24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Đinh Thị Ngân
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Nhiệt điện: Nhà máy “nóng”, cổ phiếu “lạnh”

Các nhà máy điện than đang được hưởng lợi từ giá than đầu vào ở mức thấp và nhu cầu huy động điện cao

Các nhà máy nhiệt điện đang trong tình trạng “nóng máy” để bù đắp cho sự thiếu hụt sản lượng từ thuỷ điện và sự thiếu ổn định của năng lượng tái tạo, nhưng cổ phiếu nhóm này vẫn trong trạng thái “nguội”.

Nhiều yếu tố tích cực

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia, từ tháng 4 - 6/2024 (cao điểm nắng nóng), dòng chảy trên các sông và các hồ chứa lớn khu vực Bắc Bộ nhiều khả năng tiếp tục thiếu hụt so với trung bình nhiều năm qua. Hiện tượng El Nino có thể duy trì với xác suất 80 - 90% trước khi chuyển sang pha trung tính vào giữa năm 2024 khiến nền nhiệt ở mức cao, nhu cầu sử dụng điện cho các thiết bị làm mát tăng lên đáng kể. Vậy nhưng, các hồ thủy điện ở miền Bắc đang phải ưu tiên tích trữ, giữ nước cho phát điện vào mùa nắng nóng và không thể cạnh tranh với nhóm nhiệt điện (gồm cả điện than và điện khí).

Hiện tại, Cục Điều tiết điện lực đã huy động toàn bộ các tổ máy nhiệt điện than khả dụng trên hệ thống để đảm bảo an ninh năng lượng cho khu vực phía Bắc. Với điện khí, các tổ máy huy động theo nhu cầu hệ thống, đảm bảo các ràng buộc chống quá tải lưới điện, chất lượng điện áp và an toàn cho hệ thống cấp khí.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết, phương án phụ tải năm 2024 dự kiến tăng trưởng 8,96%, tổng sản lượng điện toàn hệ thống sẽ là 306,4 tỷ kWh. Trong đó, các nhà máy nhiệt điện than vẫn đóng vai trò chủ đạo, ước tính đóng góp 168,7 tỷ kWh, chiếm 55,1% tổng sản lượng toàn hệ thống, tăng hơn 28,8% so với năm 2023 để bù đắp cho sự thiếu hụt sản lượng từ các nhà máy thuỷ điện miền Bắc.

Giá than đá thế giới đang ở mức 129 USD/tấn, giảm 34% so với cùng kỳ năm 2023 và được dự báo sẽ duy trì ở mức thấp sau khi sản lượng và hàng tồn kho tại các nhà máy ở Trung Quốc tăng vọt. Các nhà máy điện than hiện sử dụng nguyên liệu đầu vào là than trộn cung cấp từ Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ giá than đầu vào ở mức thấp, hỗ trợ cải thiện biên lợi nhuận gộp các doanh nghiệp.

Các nhà máy điện khí vẫn được huy động ở mức cao để chạy nền cho năng lượng tái tạo (miền Nam), nhưng khả năng cạnh tranh đang thấp hơn điện than, do giá mua khí đầu vào ở neo mức cao. Giá dầu Brent có diễn biến tăng kể từ đầu năm nay, hiện dao động quanh mức 87 USD/thùng - cao hơn dự báo của nhiều tổ chức là 80 USD/thùng, khiến chi phí các nhà máy điện khí tăng (giá khí sẽ neo theo giá dầu FO và dầu Brent). Trong kế hoạch cung cấp khí năm 2024, Bộ Công thương cắt giảm 20% sản lượng khí cho phát điện, khiến nguồn cung càng eo hẹp.

Năm 2024, Công ty cổ phần Nhiệt điện Hải Phòng (mã chứng khoán HND) và Công ty cổ phần Nhiệt điện Quảng Ninh (mã chứng khoán QTP) đều được Bộ Công thương dự kiến giao sản lượng điện sản xuất ở mức cao, lần lượt là 7,75 tỷ kWh và 7,72 tỷ kWh, cao hơn sản lượng bình quân thiết kế của 2 nhà máy này là 7,2 tỷ kWh/năm. Với Tổng công ty Phát điện 3 - CTCP (mã chứng khoán PGV), Bộ Công thương giao chỉ tiêu sản lượng phát điện năm nay là 26,121 tỷ kWh.

Tại Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (mã chứng khoán POW), doanh nghiệp này đặt mục tiêu sản lượng điện năm 2024 đạt 16,703 tỷ kWh, tăng hơn 2,26 tỷ kWh so với ước thực hiện năm 2023 (14,443 tỷ kWh).

Trong khi đó, Công ty Chứng khoán VNDIRECT dự báo, sản lượng điện năm 2024 của Công ty cổ phần Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 (mã chứng khoán NT2) sẽ đi ngang so với mức nền thấp năm 2023, đạt 2,87 tỷ kWh. Trong 2 tháng đầu năm nay, nhà máy chỉ được huy động sản lượng thấp (7,8 triệu kWh) khi chào giá vận hành cao hơn giá điện thị trường.

Cổ phiếu chưa đủ hấp dẫn

Nhóm ngành điện không phù hợp với các nhà đầu tư ngắn hạn, mà thích hợp với các nhà đầu tư có khẩu vị rủi ro ở mức trung bình thấp

Năm 2024, nhiều tổ chức, công ty chứng khoán đã đưa ra quan điểm tích cực đối với ngành điện nhờ triển vọng phục hồi của hoạt động sản xuất và “chất xúc tác” Quy hoạch điện VIII. Trong đó, nhóm nhiệt điện sẽ được tăng huy động từ sự thiếu hụt của nhóm thuỷ điện, nhưng trên sàn chứng khoán, giá cổ phiếu điện than hiện chỉ tăng khoảng 3% so với đầu năm như PPC, HND, riêng QTP tăng hơn 6%. Với cổ phiếu điện khí, NT2 có mức tăng khoảng 3%, POW tăng chưa tới 1%, PGV giảm hơn 6%. Trong khi đó, kể từ đầu năm đến nay, chỉ số VN-Index tăng hơn 11%, nhiều nhóm ngành khác tăng giá mạnh như ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, dầu khí…

Ông Bùi Võ Thế Vinh, chuyên viên phân tích Công ty Chứng khoán Vietcombank cho rằng, thị trường chứng khoán đang trong giai đoạn được hỗ trợ bởi nhiều yếu tố như nền kinh tế có dấu hiệu hồi phục ngay từ đầu năm 2024, môi trường lãi suất thấp, nhiều ngành nghề đã và đang quay trở lại đà tăng trưởng với kết quả kinh doanh cao, kéo theo mức sinh lợi của cổ phiếu tăng. Nhóm ngành điện với đặc tính phi chu kỳ không có được mức tăng giá mạnh như nhiều nhóm ngành khác.

Ở nhóm điện khí, những vấn đề liên quan đến sự thiếu hụt nguồn khí đầu vào, giá thành sản xuất cao, cùng sự cạnh tranh với nguồn năng lượng tái tạo (miền Nam) dẫn đến kết quả kinh doanh trong năm nay của nhóm này có thể chưa khởi sắc, thậm chí kém khả quan, nên các cổ phiếu điện khí hiện chưa phải là cơ hội đầu tư hấp dẫn (xuất phát từ yếu tố cơ bản).

Với nhóm điện than, nhóm này đang chịu ảnh hưởng từ yếu tố thị trường. Nhóm điện than miền Bắc như QTP, HND được đánh giá tích cực do các doanh nghiệp dần bước vào giai đoạn chi trả cổ tức cao (hết nợ vay, khấu hao, sản lượng ổn định và không có nhu cầu đầu tư lớn), mang lại tỷ suất cổ tức tốt hơn nhiều so với lãi suất tiết kiệm. Tuy nhiên, việc thị trường chứng khoán đang trong xu hướng tăng, mang lại hiệu suất đầu tư cao, nhà đầu tư có cơ hội mua được các cổ phiếu tốt ở vùng giá hấp dẫn hơn, nên cổ phiếu điện than dù có thông tin hỗ trợ vẫn không được nhiều nhà đầu tư lựa chọn trong thời điểm này.

Từ trước đến nay, cổ phiếu điện được nhà đầu tư xếp vào nhóm ngành phòng thủ và phát huy hiệu quả trú ẩn an toàn khi thị trường gặp “bão”. Chẳng hạn, năm 2022, thị trường có những đợt biến động mạnh theo chiều hướng giảm, dòng tiền ưu tiên tìm đến nhóm cổ phiếu có tính phòng thủ cao như điện để “giảm xóc”.

Do đó, ông Vinh khuyến nghị, nhóm ngành điện không phù hợp với các nhà đầu tư ngắn hạn, mà thích hợp với các nhà đầu tư có khẩu vị rủi ro ở mức trung bình thấp. Nhà đầu tư nên lựa chọn cổ phiếu của các doanh nghiệp được hưởng lợi từ sự ổn định trong cơ cấu nguồn điện, có tình hình tài chính, dòng tiền khoẻ và dư địa chi cổ trả cổ tức lớn.

Liên quan đến cổ tức, một báo cáo của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đánh giá, các cổ phiếu điện nhìn chung có tỷ suất cổ tức ổn định. VDSC dự đoán, mức chi trả cổ tức tiền mặt của các doanh nghiệp nhiệt điện trong năm 2024 (chi trả cho năm tài chính 2023) như sau: NT2 tỷ lệ 15%, HND tỷ lệ 8%, QTP tỷ lệ 15%, PPC tỷ lệ 8%.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Mã chứng khoán liên quan bài viết
13.00 (0.00%)
19.05 -0.05 (-0.26%)
13.70 (0.00%)
11.40 -0.05 (-0.44%)
19.10 +0.05 (+0.26%)
prev
next

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả