Nhiều doanh nghiệp lần đầu báo lỗ
Kết quả kinh doanh đang thể hiện sự phân hóa cao khi nhiều doanh nghiệp lập kỷ lục về lợi nhuận, nhưng ngược lại cũng nhiều đơn vị "lần đầu" báo lỗ.
Chữ K là mô hình được nhiều nhà kinh tế lựa chọn khi mô tả về độ dài của suy thoái và khả năng phục hồi của nền kinh tế khi cuộc khủng hoảng Covid-19. Thị trường sẽ có những nhóm ngành được hưởng lợi, tiếp tục tăng trưởng cao, nhưng phần còn lại sẽ lao dốc rất mạnh.
Bức tranh lợi nhuận sau nửa đầu năm đã cho thấy sự di chuyển của hai nhánh riêng rẽ trong mô hình chữ K. Tuy nhiên, sau quý III - giai đoạn khó khăn nhất của đợt bùng phát Covid-19 thứ tư, mức độ phân hóa càng sâu sắc hơn.
"Lần đầu báo lỗ" là tình trạng của Công ty Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (TCM). Tình hình dịch bệnh phức tạp, công ty phải thực hiện giãn cách từ ngày 15/7 nên năng suất lao động không đạt kế hoạch, cộng với chi phí hoạt động theo phương thức "3 tại chỗ" dẫn tới việc ghi nhận lỗ trong quý III.
Một doanh nghiệp khác lần đầu báo lỗ là Công ty cổ phần Công nghiệp cao su miền nam (CSM), cũng với lý do "ảnh hưởng từ tình hình dịch bệnh phức tạp".
Trong quý III, việc bán hàng khó khăn, dẫn đến doanh thu thuần của CSM giảm 21%. Ở phía sản xuất, chi phí nguyên vật liệu đầu vào cùng chi phí nhập khẩu vật tư tăng cao đã tác động tới giá thành sản xuất. Ngoài ra, việc thực hiện sản xuất "3 tại chỗ" cũng làm tăng chi phí. Dù hoạt động bán hàng và quản lý đã giảm chi phí 30-60%, CSM vẫn lỗ ròng 28 tỷ đồng. Kết quả này kéo lãi ròng 9 tháng của CSM giảm 88% so với cùng kỳ.
Công ty cổ phần Dịch vụ ôtô Hàng Xanh (Haxaco, HAX), nhà phân phối Mercedes-Benz đầu tiên tại Việt Nam, cũng là một ví dụ. Doanh thu trong ba tháng gần nhất của Haxaco giảm 59%, với khoản lỗ ròng hơn 33 tỷ đồng, mức lỗ kỷ lục theo quý kể từ khi doanh nghiệp này lên sàn chứng khoán.
Nguyên nhân chính, theo Haxaco, là tác động từ đợt bùng phát Covid-19 thứ tư khiến hoạt động kinh doanh bị "đóng băng". Công ty có hai chi nhánh tại TP HCM phải đóng cửa suốt quý III, trong khi hai chi nhánh tại Hà Nội đóng cửa đến ngày 21/9 mới kinh doanh trở lại.
Việc đóng cửa trong thời gian dài cũng là nguyên nhân chính khiến hoạt động kinh doanh của Công ty Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) lao dốc. Trong quý III, doanh nghiệp này lỗ ròng 158 tỷ đồng, giảm đáng kể so với mức lợi nhuận hơn 200 tỷ đồng cùng kỳ. Theo PNJ, làn sóng Covid-19 lần thứ tư đã khiến công ty phải đóng 80% số cửa hàng để thực hiện giãn cách xã hội.
Không phải lần đầu báo lỗ nhưng Vinasun cũng vừa trải qua ba tháng kinh doanh bết bát nhất 13 năm niêm yết trên sàn chứng khoán. Hoạt động taxi tại TP HCM phải tạm dừng hoạt động từ 20/6 để phòng, chống dịch khiến kết quả kinh doanh lao dốc trầm trọng. Doanh thu quý III của Vinasun chỉ bằng 1/10 cùng kỳ, còn lỗ ròng gần gấp đôi.
So với như những doanh nghiệp trên, tác động của đại dịch với nhóm doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng đến từ việc giảm sản lượng tiêu thụ do thị trường xây dựng bị gián đoạn. Ngoài ra, chi phí nguyên vật liệu đầu vào tăng cao cũng đóng góp một phần vào đà giảm.
Như xi măng, những doanh nghiệp lớn trong nhóm này đều ghi nhận kết quả kinh doanh lao dốc. Xi măng Hà Tiên 1 (HT1) lần đầu báo lỗ sau 8 năm với khoản lỗ ròng gần 20 tỷ đồng trong quý III. Vicem Thạch cao Xi măng cũng lỗ gần 2 tỷ đồng khi giá vốn tăng cao.
Một trường hợp khác là Công ty cổ phần Nhựa Bình Minh (BMP). Doanh nghiệp này vừa lập kỷ lục buồn trong 44 năm hoạt động khi ba tháng gần nhất đều lỗ do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.
Trong quý III, doanh thu của Nhựa Bình Minh giảm hơn 50% cùng kỳ, sản lượng giảm gần 60%, khiến lỗ ròng ghi nhận 26 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng, lãi ròng của công ty chỉ vỏn vẹn 100 tỷ đồng, giảm 76% cùng kỳ và mới thực hiện 19% kế hoạch năm.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận