24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Quỳnh Trang
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Mảng xám bức tranh lợi nhuận và rủi ro từ tỷ giá

Với dư nợ tín dụng ngoại tệ trong nền kinh tế chiếm 4,3% tại thời điểm cuối năm 2022, nếu tỷ trọng này giữ nguyên thì dư nợ tín dụng ngoại tệ cuối năm 2023 vào khoảng hơn 580.000 tỉ đồng. Cứ 1% tỷ giá đô la Mỹ/tiền đồng tăng thêm, các doanh nghiệp có thể ghi nhận lỗ tỷ giá hơn 5.800 tỉ đồng. Đây là chưa tính đến các khoản nợ ngoại tệ mà các doanh nghiệp trong nước vay của các định chế tài chính quốc tế.

Trong bối cảnh thị trường chứng khoán đang trong giai đoạn điều chỉnh như hiện nay, kết quả kinh doanh quí 1-2024 được xem là một trong những động lực quan trọng hỗ trợ tâm lý nhà đầu tư. Tuy nhiên, kết quả nhìn chung cho thấy lợi nhuận của các doanh nghiệp không thật sự quá khởi sắc như kỳ vọng trước đó.

Mảng xám bức tranh lợi nhuận quí 1-2024

Từng có thời điểm ghi nhận bốc hơi gần 120 điểm trong tháng 4-2024, tương đương 9,2%, nhưng chỉ số VN-Index cuối cùng đã kết thúc tháng 4 chỉ mất 75 điểm, tương đương gần 6%, nhờ vào các phiên cuối tháng đã lấy lại được phần nào điểm số. Tuy thị trường phục hồi nhưng thanh khoản rất thấp cho thấy dòng tiền chưa mạnh dạn quay lại, hoặc đơn giản là nhà đầu tư hờ hững do ảnh hưởng trước kỳ nghỉ lễ.

Trong bối cảnh thị trường đang trong giai đoạn điều chỉnh như hiện nay, kết quả kinh doanh quí 1 được xem là một trong những động lực quan trọng hỗ trợ tâm lý nhà đầu tư. Cần lưu ý rằng các doanh nghiệp cũng thường có khuynh hướng báo cáo kết quả kinh doanh quí 1-2024 khả quan để làm dịu lòng cổ đông, chuẩn bị cho các cuộc họp đại hội đồng cổ đông thường niên cao điểm trong tháng 4 và tháng 5. Tuy nhiên, kết quả nhìn chung cho thấy lợi nhuận của các doanh nghiệp không thật sự quá khởi sắc như kỳ vọng trước đó.

Bên cạnh các doanh nghiệp tăng trưởng so với cùng kỳ, một số lượng lớn khác chứng kiến sụt giảm hoặc tiếp tục ghi nhận lỗ. Thống kê cho thấy đến hết tháng 4-2024, tính riêng trên sàn HOSE và HNX, đã có xấp xỉ 440 doanh nghiệp công bố báo cáo tài chính quí 1-2024. Trong số này, có 65 doanh nghiệp, tương đương tỷ trọng gần 15%, báo lỗ.

Đặc biệt, một số doanh nghiệp báo lỗ khá lớn như CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland, HOSE: NVL) lỗ ròng hơn 567 tỉ đồng, gấp 1,5 lần mức lỗ 377 tỉ đồng của cùng kỳ năm 2023; Tổng CTCP Phát điện 3 (HOSE: PGV) lỗ nặng gần 652 tỉ đồng, trong khi cùng kỳ lãi gần 621 tỉ đồng; CTCP Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 (HOSE: NT2) cũng bất ngờ lỗ nặng 158 tỉ đồng, ngược chiều kết quả lãi gần 234 tỉ đồng của cùng kỳ; Tổng CTCP Đầu tư Phát triển xây dựng (HOSE: DIG) lỗ 121 tỉ đồng, con số này còn cao hơn lợi nhuận cả năm 2023 (112 tỉ đồng); CTCP Đầu tư Nam Long (HOSE: NLG) lỗ 65 tỉ đồng, trong khi cùng kỳ vẫn lãi hơn 16 tỉ đồng.

Với những doanh nghiệp lãi trong quí 1, có đến 156 doanh nghiệp, chiếm gần 45%, ghi nhận lãi sụt giảm so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó có một số tên tuổi đáng chú ý như CTCP Vinhomes (HOSE: VHM) lãi ròng 885 tỉ đồng, giảm hơn 92% so với cùng kỳ; Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (HOSE: POW) lãi 216 tỉ đồng, giảm 66%; CTCP Dược Hậu Giang (HOSE: DHG) lãi 222 tỉ đồng, giảm 38%; CTCP Cơ Điện lạnh (HOSE: REE) lãi 480 tỉ đồng, giảm 35%; CTCP Nhựa Bình Minh (HOSE: BMP) lãi 190 tỉ đồng, giảm 32%…

Ngay cả nhóm ngân hàng với lợi nhuận thường duy trì xu hướng tăng trưởng khả quan, kết quả quí 1 vừa qua cũng chứng kiến sự phân hóa đáng kể. Ngoài những ngân hàng tiếp tục báo lãi lớn và giữ được tăng trưởng so với cùng kỳ, cũng có ngân hàng bất ngờ báo lãi sụt giảm, bất chấp quy mô kinh doanh đã mở rộng đáng kể so với giai đoạn trước. Có thể kể đến như Eximbank lãi sau thuế 527 tỉ đồng, giảm 24% so với cùng kỳ năm 2023; MBBank lãi ròng hơn 4.500 tỉ đồng nhưng so với cùng kỳ giảm gần 10%; VIB lãi hơn 2.000 tỉ đồng, giảm 7,1%; ACB lãi hơn 3.900 tỉ đồng, giảm 5,6%; MSB lãi hơn 1.190 tỉ đồng, giảm 1,9%; PGBank lãi gần 93 tỉ đồng, giảm 24% so với cùng kỳ.

Khó khăn, thách thức và rủi ro tỷ giá

Với nền kinh tế quí 1 năm nay vẫn biến động khó lường, hoạt động của các doanh nghiệp cũng chịu ảnh hưởng là tất yếu. Tốc độ tăng GDP quí 1 vừa qua đạt 5,66%, tuy cao hơn tốc độ tăng của quí 1 các năm 2020-2023, nhưng đóng góp đáng kể lại đến từ hoạt động thương mại và đầu tư của nhóm các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong quí 1 vừa qua vẫn tăng gần 23% so với cùng kỳ, lên đến 73.900 doanh nghiệp.

Trong khi đó, dù mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm đáng kể so với cách đây một năm, nhưng khả năng tiếp cận tín dụng vẫn là một vấn đề lớn với nhiều doanh nghiệp. Xu hướng nợ xấu liên tục đi lên đã buộc các tổ chức tín dụng phải có giải pháp kiểm soát chặt chẽ hơn hoạt động cho vay ra nền kinh tế nhằm hạn chế bớt rủi ro. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn chưa thể phục hồi hoàn toàn khi niềm tin của các nhà đầu tư chưa thể quay trở lại, khiến áp lực trả nợ các trái phiếu đến hạn của nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là nhóm bất động sản, càng gây khó khăn đến hoạt động kinh doanh.

Chi phí vận tải tăng mạnh so với cùng kỳ, đặc biệt là đường biển, kéo dài từ cuối năm ngoái đến nay, cũng khiến hoạt động của nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là nhóm xuất khẩu, gặp không ít khó khăn. Các doanh nghiệp đều đang phải xoay xở để giữ đơn hàng, đa dạng hóa nguồn cung, hạn chế ảnh hưởng đối với chuỗi cung ứng. Đáng lưu ý, theo các chuyên gia phân tích, vấn đề mất an ninh ở Biển Đỏ có thể sẽ chỉ là khởi đầu cho một giai đoạn bất ổn của tuyến vận tải hàng hải, trong bối cảnh căng thẳng đang diễn ra ở nhiều nơi trên thế giới.

Câu chuyện tỷ giá tăng mạnh ngay từ quí 1-2024, với tiền đồng đã mất giá hơn 4% so với đô la Mỹ, cũng khiến các doanh nghiệp đang có các khoản vay ngoại tệ lớn ghi nhận lỗ lớn từ chênh lệch tỷ giá, trong khi các doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh phụ thuộc vào hàng nhập khẩu chịu ảnh hưởng nặng nề khi chứng kiến chi phí đầu vào gia tăng mạnh, nhưng sản phẩm đầu ra tiếp tục chịu tác động bởi sức cầu tiêu dùng trong nền kinh tế vẫn thấp.

Như trường hợp của Novaland, trong mức lỗ hơn 567 tỉ đồng nói trên, riêng khoản lỗ chênh lệch tỷ giá đã lên tới 452 tỉ đồng do đánh giá lại các khoản vay, trái phiếu và khoản mục khác có gốc ngoại tệ. Ngoài ra, công ty địa ốc này còn phải đóng thêm hơn 387 tỉ đồng tiền thuế trong quí 1 vừa qua. Hay như PGV trong quí 1 vừa qua lỗ từ chênh lệch tỷ giá lên đến 617 tỉ đồng, trong khi cùng kỳ ghi nhận lãi tỷ giá 172 tỉ đồng.

Với dư nợ tín dụng ngoại tệ trong nền kinh tế chiếm 4,3% tại thời điểm cuối năm 2022, nếu tỷ trọng này giữ nguyên thì dư nợ tín dụng ngoại tệ cuối năm 2023 vào khoảng hơn 580.000 tỉ đồng. Cứ 1% tỷ giá đô la Mỹ/tiền đồng tăng thêm, các doanh nghiệp có thể ghi nhận lỗ tỷ giá hơn 5.800 tỉ đồng. Đây là chưa tính đến các khoản nợ ngoại tệ mà các doanh nghiệp trong nước vay của các định chế tài chính quốc tế.

Ngược lại, những nhóm ngành, doanh nghiệp chứng kiến lợi nhuận tăng trưởng mạnh mẽ so với cùng kỳ năm 2023 có thể kể đến như nhóm chứng khoán, nhờ diễn biến tăng mạnh của thị trường chứng khoán trong quí 1 năm nay, khiến mảng tự doanh, môi giới và danh mục đầu tư của các công ty chứng khoán ghi nhận lãi lớn. Dù vậy, kết quả này dường như đã phản ánh vào diễn biến giá cổ phiếu chứng khoán trong thời gian qua.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Mã chứng khoán liên quan bài viết
20.70 -0.05 (-0.24%)
37.95 +0.05 (+0.13%)
19.05 -0.05 (-0.26%)
11.20 -0.05 (-0.44%)
19.10 +0.05 (+0.26%)
prev
next

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả