Hé lộ kết quả kinh doanh doanh nghiệp dầu khí năm 2023: Trái chiều lợi nhuận
Bức tranh kết quả kinh doanh năm 2023 của các doanh nghiệp “họ” dầu khí khả năng sẽ có sự phân hóa rõ nét khi một số “ông lớn” ước tính lãi đậm, trong khi một số doanh nghiệp nhỏ hơn khó hoàn thành kế hoạch và phải hạ các chỉ tiêu kinh doanh năm 2023 vào "phút chót".
Theo dữ liệu của Fiingroup, lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, tổng lợi nhuận sau thuế (LNST) của các doanh nghiệp giảm 18%, trong đó khối phi tài chính (giảm 34%) và khối tài chính (giảm 0,6%). Fiingroup ước tính, tổng LNST toàn thị trường năm 2023 có thể giảm 8,4%, thay vì 3% như tính toán dựa trên kế hoạch của doanh nghiệp hồi đầu năm.
Đến hết quý III/2023, có 8/19 ngành có tỷ lệ hoàn thành kế hoạch LNST trên mức trung bình toàn thị trường (70%). Trong đó, nhóm dầu khí là nhóm có tỷ lệ hoàn thành kế hoạch cao nhất, với mức trung bình đạt 201% kế hoạch năm. Điều này một phần là nhờ hoạt động kinh doanh của đa phần các doanh nghiệp vẫn khả quan, một phần là do nhiều doanh nghiệp đặt kế hoạch thận trọng hơn trong năm 2023.
Dù vậy, bức tranh kết quả kinh doanh năm 2023 của các doanh nghiệp “họ” dầu khí có khả năng sẽ có sự phân hóa rõ nét khi một số “ông lớn” tiếp tục lãi đậm trong khi một số doanh nghiệp lại phải ngậm ngùi điều chỉnh giảm các chỉ tiêu kinh doanh năm 2023 ngay thời điểm chỉ còn chưa đầy 1 tháng nữa là hết năm.
Đặt kế hoạch kinh doanh thận trọng, nhiều “ông lớn” dầu khí đã vượt kế hoạch năm
Với kết quả kinh doanh khả quan, một số “ông lớn” dầu khí đã hé lộ kết quả kinh doanh ước tính năm 2023 với doanh thu và lợi nhuận vượt xa kế hoạch. Điển hình, tại hội nghị người lao động năm 2023 vừa diễn ra, lãnh đạo Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV Gas, mã GAS) cho biết, tất cả các chỉ tiêu tài chính của PV Gas đều hoàn thành vượt mức kế hoạch, về đích trước 2-6 tháng.
Cụ thể, doanh thu toàn tổng công ty lập kỷ lục mới, đạt trên 114.000 tỷ đồng, đóng góp hơn 10% doanh thu toàn Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và là 1 trong 3 doanh nghiệp thuộc PVN đạt doanh thu trên 100.000 tỷ đồng; doanh thu hợp nhất đạt trên 93.000 tỷ đồng, bằng 122% kế hoạch; lợi nhuận trước thuế ước đạt trên 14.400 tỷ đồng, và LNST ước đạt trên 11.500 tỷ đồng, đều vượt 77% kế hoạch, tương ứng gần 25% lợi nhuận của Tập đoàn PVN.
Như vậy, quý IV/2023, PV Gas ước đạt gần 25.600 tỷ đồng doanh thu, tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái song lãi sau thuế giảm 20%, còn gần 2.500 tỷ đồng.
Có thể thấy, kết quả kinh doanh vượt xa kế hoạch của PV Gas là nhờ đặt các chỉ tiêu kinh doanh năm 2023 giảm mạnh so với thực hiện năm 2022. Năm 2022, PV Gas ghi nhận doanh thu thuần và LNST kỷ lục, lần lượt đạt hơn 100.000 tỷ đồng và hơn 15.000 tỷ.
Tương tự, Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn (mã BSR) cũng đã đạt và vượt tất cả các chỉ tiêu kế hoạch về sản xuất kinh doanh năm 2023. Ước thực hiện đến hết tháng 11/2023, công ty sản xuất hơn 6,7 triệu tấn sản phẩm, đạt 131% kế hoạch năm; tổng doanh thu ước đạt hơn 134.271 tỷ đồng, vượt hơn 40% kế hoạch năm và LNST vượt xa kế hoạch đề ra.
Trước đó, kết quả kinh doanh 9 tháng cho thấy, doanh thu lũy kế của BSR đã đạt 105.490 tỷ đồng và LNST là 6.182 tỷ đồng, đều vượt xa kế hoạch năm là đạt 95.645 tỷ đồng tổng doanh thu và 1.628 tỷ đồng LNST. Tuy nhiên, kết quả tăng trưởng này một phần là do công ty đặt kế hoạch doanh thu và LNST năm 2023 thấp, lần lượt giảm gần 43% và 89% so với thực hiện năm trước.
Một doanh nghiệp khác thuộc PVN là Tổng Công ty Dầu Việt Nam - CTCP (PV OIL, mã OIL) cũng khá thận trọng đặt kế hoạch kinh doanh năm 2023, với tổng doanh thu dự kiến 50.000 tỷ đồng, LNST 480 tỷ đồng, giảm lần lượt 104% và 34% so với thực hiện năm 2022. Nhờ đó, sau 9 tháng PV OIL với tổng doanh thu thuần hơn 66.875 tỷ đồng và LNST 664 tỷ đồng, công ty đã hoàn thành gần 134% mục tiêu doanh thu và 111% mục tiêu lợi nhuận cả năm.
Hay với Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex, mã PLX), trong quý III/2023 nhờ doanh thu tài chính tăng mạnh nên dù doanh thu thuần có giảm nhẹ so với cùng kỳ, công ty vẫn lãi gấp 2,84 lần. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, Petrolimex ghi nhận doanh thu đạt 205.596 tỷ đồng, giảm 8,9% so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận trước thuế đạt 3.082 tỷ đồng và LNST đạt 2.288 tỷ đồng, tăng gần 360% so với cùng kỳ, qua đó đã gần như hoàn thành kế hoạch lợi nhuận trước thuế cả năm (đạt 3.228 tỷ đồng).
Với kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp thành viên đều khả quan, báo cáo 10 tháng năm 2023 của PVN cho thấy, tổng doanh thu toàn tập đoàn đã đạt 745.000 tỷ đồng, vượt 10% kế hoạch năm, về đích trước hai tháng; nộp ngân sách đạt 121.000 tỷ đồng, vượt 54% kế hoạch năm, về đích trước 5 tháng.
Vẫn có doanh nghiệp hạ chỉ tiêu lợi nhuận vào “phút chót”
Trong khi các “ông lớn” trong ngành công bố kết quả kinh doanh khởi sắc, thì chiều ngược lại vẫn có những doanh nghiệp dầu khí phải điều chỉnh giảm các chỉ tiêu kinh doanh năm 2023 ngay thời điểm chỉ còn chưa đầy 1 tháng nữa là hết năm giữa bối cảnh tình hình kinh doanh không khả quan như kỳ vọng.
Tổng công ty Gas Petrolimex - CTCP (mã PGC) mới đây vừa họp đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) bất thường thông qua việc điều chỉnh giảm chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế từ 168 tỷ đồng về còn 135 tỷ đồng, tương đương giảm gần 20% so với kế hoạch đã được ĐHĐCĐ thường niên 2023 thông qua.
Theo lý giải của doanh nghiệp, 9 tháng đầu năm 2023, kinh tế thế giới gặp nhiều ảnh hưởng từ chính sách thắt chặt tiền tệ của Mỹ và EU, xung đột Nga-Ukraine, biến động giá nhiên liệu… làm giảm tốc độ phát triển toàn cầu và gây ảnh hưởng đến tình hình xuất khẩu của Việt Nam.
Trên thị trường khí, giá tham chiếu biến động mạnh và liên tục trong 9 tháng đầu năm 2023, với biên độ lớn và khó dự đoán. Điều này gây thiệt hại lớn về chênh lệch hàng tồn kho, tạo khó khăn cho việc đảm bảo nguồn hàng cho nhóm kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG), trong đó có PGC.
Ngoài ra, sự cạnh tranh từ các nguồn nhiên liệu thay thế diễn ra mạnh mẽ, cũng như cạnh tranh từ chính các doanh nghiệp trong ngành sản xuất và phân phối LPG cũng gây ảnh hưởng đến sự tăng trưởng sản lượng kinh doanh gas của PGC.
Một doanh nghiệp “họ” dầu khí khác là Công ty CP Vận tải và Dịch vụ Petrolimex Hải Phòng (mã PTS) mới đây cũng có nghị quyết lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản để thông qua điều chỉnh kế hoạch kinh doanh năm 2023. Theo đó, từ ngày 11-25/12, công ty sẽ tổ chức lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản để thông qua điều chỉnh giảm mục tiêu tổng doanh thu xuống gần 399 tỷ đồng, giảm 16% so với kế hoạch cũ (477 tỷ đồng); lãi trước thuế cũng điều chỉnh giảm tới 95% còn 0,5 tỷ đồng, mức thấp nhất kể từ năm 2013. Mức cổ tức cũng được điều chỉnh giảm từ 8% còn 2%.
PTS cho biết, việc điều chỉnh kế hoạch căn cứ vào kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm của công ty và dự báo thị trường các tháng cuối năm. Cụ thể, doanh thu 9 tháng chỉ đạt 92 tỷ đồng, giảm 15% so với cùng kỳ; biên lãi gộp thu hẹp còn 8% (từ mức 12% cùng kỳ), là nguyên nhân chính khiến công ty lỗ ròng gần 2 tỷ đồng. Tính chung 9 tháng, con số lỗ giảm còn 779 triệu đồng, nhờ quý đầu năm có lãi.
Cũng theo lý giải của PTS, nguồn hàng của công ty thời gian qua giảm nhiều, tàu phải nằm chờ không dài ngày ảnh hưởng nhiều đến kết quả kinh doanh. Hoạt động của đội tàu ven biển không đạt hiệu quả, nguồn hàng khai thác hoạt động vận tải biển thiếu hụt do Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn dừng hoạt động để bảo trì trong 55 ngày.
Trước đó, hồi giữa tháng 11/2023, Tổng công ty Hóa dầu Petrolimex (mã PLC) đã thông qua nghị quyết về việc điều chỉnh mục tiêu doanh thu năm 2023 giảm 5,7% so với kế hoạch đầu năm xuống còn 8.396 tỷ đồng. Chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế và lợi nhuận sau thuế dự kiến cũng giảm 30% so với kế hoạch ban đầu, còn lần lượt là 140 tỷ đồng và 112 tỷ đồng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường