Làn sóng đầu tư phía sau hai thương vụ gọi vốn của VinFast và Masan
Nỗ lực đa dạng hóa tài sản để giảm sự phụ thuộc vào dầu mỏ đang thúc đẩy dòng tiền từ các quốc gia Trung Đông đầu tư ra khắp thế giới, trong đó có Việt Nam.
Tháng 4/2021, hàng loạt các quốc gia như Arab Saudi, UAE, Qatar, Oman và Kuwait thông qua kế hoạch bán hàng tỷ USD các tài sản năng lượng, bao gồm các mỏ và quyền khai thác dầu. Thậm chí, thái tử Arab Saudi Mohammed bin Salman còn lên kế hoạch thoái vốn trị giá 20 tỷ USD khỏi tập đoàn dầu khí quốc gia Aramco.
Đưa ra kế hoạch giảm bớt phụ thuộc vào dầu mỏ từ cả thập kỷ trước, song những năm gần đây, các quốc gia Trung Đông đang thúc đẩy rất mạnh quá trình này. Thay vì sử dụng dầu mỏ để hấp dẫn dòng tiền đầu tư từ nước ngoài, nhiều quốc gia Ả Rập sẵn sàng bán đi các mỏ dầu của mình và tìm kiếm những tài sản mới để đầu tư.
Theo báo cáo của McKenzie, thị trường M&A toàn cầu nửa đầu năm 2021 chứng kiến sự năng nổ đến từ các quỹ đầu tư đến từ Trung Đông. Nửa đầu năm nay, các quỹ đầu tư Trung Đông đã đầu tư ra bên ngoài khu vực của mình tới 102 thương vụ với tổng giá trị đạt 9,3 tỷ USD, tăng gâp 2 lần so với cùng kỳ năm trước.
Các quỹ đầu tư quốc gia từ Trung Đông ngày càng lớn mạnh về quy mô và chiếm vị trí áp đảo trong bảng xếp hạng của SWFI, với 4 trong 10 vị trí dẫn đầu gồm Kuwait Investment Authority, Abu Dhabi Investment Authority, Public Investment Fund và Qatar Investment Authority.
Mỹ vẫn là quốc gia thu hút nhiều tiền nhất từ các quỹ đầu tư Trung Đông, tiếp theo là Ai Cập và Anh. Các lĩnh vực được ưa thích đầu tư nhất bao gồm công nghệ cao, năng lượng và bán lẻ, với thương vụ giá trị cao nhất lên tới 2,8 tỷ USD.
Làn sóng đầu tư của các quỹ quốc gia từ Trung Đông ra toàn cầu đang được đẩy mạnh
Không năm ngoài làn sóng đầu tư này, Việt Nam cũng nằm trong tầm ngắm của các quỹ đầu tư Trung Đông. Mới đây, Reuters dẫn nguồn tin độc quyền cho hay, Vingroup đang đàm phán với các nhà đầu tư để huy động 1 tỷ USD cho VinFast trước khi IPO tại Mỹ. Hai nhà đầu tư lớn nhất được nhắc tới là quỹ đầu tư quốc gia của Qatar và quỹ đầu tư BlackRock.
Quỹ đầu tư quốc gia Qatar (Qatar Investment Authority - QIA) là quỹ có quy mô lớn tới 354 tỷ USD. Quỹ đang thực hiện một loạt thương vụ đầu tư vào các thị trường cốt lõi từ châu Âu, Mỹ đến châu Á.
QIA được thành lập vào năm 2005 nhằm củng cố nền kinh tế của đất nước bằng cách đa dạng hóa thành các loại tài sản mới. Hiện danh mục của QIA gồm nhiều loại tài sản, bao gồm chứng khoán niêm yết, tài sản, tài sản thay thế và cổ phần tư nhân ở tất cả các thị trường lớn trên toàn cầu.
Trong năm 2021, Ascott Serviced Residence Global Fund - quỹ đầu tư 600 triệu USD được thành lập năm 2015 bởi công ty con Ascott của CapitaLand và QIA đã mua lại dự án Somerset Metropolitan West Hanoi tại Hà Nội.
Gần đây, một thương vụ M&A lớn khác tại Việt Nam cũng ghi nhận sự tham gia của quỹ đầu tư Trung Đông. Đó là thương vụ TPG, Platinum Orchid (thuộc sở hữu của Quỹ đầu tư quốc gia Abu Dhabi - ADIA) và SeaTown Master Fund (công ty con của Temasek Holdings) đầu tư 350 triệu USD mua cổ phần The CrownX của Masan Group.
Giao dịch khép lại vòng huy động vốn cuối cùng vào hệ sinh thái The CrownX, nền tảng tiêu dùng bán lẻ hợp nhất lợi ích của Masan tại MasanConsumer và WinCommerce. Sau giao dịch trên, The CrownX được định giá 8,2 tỉ USD. Masan cũng có kế hoạch IPO công ty này trên thị trường quốc tế trong vòng 2 - 3 năm tới.
Nhận định về chiến lược hợp tác sau giao dịch trên được ký kết, ông Hamad Shahwan Al Dhaheri, Giám đốc điều hành bộ phận đầu tư tư nhân cỉa ADIA cho rằng "thỏa thuận cho thấy sự quan tâm ngày càng gia tăng của chúng tôi vào thị trường Đông Nam Á và nhấn mạnh niềm tin của ADIA vào các nền tảng kinh tế vững chắc của Việt Nam".
Tại Đông Nam Á, ADIA đã đầu tư vào GoTo trong vòng pre-IPO trị giá 400 triệu USD. Đây là nền tảng hợp nhất giữa Gojek (ứng dụng gọi xe) và Tokopedia (thương mại điện tử). Đồng thời quỹ này cam kết đầu tư 500 triệu USD vào EdgePoint, nền tảng hạ tầng viễn thông.
Bất chấp những ảnh hưởng của dịch Covid-19, thị trường vốn Việt Nam vẫn tăng trưởng mạnh khi chứng kiến các giao dịch M&A vẫn bùng nổ và sôi động.
Theo số liệu của KPMG Việt Nam, trong 10 tháng năm 2021, thị trường M&A đã thu hút hơn 8,8 tỷ USD với hơn 500 số thương vụ được công bố. Trong đó, 58% tổng giá trị các giao dịch M&A đến từ ngành hàng tiêu dùng thiết yếu, bất động sản và tài chính.
Vingroup, Masan, Hòa Phát, Vinamilk, Novaland là 5 đơn vị có hoạt động M&A lớn nhất trên thị trường, cả mặt giá trị và số lượng giao dịch, với tổng giá trị khoảng 1,13 tỷ USD. Thương vụ lớn nhất là VPBank bán 49% cổ phần của FE Credit cho SMBC. Trong khi đó Masan Group dẫn đầu với 1,5 tỷ USD vốn thu hút được từ các nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần The CrownX.
Dự báo về thị trường M&A Việt Nam trong tương lại, KPMG cho rằng sự chuyển biến tích cực trong hoạt động M&A trong nước sẽ vẫn còn được duy trì, đặc biệt là đối với những doanh nghiệp lớn; bởi nhóm này không chỉ có đủ lượng tiền mặt dự trữ để tìm kiếm các mục tiêu chất lượng mà còn có khẩu vị mang tính chiến lược trong việc tiếp tục tìm kiếm các cơ hội mở rộng thị trường và cải thiện tỷ suất lợi nhuận.
Đặc biệt, khi nền kinh tế Việt Nam tiếp tục phát triển nhờ các quy định và chính sách hỗ trợ của Chính phủ, KPMG tin rằng các công ty trong nước sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong các hoạt động M&A trong tương lai, tạo ra nhiều tập đoàn với quy mô có thể sánh ngang với các tập đoàn lớn trong khu vực.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận