời kỳ tăng trưởng ổn định, cộng thêm chất xúc tác từ thương vụ bán Bách hóa Xanh nếu thành công sẽ giúp Thế giới Di động có thêm nguồn lực tái cấu trúc lại hoạt động và chiến lược phát triển của doanh nghiệp trong giai đoạn kế tiếp.

Và miệt mài dò đáy

Bên cạnh MWG, nhiều cổ phiếu khác cũng đang trên đường miệt mài dò đáy trong suốt thời gian qua. Như cổ phiếu ACV (UpCom) của Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam đã giảm hơn 20% kể từ đầu năm đến nay, xuyên thủng mức đáy của tháng 11-2022 và rớt về mức thấp nhất kể từ tháng 6-2021 cho đến nay. Đáng lưu ý là trái ngược với MWG, kết quả kinh doanh của Cảng Hàng không Việt Nam vẫn tích cực với lãi ròng quí 3-2023 đạt gần 2.398 tỉ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2022, theo đó lũy kế chín tháng đầu năm lãi hơn 5.870 tỉ đồng, vượt 102% kế hoạch lợi nhuận cả năm.

Là chủ đầu tư của dự án sân bay Long Thành, có lẽ các nhà đầu tư lo ngại những rủi ro tiềm tàng từ dự án có thể ảnh hưởng lên hoạt động kinh doanh của Cảng hàng không Việt Nam trong những năm tới, khi dự án này đòi hỏi một nguồn lực vốn đầu tư khổng lồ. Dù vậy, giới phân tích vẫn kỳ vọng về sự tăng trưởng dài hạn của doanh nghiệp này, dựa trên hoạt động du lịch phục hồi sẽ đón nhận khách quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ trở lại, công suất hoạt động của các sân bay cao hơn, triển vọng lợi nhuận tích cực hơn khi sân bay Long Thành đi vào hoạt động, cũng như khả năng chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ khá cao trong thời gian tới.

Hay như cổ phiếu BCM (HOSE) của Tổng công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp cũng đã giảm hơn 30% từ đầu năm đến nay, hiện rớt về mức đáy thấp nhất kể từ tháng 7-2022. Dù nhóm ngành bất động sản khu công nghiệp được xem là hưởng lợi trước xu thế dòng vốn đầu tư nước ngoài vẫn đổ vào Việt Nam mạnh mẽ, nhiều cổ phiếu trong nhóm này đã tăng tích cực trong những tháng qua, nhưng riêng BCM vẫn đang miệt mài dò đáy. Nhìn lại tốc độ tăng giá cổ phiếu BCM trong giai đoạn 2020-2022, có lẽ chu kỳ điều chỉnh của cổ phiếu này sẽ chưa sớm kết thúc, nhất là khi lợi nhuận của doanh nghiệp năm nay chứng kiến suy giảm mạnh và chỉ mới đạt 12% kế hoạch đề ra sau chín tháng.

Ở nhóm xây dựng, CTCP Tập đoàn Xây Dựng SCG cũng chứng kiến giá cổ phiếu SCG (HNX), sau khi bốc đầu trong giai đoạn nửa cuối năm 2021 và những tháng đầu năm 2022, đã chìm dần kể từ đó đến nay kèm với khối lượng suy yếu dần. Hiện giá cổ phiếu SCG đang ở mức thấp nhất trong vòng một năm rưỡi qua và có lẽ sẽ còn tiếp tục đi xuống, khi kết quả kinh doanh của doanh nghiệp này cũng giảm mạnh so với cùng kỳ.

Trong nhóm ngân hàng, cổ phiếu SSB (HOSE) của Ngân hàng Đông Nam Á cũng đã rớt về mức thấp nhất trong vòng một năm rưỡi qua. Nếu so với đỉnh cao nhất vào đầu tháng 8 năm nay, giá cổ phiếu SSB đã rớt hơn 25%, còn nếu so với đầu năm nay cũng giảm gần 20%. Đáng lưu ý là thời gian gần đây chứng kiến hàng loạt lãnh đạo cấp cao của ngân hàng này đăng ký bán cổ phiếu ồ ạt, sau khi được quyền mua cổ phiếu ESOP. Điều này càng gây thêm áp lực giảm giá lên cổ phiếu SSB.

Ở nhóm bất động sản, trong khi không ít cổ phiếu của các doanh nghiệp bất động sản đã phục hồi mạnh mẽ trong vòng một năm qua, riêng cổ phiếu AGG (HOSE) của CTCP Đầu tư và Phát triển Bất động sản An Gia và cổ phiếu FIR của CTCP Địa ốc First Real lại đang trên đường về lại mức thấp nhất trong vòng gần hai năm qua. Trong khi First Real sau chín tháng chỉ mới hoàn thành 10% kế hoạch lãi ròng năm 2023, gần đây lại có thông tin cổ phiếu bị thao túng giá, thì An Gia sau chín tháng đã vượt 351% kế hoạch lãi ròng năm 2023, với mức lợi nhuận tuyệt đối đạt 351 tỉ đồng.

Ngoài ra, có thể kể đến các mã cổ phiếu khác như NAG (HNX) của CTCP Tập đoàn Nagakawa, PBC (UpCom) của CTCP Dược phẩm Trung Ương 1, TAR (HNX) của CTCP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An, VTD (UpCom) của CTCP Du lịch Vietourist, TDT (HNX) của CTCP Đầu tư và Phát triển TDT cũng đang miệt mài dò đáy trong suốt thời gian qua. Đáng lưu ý cổ phiếu TAR hiện đang bị hạn chế giao dịch.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Mã chứng khoán liên quan bài viết
58.90 -1.00 (-1.67%)
120.00 +3.70 (+3.18%)
67.00 -1.00 (-1.47%)
16.85 +0.05 (+0.30%)
65.00 -0.20 (-0.31%)
prev
next

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả