Kế hoạch chia cổ tức các ngân hàng: 'Kẻ khóc người cười'
Tính đến ngày 8/4, đã có 11 nhà băng công bố kế hoạch chia cổ tức và thưởng trong năm 2024.
Cổ tức luôn là điểm nóng gây sốt và thu hút sự quan tâm đặc biệt của các cổ đông tại mùa Đại hội cổ đông ngân hàng. Tính đến ngày 8/4, đã có 11 nhà băng công bố kế hoạch chia cổ tức và thưởng trong năm 2024.
Nếu như các năm trước, thực hiện chủ trương của Ngân hàng Nhà nước chỉ chia cổ tức bằng cổ phiếu thì năm nay, nhiều nhà băng kết hợp chia cổ tức bằng tiền mặt và bằng cổ phiếu.
Techcombank (TCB) hiện đang là 'quán quân' vô địch với mức chi trả tổng tỷ lệ là 115%, trong đó ngân hàng chia cổ tức 15% bằng tiền mặt, thưởng cổ phiếu tỷ lệ 100%.
Cụ thể, ngân hàng sẽ trình cổ đông phương án dành hơn 5.283 tỷ đồng lợi nhuận chưa phân phối để chia cổ tức tiền mặt năm 2023 với tỷ lệ là 15%/cổ phiếu. Thời gian dự kiến thực hiện trong quý II hoặc quý III/2024.
Đồng thời, HĐQT Techcombank cũng trình phương án tăng vốn điều lệ từ hơn 35.225 tỷ đồng lên trên 70.450 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu từ nguồn vốn chủ sở hữu để chi thưởng cho cổ đông với tỷ lệ 100%.
Như vậy, sau 10 năm mòn mỏi chờ đợi, ngân hàng Techcombank cũng đã khiến cổ đông 'mừng phát khóc' vì sắp được nhận 'tiền tươi thóc thật'. Đây được xem là 1 sự thay đổi lớn của ngân hàng sau 1 thập niên giữ lại lợi nhuận để củng cổ nền tảng vốn, phát triển kinh doanh.
Theo lãnh đạo nhà băng, điều này sẽ đảm bảo dòng tiền thường xuyên cho cổ đông, khi vừa có thu nhập trực tiếp đến từ kết quả kinh doanh hàng năm, trong khi vẫn tối ưu hóa lợi ích từ tiềm năng tăng giá.
Giữ vị trí thứ 2 bảng xếp hạng là ngân hàng MSB với kế hoạch chia cổ tức 30% bằng cổ phiếu từ nguồn lợi nhuận chưa phân phối tính đến thời điểm 31/12/2023. Như vậy, mỗi cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu MSB tại ngày chốt quyền sẽ được nhận thêm 30 cổ phiếu mới.
Sau khi hoàn tất việc phát hành cổ phiếu trả cổ tức, vốn điều lệ MSB sẽ tăng từ mức 20.000 tỷ đồng hiện tại lên 26.000 tỷ đồng. Việc chia cổ tức này sẽ được thực hiện trong năm 2024.
Kế tiếp, VIB giữ 'ngôi sao' thứ 3 với mức chi trả tổng tỷ lệ là 29,5% gồm 12,5% cổ tức tiền mặt và 17% cổ phiếu thưởng.
Về cổ tức tiền mặt, trong tháng 2/2024, VIB đã tạm ứng cổ tức cho cổ đông với tỷ lệ 6% và sẽ trả tiếp tỷ lệ 6,5% trong thời gian tới. Tổng cộng số tiền sử dụng để chi trả cổ tức tiền mặt là 3.171 tỷ đồng.
Về kế hoạch trả thưởng cổ phiếu, ngân hàng sẽ phát hành 431,3 triệu cho cổ đông hiện hữu, tương ứng tỷ lệ 17% (mỗi cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu MSB tại ngày chốt quyền sẽ được nhận thêm 17 cổ phiếu mới).
Cùng giữ vị trí thứ 4 là các ngân hàng ACB, Nam A Bank (NAB), HDBank (HDB) với mức chi trả tổng tỷ lệ là 25%.
Tại ACB, ngân hàng lên kế hoạch trích ra hơn 9.700 tỷ đồng để chia cổ tức cho cổ đông với tổng tỷ lệ 25%, trong đó 15% bằng cổ phiếu và 10% bằng tiền mặt. Sau khi chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 15%, vốn điều lệ của ngân hàng sẽ tăng thêm hơn 5.800 tỷ lên 44.666 tỷ đồng. ACB dự kiến thời gian hoàn thành việc tăng vốn điều lệ là quý III/2024.
Tại Nam A Bank, ngân hàng dự kiến chi trả cổ tức tỷ lệ 25% bằng cổ phiếu trong năm 2024 với tổng giá trị hơn 2.645 tỷ đồng. Theo đó, ngân hàng sẽ nâng vốn điều lệ từ hơn 10.580 tỷ đồng lên hơn 13.725 tỷ đồng.
Tại HDBank, ngân hàng dự kiến chi trả cổ tức tỷ lệ 25%, trong đó gồm 10% tiền mặt 15% cổ phiếu. HDBank là ngân hàng có truyền thống chia cổ tức cao đều đặn hàng năm và chính sách này đã kéo dài suốt một thập kỷ vừa qua.
Đồng giữ vị trí thứ 5 trong bảng xếp hạng là MB (MBB) và OCB với tổng tỷ lệ chi là 20%.
Với MB, ngân hàng dự kiến sử dụng 10.613 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế năm 2023 để chia cổ tức cho cổ đông, với 2 cấu phần, tổng tỷ lệ 20%.
Thứ nhất, MB sẽ dành 2.653 tỷ đồng để chia cổ tức tiền mặt với tỷ lệ 5%. Thời gian chia cổ tức bằng tiền mặt hiện vẫn chưa được công bố.
Thứ hai, MB cũng dành 7.959 tỷ đồng để chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 15%, giúp vốn điều lệ tăng thêm tương ứng. Thời gian thực hiện kế hoạch trên là trong năm 2024, theo chấp thuận của cơ quan chức năng.
Với OCB, ngân hàng đặt mục tiêu tăng vốn điều lệ thêm 4.168 tỷ đồng trong năm 2024 thông qua 3 phương án.
Thứ nhất, phát hành gần 411 triệu cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông với tỷ lệ 20%.
Thứ hai, phát hành 5 triệu cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP) với giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Số cổ phiếu ESOP và cổ tức bằng cổ phiếu phát sinh từ các cổ phiếu này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong 4 năm, mỗi năm được giải tỏa 25%.
Thứ ba, chào bán tối đa 882.353 cổ phiếu riêng lẻ, với giá không thấp hơn giá trị sổ sách trên mỗi cổ phần của ngân hàng tại thời điểm cuối quý gần thời điểm phát hành nhất.
Nếu triển khai thành công cả 3 phương án trên, vốn điều lệ của OCB sẽ tăng từ 20.548 tỷ đồng lên 24.717 tỷ đồng.
Tiếp đó, SeABank (SSB) lên kế hoạch phát hành 329 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2023 với tỷ lệ 13,18% và phát hành 10,3 triệu cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu với tỷ lệ 0,41%. Theo đó, vốn điều lệ sẽ tăng thêm 3.393 tỷ đồng lên 28.350 tỷ đồng.
Sau đó là VPBank (VPB) và Eximbank (EIB) dự kiến trả toàn bộ cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 10%.
Với VPBank, ban lãnh đạo ngân hàng trình kế hoạch sử dụng 7.934 tỷ đồng lợi nhuận năm 2023 để chia cổ tức bằng tiền mặt, tương ứng tỷ lệ 10%. Thời gian thực hiện trả cổ tức là quý II và quý III/2024.
Với Eximbank (EIB), ngân hàng đề xuất dùng 1.741 tỷ đồng để chia cổ tức cho cổ đông theo tỷ lệ 10%, thông qua hai hình thức là cổ phiếu (7%) và tiền mặt (3%).
Về phương án chia cổ tức bằng tiền mặt, số tiền mà ngân hàng dự kiến chi ra là 522 tỷ đồng. Nếu được cổ đông thông qua, đây sẽ là lần đầu tiên Eximbank trả cổ tức bằng tiền mặt sau 10 năm. Lần gần nhất nhà băng này trả cổ tức tiền mặt cho cổ đông diễn ra vào năm 2014 với tỷ lệ 4%.
Với phương án chia cổ tức bằng cổ phiếu, ngân hàng dự kiến phát hành thêm 121,9 triệu cổ phiếu mới, tương ứng vốn điều lệ tăng thêm 1.219 tỷ đồng. Sau phát hành, vốn điều lệ của ngân hàng sẽ đạt 18.688 tỷ đồng. Thời gian dự kiến phát hành là trong năm 2024.
Ở chiều ngược lại, 'kẻ khóc người cười', ABBank (ABB) là ngân hàng không chia cổ tức trong năm nay. Chia sẻ tại ĐHCĐ năm 2024, cổ đông ABBank bày tỏ sự 'không vui' vì giá cổ phiếu không tăng.
Trả lời về vấn đề này, ông Đào Mạnh Kháng - Chủ tịch ABBank khẳng định, sẽ có những cú hích để ABB đạt vốn hoá 3 tỷ USD.
Chủ tịch HĐQT ABBank cũng bày tỏ chia sẻ hết sức với quý cổ đông. Tuy nhiên, ông Kháng cho biết, không kiểm soát giá cổ phiếu ABB trên thị trường, không đánh lên để mang lại lợi ích cho bất kỳ ai, mặc dù ai cũng muốn cổ phiếu tăng trưởng.
Chủ tịch HĐQT thừa nhận thêm, năm 2023 vừa qua là năm trũng trong hoạt động của ABBank, lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu giảm mạnh. Qua việc mời McKinsey, ABBank nhìn nhận thẳng là sự cạnh tranh của ngân hàng rất thấp. Tại đó, Chủ tịch ngân hàng cũng khẳng định ABBank phải thay đổi toàn diện.
Sacombank (STB) là ngân hàng tiếp theo công bố không chia cổ tức, lập chuỗi gần 1 thập kỷ cổ đông 'trắng tay' dù lợi nhuận giữ lại đã vượt hơn 18.000 tỷ đồng. Lần gần nhất nhà băng này chia cổ tức là năm 2015 với tỷ lệ 20% bằng cổ phiếu.
Vào năm ngoái, trong ĐHCĐ Sacombank được tổ chức vào ngày 25/4 có tới 3 cổ đông cá nhân đứng lên phát biểu gay gắt về việc ngân hàng này không chia cổ tức trong nhiều năm qua. Có cổ đông tức giận, thậm chí yêu cầu Chủ tịch Dương Công Minh rút khỏi vị trí lãnh đạo.
Trước mong mỏi của cổ đông, Chủ tịch Sacombank Dương Công Minh cho hay, lãnh đạo ngân hàng cũng muốn chia cổ tức nhưng vẫn phải chờ Ngân hàng Nhà nước chấp thuận và quá trình tái cơ cấu thành công.
Ngoài ra, một số nhà băng chưa công bố hoặc không có kế hoạch trả cổ tức trong năm nay là Vietcombank, VietinBank, BIDV, TPBank, LPBank.
--------------------------------------------------END--------------------------------------------------
Theo dõi người đăng bài
Tiếp cận các chuyên gia VIP/PRO hàng đầu của 24HMONEY
Nhận ngay bài viết tài chính chuyên sâu
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận