Lợi nhuận doanh nghiệp niêm yết ngành thủy sản đã chạm đáy?
Ngành thủy sản Việt Nam tiếp tục ghi nhận những con số kém khả quan trong quý 2/2023, khiến bức tranh xám của ngành thủy sản thêm đậm màu. Dù vậy, giá cổ phiếu các doanh nghiệp trong ngành dường như “phớt lờ” các yếu tố cơ bản và có sự hồi phục đáng chú ý, bắt đầu từ cuối quý 1. Điều này cho thấy nhà đầu tư đã kỳ vọng vào sự hồi phục của ngành lớn như thế nào.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), 6 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 4.2 tỷ USD, giảm hơn 27% so với cùng kỳ năm trước. Các thị trường lớn đều sụt giảm. Trong đó, thị trường lớn nhất là Trung Quốc giảm 22%, còn 716 triệu USD; kế đến là Mỹ và Nhật Bản lần lượt giảm 46% và 11%, đạt 706 triệu USD và 713 USD.
Xuất khẩu tôm 6 tháng đầu năm mang về 1.5 tỷ USD, thấp hơn 35% so với cùng kỳ và chỉ bằng với 6 tháng đầu năm 2020; còn xuất khẩu cá tra đạt 873 triệu USD, giảm 39%.
Doanh thu doanh nghiệp niêm yết ngành thủy sản tiếp tục giảm mạnh trong quý 2
Với số liệu xuất khẩu thủy sản sụt giảm như trên, không khó để hình dung về bức tranh kinh doanh của các doanh nghiệp thủy sản niêm yết. Theo dữ liệu từ VietstockFinance, tổng doanh thu của 12 doanh nghiệp trong quý 2/2023 đạt khoảng 10.7 ngàn tỷ đồng, giảm 33% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 6 tháng, tổng doanh thu đạt 20.1 ngàn tỷ đồng, giảm 31%.
Ở nhóm cá tra, doanh thu xuất khẩu của “nữ hoàng” cá tra Vĩnh Hoàn (VHC) có chiều hướng giảm qua các tháng, đồng thời vẫn ở mức thấp hơn so với cùng kỳ năm trước. Quý 2 đạt 2,724 tỷ đồng, giảm 36%; dẫn đến lũy kế 6 tháng chỉ 4,945 tỷ đồng, giảm 34% so với cùng kỳ năm 2022. Việc sụt giảm doanh thu ở Vĩnh Hoàn còn do mức nền năm ngoái khá cao, nếu nhìn giai đoạn rộng hơn.
Xếp sau là CTCP Đầu tư và Phát triển Đa Quốc Gia (IDI), doanh thu quý 2 đạt 1,827 tỷ đồng, giảm 23%; lũy kế 6 tháng đạt 3,589 tỷ đồng, giảm 16%. Trong đó, doanh thu từ cá tra (hàng hóa và thành phẩm) cùng với doanh thu từ bán bột cá, mỡ cá đều giảm lần lượt 28% và 11%, xuống còn 1,449 tỷ đồng và 1,342 tỷ đồng
Ở nhóm doanh nghiệp xuất khẩu tôm, doanh thu “vua tôm” Minh Phú (MPC) đi lùi đến 48%, về 2,350 tỷ đồng. Thực phẩm Sao ta (FMC) và Camimex (CMX) lần lượt đạt 1,033 tỷ đồng và 548 tỷ đồng, tương ứng giảm 27% và 49%.
Lũy kế 6 tháng, nhóm doanh nghiệp ngành tôm đều có doanh thu giảm 2 con số. Trong đó, MPC đi lùi 49%, về 4,472 tỷ đồng; CMX và FMC lần lượt giảm 42% và 25%, còn 790 tỷ đồng và 2,041 tỷ đồng.
Ngoài ra, các doanh nghiệp khác như KHS, BLF, ABT hay AAM cũng có doanh thu quý 2 giảm mạnh. SJ1 là doanh nghiệp duy nhất có doanh thu tăng so với cùng kỳ năm trước (quý 2 từ 01/01 - 31/03, niên độ tài chính 2022 - 2023).
Biên lãi gộp các doanh nghiệp trong quý 2 đều thấp hơn so với cùng kỳ năm trước. Nhiều doanh nghiệp bị thu hẹp rất lớn về biên lãi gộp như ANV, ACL, IDI, KHS, AAM. Trong đó, đáng chú ý nhất là ANV chỉ ở mức 4%, do doanh thu sụt giảm và giá vốn hàng bán tăng 22% (1,026 tỷ đồng) khiến lãi gộp Công ty giảm đến 89%, còn 48 tỷ đồng. Sức mua các nước nhập khẩu giảm, giá bán liên tục giảm mạnh, dẫn đến lãi gộp giảm như trên.
Chi phí lãi vay cao tạo áp lực lên lợi nhuận
Quý 2, nhóm thủy sản tiếp tục chịu áp lực lãi vay tăng cao ăn mòn lợi nhuận. Chi phí lãi vay 6 tháng của nhiều doanh nghiệp thậm chí gấp đôi cùng kỳ. Mức tăng tập trung ở phần lớn doanh nghiệp cá tra. Đơn cử là VHC với chi phí lãi vay 80 tỷ đồng, hơn gấp đôi cùng kỳ. Lãi vay của IDI 6 tháng đầu năm cao nhất với 186 tỷ đồng, tăng 74%, do “lãi suất cho vay tại các tổ chức tín dụng tăng so với cùng kỳ”, theo giải trình lợi nhuận của IDI.
Ở nhóm tôm, lãi vay của MPC đến hơn 63 tỷ đồng trong nửa đầu năm. CMX hay FMC chịu 36 và 9 tỷ đồng chi phí lãi vay, tăng 24% và 42%.
Lợi nhuận còn ở mức thấp
Với việc sụt giảm doanh thu và áp lực chi phí tài chính, tổng lãi ròng 12 doanh nghiệp thủy sản còn khoảng 529 tỷ đồng trong quý 2, giảm hơn 67%. Lũy kế nửa năm chỉ đạt 822 tỷ đồng, giảm hơn 70%.
Lãi quý 2 của VHC giảm 47%, còn 412 tỷ đồng. Trong kỳ, khoản đầu tư chứng khoán của Vĩnh Hoàn lỗ gần 51 tỷ đồng với các mã như NLG, DXS và KBC. Tính đến 30/06, giá trị đầu tư chứng khoán kinh doanh này ở mức 175 tỷ đồng. Lãi ròng 6 tháng của VHC đạt 631 tỷ đồng, chỉ bằng một nửa so với cùng kỳ.
Đối mặt với doanh thu giảm, áp lực chi phí tài chính lớn, mức nền cùng kỳ năm trước cao, kết quả nửa đầu năm của IDI giảm 90%, chỉ còn 37 tỷ đồng.
Bất ngờ nhất là ANV khi lỗ đến 51 tỷ đồng trong quý 2 - mức lỗ đậm nhất kể từ năm 2016, giống như cách MPC đã thông tin đến thị trường trong quý 1. Lũy kế 6 tháng, ANV lãi 41 tỷ đồng, giảm 90%.
“Vua tôm” lãi ròng 11 tỷ đồng trong quý 2, giảm 10%; kết quả 6 tháng, MPC vẫn còn lỗ 86 tỷ đồng. Mục tiêu lợi nhuận năm 2023 của doanh nghiệp này vẫn còn quá xa phía trước.
Mặt khác, MPC cũng đầu tư cổ phiếu với giá trị 9 tỷ đồng, trích lập dự phòng đến 6 tỷ đồng, tính đến cuối tháng 6. Danh mục đầu tư của MPC có cổ phiếu CIC8, REE, VAF…
Lãi ròng của các doanh nghiệp tôm còn lại như FMC hay CMX cũng giảm từ 38% - 47%, về còn lần lượt 71 tỷ đồng và 19 tỷ đồng trong quý 2. Lũy kế 6 tháng đạt trên 112 tỷ đồng và 37 tỷ đồng, giảm từ 10% - 27%.
Kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp ngành thủy sản sau 6 tháng
Đvt: Tỷ đồng
“Phớt lờ” yếu tố cơ bản, thị trường đặt kỳ vọng lớn vào cổ phiếu thủy sản trong nửa đầu năm?
Bất chấp kết quả kinh doanh kém lạc quan, giá cổ phiếu ngành thủy sản vẫn tăng trưởng từ cuối quý 1, đi sát với biến động chung của toàn thị trường. Tính đến ngày 11/08, chỉ số VN-Index tăng hơn 22% so với đầu năm. Số chứng khoán của ngành chế biến thủy sản - VS-Seafood cũng có mức tăng tương ứng.
Một số cổ phiếu ngành tôm có mức tăng rất mạnh từ đầu năm đến nay. FMC dẫn đầu với 60%, CMX theo sau với 47%. Hai mã này tăng vượt trội so với mức tăng chung của ngành cũng như toàn thị trường. Giá cổ phiếu MPC đuối sức hơn khi đường đi bám sát chỉ số chung của toàn ngành, nhưng đến khoảng giữa tháng 6 thì có sự phân kỳ và hiện tăng gần 11% so với đầu năm.
Diễn biến giá cổ phiếu doanh nghiệp ngành tôm
Các cổ phiếu nhóm cá tra cũng có mức tăng tích cực từ đầu năm. ANV, dù kết quả kinh doanh kém nhất, giá cổ phiếu lại dẫn đầu xu thế tăng với hơn 56% kể từ đầu năm. IDI xếp sau khi tăng trên 28%, VHC tăng 7% so với đầu năm.
Diễn biến giá cổ phiếu doanh nghiệp cá tra
Quán tính tăng giá cổ phiếu thủy sản được duy trì từ cuối quý 1, cho thấy rằng, có vẻ nhà đầu tư đã “phớt lờ” các yếu tố cơ bản. Số liệu từ BCTC quý 2 dường như chỉ đóng vai trò như một “lagging indicator” - chỉ báo trễ, xác nhận cho những dự báo về việc lợi nhuận các doanh nghiệp thủy sản sẽ chạm đáy vào quý 2 và có thể tốt dần lên từ nửa cuối năm. Vì thị trường chứng khoán là câu chuyện của kỳ vọng trong tương lai, mức tăng này cũng cho thấy các nhà đầu tư đã kỳ vọng vào nhóm ngành này như thế nào và phải chăng thị trường kỳ vọng rằng khi những gì xấu nhất đã xảy ra thì điều tốt đẹp sẽ bắt đầu?
Kịch bản cho những tháng cuối năm của ngành thủy sản
Dự báo về thời gian còn lại trong năm 2023 của ngành xuất khẩu thủy sản, VASEP chỉ ra 2 kịch bản. Ở kịch bản lạc quan, xuất khẩu thủy sản trong 5 tháng còn lại của năm 2023 có thể đạt trên 4 tỷ USD, đưa tổng kim ngạch cả năm trên 9 tỷ USD, giảm 15 - 16% so với năm 2022. Trong đó, xuất khẩu tôm đạt 3.5 - 3.6 tỷ USD, giảm 16 - 18%; cá tra giảm 28%, đạt 1.7 - 1.8 tỷ USD.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận