Ngành ô tô hồi phục nhưng chưa rõ nét
Bức tranh lợi nhuận các doanh nghiệp ngành ô tô trên sàn chứng khoán trong quý 2 năm nay đa màu. Trong khi CTF, TMT nói vẫn khó khăn, nhu cầu chưa hồi phục khiến lãi giảm thì SVC lại cho rằng thị trường đang tốt hơn cùng kỳ giúp lãi tăng bằng lần.
Trong số 6 doanh nghiệp ô tô trên sàn (HOSE, HNX và UPCoM), HAX, SVC, HTL và VEA đồng loạt tăng mạnh doanh thu lẫn lãi ròng. CTF tăng doanh thu nhưng lãi ròng giảm; TMT gây thất vọng khi lỗ lịch sử.
Tổng doanh thu ngành ô tô trong quý 2/2024 đạt 10.1 ngàn tỷ đồng, tăng 16% nhưng lãi ròng lại giảm 3.4%, còn 1.7 ngàn tỷ đồng.
KQKD quý 2 của các doanh nghiệp ngành ô tô (Đvt: tỷ đồng)
Nguồn: VietstockFinance
Khả quan nhất đợt này có Dịch vụ Ô tô Hàng Xanh (Haxaco, HOSE: HAX) khi doanh thu và lãi ròng lần lượt tăng hơn 40% và 340%, đạt hơn 1.1 ngàn tỷ đồng và 7.5 tỷ đồng. Biên lãi gộp 8.6%, một trong những mức cao nhiều năm qua.
Doanh thu HAX tăng trưởng qua từng quý nhưng lợi nhuận không được như vậy do mảng kinh doanh xe sang đang trong quá trình phục hồi, chưa thật sự ổn định và bị cạnh tranh khốc liệt về giá. Công ty cho biết, lợi nhuận tốt hơn cùng kỳ là nhờ các công ty con hoạt động hiệu quả.
“Do tình hình kinh doanh của thị trường xe ô tô quý 2/2024 tốt hơn cùng kỳ” là lời giải trình từ Dịch vụ Tổng hợp Sài Gòn (HOSE: SVC) khi doanh thu tăng 18%, lên 5.2 ngàn tỷ đồng. Lãi ròng 21.5 tỷ đồng, gấp 3.8 lần.
Kết quả kinh doanh của SVC cải thiện thấy rõ qua từng quý kể từ đáy quý 1/2023 dù chưa thể so với đỉnh cao năm 2022. Tuy nhiên, thuận lợi quý 2 năm nay không thể không nhắc đến nguồn thu từ hoạt động tài chính hơn 73 tỷ đồng, gấp 15 lần một năm trước.
Quý 2, lãi từ liên doanh, liên kết tiếp tục mang về cho Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam – CTCP (UPCoM: VEA) 1.6 ngàn tỷ đồng, tăng 3.6%, khá ổn định trong bối cảnh khó khăn chung của ngành. Động lực quan trọng này giữ lãi ròng đi ngang so với cùng kỳ, đạt gần 1.8 ngàn tỷ đồng. Hoạt động kinh doanh chính của VEA cũng tích cực nhất từ quý 1/2023 khi ghi nhận hơn 1 ngàn tỷ đồng doanh thu, cải thiện 5%; lãi gộp 170 tỷ đồng, tăng 10%.
Vì sao CTF và TMT giảm lãi?
Trong bối cảnh hầu hết doanh nghiệp đều tăng trưởng khả quan trên mức nền thấp cùng kỳ, điều gì khiến lợi nhuận CTF và TMT đi ngược chiều?
Doanh thu đơn vị phân phối xe Ford, City Auto (HOSE: CTF), vẫn tăng 15%, đạt hơn 1.8 ngàn tỷ đồng nhưng lãi ròng 3.1 tỷ đồng, giảm 15%. Theo Công ty, thị trường kinh doanh và nhu cầu tiêu dùng ô tô 6 tháng đầu năm vẫn chưa phục hồi do ảnh hưởng suy thoái kinh tế.
Nhìn kỹ hơn, lãi gộp CTF vẫn tăng nhưng các loại chi phí đồng loạt đội lên như lãi vay, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp lần lượt tăng 23%, 15% và 55% làm Công ty lỗ từ hoạt động kinh doanh 11.6 tỷ đồng, cùng kỳ chỉ lỗ gần 3 tỷ đồng. Thu đột biến từ hỗ trợ chi phí tổ chức sự kiện, bán hàng và khác 12.1 tỷ đồng giúp CTF giữ mạch có lợi nhuận.
Trường hợp Ô tô TMT (HOSE: TMT) cá biệt do giảm cả doanh thu và lãi ròng. Đơn vị sản xuất xe tải giảm nhẹ doanh thu 3%, còn 806 tỷ đồng. Kinh doanh dưới giá vốn khiến Công ty lỗ gộp 47.6 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 54 tỷ đồng. Tiết giảm một nửa chi phí lãi vay không đủ giúp TMT thoát cảnh lỗ 100 tỷ đồng, “đậm” nhất từ khi niêm yết năm 2010.
“Năm 2024 rất khó khăn đối với nền kinh tế nói chung và các doanh nghiệp nói riêng. Tình hình kinh tế suy thoái, bất động sản đóng băng, đầu tư công giảm mạnh, nguy cơ lạm phát gia tăng cùng việc người dân thắt chặt chi tiêu,... khiến lượng tiêu thụ ô tô giảm sâu bất chấp các doanh nghiệp sản xuất và phân phối ô tô liên tục giảm sâu giá bán để giải phóng tồn kho”, TMT nói về nguyên nhân gây ra kết quả thất vọng quý 2.
Trông đợi gì vào nửa cuối năm?
Số liệu từ Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) và TC Group cho thấy, khoảng 79 ngàn xe được tiêu thụ trong quý 2/2024, tăng 5.2% so với cùng kỳ năm 2023 nhưng vẫn ở thấp hơn nhiều so với 117 ngàn xe của quý 2/2022.
Các tháng 4, 5, 6/2024 lần lượt ghi nhận 25.3 ngàn xe, 26.7 ngàn xe và 27 ngàn xe, mức khá cao so với quý 1 trước đó. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2024 đạt tổng cộng 140 ngàn xe, giảm gần 7% cùng kỳ.
Từ khi hết hiệu lực ưu đãi giảm 50% lệ phí trước bạ tháng 12/2023, thị trường chứng kiến sự sụt giảm đáng kể xe lắp ráp trong nước. Lũy kế 6 tháng, lượng xe “nội địa” chỉ bán được gần 68 ngàn chiếc, giảm 15% so với cùng kỳ và rơi đến 33% so với 6 tháng cuối năm ngoái – giai đoạn hưởng ưu đãi.
Diễn biến số lượng xe bán ra mỗi 6 tháng từ năm 2023 (Đvt: chiếc)
Nguồn: Người viết tổng hợp
Về thị phần theo thương hiệu, Toyota quay trở lại đầu bảng trong quý 2 với 15 ngàn xe, tăng 15% cùng kỳ và chiếm 19% tổng số xe bán ra, cải thiện đáng kể từ mức 12% quý 1/2024. Theo sau là 18% thị phần của Huyndai với hơn 14.2 ngàn xe, tăng 7.2%. Vị trí thứ 3 thuộc về Ford, 12.2% với 9.6 ngàn xe được tiêu thụ, tăng 10%. Tăng đáng kể đợt này là Mitsubishi, 49%, ghi nhận 8.5 ngàn xe; chiếm 10.8% và ở vị trí thứ 4.
Đi cùng với đó là sự sụt giảm doanh số các thương hiệu Kia và Mazda của “ông lớn” Thaco, lần lượt 10.6% và 3.3% còn 7.7 ngàn xe và 7 ngàn xe được tiêu thụ. Bus Thaco tăng 108% và thương hiệu xe sang Peugeot tăng 39% là 2 điểm sáng. Thaco đang chiếm 26.4% thị phần, giảm so với mức 26.8% quý 1/2024 và 28% quý 2/2023.
Thị trường ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đang hướng về mức giảm lệ phí trước bạ 50% trong 3 tháng cuối năm, thay vì 6 tháng như các lần giảm trước đó. Nội dung này vừa được Thường trực Chính phủ nêu tại cuộc họp về dự thảo Nghị định mức thu lệ phí trước bạ ôtô sản xuất trong nước, trên cơ sở báo cáo của Bộ Tài chính và ý kiến của các đại biểu dự họp.
3 tháng ngắn ngủi nhiều khả năng sẽ tiếp tục trở thành “cú hích” lớn cho nhu cầu tiêu thụ xe sản xuất và lắp ráp nội địa trong bối cảnh chưa thực sự sáng của ngành tiêu dùng không thiết yếu như ô tô?
Diễn biến số lượng xe bán ra theo tháng từ năm 2022 đến nay (Đvt: ngàn chiếc)
Nguồn: Người viết tổng hợp
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận