Họp ĐHĐCĐ Bảo Việt: Lợi nhuận hợp nhất 6 tháng giảm 12%, muốn cải thiện tình trạng vốn mỏng
Tổng doanh thu hợp nhất nửa đầu năm 2022 đạt 26.300 tỷ đồng, hoàn thành 50,2% kế hoạch 52.400 tỷ đồng cả năm và tăng 6,5% so với cùng kỳ.
Tập đoàn Bảo Việt (HoSE:BVH) vừa tổ chức cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2022 chiều 29/6.
Tại đại hội, Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Đỗ Trường Minh cập nhật về tình hình kinh doanh 6 tháng đầu năm với tổng doanh thu hợp nhất đạt 26.300 tỷ đồng, hoàn thành 50,2% kế hoạch 52.400 tỷ đồng cả năm và tăng 6,5% so với cùng kỳ. Doanh thu công ty mẹ tăng 4,5% lên 776 tỷ đồng, thực hiện 50,8% mục tiêu 1.530 tỷ đồng.
Về tình hình các đơn vị thành viên, ông Minh đánh giá các đơn vị về cơ bản hoàn thành chỉ tiêu ở mức 50% trừ BVSC, do ảnh hưởng diễn biến khó khăn của thị trường chứng khoán nên các chỉ tiêu về kinh doanh giảm sút.
Cụ thể, Bảo Hiểm Bảo Việt thu về 5.546 tỷ đồng doanh thu, hoàn thành 51,8% kế hoạch năm 2022. Bảo Việt Nhân Thọ hoàn thành 49,5% khi ghi nhận 19.900 tỷ đồng doanh thu. Doanh thu của Quản lý Quỹ Bảo Việt là 68 tỷ đồng tăng 16,4%, hoàn thành 51,3% kế hoạch. Còn công ty TNHH MTV Đầu tư Bảo Việt (BVI) thu về 151 tỷ đồng doanh thu, hoàn thành 57% kế hoạch và tăng 35,4% so với cùng kỳ. Trong khi đó, Chứng khoán Bảo Việt (BVSC - HNX:BVS) đạt 40,5% mục tiêu doanh thu cả năm với 437 tỷ đồng.
Với kết quả doanh thu như vậy, lợi nhuận sau thuế hợp nhất 6 tháng dự kiến là 805 tỷ đồng trên kế hoạch 1.600 tỷ đồng, đạt 50,3%. Còn lợi nhuận sau thuế công ty mẹ là 526 tỷ đồng, tăng 1,9% và đạt 50,1% kế hoạch.
Theo đó, ông Minh đánh giá 6 tháng đầu năm, tuy doanh thu hợp nhất tăng trưởng 6,5% xong lợi nhuận hợp nhất giảm 12% vì giá trị một số khoản đầu tư vào các quỹ giảm theo biến động giá của các cổ phiếu trên thị trường. Tuy nhiên, vị CEO này nhận định tiến độ kinh doanh vẫn bám sát kế hoạch đề ra.
Lợi nhuận sau thuế hợp nhất 6 tháng dự kiến là 805 tỷ đồng, giảm 12%, đạt 50,3% kế hoạch 1.600 tỷ đồng. |
Năm nay, đơn vị trình kế hoạch tổng doanh thu công ty mẹ đạt 1.530 tỷ đồng, LNST 1.050 tỷ đồng, tăng lần lượt 2,7% và 1,8% so với thực hiện năm ngoái. Tỷ suất LNST/vốn điều lệ (7.423,2 tỷ đồng) ước tính 14,1%.
Năm 2021, tổng doanh thu công ty mẹ tăng 5,7% so với cùng kỳ, lên 1.490 tỷ đồng. LNST tăng 1,9% lên 1.031 tỷ đồng. Trong khi đó, tổng doanh thu hợp nhất đạt 50.380 tỷ đồng, tăng 2,8% so với năm 2020. Trong đó, doanh thu hoạt động kinh doanh bảo hiểm tăng 4,1% lên 40.604 tỷ đồng. Doanh thu hoạt động tài chính giảm 6,8% còn 8.912 tỷ đồng. LNST hợp nhất tăng 21,4%, đạt mức 2.003 tỷ đồng.
Kết quả kinh doanh hợp nhất năm 2021. Ảnh: BVH. |
Tập đoàn dự kiến dùng toàn bộ lợi nhuận sau thuế chưa phân phới 2.246 tỷ đồng chia cổ tức năm 2021 với tỷ lệ 30,261%. Đây là mức cổ tức kỷ lục, so với mức khoảng 8-10% mỗi năm kể từ 2014 tới 2020. Trước đó, Bảo Việt chia cổ tức tỷ lệ 12-15% bằng tiền.
Về tình hình sử dụng 4.011,7 tỷ đồng huy động từ đợt phát huy riêng lẻ từ ngày 18/12/2019 đến ngày 31/5 năm nay, Bảo Việt cho biết đã dùng 1.960,4 tỷ đồng, trong đó 1.850 tỷ đồng tăng vốn cho các đơn vị thành viên và 110,4 tỷ đồng để đầu tư cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin.
Báo cáo tình hình sử dụng vốn từ đợt phát hành riêng lẻ năm 2019. Ảnh: BVH. |
Đây là đợt Bảo Việt phát hành 41,4 triệu cổ phiếu riêng lẻ với giá 96.817 đồng/cp. Công ty Bảo hiểm Nhân thọ Sumitomo (Sumitomo Life) - cổ đông lớn thứ hai tại Bảo Việt sau Bộ Tài chính, đã chi 4.012 tỷ đồng (tương đương 173 triệu USD) để mua số cổ phần này trong ngày 18/12/2019. Sau giao dịch, Sumitomo Life nâng sở hữu mức 17,48% lên 22,09%. Trước đó vào năm 2012, Sumitomo Life cũng từng chi 7.098 tỷ đồng (tương đương 340 triệu USD) mua 122,5 triệu cổ phiếu BVH từ HSBC Insurance Holdings Limited - cổ đông sáng lập của Bảo Việt.
ĐHĐCĐ thông qua việc thay đổi địa chỉ trụ sở chính từ tòa nhà số 72 Trần Hưng Đạo, phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội sang số 8 Lê Thái Tổ, phường Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội, nhằm mục đích thuận tiện trong hoạt động kinh doanh.
Cổ đông đã miễn nhiệm chức danh Thành viên HĐQT đối với ông Teruo Shimmen và bầu bổ sung, thay thế hai Thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2022-2023.
Tại phần thảo luận, ban chủ tọa có chia sẻ về việc nâng cao vốn cho Tập đoàn Bảo Việt trong thời gian tới. Vốn điều lệ hiện tại là 7.423 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu trên 18.000 tỷ đồng. Trong đó, hơn 14.000 tỷ đồng dùng để đầu tư cho các công ty con và công ty liên kết, 2.200 tỷ đồng sắp tới dùng để chi trả cổ tức và 2.000 tỷ đồng còn lại từ đợt phát hành riêng lẻ năm 2019.
Đại diện ban chủ tọa đánh giá Tập đoàn Bảo Việt đang yếu về vốn. Đặc biệt là Bảo Việt Nhân Thọ có vốn mỏng, hiện xếp thứ 8 về vốn trong 18 công ty trên thị trường bảo hiểm nhân thọ, dù năm 2015 là đơn vị có vốn lớn nhất thị trường này.
Như vậy, nhu cầu vốn cho giai đoạn sắp tới là hết sức cấp thiết. Trong khoảng 10 năm tới, nhu cầu vốn của Bảo Việt cần đến 45.000 tỷ đồng. Về các phương án nâng vốn cho Tập đoàn Bảo Việt, ban chủ tọa có đưa ra 4 giải pháp. Từ nay đến năm 2025, tập đoàn sẽ nghiên cứu và báo cáo hai cổ đông lớn là Bộ Tài chính và Sumitomo Life về việc cổ phần hóa Tổng CTCP Bảo Việt và Bảo Việt Nhân Thọ.
Bên cạnh đó, đơn vị cũng đề cập đến việc giảm tỷ lệ vốn Nhà nước. Theo thông tin từ Bộ Tài chính, tỷ lệ vốn Nhà nước từ nay đến năm 2025 vốn Nhà nước vẫn sẽ giữ nguyên ở mức 65%. Đến giai đoạn từ 2026 đến 2030, cổ đông Nhà nước là Bộ Tài chính sẽ xem xét giảm tỷ lệ vốn nhà nước từ 65% về 51%. Khi giảm như vậy, Bộ Tài chính có thể kết hợp các phương án, bao gồm việc nhượng quyền tăng vốn cho các cổ đông hiện hữu, và giữ nguyên tỷ lệ sở hữu khi tập đoàn phát hành riêng lẻ.
Đại diện ban chủ tọa cũng đề cập giải pháp kết hợp hai phương án trên, Bộ Tài chính bán vốn Nhà nước song song với việc tập đoàn phát hành riêng lẻ, qua đó tăng vốn điều lệ cho Tập đoàn Bảo Việt.
Kết thúc đại hội, ĐHĐCĐ thông qua tất cả các tờ trình.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận