Lần can thiệp tỷ giá tiếp theo của Nhật Bản có thể sẽ là bán ra đồng yên?
Liệu sự tăng giá gần đây của đồng yên có đồng nghĩa rằng nhiệm vụ bảo vệ tỷ giá của nhà chức trách Nhật đã hoàn thành? Nhiều ý kiến cho rằng nhiệm đó đã hoàn thành có phần hơi quá mức...
Một số chuyên gia cho rằng nếu nghĩ xa, Chính phủ Nhật Bản có lẽ sẽ lên kế hoạch kiểm soát đà tăng giá mạnh của đồng yên, thay vì tìm cách hỗ trợ tỷ giá đồng nội tệ - theo hãng tin Reuters.
Khoảng thời gian 2 năm qua đã chứng kiến một “cuộc đấu” căng thẳng giữa giới đầu cơ và các nhà chức trách Nhật Bản. Trong đó, các nhà đầu cơ đặt cược lớn vào sự mất giá của đồng yên do chênh lệch lãi suất lớn giữa các nền kinh tế G7 với Nhật Bản, còn Tokyo liên tục cảnh báo và thi thoảng can thiệp vào thị trường ngoại hối. Tuy nhiên, cuộc đấu đã kết thúc vào đầu tháng này, khi đồng yên tăng giá dữ dội buộc nhiều nhà đầu cơ phải rút khỏi vị thế giao dịch chênh lệch lãi suất (carry-trade) sử dụng đồng yên làm đồng tiền cấp vốn, bởi việc duy trì lâu hơn vị thế này có thể khiến họ mất lãi hoặc thậm chí thua lỗ.
Sáng 19/8, tỷ giá yên so với USD có lúc giảm 0,2%, còn 147,93 yên đổi 1 USD. So với mức đỉnh của 7 tháng thiết lập vào đầu tháng này, yên hiện đã giảm giá khoảng 4%. Tuy nhiên, mức tỷ giá hiện tại của yên vẫn cao hơn nhiều so với mức gần 162 yên đổi 1 USD - thấp nhất kể từ năm 1986 - ghi nhận vào tháng trước.
KHUYNH HƯỚNG TĂNG GIÁ QUÁ MỨC CỦA ĐỒNG YÊN
Sau khi BOJ tăng lãi suất vào hôm 31/7 và cảnh báo sẽ tiếp tục có thêm những đợt nâng lãi suất nữa trong thời gian tới, cộng thêm việc Bộ Tài chính Nhật Bản trước đó có cuộc can thiệp gần 37 tỷ USD vào thị trường ngoại hối, bong bóng carry-trade đã vỡ tung và đồng yên quay đầu tăng dữ dội từ mức đáy của gần 4 thập kỷ. Diễn biến bất ngờ này đã kéo theo một cuộc bán tháo trên thị trường chứng khoán Nhật Bản và toàn cầu.
Liệu sự tăng giá này của đồng yên có đồng nghĩa rằng nhiệm vụ bảo vệ tỷ giá của nhà chức trách Nhật đã hoàn thành? Nhiều ý kiến cho rằng nhiệm đó đã hoàn thành có phần hơi quá mức.
Nhìn lại lịch sử, có thể thấy sau những quãng thời gian 2-3 năm mà BOJ mua vào hoặc bán ra đồng yên để kiểm soát biến động tỷ giá, đồng yên thường có khuynh hướng tăng giá mạnh quá mức cần thiết.
Ngân hàng đầu tư lớn nhất Nhật Bản Nomura cho rằng sau đợt tăng bùng nổ gần đây, tỷ giá đồng yên có khả năng sẽ tiếp tục đi lên. “Chúng ta có thể sẽ phải sớm tính đến việc Bộ Tài chính Nhật Bản phải can thiệp để hạn chế đà tăng của yên thay vì chống lại sự giảm giá của yên”, Nomura cho biết trong một báo cáo vào đầu tháng này, nhưng lưu ý vẫn chưa phải là kịch bản chính của họ.
“Lịch sử của các cuộc can thiệp thị trường ngoại hối của Nhật Bản cho thấy sau những đợt can thiệp bằng cách mua yên, nhà chức trách sẽ phải can thiệp bằng cách bán yên để ngăn việc đồng yên tăng giá quá mạnh”, báo cáo viết.
Cách đây10 năm trở về trước, tỷ giá đồng yên có thói quen dao động như một con lắc.
Hai cuộc can thiệp tỷ giá đồng yên nổi tiếng nhất diễn ra vào năm 1985 và 1987, là hành động tập thể của G5 và G7 - hai nhóm các nền kinh tế phát triển. Cuộc can thiệp năm 1985 là sự ra đời của Hiệp định Plaza để làm suy yếu đồng USD. Tiếp đó, cuộc can thiệp năm 1987 là Hiệp định Louvre để bảo vệ tỷ giá đồng bạc xanh. Trung tâm của sự biến động dẫn tới những cuộc can thiệp đó chính là tỷ giá USD/yên.
Tuy nhiên, trong 2 thập kỷ sau khi bong bóng bất động sản vỡ ở Nhật Bản vào những năm 1990, những đợt can thiệp chỉ tập trung vào đồng yên của nhà chức trách nước này là sự luân phiên giữa mua yên và bán yên, ở những mức tỷ giá cực đoan 150 yên đổi 1 USD và 75 yên đổi 1 USD xuất hiện vài năm một lần.
Lãi suất siêu thấp ở Nhật Bản sau khi vỡ bong bóng bất động sản, cùng với những giai đoạn “lên hương” và “thoái trào” của carry-trade đã dẫn tới biến động mạnh tỷ giá đồng yên theo cả hai chiều hướng trong giai đoạn đó. Sau mỗi đợt đồng yên giảm giá sâu sẽ là một giai đoạn bật tăng mạnh mẽ trở lại được khuếch đại trong bối cảnh thị trường căng thẳng hoặc có biến động mạnh do carry-trade đảo chiều, hoặc do nhà đầu tư Nhật Bản rút khỏi các khoản đầu tư mà trước đó họ đã chuyển về nước. Đây chính là một lý do quan trọng đồng yên giữ vai trò như một “hầm trú ẩn” mỗi khi xảy ra cú sốc thị trường trong khoảng thời gian nói trên, và vai trò này khiến cho biến động của tỷ giá yên càng thêm phần phức tạp.
CHÊCH LỆCH LÃI SUẤT ĐANG THU HẸP
Tuy nhiên, sau khủng hoảng tài chính 2007-2008 là khoảng thời gian 1 thập kỷ mà lãi suất của gần như tất cả các nền kinh tế trong nhóm G7 giảm về gần mức 0 của lãi suất ở Nhật Bản. Điều này khiến cho sức hấp dẫn của carry-trade suy giảm và giúp giữ tỷ giá đồng yên ở mức tương đối ổn định, qua đó hạn chế sự cần thiết phải can thiệp tỷ giá đối với nhà chức trách Nhật.
Trên thực tế, không có sự can thiệp nào được xác nhận đã diễn ra trong khoảng thời gian từ năm 2011 - khi Nhật Bản gặp cú sốc động đất và sóng thần - đến năm 2022, khi thời kỳ hậu đại dịch Covid-19 và cuộc chiến tranh Nga-Ukraine dẫn tới lạm phát tăng vọt ở nhiều nơi, buộc các nền kinh tế lớn khác phải tăng mạnh lãi suất trong khi Nhật Bản vẫn duy trì lãi suất ở ngưỡng 0. Bối cảnh từ năm 2022 trở đi đã làm gia tăng sức hấp dẫn của carry-trade, gây áp lực mất giá lên đồng yên.
Biến động dữ dội của tỷ giá yên trong mấy tuần qua một lần nữa cho thấy đồng tiền này có khuynh hướng cố hữu là tăng giá quá mức.
Nhìn về thời gian tới, không khó để nhận thấy rằng đồng yên có thể đang bước vào một thời kỳ tăng giá mạnh kéo dài. Với lãi suất ở Mỹ và các nền kinh tế phương Tây khác đã bắt đầu giảm và carry-trade đảo chiều, Nhật Bản có thể có thêm động lực để “bình thường hóa” lãi suất vì có niềm tin lớn hơn rằng thời kỳ giảm phát kéo dài nhiều thập kỷ suốt từ những năm 1990 đã kết thúc.
Thị trường cho rằng Tokyo giờ đây có thể thận trọng hơn với việc tăng lãi suất thêm lần nữa, vì lo ngại một động thái như vậy có thể gây đảo lộn thị trường chứng khoán như đã xảy ra vào đầu tháng này. Tuy nhiên, dữ liệu tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) mới nhất của Nhật Bản có thể xoa dịu mối lo đó. Ngoài ra, Nhật Bản cũng sắp có tân Thủ tướng, và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể bắt đầu hạ lãi suất vào tháng tới.
Chênh lệch lãi suất giữa trái phiếu chính phủ Mỹ và trái phiếu chính phủ Nhật kỳ hạn 2 năm đã giảm 1,1 điểm phần trăm trong 3 tháng trở lại đây, phản ánh kỳ vọng về sự thu hẹp chênh lệch lãi suất giữa hai nền kinh tế. Chênh lệch này cần phải giảm thêm 1,7 điểm phần trăm nữa để quay trở lại mức bình quân 10 năm - điều có thể xảy ra tương đối nhanh chóng nếu Nhật tiếp tục nâng lãi suất và Fed hạ lãi suất.
Nếu BOJ tiếp tục tăng lãi suất, các nhà xuất khẩu của Nhật Bản và nền kinh tế nước này có thể gặp bất lợi bởi đồng yên mạnh lên. Nhưng mặt khác, đồng nội tệ mạnh giúp tiết kiệm chi phí nhập khẩu hàng hóa, cho phép tiền lương thực tế tăng mạnh hơn, từ đó thúc đẩy tăng trưởng tiêu dùng trong nước.
Tuy nhiên, nếu yên tăng giá quá nhanh và quá cao, Nhật Bản sẽ phải can thiệp để làm dịu đà tăng đó.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận