24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Khánh Hoàng
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Nhóm ngành nào có tăng trưởng lợi nhuận cao trong quý III/2024?

​​​​​​​Lãi suất thấp là một trong những yếu tố hỗ trợ cho tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp.

Tăng trưởng GDP hơn 7,4% vượt mọi dự báo, khiến một số nhóm ngành kỳ vọng lợi nhuận vượt trội.

Các yếu tố chi phối kết quả

Bước sang tháng 10, các doanh nghiệp sẽ bắt đầu chuẩn bị để thực hiện công bố báo cáo tài chính quý III và lũy kế 9 tháng 2024. Mặc dù nhiều doanh nghiệp đã được thị trường đánh giá và phản ánh trước kỳ vọng về kết quả kinh doanh, song một chuyên gia cho rằng ngoại trừ các trường hợp: 1) Một số doanh nghiệp có những báo cáo kết quả khác xa dự phóng chủ yếu do các quyết định tài chính hoặc giao dịch tài sản ở những phút cuối trước kỳ chốt dữ liệu làm báo cáo, 2) Một số doanh nghiệp đánh giá tác động của bão Yagi hoặc những yếu tố khách quan bên ngoài khác với dự kiến… , thì nhìn chung, trên cơ sở vĩ mô, ngành và nội tại, các dự báo về kết quả hoạt động doanh nghiệp quý III/2024 sẽ khả quan theo tăng trưởng GDP tích cực của nền kinh tế.

Đánh giá của Agriseco cho rằng có một số nhóm ngành có thể tăng trưởng tích cực nhờ các yếu tố: 1) Hoạt động thương mại xuất nhập khẩu có nhiều khởi sắc; 2) Tác động lãi suất và chi phí vốn; 3) Quy mô nguồn vốn, tài sản của doanh nghiệp gia tăng.

Ở yếu tố thứ nhất, cụ thể trong 8 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh chung của nền kinh tế với tổng trị giá xuất khẩu đạt 265,09 tỷ USD, tăng 15,8% yoy, trị giá nhập khẩu đạt 246,02 tỷ USD, tăng 17,7% yoy. Trong đó Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 77,9 tỷ USD (tăng 25% trong 8T2024). Các đối tác thương mại lớn của Việt Nam như Mỹ, EU, Trung Quốc đều đang cho thấy tín hiệu khả quan và lượng đơn đặt hàng mới gia tăng.

Thứ hai, mặt bằng lãi suất duy trì mức thấp giúp tiết giảm chi phí lãi vay: Mặt bằng lãi suất giai đoạn hiện tại đang ở mức thấp trong nhiều năm qua. Với mặt bằng lãi suất thấp như vậy, chi phí lãi vay của các doanh nghiệp cũng được tiết giảm, cụ thể theo ước tính của Agriseco Research, chi phí lãi vay các doanh nghiệp niêm yết trong 6T2024 đã giảm khoảng 16% so với cùng kỳ. “Chúng tôi kỳ vọng chi phí tài chính của các doanh nghiệp tiếp tục xu hướng giảm, từ đó hỗ trợ lợi nhuận của doanh nghiệp trong các tháng cuối năm”, Agriseco nhận định.

Thứ ba, quy mô nguồn vốn, tài sản gia tăng: Một trong những động lực quan trọng để tăng trưởng KQKD là tăng trưởng về nguồn lực tổng tài sản và vốn chủ sở hữu. Tại thời điểm cuối quý II/2024, tổng tài sản và vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp niêm yết tăng 14,9% so với cùng kỳ. Qua việc tăng quy mô, các doanh nghiệp có thể gia tăng năng lực hoạt động, công suất để đẩy mạnh hoạt động SXKD theo đà phục hồi của nền kinh tế vào cuối năm nay.

Lưu ý rằng những yếu tố tác động đến kết quả dự báo đã và đang được các nhóm nghiên cứu đánh giá ở mức thận trọng, trong khi đó tăng trưởng GDP quý III đạt 7,4% là kết quả vượt mọi dự báo và đặc biệt bất chấp các tổn hại của bão Yagi; do đó tăng trưởng lợi nhuận quý theo các chuyên gia, cũng sẽ có thể vượt dự phóng đáng kể.

Các nhóm ngành tiềm năng

Agriseco Research lựa chọn ra 5 nhóm ngành có tiềm năng tăng trưởng lợi nhuận cao trong quý III /2024 và 9 tháng năm 2024 gồm: Phân bón, Bán lẻ, Chăn nuôi, Ngân hàng và nhóm Logistics.

Nhóm ngành nào có tăng trưởng lợi nhuận cao trong quý III/2024?

Phân bón: Triển vọng lợi nhuận quý III/2024 tăng trưởng mạnh so với mức nền thấp cùng kỳ. Hiện nay giá và sản lượng ure đang duy trì ở mức ổn định và kỳ vọng sẽ tăng cao trong giai đoạn cuối năm khi vụ Đông Xuân đến gần. Sau khi chuyển dần sang pha thời tiết La Lina, nhu cầu phân bón toàn cầu cũng được kỳ vọng sẽ cải thiện giúp giá phân bón phục hồi tốt hơn trong cuối năm.

Tăng trưởng lợi nhuận ngành phân bón cũng được đóng góp bởi DCM khi nhà máy của DCM hết khấu hao giúp ghi nhận khoản lợi nhuận cao hơn từ năm 2024.

Các doanh nghiệp sản xuất phân DAP như LAS hay DDV hưởng lợi từ việc Trung Quốc hạn chế xuất khẩu phân DAP, qua đó kỳ vọng duy trì lợi nhuận khả quan và đạt được mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ.

DPM và DCM vẫn là 2 doanh nghiệp hàng đầu của ngành và cũng là những mã cổ phiếu tiềm năng.

Bán lẻ: Kỳ vọng lợi nhuận tiếp tục duy trì tăng trưởng mạnh trong quý III/2024 so với mức nền thấp cùng kỳ. Trong đó, động lực cho sự phục hồi của ngành bán lẻ đến từ các yếu tố: Nhu cầu bán lẻ tiêu dùng phục hồi nhờ các chính sách hỗ trợ, kích cầu tiêu dùng, du lịch như giảm thuế VAT, tăng tiền lương cơ bản, mở rộng miễn thị thực cho khách du lịch.

Tình trạng cạnh tranh về giá giữa các chuỗi bán lẻ đặc biệt trong lĩnh vực bán lẻ điện máy chấm dứt giúp cải thiện biên lợi nhuận các doanh nghiệp.

Các động lực riêng của từng doanh nghiệp từ mảng bán lẻ nhà thuốc (FRT) hay mảng bách hóa (MWG). Cụ thể: Chuỗi Long Châu của FRT đã đóng góp khoảng 110 tỷ đồng lợi nhuận trong quý II, tăng gấp đôi so với cùng kỳ. Trong khi đó, chuỗi Bách Hóa Xanh của MWG cũng liên tục cải thiện hiệu quả hoạt động và đã đem về lợi nhuận kể từ quý II/2024.

Agriseco lựa chọn MWG, FRT là 2 mã cổ phiếu tiềm năng. Tuy nhiên bên cạnh đó, một số thông tin trên thị trường ghi nhận MSN với vai trò tập đoàn đa ngành sở hữu hệ sinh thái bán lẻ lớn nhất Việt Nam, cũng đang đón nhận nhiều cơ sở cho kỳ vọng KQKD tích cực trong quý III/2024. Theo đó, lãi ròng quý III/2024 của Tập đoàn Masan được dự báo có thể tăng gấp 13 lần so với cùng kỳ năm ngoái, nhờ thu nhập từ MCH và TCB.

Chăn nuôi: Giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi (TACN) hạ nhiệt. Giá một số loại nguyên liệu TACN như giá lúa mỳ, giá ngô đã giảm từ 30 – 40% so với mức đỉnh trong năm 2023. Với đặc thù nguyên liệu TACN chủ yếu nhập khẩu, các doanh nghiệp chăn nuôi ở Việt Nam có thể tiết giảm được chi phí đầu vào trong bối cảnh giá nguyên liệu TACN hạ nhiệt.

Giá heo hơi phục hồi tích cực kể từ đầu năm 2024. Hiện tại, giá heo hơi bình quân đang được giao dịch ở ngưỡng 65000 - 70.000 đồng/kg, tăng khoảng 30% kể từ đầu năm nay. Nguyên nhân đến từ tổng đàn heo bắt đầu bị ảnh hưởng từ đợt bùng phát dịch tả lợn Châu Phi trong quý IV/2023 và quý I/2024, cơn bão Yagi mới đây cũng gây ảnh hưởng tới nguồn cung heo ở khu vực phía Bắc. Bên cạnh đó, quy định về việc cấm chăn nuôi trong luật chăn nuôi sẽ chính thức có hiệu lực từ năm 2025 khiến nhiều hộ chăn nuôi phải di dời và thậm chí treo chuồng cũng ảnh hưởng đến tổng đàn. BAF, DBC là 2 mã cổ phiếu nổi bật của nhóm doanh nghiệp ngành này.

Đối với ngành chăn nuôi, hiện vẫn có những đánh giá khác nhau về khả năng ghi nhận lợi nhuận của các doanh nghiệp, đặc biệt nổi bật như thị trường miền Bắc như DBC. Bởi song song với hưởng lợi từ giá heo tăng, đặc biệt nguồn cung khan hiếm do bão Yagi, thì DBC cũng có thể bị ảnh hưởng bởi các trang trại trên địa bàn trong khu vực chịu bão lũ vừa qua, mặc dù từ phía DBC khẳng định không thiệt hại.

Ngân hàng: Kỳ vọng lợi nhuận ngành ngân hàng trong quý III/2024 duy trì đà tăng (ước tính +24% yoy) trên nền thấp cùng kỳ năm ngoái. Agriseco đánh giá dựa vào các yếu tố sau:

(1) Ước tính tín dụng bình quân ngành 9T/2024F tiếp tục tăng trưởng tốt và đạt trên 8% cao hơn so với cùng kỳ năm trước (6,96%) nhờ (i) Tăng cường đẩy mạnh giải ngân lĩnh vực tiêu dùng cá nhân, các doanh nghiệp sản xuất (kích cầu tín dụng sau bão lũ qua gói tín dụng hỗ trợ 405.000 tỷ đồng đã được Thủ tướng phê duyệt); (ii) Dư nợ cho vay lĩnh vực bất động sản, xây dựng đã có dấu hiệu phục hồi trong Q2/2024 và kỳ vọng tiếp tục gia tăng trong quý III/2024; (iii) Hiện tại room tín dụng của một số ngân hàng dự kiến được NHNN nới rộng thêm 2-2,5%, sau khi hoàn tất 80% hạn mức tín dụng giao đầu năm.

(2) Dự kiến tỷ lệ NIM trong quý tới cải thiện lên mức trên 3,7% nhờ mức giảm của chi phí vốn thấp hơn mức giảm của lợi suất tài sản cho vay.

(3) Tỷ lệ nợ xấu toàn ngành trong quý II/2024 duy trì ở mức 2,2%, bên cạnh đó, Nợ nhóm 2 đã dần hạ nhiệt so với quý I/2024 khi giảm từ mức 2,1% về 1,8%, và đồng thời cũng thấp hơn so với cùng kỳ năm 2023 (2,6%), hỗ trợ giảm áp lực nợ xấu tăng trong các tháng cuối năm. Đây là yếu tố hỗ trợ lợi nhuận ngành ngân hàng tăng trưởng trong quý III/2024.

CTG, VPB, STB là các mã được Agriseco lựa chọn. Tuy nhiên, một số đánh giá khác đặt trên cơ sở tăng trưởng tín dụng thực của các ngân hàng, hướng đến những nhà băng đã có tăng trưởng tín dụng nổi bật trong quý. Chẳng hạn như HDBank, TPBank, Eximbank… Bên cạnh đó, các nhà băng còn có câu chuyện riêng, ví dụ Eximbank.

Logistics: Nhóm này cũng được đánh giá có KQKD sẽ ghi nhận tích cực khi trong 8 tháng đầu năm 2024, tổng giá trị xuất nhập khẩu Việt Nam đã tăng 17% so với cùng kỳ, đạt mức 511,11 tỷ USD. Khối lượng hàng hóa qua cảng biển ở Việt Nam cũng ghi nhận tăng trưởng tích cực gần 20% so với cùng kỳ. Hoạt động xuất nhập khẩu phục hồi cho thấy nhu cầu đơn hàng đã gia tăng đáng kể và phản ánh sự phục hồi của nền kinh tế.

Trên thị trường vận tải biển quốc tế, giá cước vận tải các tuyến đang có xu hướng tăng mạnh mẽ. Đối với thị trường vận tải container, giá cước nhiều tuyến Á – Âu đã tăng 2-3 lần so với cùng kỳ bởi xung đột leo thang tại Biển Đỏ từ cuối năm 2023, nhiều cảng biển trong khu vực đã rơi vào tính trạng ùn ứ khiến thời gian và hải trình các tuyến vận tải tăng lên, kéo theo chi phí tăng.

Đối với thị trường vận tải dầu hóa chất, tính trạng tương tự cũng diễn ra khi giá cước vận tải và giá thuê tàu định hạn liên tục tăng nhanh và duy trì ở mức cao bởi tình trạng bất ổn địa chính trị. Giá thuê tàu định hạn trong quý III/2024 đang ở mức cao hơn khoảng 10-15% so với cùng kỳ và cao hơn gấp 2 lần so với giai đoạn trước khi cuộc xung đột Nga – Ukraine diễn ra, theo Agriseco.

Một điểm cần nhớ là ở trong nước, nhóm Logistics được đánh giá là nhóm chịu tổn thất lớn do bão Yagi. Khi đánh giá tác động ngắn hạn, thiệt hại tài sản là đầu vào cho sản xuất công nghiệp và nông nghiệp, nhưng chính sự thiệt hại của các tài sản như hạ tầng, máy móc, thiết bị, nhà xưởng là mang tính dài hạn, do hư hỏng thiệt hại sẽ dẫn tới đứt gãy tạm thời các nguồn cung hoặc chi phí đẩy cao. TS Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và Chính sách (VEPR), cho rằng, cùng với đó, cơ sở hạ tầng chậm khắc phục hoặc phải rà soát hàng loạt sẽ ảnh hưởng tới logistics, kéo theo chi phí đầu vào sản xuất công nghiệp tăng. Việc này sẽ tác động vào sản lượng, giá trị sản xuất của quý IV, thậm chí kéo dài sang 2025 nếu không khắc phục kịp thời.

Do đó, cơ hội ghi nhận lợi nhuận tích cực của nhóm Logistics nói riêng và các nhóm ngành nói chung, vẫn cần đánh giá trên xác thực khả năng và thời gian phục hồi, hoặc loại trừ khỏi ảnh hưởng của khu vực chịu thiệt do bão.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Mã chứng khoán liên quan bài viết
59.00 +0.30 (+0.51%)
23.50 +0.30 (+1.29%)
37.90 +0.50 (+1.34%)
prev
next

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả