Nhiều doanh nghiệp lớn đua nhau nuôi heo
Nhiều doanh nghiệp lớn đổ hàng nghìn tỷ đồng đầu tư mảng chăn nuôi, nhất là nuôi heo khi quy mô thị trường này được dự báo lên đến 15 tỷ USD.
Như vậy, Thaiholdings đang nối dài danh sách những doanh nghiệp lớn tích cực tham gia vào ngành chăn nuôi heo khi thị trường trong nước được dự báo có quy mô khoảng 15 tỷ USD (báo cáo thường niên 2021 của Masan MeatLife).
Trước đây, thị trường này đã điểm danh nhiều "ông lớn" đầu tư hàng trăm đến hàng nghìn tỷ đồng vào chăn nuôi heo như Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAG), Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát (HPG), Công ty cổ phần Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico - HNG), Công ty cổ phần Tập đoàn Masan (MSN), Công ty cổ phần Tập đoàn Trường Hải (Thaco)...
Ngoài các đại gia có tiềm lực tài chính mạnh, ngành này cũng ghi nhận nhiều tên tuổi trong và ngoài nước đang cạnh tranh nhau khốc liệt ở mảng thịt như Tập đoàn C.P, GreenFeed, CJ Vina Agri, Tập đoàn Mavin... Ngoài trực tiếp sản xuất và kinh doanh, các tổ chức nước ngoài như Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) thuộc Ngân hàng Thế giới (World Bank) còn đặt cược lớn khi chi đậm để đầu tư cho các đơn vị trong ngành.
Trong năm nay, IFC đã rót tổng cộng 2.800 tỷ đồng vào ba đơn vị chăn nuôi heo gồm GreenFeed, Tập đoàn Mavin và BaF Việt Nam. Nhận vốn lớn, các công ty kể trên đều đề ra kế hoạch kinh doanh đầy tham vọng. GreenFeed muốn cung ứng hơn 125.000 tấn thịt heo cho 385.000 người tiêu dùng mỗi năm, trong khi Mavin đề mục tiêu đạt năng lực cung cấp cho thị trường 900.000 heo thịt mỗi năm.
"Việt Nam sẽ là một trong những quốc gia có mức tăng trưởng tiêu thụ thịt mạnh nhất toàn cầu những năm tới", đơn vị này nhận xét và lưu ý thêm về việc không có cản trở nào về mặt văn hóa trong việc ăn thịt tạo nên sức hấp dẫn của ngành này.
Đến năm 2026, trung bình mỗi người Việt tiêu thụ hơn 51 kg thịt (31 kg thịt heo, hơn 16 kg thịt gà và hơn 4 kg thịt bò) mỗi năm, tăng 9% so với mức dự báo năm nay. Trong khi đó, tiêu thụ thịt bình quân toàn cầu chỉ ở mức 34,6 kg vào năm 2026, tăng chưa đến 0,5 kg trong 10 năm, theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).
Cùng với đà tăng sức cầu thị trường, báo cáo của Fitch Solutions cũng chỉ ra xu hướng công nghiệp hóa đang phát triển mạnh mẽ trong chăn nuôi heo. Sau đợt lây lan của dịch tả heo châu Phi, các cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ đã và đang rời bỏ ngành khi đầu tư tốn kém nhưng giá cả lại biến động. Thay vào đó, quá trình đầu tư công nghiệp hóa và tập trung hóa sẽ tăng cường.
Thực tế thời gian qua, nhiều hộ chăn nuôi phải bỏ chuồng trại khi chưa kịp khắc phục hậu quả từ dịch tả heo đã phải gồng mình trước sức ép chi phí đầu vào. Nhiều địa phương như Đồng Nai - thủ phủ heo hơi, Tiền Giang, Tây Ninh, Đắk Lắk, Vĩnh Long... đều ghi nhận nông dân không dám tái đàn. Với các doanh nghiệp có tiềm lực mạnh, Fitch Solutions cho rằng đây là cơ hội để tăng công suất nhằm hưởng lợi từ sự phục hồi giá thịt heo trong tương lai.
Kết quả kinh doanh khả quan của nhiều doanh nghiệp đầu ngành cũng trở thành điểm hấp dẫn của chăn nuôi heo. Trong 6 tháng đầu năm nay, Hoàng Anh Gia Lai xuất chuồng hơn 82.000 con heo thịt và lãi hơn 530 tỷ đồng, mức lợi nhuận bán niên cao nhất tính từ 2018 đến nay. Sự thành công của mô hình nuôi heo ăn chuối giúp bầu Đức tự tin đạt mục tiêu lãi 1.120 tỷ đồng cả năm sớm hơn dự kiến. Đây được xem là cú "vượt vũ môn" ngoạn mục sau 10 năm lỗ hàng nghìn tỷ đồng, nợ nần chồng chất kể từ khi ông rẻ hướng sang làm nông.
Trước đó, Tập đoàn Hòa Phát cũng cho biết lĩnh vực nông nghiệp mang về gần 720 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong năm ngoái, riêng sản lượng heo các loại đạt gần 450.000 con. Doanh nghiệp này tự công bố, mảng heo an toàn sinh học thuộc top đầu toàn thị trường, mảng heo giống cũng nằm trong top đầu tại miền Bắc.
Tuy nhiên trong tương lai, Fitch Solution cho rằng ngành chăn nuôi heo phải đối mặt với thách thức dài hơi hơn khi người Việt dần ít ăn loại đạm động vật này. Dự báo giai đoạn 2022-2026, tiêu thụ thịt gà và thịt bò tăng trưởng gần như tương đương nhau với hơn 13%, thịt heo lại là nhóm đạm động vật có dấu hiệu chậm lại, tăng chưa bằng một nửa tốc độ trên. Trong đó thị gà có dư địa tốt hơn hẳn nhờ giá thành dễ tiếp cận nhiều người dân.
Nắm bắt được xu hướng trên, nhiều đơn vị cũng bắt đầu đầu tư mạnh cho chăn nuôi gia cầm. Kể từ quý IV/2020, Masan MeatLife mua lại thương hiệu 3F Viet và áp dụng công nghệ trong lĩnh vực thịt mát cho sản phẩm thịt gà. Năm ngoái, mảng này đạt doanh thu gần 1.500 tỷ đồng, tăng gần 58% so với năm 2020. Công ty này tiếp tục đầu tư để nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường được dự đoán trị giá 5 tỷ USD trong tương lai.
Thời gian qua, Hoàng Anh Gia Lai cũng đang nuôi thí điểm 100.000 con gà thả vườn, ăn bột chuối, dự kiến bán ra thị trường tháng 11 năm nay. Trong khi đó, Tập đoàn Mavin đã đề xuất đầu tư tổ hợp dự án chăn nuôi và chế biến xuất khẩu 600 tỷ đồng tại Sơn La. Trong đó nổi bật là hệ thống phát triển chăn nuôi gia cầm và thủy cầm gồm 10.000 gà giống bố mẹ, một triệu con gà giống mỗi năm, 20.000 vịt giống bố mẹ và hai triệu vịt giống mỗi năm...
Tất Đạt
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận