Hé lộ bức tranh lợi nhuận quý III/2024 của ngành ngân hàng
Mặc dù chưa có nhiều nhà băng công bố kết quả quý III/2024, song cũng đã bắt đầu hé lộ và nhìn chung bức tranh lợi nhuận ngân hàng trong ba quý đầu năm có sự phân hóa ngày càng rõ nét.
Saigonbank vừa có thông báo về kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2024. Theo đó, dù việc triển khai các chương trình hỗ trợ lãi suất đã làm giảm thu nhập lãi thuần 3% và kéo theo lợi nhuận giảm 18% so với năm trước, nhưng lợi nhuận trước thuế 9 tháng của Saigonbank vẫn ước đạt hơn 200 tỷ đồng, xấp xỉ 55% chỉ tiêu kế hoạch năm 2024.
Kết thúc quý III/2024, dư nợ tín dụng của Saigonbank tăng 5% so với cùng kỳ năm trước và 2% so với đầu năm, chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng. Đây là minh chứng cho việc Saigonbank duy trì chiến lược tăng trưởng bền vững và an toàn, đồng hành cùng doanh nghiệp và người dân trong quá trình phục hồi kinh tế.
Tính đến tháng 8/2024, lợi nhuận trước thuế lũy kế của Nam A Bank đạt hơn 75% kế hoạch Hội đồng Quản trị giao trong năm 2024. Tỷ lệ ROE đạt mức 21,46%, ROA là 1,65%, cho thấy Ngân hàng không chỉ tăng trưởng về quy mô mà còn đạt hiệu quả sinh lời cao.
Tỷ lệ NIM của NAB tiếp tục được cải thiện lên mức 3,8% (so với 3,6% tại cuối quý II). Ngân hàng dự kiến NIM từ thời điểm này đến hết năm 2024 sẽ duy trì trong khoảng 3,5 – 3,8% với việc mặt bằng lãi suất tiếp tục duy trì thấp để hỗ trợ cá nhân và doanh nghiệp trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn.
Trong báo cáo dự báo lợi nhuận sau thuế quý III/2024, MBS đặt kỳ vọng ngành ngân hàng sẽ duy trì mức tăng trưởng ổn định. Trong đó, tín dụng quý III tiếp tục cải thiện so với quý II nhờ sự phục hồi của hoạt động sản xuất và kinh doanh. Cập nhật đến ngày 17/9, tăng trưởng tín dụng đạt 7,38%, so với 6,1% vào cuối quý II/2024.
Biên lãi thuần (NIM) quý III được dự báo sẽ đi ngang, hoặc giảm nhẹ so với đầu năm. Theo MBS, hầu hết các ngân hàng tăng dần lãi suất tiền gửi để đẩy mạnh hoạt động huy động vốn, trong khi lãi suất cho vay dự kiến vẫn sẽ duy trì ở mức thấp để hỗ trợ nền kinh tế.
Các chuyên viên phân tích MB cho rằng, thu nhập ngoài lãi vẫn ảm đạm và chưa thể phục hồi khi vẫn chỉ dựa chủ yếu vào mảng thu phí và xử lý nợ. Hoạt động kinh doanh ngoại hối và chứng khoán dự báo sẽ không có tăng trưởng cao khi tình hình thị trường chưa có nhiều tín hiệu khởi sắc.
Về chất lượng tài sản, MBS cho rằng nợ xấu các ngân hàng niêm yết trong quý III/2024 sẽ không tăng so với quý liền trước, bởi dư nợ từ nhóm khách hàng doanh nghiệp sẽ tiếp tục dẫn dắt tín dụng trong thời gian này.
Về kết quả kinh doanh, lợi nhuận ròng các ngân hàng có thể tăng 16,5% so với cùng kỳ trong quý III và là trụ đỡ quan trọng cho tăng trưởng lợi nhuận toàn thị trường chứng khoán. MBS đánh giá một số ngân hàng như HDBank, TPBank sẽ đạt được tăng trưởng lợi nhuận mạnh nhờ tăng trưởng tín dụng tốt.
Cụ thể, HDBank được kỳ vọng có tăng trưởng lợi nhuận 44% trong quý III và 31% cho cả năm 2024. TPBank lợi nhuận sau thuế được dự báo tăng trưởng 35% so với cùng kỳ trong quý III và 23% cho cả năm. VPBank được kỳ vọng có lợi nhuận tăng 37% trong quý III và 69% cho cả năm 2024. BIDV sẽ ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng 20% trong quý III/2024 và 17% cho cả năm nhờ tín dụng cải thiện.
Ở chiều ngược lại, Techcombank, Sacombank được MBS dự báo có mức tăng trưởng tín dụng chậm lại trong quý III/2024. Với Techcombank, lợi nhuận trong quý III được dự báo tăng 20% so với cùng kỳ, lợi nhuận cả năm tăng 34%.
Trong khi đó, room tín dụng trong nửa cuối năm của Sacombank dự báo sẽ bị hạn chế. NIM được dự báo sẽ giảm mạnh trong nửa cuối năm. Tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) vẫn ở mức 49%, cao hơn khác nhiều so với toàn ngành. Tuy nhiên, chi phí dự phòng sẽ giảm khi không còn trích lập cho trái phiếu VAMC. Tăng trưởng lợi nhuận trong quý III của Sacombank dự báo ở mức 29% và cả năm là 9%.
Còn Eximbank và VietinBank được dự báo sẽ có tăng trưởng lợi nhuận cao nhờ mức nền thấp trong quý III năm ngoái. Lợi nhuận của Eximbank khả năng tăng trưởng 70% và NIM duy trì tương đương so với quý II. Cả năm 2024, lợi nhuận Eximbank chỉ tăng 16%.
Tại VietinBank, lợi nhuận sẽ tăng 40% so với cùng kỳ trong bối cảnh NIM duy trì tương đương nửa đầu năm và chi phí trích lập đi ngang. Cả năm 2024, lợi nhuận VietinBank sẽ tăng trưởng 12%...
Ngoài ra, LPBank dự báo lợi nhuận tăng trưởng 41% so với cùng kỳ nhờ mức nền thấp trong năm 2024. Cả năm 2024, lợi nhuận LPBank sẽ tăng 46%.
Trong danh sách của MBS cũng có 4 ngân hàng dự báo có mức tăng trưởng lợi nhuận thấp hơn trung bình ngành hoặc tăng trưởng âm. Trong đó, lợi nhuận quý III của Vietcombank kỳ vọng sẽ tăng 9%, cả năm tăng 5%. ACB lợi nhuận quý III được dự báo tăng trưởng 7% và cả năm là 6% trong bối cảnh NIM được dự báo sẽ giảm nhẹ và room tín dụng không còn quá nhiều. Tuy nhiên, chi phí trích lập được dự báo sẽ giảm nhẹ so với quý liền trước.
VIB sẽ giảm 19% trong quý III và 10% cho cả năm. OCB lợi nhuận sẽ giảm do nền cao của năm 2023. NIM được dự báo suy giảm khi cả tăng trưởng tín dụng không tốt như kỳ vọng và lãi suất cho vay bán lẻ buộc phải hạ xuống nhằm thu hút tín dụng. Chi phí trích lập được duy trì tương đương quý II và dự báo cao gấp đôi so với cùng kỳ...
Tuy nhiên, giới phân tích tài chính cho rằng, 2024 sẽ tiếp tục là năm tương đối khó khăn với ngành ngân hàng, song một số tổ chức tín dụng sẽ có sự cải thiện về tăng trưởng lợi nhuận.
VDSC ước tính, tăng trưởng lợi nhuận trước thuế của các ngân hàng năm nay đạt 18% so cùng kỳ, dẫn dắt bởi thu nhập lãi tăng trưởng 19% do chi phí vốn rẻ hơn. Quy mô nợ xấu có thể sẽ giảm nhẹ vào cuối năm, khi các ngân hàng có vị thế về lợi nhuận trước dự phòng tốt hơn so với năm 2023, để tiếp tục hấp thụ và làm sạch bảng cân đối.
Bên cạnh đó, PGS TS Nguyễn Hữu Huân - Đại học kinh tế TP.HCM nhận định, tuy khó tăng đột biến như các năm trước, song lợi nhuận của ngành ngân hàng vẫn tăng trong nửa cuối năm nay. Một phần, NIM của ngân hàng tiếp tục tăng trưởng nhẹ, trong đó phải kể đến các ngân tư nhân quy mô lớn và ngân hàng có vốn Nhà nước chi phối. Thực tế, trong nửa đầu năm nay, các ngân hàng vẫn đạt mức lợi nhuận khả thi, dĩ nhiên là có sự phân hóa về lợi nhuận ngày càng rõ nét giữa các nhà băng trong hệ thống. Với các ngân hàng quy mô vừa và nhỏ sẽ khó hơn, do phải cạnh tranh gay gắt về tín dụng và tìm kiếm khách hàng tốt để cho vay nên NIM khó tăng cao. Còn nợ xấu ở các nhà băng này lại có xu hướng tăng, do chất lượng tài sản đi xuống.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận