“Lợi - hại” trước sóng chuyển sàn
Việc chuyển từ sàn UPCoM sang HoSE sẽ giúp các cổ phiếu có mức định giá cao hơn do độ minh bạch về thông tin cao hơn, thu hút được nhiều nhà đầu tư và thanh khoản cao. Đặc biệt, động thái này hỗ trợ rất lớn cho doanh nghiệp trong việc thu hút vốn để gia tăng quy mô. Tuy nhiên, nhà đầu tư cũng cần đánh giá rõ bức tranh doanh nghiệp và tiềm năng trăng trưởng sắp tới, tránh mua theo tâm lý hưng phấn và tin đồn.
Thanh khoản tăng vọt, giá cổ phiếu lên cao
Sau khi nhận được cái “gật đầu” của Sở Giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HoSE) hồi 24/5/2024, cổ phiếu MCM của Công ty cổ phần Giống bò sữa Mộc Châu (Mộc Châu Milk) tăng 24% (tính đến kết phiên ngày 11/6/2024). Thanh khoản theo đó cũng tăng vọt từ vài chục nghìn lên vài trăm nghìn đơn vị, có phiên thanh khoản lên đến hơn 840.000 đơn vị.
Dự kiến ngày 13/6 tới đây sẽ là ngày giao dịch cuối cùng của 110 triệu cổ phiếu MCM trên sàn UPCoM. Với sự xuất hiện của Mộc Châu Milk, sàn HoSE sẽ đón thêm tân binh mới và cũng là doanh nghiệp sản xuất sữa thứ 2 sau Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk, mã ck: VNM) - công ty mẹ của MCM.
Về sức khỏe của Mộc Châu Milk, kể từ khi về tay Vinamilk, Mộc Châu Milk đã có sự tăng trưởng tích cực về kết quả kinh doanh. Năm 2023, công ty ghi nhận mức lợi nhuận 374 tỷ đồng, cao nhất trong lịch sử hoạt động của doanh nghiệp.
Gần đây nhất, tại thời điểm 31/3/2024, tổng tài sản của Mộc Châu Milk ghi nhận hơn 2.605 tỷ đồng. Trong đó, tiền gửi có kỳ hạn là 1.488 tỷ đồng, chiếm 57% tổng tài sản, tiền mặt hơn 58 tỷ đồng và công ty không có nợ vay.
Một mã cổ phiếu chuyển sàn khác được nhà đầu tư kỳ vọng thời gian gần đây là GEE của Công ty cổ phần Điện lực Gelex (GELEX Electric) do Công ty cổ phần Tập đoàn Gelex (mã ck: GEX) thành lập vào ngày 29/8/2016, với mục đích sản xuất kinh doanh các thiết bị đo điện.
GELEX Electric được niêm yết đầu tiên ngày 8/3/2022 trên sàn UPCoM, tính tới ngày 11/6/2024, cổ phiếu GEE giao dịch vùng giá 32.500 đồng/cổ phiếu, tương ứng vốn hoá 9.750 tỷ đồng.
Kể từ thời điểm HoSE nhận hồ sơ đăng ký niêm yết 300 triệu cổ phiếu của GELEX Electric (24/4/2024), thị giá GEE đã tăng 12% (tính đến kết phiên ngày 11/6/2024).
Kết thúc quý I/2024, GELEX Electric ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất đạt 3.720 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế đạt 116 tỷ đồng, tăng 27%. Các chỉ số tài chính, hệ số nợ, hệ số nợ trên vốn chủ, hệ số nợ vay trên vốn chủ đều giữ ở mức an toàn, tương đương kỳ trước.
"Các chuyên gia nhận định, động thái chuyển sàn của các doanh nghiệp sẽ giúp cho thị trường sôi động hơn, nhà đầu tư có thêm cơ hội để lựa chọn cổ phiếu. Đồng thời, đây là cơ hội để các doanh nghiệp quảng bá hình ảnh, huy động vốn, khẳng định vị thế, tăng độ nhận diện và nâng cao tính minh bạch. Riêng góc độ cơ quan quản lý, nhiều doanh nghiệp lên sàn, nhất là nhóm doanh nghiệp có quy mô lớn, chất lượng cao sẽ là cốt lõi để phát triển thị trường chứng khoán bền vững."
Công ty cổ phần Hàng tiêu dùng Masan (Masan Consumer, mã ck: MCH) cũng vừa trình đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 thông qua việc niêm yết toàn bộ cổ phiếu đang lưu hành trên HoSE.
Hiện gần 93,6% vốn điều lệ của Masan Consumer đang thuộc sở hữu của Công ty TNHH MasanConsumerHoldings - một công ty con của Masan Group.
Kết phiên ngày 11/6/2024, cổ phiếu MCH tiếp tục lập đỉnh mới với giá chốt phiên là 222.800 đồng/cổ phiếu. Chỉ sau chưa đầy nửa đầu năm 2024, cổ phiếu MCH đã có chuỗi tăng ấn tượng.
Nhiều cơ hội nhưng cần dự phòng rủi ro
Việc đầu tư theo trào lưu chuyển sàn, lịch sử cũng từng mang lại nhiều lợi nhuận, do đó nhà đầu tư có xu hướng “canh mua” trên sàn cũ khi có thông tin về thời gian dự kiến chuyển sàn, mặc dù không phải mã nào cũng đem lại lợi nhuận.
Theo Nguyễn Mạng Hoạt - Giám đốc chi nhánh Sài Gòn của Công ty cổ phần Chứng khoán MB (MBS), hoạt động chuyển sàn sẽ giúp doanh nghiệp được thị trường đánh giá lại giá trị cổ phiếu. Cụ thể, việc chuyển từ sàn UPCoM sang HoSE sẽ giúp các cổ phiếu có mức định giá cao hơn do độ minh bạch về thông tin cao hơn, thu hút thêm nhiều đối tượng nhà đầu tư và thanh khoản cao.
Đặc biệt, động thái này hỗ trợ rất lớn cho doanh nghiệp trong việc thu hút vốn để gia tăng quy mô doanh nghiệp. Những doanh nghiệp thực sự tốt và triển vọng, có lợi thế cạnh tranh trong nghành sẽ là cơ hội cho nhà đầu tư mua vào nắm giữ và hưởng chênh lệch giá cho đầu cơ ngắn hạn hoặc đầu tư trung dài hạn.
Ở chiều ngược lại, không phải cổ phiếu nào chuyển sàn cũng mang lại lợi nhuận cho nhà đầu tư. Quá khứ cho thấy, đà tăng giá của rất nhiều cổ phiếu chuyển sàn chủ yếu đi theo yếu tố đầu cơ, thông tin bơm thổi ngắn hạn. Không ít cổ phiếu sau đó lao dốc, nằm sàn hay mất thanh khoản.
“Nên tránh mua theo tâm lý hưng phấn, mua theo câu chuyện bị thổi phồng hay tin đồn, thông tin chưa xác thực. Thực tế, nhiều mã cổ phiếu trước khi niêm yết hoặc chuyển sàn đã có định giá phù hợp hoặc thậm chí cao hơn rất nhiều giá trị phù hợp, vì vậy, việc mua vào đôi khi không những không mang lại lợi nhuận mà nhà đầu tư còn bị thiệt hại lớn sau đó.” - ông Hoạt cho biết thêm.
Ông Hoạt nhận định, ngoài những thông tin mang tính kỹ thuật và đầu cơ hô hào, nhà đầu tư cũng cần tìm hiểu kỹ về doanh nghiệp dự định mua vào. Để “đu” theo câu chuyện chuyển sàn, nhà đầu tư cần chuẩn bị cho mình kiến thức tốt về doanh nghiệp, nghành nghề kinh doanh, bức tranh triển vọng và lợi thế cạnh tranh sau khi chuyển sàn.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận