Ngành thép quý 2/2024: Bức tranh sáng còn vài điểm tối
Với mức nền thấp của cùng kỳ năm 2023 và sự phục hồi của nhu cầu tiêu thụ, ngành thép tiếp tục có sự phục hồi ấn tượng trong quý 2/2024, thể hiện ở kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp đầu ngành. Tuy nhiên điểm tối là vẫn có những công ty thua lỗ.
Tập đoàn Hoà Phát (mã HPG) có quý lãi cao nhất trong 8 quý vừa qua, nhờ doanh thu tăng đi cùng sản lượng tiêu thụ. Cụ thể, doanh nghiệp mang về 39.556 tỷ đồng doanh thu trong quý 2/2024, tăng 34% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức doanh thu chỉ thấp hơn quý 4/2021 và quý 1/2022. Biên lợi nhuận gộp cũng cải thiện, từ mức 10,8% của quý 2/2023 lên 13,2%.
Trong khi giá thép xây dựng và HRC trong quý này đều giảm, sự tăng trưởng doanh thu của tập đoàn đến từ sản lượng tiêu thụ thép xây dựng tăng. Cụ thể, sản lượng tiêu thụ thép xây dựng quý 2/2024 của Hoà Phát đạt 1,27 triệu tấn, tăng 33% so với quý trước (956.000 tấn).
Doanh thu tăng chính là động lực chính giúp lợi nhuận sau thuế của HPG đạt 3.320 tỷ đồng, tăng 129% so với quý 2/2023. Đây cũng là quý lãi cao nhất của Hoà Phát kể từ quý 3/2022.
Đạt mức tăng trưởng ấn tượng nhất chính là Tập đoàn Hoa Sen (mã HSG). Trong quý 3 niên độ tài chính 2023-2024 (từ 1/4/2024 đến 30/6/2024), công ty mang về doanh thu 10.840 tỷ đồng, tăng hơn 25% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận gộp đạt 1.337 tỷ đồng - tăng 50%, tương ứng biên lợi nhuận gộp 12,3% (so với cùng kỳ đạt 10,3%). Trừ đi chi phí, Hoa Sen Group đạt 273 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, gấp gần 20 lần cùng kỳ niên độ trước.
Thép Nam Kim (mã NKG) mang về doanh thu 5.661 tỷ đồng trong ba tháng quý 2, tăng 3% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận gộp đạt 512 tỷ đồng, tương ứng biên lãi gộp 9% - tương đương với cùng kỳ.
Nhờ doanh thu tài chính tăng vọt 124% (đạt 114 tỷ đồng) trong khi tổng chi phí được tiết giảm nên NKG lãi sau thuế 220 tỷ đồng, tăng 76% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là mức lãi cao nhất của công ty trong 2 năm qua, kể từ quý 2/2022.
Tổng công ty Thép Việt Nam - CTCP (VNSteel, mã TVN) ghi nhận doanh thu đạt 10.077 tỷ đồng, tăng 50% so với cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận sau thuế 130 tỷ đồng, so với cùng kỳ lỗ 49 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp cải thiện từ 1,3% lên 3,2%.
Việc TVN chuyển lỗ thành lãi ngoài doanh thu tăng và biên lợi nhuận gộp cải thiện còn là nhờ phần lãi hơn 50 tỷ đồng từ công ty liên doanh, liên kết, trong khi cùng kỳ mục này lỗ nặng 374 tỷ đồng.
Ở top sau, các doanh nghiệp thể hiện sự phân hoá hơn. Chiều tích cực có Thép tấm lá Thống Nhất (mã TNS) lãi sau thuế hơn 13 tỷ đồng trong quý 2/2024, trong khi cùng kỳ lỗ gần 1,3 tỷ đồng. Đây cũng mức lãi cao nhất của công ty kể từ quý 4/2017. Thép Việt Đức (mã VGS) cũng lãi sau thuế hơn 12 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ.
Thép Mê Lin (mã MEL) ghi nhận lợi nhuận tăng 75% (đạt 1,9 tỷ đồng); CTCP Kim khí Miền Trung (mã KMT) tăng 1,7% (đạt 875,3 triệu đồng); Thép Nhà Bè (mã TNB) lãi 311,3 triệu đồng (cùng kỳ lỗ 2,5 tỷ đồng)…
Ngược lại, Gang thép Thái Nguyên (Tisco, mã TIS) lỗ sau thuế 95 triệu đồng, cải thiện hơn cùng kỳ năm ngoái lỗ 117 tỷ đồng. Trong quý 2 vừa qua, doanh thu thuần của công ty đạt 3.071 tỷ đồng, tăng 61% so với cùng kỳ, biên lãi gộp 3,1% cũng cải thiện so với cùng kỳ kinh doanh dưới giá vốn. Tuy nhiên do các loại chi phí vẫn cao nên công ty báo lỗ.
Thép Tiến Lên (mã TLH) ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.634 tỷ đồng, tăng gần 33% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên giá vốn tăng mạnh hơn khiến công ty lỗ gộp hơn 66 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lãi 38 tỷ đồng. Trừ các khoản chi phí, Thép Tiến Lên lỗ sau thuế hơn 153 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm trước lãi hơn 5 tỷ đồng.
CTCP Đầu tư Thương mại SMC (mã SMC) cũng kinh doanh dưới giá vốn khi doanh thu thuần đạt 2.240 tỷ đồng, trong khi giá vốn bán hàng lên tới 2.307 tỷ đồng. Mặc dù có thêm hơn 170 tỷ đồng từ việc bán trụ sở và không còn trích lập dự phòng nợ xấu nhiều như trước nhưng trừ đi chi phí, công ty vẫn lỗ sau thuế 114 tỷ đồng, so với quý 2/2023 lãi 21 tỷ đồng.
Nhìn chung, phần lớn các doanh nghiệp ngành thép kể trên đều ghi nhận mức doanh thu tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái, cho thấy sự phục hồi của lực cầu tiêu thụ. Tuy nhiên việc có lãi hay thua lỗ còn phụ thuộc vào cách quản trị nguyên liệu đầu vào của doanh nghiệp cũng như quản lý chi phí.
Nhiều đơn vị phân tích cùng nhận định, ngành vật liệu xây dựng nói chung và ngành thép nói riêng cơ bản đã vượt qua giai đoạn khó khăn và đang chờ động lực để chuyển mình.
Trong báo cáo triển vọng ngành thép công bố giữa tháng 7 vừa qua, Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho rằng sản lượng tiêu thụ nội địa sẽ hồi phục mạnh mẽ hơn khi lĩnh vực bất động sản nhà ở tích cực hơn từ nửa cuối năm 2024 trở đi, với số lượng dự án mới được cấp phép gia tăng.
KBSV kỳ vọng sản lượng tiêu thụ toàn ngành thép trong năm 2024 – 2025 sẽ tăng 15% và 8% so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp sản xuất trong nước có dư địa để cạnh tranh với thép nhập khẩu nhờ chênh lệch giá bán thép xây dựng trong nước so với thép nhập khẩu đã giảm đáng kể so với 2023 và vẫn đang tiếp diễn xu hướng giảm. Đồng thời, chi phí đầu vào suy giảm trong nửa đầu năm 2024 sẽ tạo dư địa để các nhà sản xuất điều chỉnh giá bán nhằm đảm bảo sản lượng tiêu thụ.
Trong báo cáo triển vọng nửa cuối năm 2024 phát hành hồi đầu tháng 7, Chứng khoán MB (MBS) dự báo lợi nhuận các công ty thép có thể tăng trưởng 40% vào năm 2024 nhờ các yếu tố:
Nguồn cung nhà ở và cơ sở hạ tầng tăng lên góp phần vào cả giá cả và khối lượng, giúp doanh thu có thể tăng 25% nhờ sản lượng và giá bán tăng trưởng lần lượt 9% và 8%.
Biên lợi nhuận gộp phục hồi lên 13% (so với khoảng 8% năm 2023) nhờ giá đầu ra tăng 8% so với cùng kỳ và nguyên liệu (quặng, than) giảm khoảng 4% do nguồn cung ổn định.
Tỷ lệ dự phòng sẽ hạ nhiệt do giá đầu ra tăng; chi phí tài chính giảm 30% trong bối cảnh áp lực tỷ giá và chi phí lãi vay hạ nhiệt.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận