Khi cổ tức bị trì hoãn: Ngậm bồ hòn làm ngọt
Nhiều doanh nghiệp được xem là “gà đẻ trứng vàng” với các đợt trả cổ tức cao, tỷ suất sinh lời ổn. Mặt khác, không ít những cái tên liên tục trì hoãn thời gian trả cổ tức, thậm chí lên tới cả năm trời. Trong khi đó, nhà đầu tư dù có thể tức giận, nhưng đa phần đành phải “ngậm bồ hòn làm ngọt”.
Dù là đầu tư “lướt sóng” hay nắm giữ dài hạn, cổ tức vẫn luôn là quyền lợi quan trọng đối với các cổ đông công ty. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng trả cổ tức đúng hạn. Có những cái tên liên tục gia hạn thời gian trả cổ tức, thậm chí lên đến lần thứ 10 cho một đợt chi trả vốn đã chốt quyền từ nhiều năm trước.
“Khổ” như cổ đông bị hoãn cổ tức
“Nỗi khổ” to lớn nhất có lẽ thuộc về các cổ đông của SD3 (CTCP Sông Đà 3). Những ngày cuối năm 2023, Doanh nghiệp thông báo tiếp tục dời ngày trả cổ tức năm 2015, từ 29/12/2023 sang 31/12/2024, tức gia hạn thêm 1 năm. Lý do điều chỉnh là vì chủ đầu tư chưa thu xếp được nguồn vốn thanh toán tiền khối lượng cho Công ty, nên dòng tiền không đáp ứng được nhu cầu thanh toán cổ tức như kế hoạch đề ra.
Bức tranh kinh doanh của SD3 cũng nhuốm màu ảm đạm. Doanh nghiệp lỗ ròng gần 3.3 tỷ đồng trong quý 4/2023 (cùng kỳ lãi gần 10 tỷ đồng), do chi phí lãi vay phát sinh trong quý 2 và 3 được ghi nhận gộp vào trong kỳ. Dù cả năm vẫn lãi ròng hơn 7.7 tỷ đồng – đi ngang so với năm trước, Doanh nghiệp vẫn đang lỗ lũy kế gần 231 tỷ đồng, qua đó khiến câu chuyện cổ tức của các cổ đông SD3 thêm… nhói lòng.
Câu chuyện tương tự cũng xảy ra với các cổ đông của L44 (CTCP Lilama 45.4). Thậm chí còn chua chát hơn, bởi đó là các khoản cổ tức đã chốt quyền từ cách đây gần 9 năm (2015).
Cụ thể, vào giữa tháng 12/2023, L44 thông báo dời ngày thanh toán cổ tức năm 2012 (14%) và 2013 (3%) thêm 1 năm, từ 29/12/2023 về 31/12/2024. Tổng cộng, số tiền L44 cần bỏ ra khoảng 6.8 tỷ đồng.
Đây là lần thay đổi thứ 9 của L44 cho 2 đợt cổ tức này. Nguyên nhân là vì Công ty đang tạm ngưng hoạt động sản xuất kinh doanh để tiến hành phương án tái cấu trúc doanh nghiệp; đồng thời gặp nhiều khó khăn về tài chính, còn nợ tồn đọng tiền lương người lao động, các khoản phải nộp ngân sách (thuế, bảo hiểm…) với số tiền lớn. Do vậy, chưa thu xếp được nguồn tiền để thanh toán cổ tức.
Các lý do trên chỉ phần nào thể hiện được tình cảnh khó khăn của L44. Thực tế, Công ty thậm chí đã phải đăng thanh lý, nhượng bán tài sản, với lý do “không thể cho thuê vì cũ nát” và “không đủ khả năng để trả tiền trông coi”. Trên BCTC năm 2022, lỗ lũy kế của L44 gần 196 tỷ đồng (năm 2021 là 189 tỷ đồng), vốn chủ sở hữu âm gần 139 tỷ đồng. Trong khi đó trên thị trường, cổ phiếu L44 vẫn đang duy trì diện hạn chế giao dịch vì đã ngừng hoạt động hơn 1 năm, chậm nộp BCTC kiểm toán 2022, và âm vốn chủ trên BCTC kiểm toán 2021.
Không kém cạnh là C12 (CTCP Cầu 12), với 8 lần hoãn trả cổ tức năm 2016. Lần gần nhất, Công ty dời ngày trả cổ tức thêm 1 năm, từ 29/11/2023 sang 29/11/2024. Đợt cổ tức này có tỷ lệ chi trả 12%, tương ứng số tiền hơn 58 tỷ đồng.
Lý do điều chỉnh là từ năm 2019 đến nay, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 cùng với khó khăn nội tại của Công ty khiến C12 chưa thể thu xếp trả tiền cổ tức cho cổ đông.
Không chỉ hoãn trả cổ tức, C12 còn chưa thể hoàn thiện BCTC kiểm toán các năm từ 2019-2022, dẫn đến việc phải công bố hoãn tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2023 đến “sớm nhất có thể” – trích văn bản Doanh nghiệp công bố.
C12 cũng là cái tên làm tốn giấy mực của truyền thông khi thiếu nợ lương nhân viên và bảo hiểm xã hội (BHXH) tới hàng chục tỷ đồng. Ngày 01/08/2019, hàng trăm cán bộ và công nhân C12 tập trung trước trụ sở Công ty, mang theo nhiều băng rôn có nội dung: “Yêu cầu Công ty trả 7 tháng lương và đóng 30 tháng BHXH”. Việc này sau đó được C12 xác nhận. Đến tháng 6/2019, Doanh nghiệp này nợ gần 24 tỷ đồng tiền BHXH của người lao động và vài tỷ đồng tiền lương.
Không đến nỗi “đắng” như các cổ đông của 3 doanh nghiệp trên, nhưng cổ đông LG9 (Licogi 9) cũng khó cảm thấy vui vẻ với đợt trả cổ tức bằng tiền cho năm 2018, được chốt quyền vào 28/09/2023.
Kể từ khi lên sàn vào tháng 12/2017, đây mới là lần thứ 2 đơn vị này trả cổ tức cho cổ đông. Lần gần nhất diễn ra vào tháng 12/2018, là khoản cổ tức cho năm 2017 với tỷ lệ 10%.
Đợt trả cổ tức này có tỷ lệ 10%, tương đương LG9 cần chi hơn 5 tỷ đồng, dự kiến chi trả vào 17/10/2023. Những tưởng mọi chuyện suôn sẻ, nhưng sau đó Công ty đã 3 lần đưa văn bản trì hoãn, đẩy ngày dự kiến sang 28/03/2024. Nguyên nhân do tiền thu từ các công trình không đúng kế hoạch thu hồi vốn của Công ty, nên cần thêm thời gian cân đối nguồn vốn để không làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất.
Về tình hình kinh doanh, BCTC gần nhất của LG9 là báo cáo kiểm toán năm 2022. Theo đó, Doanh nghiệp lãi ròng gần 838 triệu đồng, bằng 1/2 năm trước. Nợ phải trả thời điểm này là 296 tỷ đồng, bằng 92% tài sản ngắn hạn, và gấp 4 lần vốn chủ. Lãi lũy kế chỉ còn gần 4.6 tỷ đồng.
Ngậm bồ hòn làm ngọt
Trái bồ hòn vốn chát đắng, phải nói nó ngọt đồng nghĩa với sự chịu đựng. Và cổ đông bị hoãn cổ tức cũng như vậy, phải chịu đựng mà chưa có giải pháp nào xử lý.
Có muôn vàn lý do doanh nghiệp đưa ra để hoãn trả cổ tức, và thường được lý giải như những tai nạn, biến cố bất ngờ về dòng tiền. Nhưng thực tế, việc trì hoãn có thể xem như sự yếu kém trong quản trị. Và về bản chất, việc thông báo chi trả cổ tức mà không thực hiện, nghĩa là công ty đang nợ nhà đầu tư.
Nhưng với khối lượng nắm giữ của các nhà đầu tư nhỏ lẻ, khoản nợ này thường không nhiều, nên cũng hiếm người bỏ công sức tìm lại công bằng cho mình thông qua các tờ đơn khởi kiện. Hơn nữa nhìn vào thực tế, những doanh nghiệp hoãn chi trả thường cũng gặp khó khăn lớn về kinh doanh. Người xưa có câu “nắm người có tóc, không ai nắm kẻ trọc đầu”. Doanh nghiệp đã than hết tiền, “chủ nợ” nhỏ cũng khó lòng làm được gì đáng kể.
Việc liên tục hoãn chi trả, nếu bị nhân rộng, có thể tác động tiêu cực đến thị trường. Nhà đầu tư sẽ dần trở nên mất kiên nhẫn, chuyển sang “lướt sóng” thay vì nắm giữ, đầu tư cổ phiếu dài hạn.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận