Midcap bùng nổ thanh khoản
Diễn biến sụt giảm thanh khoản ở cả nhóm Vn30, nhóm Smallcap lẫn sàn HNX được “cứu lại” nhờ giao dịch của nhóm Midcap sàn HSX. Đây là nhóm duy nhất bùng nổ thanh khoản gần 34%...
Tính riêng phiên chiều, rổ Midcap tăng giá trị giao dịch khoảng 1.758 tỷ đồng, đưa tổng giao dịch cả phiên lên xấp xỉ 5.075 tỷ đồng. Từ đầu năm 2021 đến nay rổ Midcap chỉ có 6 phiên đạt giá trị hớp lệnh vượt 5.000 tỷ đồng và ngưỡng kỷ lục lịch sử của rổ này là phiên ngày 16/4 với 5.633 tỷ đồng.
Điểm thú vị là rổ VN30 hôm nay giảm giao dịch gần 3% so với phiên trước, tương đương 385,6 tỷ đồng giá trị tuyệt đối. Rổ Smallcap cũng giảm gần 21 tỷ đồng. Riêng nhóm Midcap tăng giá trị 1.284 tỷ đồng, giúp cả sàn HSX cũng tăng nhẹ 2,9% thanh khoản so với phiên trước tính theo giá trị.
Thậm chí giao dịch sàn HNX còn giảm 21% về giá trị. Thế nhưng tổng mức khớp hai sàn hôm nay vẫn đạt 24.209,7 tỷ đồng, chỉ giảm 0,2%. Như vậy rổ Midcap đã cứu thanh khoản cho cả thị trường phiên này.
Giao dịch lớn của rổ Midcap nhất tập trung vào 5 cổ phiếu là DXG, NLG, HSG, DIG và FLC, chiếm gần 43% tổng giá trị rổ. Trong số này duy nhất FLC giảm giá 4,33% và HSG tăng nhẹ 0,26%, còn lại đều tăng rất ấn tượng.
Hai mã kịch trần là DXG và DIG. DXG đã kịch trần từ sáng và đến chiều DIG công phá thành công dư bán trần. Cả hai mã này đều bị xả khá lớn buổi chiều, nhưng bên bán không thành công trong việc ép giá xuống. DXG bị xả ở giá kịch trần gần 4,1 triệu cổ tương đương 105,4 tỷ đồng. DIG bị xả gần 3,2 triệu cổ tương đương 95,8 tỷ đồng. Mức thanh khoản này không lớn và cả hai đến cuối phiên đều còn dư mua giá trần.
Không chỉ thanh khoản rất cao, chỉ số Midcap chốt phiên còn tăng 1,87%, là mức tăng cao nhất trong số các chỉ số nhóm vốn hóa. VN30-Index kém nhất, chỉ tăng 0,38%. Smallcap tăng 1,33% và VN-Index tăng 1,09%.
Hiện tượng tụt áp ở chỉ số VN30-Index cho thấy đã có tình trạng suy yếu ở các cổ phiếu vốn là động lực tăng của chỉ số này thời gian qua. Tiêu biểu là VPB phiên này đóng cửa giảm tới 1,62% so với tham chiếu. VPB hiện đang là cổ phiếu vốn hóa lớn nhất chỉ số VN30. VIC cũng sụt giảm 0,33%, HPG giảm 0,3%, HDB giảm 0,47%, FPT giảm 0,32%, NVL giảm 1,68%.
Như vậy có tới 3/4 mã vốn hóa thuộc hàng lớn nhất của VN30 giảm giá. Cổ phiếu lớn còn lại là TCB thì chỉ tăng rất nhẹ 0,2%. Những mã lớn khác như MBB cũng chỉ tăng 0,29%, STB tăng 0,17%. Do cơ cấu giảm giá này nên dù độ rộng của rổ VN30 cuối ngày vẫn có 23 mã tăng/7 mã giảm, chỉ số vẫn chỉ tăng nhẹ.
Ngược lại, VN-Index hưởng lợi khá lớn từ việc VPB và NVL vốn hóa hầu như không đáng kể. Trong khi đó VHM tăng vọt 2,02%, VNM tăng 2,24%, BID tăng 2,79%, GAS tăng 1,23% và đặc biệt là CTG tăng 6,11%. Cơ cấu số tăng của VN-Index hoàn toàn ngược với VN30-Index khi các mã vốn hóa trọng số lớn lại tăng tốt.
Thanh khoản thị trường phiên này cũng không có gì đặc sắc, và như trên phân tích, khả năng duy trì thanh khoản phụ thuộc nhiều vào các mã vốn hóa trung bình. VPB và HPG là hai blue-chips thanh khoản lớn nhất với tương ứng 2.637,8 tỷ đồng và 1.546,4 tỷ đồng thì đều giảm giá, xác nhận có lực bán lớn. CTG là cổ phiếu ngân hàng duy nhất còn lại khớp vượt 1.000 tỷ đồng. Dù vậy thanh khoản chung của rổ VN30 vẫn giảm hôm nay.
Đối với nhóm Midcap, sự bùng nổ thanh khoản đáng chú ý vì có mức độ lan tỏa khá tốt. Rổ này có 16 cổ phiếu khớp lệnh trên 100 tỷ đồng phiên này thì chỉ có 2 mã giảm giá, còn lại là tăng, trong đó 3 mã kịch trần, 7 mã khác tăng trên 2%. Rổ này cũng có 10 mã khác giao dịch từ 50 tỷ đồng tới dưới 100 tỷ đồng khớp lệnh thì tất cả cùng tăng giá. Thực tế thì cả rổ Midcap có tới 58 mã tăng giá và chỉ 7 mã giảm giá.
Như vậy rất có thể dòng tiền chững lại ở nhóm VN30 không đổ sang các mã vốn hóa nhỏ mà tìm đến các cổ phiếu Midcap có thanh khoản khá tốt. Mặc dù một phiên chưa chứng tỏ được điều gì, nhưng nhiều cổ phiếu Midcap đã bật tăng rất mạnh, vài mã đang cố gắng vượt đỉnh.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận