menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Nguyễn Duy Cường

Nhóm ngành nào sẽ “dẫn sóng” trong năm 2023?

Qua một năm nhiều biến động, thị trường chứng khoán năm 2023 sẽ có những diễn biến ra sao? Ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc phân tích Công ty chứng khoán (CTCK) Yuanta - đã có những trao đổi với chúng tôi và đưa ra nhận định chung về thị trường trong năm nay.

* Sau một năm quá nhiều biến động, năm nay, ông có nghĩ kênh đầu tư chứng khoán còn hấp dẫn?

Giám đốc phân tích Nguyễn Thế Minh: Năm nay, mức độ ảnh hưởng của thị trường chứng khoán từ các rủi ro lớn sẽ giảm áp lực rất nhiều so với năm 2022.

Thứ nhất, chuyện Fed thắt chặt chính sách tiền tệ. Năm 2023, khả năng cao Fed sẽ đặt mức tăng lãi suất quanh 5%, không quá siết. Nghĩa là lãi suất vẫn có thể tăng, nhưng chậm thôi. Do đó, những rủi ro, áp lực với thị trường chứng khoán sẽ giảm.

Thứ hai, tính thanh khoản của nền kinh tế. Trong năm 2022, tác động kinh tế và lạm phát, lãi suất tăng cùng hoạt động kiểm soát nguồn vốn tín dụng - đặc biệt với kênh bất động sản - đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng với thanh khoản của nền kinh tế. Năm 2023, có khả năng room tín dụng sẽ nới rộng, có thể không cao như năm ngoái, nhưng dòng vốn của nền kinh tế sẽ được bổ sung vốn tín dụng.

Bên cạnh đó, các định hướng mới cho lĩnh vực bất động sản có thể đóng vai trò là phần khai thông tính thanh khoản cho thị trường này. Nghĩa là thanh khoản được kỳ vọng sẽ khôi phục, trở thành yếu tố tiếp theo tác động tích cực đến thị trường chứng khoán.

Nhìn chung, thị trường chứng khoán năm 2023 có thể sẽ tương đối ổn, ít biến động hơn. Nhưng có 2 rủi ro chưa thể dự báo: Căng thẳng chính trị giữa EU và Nga quanh xung đột Nga - Ukraine và những hiệu quả từ các biện pháp của Chính phủ lên thị trường bất động sản.

Chúng ta chưa đánh giá được các biện pháp này sẽ giúp khôi phục thanh khoản thị trường chứng khoán đến đâu. Để nói vắn tắt, thời điểm dành cho thị trường bất động sản sẽ rơi vào khoảng quý 3/2023. Sự tăng trưởng bền vững cho cả thị trường chứng khoán cũng sẽ rơi vào giai đoạn này. Tuy nhiên, đầu năm sẽ có ảnh hưởng tích cực về tâm lý, cởi bỏ bớt những rủi ro đáng kể về chính sách tiền tệ thắt chặt, rủi ro về địa chính trị cũng như thanh khoản thị trường bất động sản.

* Trên các cơ sở đó, nhóm ngành nào sẽ dẫn sóng trong nửa đầu năm 2023?

- Tôi tin ngân hàng sẽ là nhóm ngành dẫn dắt đà tăng của thị trường năm 2023. Đây là nhóm có sức khỏe tốt nhất, vốn hóa lớn nhất thị trường, mang theo những bệ phóng đủ mạnh để dẫn dắt xu hướng.

Hiện tại, nhóm ngân hàng có thể thay thế các nhóm cổ phiếu khác như bất động sản. Trong bối cảnh tỷ lệ P/B của nhiều ngân hàng đang loanh quanh trên dưới mức 1 lần, nghĩa là định giá của nhóm này đang khá hấp dẫn. Tuy nhiên, rủi ro với nhóm này vẫn là lãi suất và thanh khoản. Với lãi suất, năm sau, dù có xu hướng tăng lên nhưng vẫn sẽ bớt căng thẳng.

Còn thanh khoản của hệ thống ngân hàng, tôi cho là không đáng ngại. Nền kinh tế đang trong giai đoạn chững lại của một chu kỳ tăng trưởng, nhưng sức khỏe của nó đã được kiểm chứng kể từ 2013 - thời điểm FDI tăng mạnh vào thị trường. Về cơ bản, kênh vĩ mô sẽ tốt, việc tăng ổn định vốn ngân hàng sẽ giúp sức khỏe nhóm này không ảnh hưởng, thanh khoản rất dồi dào, qua đó giúp nhóm ngành này dẫn dắt thị trường trong năm tới.

* Vậy nhóm nào sẽ ít chịu ảnh hưởng nhất trước các biến động khó lường của kinh tế toàn cầu?

- Đó sẽ là ngành sản xuất thực phẩm. Về cơ bản, nền kinh tế tăng trưởng chậm lại, rồi ổn định đi ngang và sau đó tăng lên. Việt Nam nằm trên chuỗi cung ứng, nghĩa là sẽ không chịu ảnh hưởng lớn từ lạm phát mà dù lạm phát thì nhu cầu thực phẩm vẫn luôn luôn có, vì thế nhóm ngành sản xuất thực phẩm sẽ “sống khỏe”. Hơn nữa, dù suy thoái, lãi suất tăng, nhóm này nợ vay không nhiều nên có thể “né bão” được.

Nhà đầu tư cũng có thể chú ý thêm về nhóm vận tải, công nghệ, điện, nước, khí đốt - những nhóm sẽ tiếp tục tăng trưởng trong năm 2023.

Ngoài ra, nhóm ngành có thể quan sát thêm là bất động sản - dĩ nhiên là tùy thời điểm, đáng chú ý là vào quý 3. Tôi hy vọng Chính phủ qua năm 2023 sẽ gỡ được một số nút thắt của thị trường bất động sản về dòng vốn tín dụng và các chính sách. Nếu gỡ được 2 nút thắt này sẽ giúp thanh khoản thị trường bất động sản khôi phục, giúp các doanh nghiệp lấy lại đà tăng. Cũng không loại trừ khả năng sẽ có làn sóng đầu cơ về tâm lý với nhóm bất động sản ngay đầu năm nay, nhưng để tăng trưởng bền vững, cần chờ đến quý 3.

Giống như kịch bản 2018, Fed cũng tăng lãi suất rất mạnh khiến thị trường chứng khoán gặp khó khăn; đến năm 2019, thị trường đi ngang. Nhưng khi đó, rủi ro không lớn mà cơ hội chưa có nhiều, cơ bản vì thị trường không có động lực đi lên quá lớn. Còn năm 2023 có thể mang chút tương đồng với 2019, tức là mọi rủi ro lớn nhất trong năm 2022 đã được phản ánh xong rồi.

Dẫu vậy, vẫn còn một số rủi ro mà chúng ta không thể dự đoán trước, như tín dụng, rủi ro chiến tranh Nga - Ukraine… Địa chính trị đóng góp không nhỏ vào lạm phát năm 2022. Nếu điều này lặp lại với sự leo thang lớn hơn, nền kinh tế sẽ tiếp tục chững. Trước mắt, rủi ro nặng nhất với 2023 đều đã được phản ánh trong năm cũ nên sẽ không gây ảnh hưởng quá nhiều nếu không có biến cố lớn hơn.

* Năm 2022, các vụ bắt giữ lãnh đạo doanh nghiệp cùng những tin đồn thiếu kiểm chứng đã khiến thị trường phải chịu nhiều phản ứng tiêu cực. Với điều kiện thị trường hiện tại, các vụ bắt bớ liệu có tác động tương tự như năm 2022?

- Việc bắt giữ lãnh đạo, cần nhớ là bắt ở quy mô nào. Cơ bản vì vẫn phải xoay quanh nội tại của nền kinh tế, thị trường sẽ biến động quanh đó thôi. Năm 2022, thị trường đã cộng hưởng xoay quanh tin tức. Nên nhớ, trong lịch sử cũng từng có nhiều tin xấu, trong đó vụ lớn nhất là chuyện bầu Kiên năm 2012 rồi nhiều vụ việc liên tiếp khác nhưng không ảnh hưởng nhiều.

Nếu coi như chu kỳ 10 năm lặp lại, tôi hy vọng vào các lần sau, tâm lý của nhà đầu tư sẽ ổn hơn, hệ quả sẽ nhẹ nhàng hơn, quy mô tạm gọi là nhẹ hơn so với năm ngoái. Giống như lần đầu thì phản ứng mạnh vậy.

* Cổ phiếu thế nào thì đáng để đầu tư, khi ngay cả những cổ phiếu bluechip cũng chịu ảnh hưởng nặng nề như trong năm vừa qua? Nhà đầu tư nên phản ứng ra sao nếu năm nay thị trường rơi vào những tình huống tương tự như vậy?

- Bài học là nếu không kiểm soát rủi ro trong ngắn hạn thì các khoản đầu tư dài hạn cũng tệ đi rất nhiều.

Có 2 ví dụ lớn trong năm 2022. Đầu tiên là các khoản đầu tư dài hạn của các quỹ đầu tư, nếu không tìm cách giảm tỷ trọng cổ phiếu trong ngắn hạn khi vào đà rơi rồi mua lại ở mức giá thấp, hiệu suất đầu tư sẽ cực kỳ tệ. Nghĩa là, đầu tư dài hạn không phải lúc nào cũng an toàn.

Thứ hai, các khoản đầu tư về trái phiếu của các quỹ đầu tư và CTCK. Chúng ta thấy thời gian qua, các khoản trái phiếu bất động sản xảy ra tình trạng mất tính thanh khoản. Nếu không trích lập dự phòng đủ lớn, sẽ gây ra nguy hiểm cho các khoản đầu tư. Trái phiếu, bản thân là một sản phẩm tài chính an toàn cho thị trường chứng khoán, nhưng năm 2022 lại tạo ra rủi ro lớn cho mảng đầu tư này. Do đó, cần có khoản dự phòng đủ lớn cho nó.

Các hiệu ứng về thanh khoản dây chuyền cũng khiến thị trường trái phiếu bị ảnh hưởng. Đó là lý do phải kiểm soát rủi ro trong ngắn hạn.

Nhóm ngành nào sẽ “dẫn sóng” trong năm 2023?

Rút ra từ bài học này, năm 2023 có thể tích cực trở lại nhưng không hẳn hoàn toàn tích cực. Rất có thể thị trường sẽ quay lại thời điểm đầu tư một cách thuận lợi. Dù sao, vẫn nên có những chiến lược kiểm soát kịp thời rủi ro trong ngắn hạn, nên có mức cắt lỗ để phòng thủ trong ngắn hạn. Ta đã thấy rõ tính đầu cơ trong năm 2021 đã để lại hậu quả như thế nào.

Nhà đầu tư vẫn nên tập trung vào đầu tư theo xu hướng để tạo ra vị thế an toàn. Xu hướng đầu tiên là xu hướng thế giới, đến xu hướng chỉ số chứng khoán tại Việt Nam, rồi đến lựa chọn từng nhóm ngành, từng nhóm cổ phiếu.

* Đối với các kênh đầu tư khác như bất động sản, vàng… ông nhận xét ra sao?

- Cơ bản năm nay, Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất, nhưng thông thường việc này đi đôi với rủi ro. Năm 2023 không còn là chu kỳ tăng trưởng nóng của đồng USD nên khi đồng tiền này suy yếu sẽ là cơ hội cho các kênh đầu tư khác. Có thể vàng sẽ là kênh đầu tư hưởng lợi lớn trong xu hướng này. Bối cảnh là nhiều quốc gia, như Trung Quốc, sẽ tìm cách thay thế sức ảnh hưởng của đồng USD. Nhiều quốc gia cũng bắt đầu sử dụng vàng như một kênh thanh toán nên tôi dự đoán vàng sẽ là một trong những kênh tăng trưởng tốt trong năm 2023.

Tựu trung, nên dành 20-30% tỷ trọng đầu tư vào tiền gửi tiết kiệm. Khi trái phiếu chưa ổn trở lại vì tâm lý e ngại của nhà đầu tư, kênh tiền gửi sẽ là kênh trú ẩn, phòng thủ. Phần còn lại có thể phân phối vào 2 kênh rủi ro cao hơn là cổ phiếu và vàng.

* Cuối cùng, ông có thể dự báo chỉ số VN-Index sẽ chạm mức cao nhất trong năm 2023 là bao nhiêu?

- Trước mắt chưa đánh giá được tình hình gỡ nút thắt của năm nay nên tôi chỉ kỳ vọng chạm được đỉnh cũ của tháng 04/2022 (trên 1,500 điểm).

* Xin cảm ơn ông.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Mã liên quan
Giá
Biểu đồ

1,193.01

-22.67 (-1.86%)

Biểu đồ mã VN-INDEX
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại