Màn đổi chủ gần 10% vốn Cảng Sài Gòn, lấp ló bóng dáng BRG
Ngành cảng biển nửa đầu năm 2023 gây nhiều chú ý với thương vụ mua bán - sáp nhập (M&A) giữa Gemadept chuyển nhượng cảng Nam Hải Đình Vũ cho Viconship và đối tác. Bên cạnh đó, những biến động cổ đông lớn cũng xuất hiện ở các doanh nghiệp cảng. Đơn cử là một doanh nghiệp có ngành nghề chính về lĩnh vực tổ chức giới thiệu và xúc tiến thương mại đã mua gần 10% vốn Cảng Sài Gòn, giá trị thương vụ gần bằng vốn điều lệ của công ty này.
Một góc của Cảng Sài Gòn. |
“Đại gia” chi hơn 300 tỷ đồng làm cổ đông lớn Cảng Sài Gòn
Công ty TNHH Phát triển Dịch vụ Thương mại Toàn Thắng (gọi tắt là Công ty Toàn Thắng) trở thành cổ đông lớn tại CTCP Cảng Sài Gòn (UPCoM: SGP) sau khi mua gần 21.3 triệu cp SGP, tương ứng 9.83% vốn, trong ngày 01/08/2023.
Với sự tham gia của Công ty Toàn Thắng, danh sách cổ đông lớn SGP hiện còn có Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC, UPCoM: MVN) với tỷ lệ 65.45% cùng với 2 ngân hàng là VietinBank 9.07% và VPBank 7.44%.
|
Trong phiên 01/08, có gần 21.3 triệu cp SGP được giao dịch thỏa thuận, bằng khối lượng Công ty Toàn Thắng báo cáo. Tổng giá trị số cổ phiếu này là 324.5 tỷ đồng, tương ứng hơn 15,300 đồng/cp, thấp hơn 12% giá kết phiên (17,300 đồng/cp).
Cùng ngày với giao dịch mua nói trên là giao dịch bán ra gần 21.3 triệu cp SGP của CTCP Thương mại Dịch vụ Hòa Hải (tên cũ là CTCP Bất động sản Nghỉ dưỡng Quảng Nam, mới đổi tên từ tháng 03/2023) được thực hiện với mục đích cơ cấu danh mục đầu tư.
Cả bên mua và bên bán - Công ty Toàn Thắng và Công ty Hòa Hải đều liên quan đến người nội bộ SGP là bà Đỗ Thị Minh - Thành viên HĐQT.
Bà Minh được Công ty Hòa Hải đề cử tham gia HĐQT SGP và được bổ nhiệm từ tháng 04/2021. Bà Minh hiện không sở hữu cổ phần tại SGP. Sau giao dịch, Công ty Toàn Thắng cũng đề cử bà Minh tiếp tục tham gia HĐQT SGP.
Quay lại thời điểm ngày 20/12/2017, Công ty Hòa Hải (lúc này còn có tên CTCP Bất động sản Nghỉ dưỡng Quảng Nam) trở thành cổ đông lớn tại SGP sau khi gom hơn 21.27 triệu cp, tương ứng 9.83% vốn từ Công ty TNHH Motor N.A Việt Nam (Vinamco) - thuộc Tập đoàn BRG của doanh nhân Nguyễn Thị Nga.
Chủ tịch Tập đoàn BRG - bà Nguyễn Thị Nga. |
2 đơn vị này đều có liên quan bà Vũ Thị Hạnh (cổ đông của Công ty Hòa Hải, đồng thời cũng là cổ đông của Thương mại Dịch vụ và Bất động sản Kim Sơn có góp vốn vào Motor N.A Việt Nam).
Công ty Hòa Hải thành lập năm 2017 với vốn điều lệ 990 tỷ đồng. Các cổ đông gồm: CTCP Dịch vụ và Kinh doanh Bất động sản Hà Nội (gọi tắt là BĐS Hà Nội) sở hữu 90%, bà Vũ Thị Hạnh 4% và ông Trần Anh Tuấn (giữ chức Tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật tại thời điểm thành lập) nắm 6%. Ngoài ra, ông Tuấn từng có thời gian làm Phó Tổng giám đốc CTCP Tập đoàn BRG.
Cổ đông lớn nhất của Công ty Hòa Hải là BĐS Hà Nội, có Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện theo pháp luật là bà Đặng Thị Hà Nguyên. Bà Nguyên từng có thời gian giữ chức Thành viên HĐQT CTCP Chứng khoán ASEAN - trực thuộc Tập đoàn BRG và hệ sinh thái SEABank
Bóng dáng BRG
Bà Vũ Thị Hạnh là “mắt xích” quan trọng trong bộ máy điều hành của Công ty Toàn Thắng - doanh nghiệp vừa trở thành cổ đông lớn thứ hai của Cảng Sài Gòn. Tại thời điểm thành lập (14/12/2018), bà Hạnh giữ vai trò người đại diện theo pháp luật kiêm Giám đốc Công ty.
Ngành nghề kinh doanh của Công ty Toàn Thắng được liệt kê như tổ chức giới thiệu và xúc tiến thương mại; dịch vụ tắm hơi, massage, nhà hàng, kinh doanh bất động sản, xây dựng nhà để ở, xây dựng công trình đường bộ, đại lý du lịch... Công ty có vốn điều lệ ban đầu 330 tỷ đồng với 2 cổ đông sáng lập là Công ty TNHH Thương mại Ô tô Thành Công sở hữu 26.136% và Công ty TNHH Dịch vụ và Kinh doanh Bất động sản Long Biên (gọi tắt là BĐS Long Biên) nắm 73.864%.
Cuối tháng 04/2019, Công ty TNHH Kinh doanh Bất động sản Ngoại Giao Đoàn (gọi tắt là BĐS Ngoại Giao Đoàn) trở thành cổ đông lớn nhất, nắm 60.606% vốn; BĐS Long Biên giảm sở hữu còn 13.258%, Thương mại Ô tô Thành Công giữ nguyên tỷ lệ 26.136%. Cuối tháng 11/2019, BĐS Ngoại Giao Đoàn tiếp tục nâng sở hữu lên 69.016%, Thương mại Ô tô Thành Công 26.136% và BĐS Long Biên giảm còn 4.848%.
Giữa tháng 04/2021, vai trò người đại diện theo pháp luật kiêm Giám đốc được thay thế bởi bà Dương Thị Dung. Thời điểm này, BĐS Ngoại Giao Đoàn chuyển toàn bộ vốn nắm giữ tại Công ty Toàn Thắng cho CTCP Đầu tư Nông nghiệp Ứng dụng Công nghệ cao BRG, 2 cổ đông còn lại giữ nguyên.
Giữa tháng 11/2021, danh sách cổ đông Công ty Toàn Thắng có thêm CTCP Intimex Việt Nam (bà Nguyễn Thị Nga từng là Chủ tịch HĐQT giai đoạn 2009 - 2017) sở hữu 4.848%; còn lại Công ty Công nghệ cao BRG nắm 64.168%, Thương mại Ô tô Thành Công 26.136%, BĐS Long Biên 4.848%.
Tại thời điểm đăng ký kinh doanh thay đổi gần nhất vào giữa tháng 12/2022, cơ cấu cổ đông Công ty Toàn Thắng giữ nguyên nhưng Công ty Công nghệ cao BRG đổi tên thành CTCP Phát triển Sản xuất Cường Thịnh (gọi tắt là Công ty Cường Thịnh).
Về Công ty Cường Thịnh - cổ đông lớn nhất tại Toàn Thắng, tiền thân là CTCP Thương mại và Xây dựng ORG, thành lập ngày 31/12/2009, hoạt động chính là trồng ngô (bắp) và cây lương thực có hạt khác. Vốn điều lệ ban đầu 671 tỷ đồng với 3 cổ đông sáng lập: CTCP TNHH MTV Đầu tư Xây dựng và Thương mại Cường Phát, CTCP ORG và bà Nguyễn Thị Nga. Cuối năm 2016, cả 3 cổ đông trên đều đã chuyển nhượng cổ phần. Giữa năm 2017, Công ty đổi tên thành CTCP Đầu tư Nông nghiệp Ứng dụng Công nghệ cao BRG. Tháng 03/2021, Công ty giảm vốn điều lệ xuống 180 tỷ đồng. Tháng 05/2022, Công ty đổi tên thành Cường Thịnh. Hiện người đại diện theo pháp luật kiêm Giám đốc là bà Vũ Thị Hạnh.
Trong danh sách cổ đông sáng lập Công ty Toàn Thắng, Thương mại Ô tô Thành Công là cổ đông lớn của Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro, UPCoM: HTM). Hapro là thành viên của Tập đoàn BRG sau khi hoàn thành quá trình cổ phần hóa từ tháng 06/2018.
Đối với BĐS Long Biên, thành lập tháng 9/2017 với ngành nghề chính là kinh doanh bất động sản. Người đại diện theo pháp luật ban đầu là bà Vũ Thị Hạnh. Tháng 09/2022, vai trò người đại diện pháp luật thay thế sang bà Nguyễn Thị Thanh. Cuối năm 2022, vốn điều lệ của BĐS Long Biên là 1,340 tỷ đồng; trong đó, Công ty TNHH Phát triển và Đầu tư Phúc Thịnh góp 670 tỷ đồng, Công ty TNHH Xây dựng và Dịch vụ Thương mại An Khang góp 660 tỷ đồng, còn lại là Công ty TNHH Một thành viên Thương mại Dịch vụ và Du lịch Hải Tiến. |
BRG lấn sân mảng cảng biển
Với triển vọng tăng trưởng trong dài hạn, cảng biển được đánh giá là lĩnh vực hấp dẫn, thu hút nhiều nhà đầu tư. Hoạt động với 3 mảng chính là khách sạn, bán lẻ, dược phẩm; những năm gần đây, BRG còn lấn sân sang mảng cảng biển.
Ngoài thương vụ thành cổ đông lớn của SGP, vào tháng 11/2021, liên danh Tập đoàn BRG và Tập đoàn Sumitomo Corporation (Nhật Bản) đã ký kết Biên bản ghi nhớ với UBND TP. Đà Nẵng về phát triển cơ sở hạ tầng tại Đà Nẵng.
Đầu tháng 04/2022, liên danh BRG và Sumitomo làm việc với lãnh đạo TP. Đà Nẵng về kế hoạch đầu tư cảng Liên Chiểu thành cảng quốc tế.
Theo đề xuất thiết kế mà liên danh đưa ra, cảng Liên Chiểu có thể phát triển để đón tàu lớn vào. Hiện tại, cảng Liên Chiểu mới thu hút được tàu có tải trọng 2,800 TEU, trong tương lai sẽ đón tàu tải trọng 12,000 TEU.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận