Nhận định chứng khoán 26/3: VnDirect "sập", nhà đầu tư bức xúc, lo biến động
Sau sự cố VnDirect "sập", thị trường chứng khoán có thể sẽ tiếp tục điều chỉnh nhưng thị trường có thể sớm quay trở lại đà tăng trong phiên hôm nay 26/3. Đồng thời, thị trường vẫn có khả năng sẽ còn xuất hiện các nhịp điều chỉnh, nhưng nhịp điều chỉnh có thể sẽ nhanh chóng kết thúc và thị trường vẫn sẽ sớm quay trở lại đà tăng với sự phân hóa giữa các nhóm cổ phiếu.
Chứng khoán đảo chiều, nhiều người bức xúc vì VNDirect bị “sập”
Thị trường bắt đầu tuần giao dịch cuối cùng của Quý I/2024 với tâm lý thận trọng trước những thông tin kém tích cực trên thế giới như sự kiện khủng bố ở Nga. Đầu phiên giao dịch 25/3, VN-Index biến động trong biên độ hẹp tăng lên vùng giá 1.285 điểm với thanh khoản suy giảm, sau đó áp lực điều chỉnh gia tăng mạnh hơn trong phiên chiều với thanh khoản gia tăng khi VN-Index không giữ được hỗ trợ giá cao nhất 2 tuần trước quanh 1.275 điểm. Kết phiên giao dịch ngày 25/3, VN-Index giảm 13,94 điểm (-1,09%) về mức 1.267,86 điểm với xu hướng kiểm tra lại vùng giá đỉnh cao nhất năm 2023 quanh 1.255 điểm. HNX-Index giảm 0,87 điểm (-0,36%) về mức 240,81 điểm. Độ rộng thị trường tiêu cực cực với áp lực bán mở rộng khi có 329 mã giảm giá (5 mã giảm sàn), 143 mã tăng giá (9 mã tăng trần) và 128 mã giữ giá tham chiếu.
Giá trị khớp lệnh trên hai sàn niêm yết đạt 32.121.88 tỉ đồng được giao dịch, trên mức trung bình với khối lượng giao dịch của VN-Index giảm khá mạnh 22,0% so với phiên trước. Một phần nguyên nhân có thể đến từ tình trạng thành viên công ty chứng khoán VNDirect gặp sự cố hệ thống giao dịch trực tuyến.
Ngay từ đầu phiên giao dịch, việc không thể truy cập hệ thống giao dịch của VNDirect khiến các nhà đầu tư chứng khoán sốt ruột. Trên mạng xã hội, thành viên các diễn đàn về chứng khoán không ngừng đặt câu hỏi: "Không biết có kịp giờ giao dịch không?”, trong khi nhiều người bày tỏ: "Nay đang định canh mua thêm thì lại như thế này".
Không ít ý kiến thể hiện sự bức xúc: "Để từ Chủ nhật mà đến hôm nay vẫn không khắc phục xong là không ổn rồi. Đội ngũ IT kém. Mất niềm tin quá", một nhà đầu tư bức xúc.
Trên các diễn đàn về chứng khoán, nhiều nhà đầu tư cũng bức xúc không kém; thậm chí có nhà đầu tư còn có ý định "tẩy chay" VNDirect vì những sự cố ảnh hưởng tới "túi tiền" của nhà đầu tư như thế này.
"VNDirect là công ty chứng khoán lớn, phí giao dịch thu liên tục, không bỏ xót tý nào mà sự cố 2 ngày giải quyết chưa xong. Quá chán với tốc độ xử lý của VNDirect", một nhà đầu tư cho hay.
Cũng trong sáng 25/3, Công ty Cổ phần chứng khoán VNDirect đã phát đi thông cáo cho biết, toàn bộ hệ thống của VNDirect bị tấn công bởi một tổ chức quốc tế dẫn đến toàn bộ nền tảng giao dịch của VNDirect bị tạm thời không truy cập được. Đội ngũ công nghệ của VNDirect đã nỗ lực hết sức để khôi phục nhưng do hạ tầng dữ liệu rất lớn nên sẽ cần thêm thời gian để kết nối.
"Hiện tại, Công ty cũng đang làm việc với các đối tác là các tập đoàn công nghệ hàng đầu Việt Nam, cũng như đã phối hợp xử lý cùng PA05, A05 để đảm bảo ngăn chặn sự cố tương tự như VNDirect cho an toàn của thị trường", thông cáo của công ty cho biết.
VnDirect cũng nhấn mạnh, toàn bộ thông tin và tài sản của khách hàng đều được đảm bảo trạng thái an toàn, không ảnh hưởng bởi sự cố tấn công.
“Sự cố chỉ gây ảnh hưởng đến việc giao dịch hiện tại và chúng tôi đang nỗ lực tối đa để khôi phục toàn bộ hệ thống, hạn chế ảnh hưởng gián đoạn đến việc giao dịch của khách hàng ngày hôm nay”, VNDirect nêu
Cũng trong phiên giao dịch 25/3, trong bối cảnh sự cố tại VNDirect chưa được khắc phục, thì tiếp tục có hệ thống giao dịch của công ty khác gặp vấn đề. Ứng dụng của Công ty Chứng khoán ACB (ACBS) gặp lỗi đăng nhập từ khoảng 14 giờ chiều nay khiến nhà đầu tư không khỏi thêm hoang mang. Cùng với đó, thông tin từ các môi giới của Công ty Chứng khoán VPS về việc VPS đang tạm khoá margin để đánh giá rủi ro liên quan đến vụ tấn công hệ thống của VNDirect và các công ty liên quan.
Những thông tin liên tiếp được đưa ra sau giờ nghỉ trưa tạo áp lực từ nhóm vốn hoá lớn, đẩy VN-Index rơi về sắc đỏ. Ảnh hưởng tiêu cực nhất đến thị trường là các mã ngân hàng, dẫn đầu bởi BID. CTG, VCB, ACB, MBB… đồng loạt gây ảnh hưởng. Dù không cổ phiếu nào giảm trên 3%, nhưng áp lực cùng lúc từ các mã vốn hoá lớn nhất thị trường cũng khiến chỉ số lao đao. Sắc đỏ lan rộng gần 20 cổ phiếu ngân hàng.
Tại rổ VN30, 26/30 cổ phiếu giảm giá, và trên HoSE, số mã điều chỉnh cũng lên tới 351 cổ phiếu. Hầu hết nhóm ngành ghi nhận sắc đỏ áp đảo, ghi nhận với cổ phiếu chứng khoán, hơn 20 mã giảm giá. VND của VNDirect kết phiên giảm 1,44% xuống 23.950 đồng/cổ phiếu. VND ghi nhận thanh khoản cao nhất nhóm chứng khoán với 86,2 triệu cổ phiếu sang tay, cao gấp 2 lần mã theo sau là VIX.
Kết phiên giao dịch ngày 25/3, VN-Index giảm 13,94 điểm (-1,09%) về mức 1.267,86 điểm
Theo các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS), xét dưới góc nhìn ngắn hạn, thị trường vận động tích cực với phiên điều chỉnh đầu tuần giúp VN-Index củng cố thêm nền tích lũy. Thị trường không tiếp tục đà tăng trong phiên 25/3 lại là vận động tích cực giúp nền tích lũy ngắn hạn chặt chẽ thêm và VN-Index hoàn toàn có thể bùng nổ hướng tới và vượt 1.300. Trong trường hợp tiêu cực hơn, nếu thị trường tiếp tục điều chỉnh thì ngưỡng 1.250 sẽ trở thành hỗ trợ ngắn hạn.
Về góc nhìn trung hạn, VN-Index đang dần tích lũy nền tin cậy để sẵn sàng cho nhịp bùng nổ tiếp theo hình thành uptrend, tuy nhiên, về trung hạn, VN-Index dù tích cực vẫn cần thời gian tích lũy thêm quanh cản mạnh 1.300, trong kịch bản tiêu cực hơn, thị trường sẽ có điều chỉnh và trở lại vận động tích lũy 1.150 -1.250 hoặc 1.300.
“VN-Index tiếp tục rung lắc, tuy nhiên phiên điều chỉnh củng cố thêm nền tích lũy ngắn hạn đủ tin cậy để hình thành nhịp tăng mới, nhà đầu tư ngắn hạn có thể tham gia vào thị trường nếu VN-Index hồi phục trở lại trong các phiên tới, ngược lại, nếu VN-Index tiếp tục điều chỉnh thì nhà đầu tư không vội tham gia. Với nhà đầu tư trung, dài hạn, thị trường đang vận động trong nửa trên của kênh tích lũy và đã trải qua nhiều nhịp rung lắc, tuy nhiên, VN-Index sớm tiệm cận cản mạnh 1.300, do đó, nhà đầu tư không nên giải ngân ở giai đoạn hiện tại mà nên chờ đợi thị trường xác nhận rõ nền tích lũy quanh ngưỡng cản 1.300”, chuyên gia của SHS nêu quan điểm.
Thị trường có thể sẽ tiếp tục điều chỉnh
Còn theo nhóm phân tích của Công ty Chứng khoán ASEAN (ASEANSC), thị trường ghi nhận phiên giảm điểm đầu tiên sau 3 phiên tăng liên tiếp cuối tuần trước. Trong phiên sáng 25/3, thị trường tiếp tục tăng điểm do dư địa từ lực cầu mạnh mẽ và tâm lý FOMO phiên ngày thứ 6 vừa qua. Bối cảnh rủi ro ngắn hạn đang tăng lên và đà giảm vẫn có xác suất tiếp tục nới rộng trong phiên hôm nay 26/3.
Thị trường có thể sẽ tiếp tục điều chỉnh
“Xu hướng ngắn hạn đang bị đe dọa khi rủi ro phân kỳ vẫn hiện hữu bất chấp việc chỉ số chung vượt đỉnh. Do đó, nhà đầu tư chỉ nên tập trung thực hiện các giao dịch đầu cơ ngắn hạn và chủ động hạ bớt vị thế trong những thời điểm thị trường tăng điểm đối với các cổ phiếu hiện đang nắm giữ trong những phiên sắp tới”, chuyên gia của ASEANSC lưu ý.
Cùng quan điểm, các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam (YSVN) cho rằng, thị trường có thể sẽ tiếp tục điều chỉnh nhưng thị trường có thể sớm quay trở lại đà tăng trong phiên hôm nay 26/3. Đồng thời, thị trường vẫn có khả năng sẽ còn xuất hiện các nhịp điều chỉnh, nhưng nhịp điều chỉnh có thể sẽ nhanh chóng kết thúc và thị trường vẫn sẽ sớm quay trở lại đà tăng với sự phân hóa giữa các nhóm cổ phiếu. Ngoài ra, chỉ báo tâm lý ngắn hạn giảm nhẹ cho thấy các nhà đầu tư ngắn hạn thận trọng trở lại.
“Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức tăng. Do đó, các nhà đầu tư ngắn hạn có thể nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu cao trong danh mục và mua mới ở các nhịp điều chỉnh”, chuyên gia của YSVN khuyến nghị.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận