Lợi nhuận của các “ông lớn” ngành thép được dự báo ra sao trong nửa cuối năm 2024?
Diễn biến về giá thép cuộn cán nóng HRC sẽ ảnh hưởng lớn tới kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp ngành thép thời gian tới.
Nửa đầu năm 2024, các doanh nghiệp ngành thép, tôn mạ đã chứng kiến sự khó khăn do sụt giảm mạnh nhu cầu, khiến tiêu thụ của các doanh nghiệp chậm, lượng tồn kho tăng.
Trong bối cảnh thị trường thép đang có những biến động lớn, các doanh nghiệp đầu ngành như Hòa Phát, Hoa Sen, Nam Kim đều có những kế hoạch và dự báo về tiềm năng phát triển cuối năm 2024.
Mới đây, Chứng khoán Vietcap vừa đưa ra dự báo về kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp đầu ngành thép trong năm 2024.
Đơn vị này kỳ vọng Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG) sẽ tiếp tục dẫn dắt đà phục hồi sản lượng bán thép trong nước trong cuối năm 2024.
Mặc dù nhu cầu đã cải thiện trong 7 tháng đầu năm 2024 từ mức cơ sở thấp của năm 2023, sự phục hồi không đồng đều giữa các công ty sản xuất thép trong nước vẫn giữ nguyên.
Doanh số thép xây dựng của Hòa Phát đã tăng 34% trong 7 tháng đầu năm 2024, vượt qua mức tăng trưởng của toàn ngành chỉ 13%, nâng thị phần lên mức kỷ lục 37,9%.
Mặc dù doanh số bán thép cuộn cán nóng (HRC) của doanh nghiệp này có phần thấp hơn so với thép xây dựng, nhưng vẫn đạt mức tăng trưởng mạnh mẽ 17%.
Đặc biệt, nhờ chi phí đầu vào giảm nhanh hơn giá đầu ra, biên lợi nhuận gộp của Hòa Phát trong cuối năm 2024 dự kiến sẽ cao hơn.
Vietcap dự báo doanh thu cả năm của Hòa Phát có thể đạt 131.959 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế ước tính 12.315 tỷ đồng, lần lượt tăng 11% và 80% so với cùng kỳ năm ngoái.
Với Tập đoàn Hoa Sen (Mã: HSG), Vietcap dự báo tăng trưởng doanh thu năm tài chính 2024 của doanh nghiệp này ở mức 20% so với năm trước, đạt 38.000 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế ở mức 789 tỷ đồng, tăng 2686%.
Do quy trình sản xuất và chuỗi giá trị ngắn của các nhà sản xuất tôn mạ, đơn vị này cũng dự báo xu hướng giảm hiện tại của giá thép sẽ khiến biên lợi nhuận gộp của Hoa Sen sẽ giảm từ 11,7% trong quý 3 năm tài chính 2024 còn 11,4% trong quý 4 năm tài chính 2024.
Trong xu hướng giảm của giá HRC, biên lợi nhuận của các nhà sản xuất thép hạ nguồn thường giảm do chênh lệch giá thấp hơn, đến từ ASP đầu ra thấp hơn (do thường được điều chỉnh dựa trên giá giao ngay) và chi phí nguyên vật liệu đầu vào cao hơn (do hàng tồn kho được mua vào với giá cao hơn).
Tỷ lệ chi phí SG&A/doanh thu dự kiến sẽ giảm từ 2,8% trong quý 3 năm tài chính 2024 xuống còn 2,1% trong quý 4 năm tài chính 2024 do giá cước vận tải đang quay về mức bình thường. Tỷ lệ đòn bẩy thấp hỗ trợ trong bối cảnh giá hàng hóa liên quan đến thép đang giảm.
Nhà máy Thép Nam Kim
Trong khi đó, Vietcap hạ dự báo tăng trưởng doanh thu của Thép Nam Kim (Mã: NKG) từ 17% xuống còn 7%, đạt gần 20.000 tỷ đồng cho cả năm 2024. Tuy nhiên, với kết quả kinh doanh nửa đầu năm 2024 vượt dự kiến, đơn vị này cho rằng biên lợi nhuận gộp sẽ tăng khoảng 9,5% so với cùng kỳ.
Bên cạnh đó, Vietcap đánh giá nhà máy Phú Mỹ sẽ chậm tiến độ thêm 6 tháng. Cụ thể, vào tháng 7/2024, HĐQT Nam Kim đã phê duyệt kế hoạch phát hành quyền mua tỷ lệ 2:1 để tài trợ cho phần vốn chủ sở hữu của dự án, dự kiến sẽ diễn ra vào nửa cuối năm 2024.
Trước đó, tháng 4/2022, HĐQT Nam Kim đã thông qua chủ trương thành lập Công ty TNHH Tôn Nam Kim Phú Mỹ và đầu tư dự án nhà máy thép tấm lợp Nam Kim Phú Mỹ tại khu công nghiệp Mỹ Xuân B1 - Đại Dương (Bà Rịa - Vũng Tàu) với quy mô 1,2 triệu tấn/năm, tổng vốn đầu tư 4.500 tỷ đồng.
Nhìn chung, Hòa Phát được đánh giá có tiềm năng lớn nhất trong việc bứt phá vào cuối năm 2024 nhờ việc dẫn đầu về thị phần thép trong nước và biên lợi nhuận gộp khả quan.
Trong khi đó, Hoa Sen và Nam Kim đối mặt với những thách thức lớn hơn từ thị trường thép toàn cầu, tuy nhiên vẫn có cơ hội cải thiện nhờ chiến lược kinh doanh phù hợp.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận