24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Thanh Thùy
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Hàng loạt doanh nghiệp niêm yết rót vốn nuôi điện mặt trời

Thị trường điện mặt trời nóng bỏng trong giai đoạn đầu năm 2019 khi liên tiếp đón nhận sự tham gia của hàng loạt doanh nghiệp, nhà máy điện, trong đó các doanh nghiệp niêm yết cũng không đứng ngoài cuộc. 

Ngày 30/6/2019 là cột mốc quan trọng với các dự án điện mặt trời. Nếu được cấp chứng nhận vận hành thương mại (COD) trước ngày này, mức giá áp dụng sẽ là 9,35 cent/kWh - cao hơn so với nhiều nước trong khu vực.

Với dự án phát điện sau thời điểm 30/6, chính sách giá sẽ được điều chỉnh.

Ðó là lý do, theo thống kê của Công ty Chứng khoán Rồng Việt, có đến 87/89 nhà máy năng lượng tái tạo là điện mặt trời trong thời gian qua.

Trên sàn niêm yết, có không ít doanh nghiệp đã rót hàng nghìn tỷ đồng vào thị trường này.

Số liệu của hãng Rystad Energy cho thấy, năm vừa qua, sản lượng điện mặt trời của Việt Nam tăng tới 400 lần, từ 10 Mwac lên 4 Gwac.

Trong đó, hơn 60% sản lượng điện mặt trời thuộc những dự án mới hòa vào lưới điện quốc gia trong tháng 6/2019 khi các nhà đầu tư cố gắng hoàn thành trước ngày 30/6 để được nhận ưu đãi về giá.

Hãng Rystad đặc biệt nhấn mạnh thời gian hoàn thành một dự án điện mặt trời bình quân tại Việt Nam là 275 ngày, tốc độ được đánh giá là rất nhanh.

Với hơn 4 GW điện mặt trời, Rystad đánh giá Việt Nam là một "cường quốc năng lượng mặt trời trong khu vực Ðông Nam Á”.

Ðiện mặt trời là lĩnh vực mới, thu hút sự quan tâm và đầu tư của nhiều doanh nghiệp trong thời gian gần đây, trong đó có không ít tên tuổi lớn trên thị trường như Công ty cổ phần FECON (mã FCN), Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng điện 2 (PECC2 - mã TV2), Công ty cổ phần Tập đoàn Sao Mai (ASM), Tổng công ty Phát điện 3 (GENCO 3 - mã PGV)…

Hàng loạt doanh nghiệp niêm yết rót vốn nuôi điện mặt trời

Đông Nam Á trở thành thị trường điện mặt trời sôi động bậc nhất.

TV2: Doanh thu tăng mạnh

TV2 là một trong các công ty con của Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam (EVN) có chức năng tư vấn về quy hoạch, khảo sát, thiết kế, giám sát và quản lý xây dựng các công trình điện, công nghiệp và dân dụng.

Công ty cũng tham gia ngành điện dưới tư cách chủ đầu tư, định hướng tập trung vào năng lượng tái tạo, đầu tư (100% vốn) Nhà máy điện mặt trời Trung tâm Ðiện lực Vĩnh Tân; nắm cổ phần chi phối tại Dự án Ðiện gió Tân Thuận và góp vốn tại các công ty liên kết thực hiện Dự án Nhà máy điện mặt trời Sơn Mỹ 3.1.

Mục tiêu dài hạn của TV2 dưới danh nghĩa chủ đầu tư là quản lý 500 MW công suất phát điện, đồng thời tham gia vào quá trình tư vấn, xây dựng các dự án.

Trong đó, tại lĩnh vực điện mặt trời, TV2 triển khai dự án Nhà máy điện mặt trời Sơn Mỹ 3.1, Ninh Phước 6.1 và Ninh Phước 6.2… Riêng dự án điện mặt trời Sơn Mỹ 3.1 tại Bình Thuận, công suất 50MW, có tổng mức đầu tư khoảng 1.300 tỷ đồng, phát điện trong tháng 6/2019.

Theo báo cáo tài chính bán niên được công bố vào giữa tháng 8/2019, doanh thu của TV2 tăng gấp hơn 3 lần cùng kỳ năm ngoái, đạt 2.271,5 tỷ đồng, tương đương 116% kế hoạch doanh thu cả năm. Lợi nhuận nửa đầu năm tăng 15%, đạt 140,5 tỷ đồng.

Diễn biến này một phần xuất phát từ việc trong 6 tháng đầu năm 2019, có 2 dự án lớn do Công ty làm nhà thầu là Nhà máy điện mặt trời Ninh Phước 6.1, 6.2 và Nhà máy điện mặt trời Sơn Mỹ 3.1 được nghiệm thu thanh toán với chủ đầu tư, dẫn đến doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ kỳ này tăng 1.544 tỷ đồng, tương đương tăng 212,45% so với cùng kỳ năm ngoái.

Fecon: Tích lũy kinh nghiệm

Không nằm ngoài cuộc đua đầu tư vào điện mặt trời, FECON đang thi công đồng loạt 4 dự án nhà máy điện mặt trời (Vĩnh Hảo 6, Sunseap, Hồng Phong và Sơn Mỹ), trong đó có 1 dự án mà Công ty chính là nhà đầu tư (Vĩnh Hảo 6).

Nhà máy điện mặt trời Vĩnh Hảo 6 có tổng vốn đầu tư 1.361 tỷ đồng, trên diện tích 60 ha với công suất thiết kế 50 MWp là dự án do FECON hợp tác với Tập đoàn năng lượng Acwa Power thực hiện. Dự án đã cán đích trước hạn 30/6 để hưởng mức giá ưu đãi cho 20 năm vận hành dự án.

Theo thông tin do FECON công bố, việc thi công các dự án điện mặt trời trong thời gian gần đây không chỉ đóng góp vào doanh thu, mà còn giúp Công ty có thêm kinh nghiệm triển khai - thi công các dự án điện mặt trời quy mô lớn, đòi hỏi tiến độ nhanh, có thể áp dụng với các dự án điện mặt trời sau này mà FECON triển khai đầu tư.

Báo cáo tài chính bán niên 2019 của Công ty cho thấy, doanh thu và lợi nhuận sau thuế đạt 1.092,7 tỷ đồng và 108,7 tỷ đồng, tăng lần lượt 12% và 62% so với cùng kỳ năm ngoái.

Sở dĩ lợi nhuận sau thuế tăng trưởng mạnh là nhờ 2 khoản lợi nhuận từ Dự án Ðiện mặt trời Vĩnh Hảo 6 và bán cổ phần của Công ty cổ phần Công trình ngầm FECON (FCU).

ASM: Ðiện mặt trời là trọng tâm

Năm 2019, điện mặt trời là lĩnh vực chủ chốt mà Tập đoàn Sao Mai tập trung đầu tư. Theo đó, Công ty đã khánh thành Nhà máy điện mặt trời Sao Mai Solar PV1 tại An Giang với tổng vốn gần 6.000 tỷ đồng, tổng công suất phát điện 210 MWp, trải dài trên diện tích 275 ha; thực hiện nhiều dự án ở một số tỉnh như Bến Tre, Kiên Giang, Tây Ninh, Ninh Thuận, Bình Thuận, Ðắk Lắk...

Tháng 7/2019, ASM đã nhận chuyển nhượng cổ phần đầu tư vào Công ty cổ phần Ðiện mặt trời EuroPlast Long An với số cổ phiếu chiếm tỷ lệ 76,67%.

Nhà máy Ðiện mặt trời Europlast Long An là dự án nhà máy điện mặt trời đầu tiên của Công ty cổ phần Ðiện mặt trời Europlast Long An (EUP) triển khai tại tỉnh Long An với tổng mức đầu tư 1.157 tỷ đồng.

Sáu tháng đầu năm 2019, doanh thu của ASM tăng 2,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 7.152,6 tỷ đồng. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế giảm mạnh (52,3%), đạt 424,2 tỷ đồng.

Theo giải trình của Công ty, do từ tháng 4/2018, ASM có hợp nhất số liệu từ Công ty cổ phần Ðầu tư và Phát triển đa quốc gia IDI sau khi IDI trở thành công ty con, nên lợi nhuận sau thuế theo hướng đi xuống.

GENCO 3: Lợi nhuận khả quan

Tổng công ty Phát điện 3 (GENCO 3) đầu tư 3 dự án điện mặt trời gồm Vĩnh Tân 2 với công suất 42,65 MW, tổng mức đầu tư gần 1.000 tỷ đồng; Ninh Phước 7 công suất tới 200 MW và điện mặt trời lòng hồ Buôn Kuôp và Srêposk 3 công suất 100 MW. Các dự án này được PGV thực hiện trong giai đoạn 2019 - 2021.

Theo báo cáo tài chính bán niên soát xét công bố ngày 6/9/2019, lãi ròng của GENCO 3 trong nửa đầu năm 2019 tăng hơn 10% so với báo cáo tự lập trước đó.

Cụ thể, PGV mang về tổng doanh thu hơn 22.380 tỷ đồng, tăng 10% so cùng kỳ năm 2018. Trong cơ cấu doanh thu, doanh thu tiêu thụ điện ghi nhận gần 22.236 tỷ đồng, còn lại là doanh thu từ bán sản phẩm và dịch vụ khác.

Lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm đạt 414,48 tỷ đồng, tăng 10,2% so với lợi nhuận đã công bố trong báo cáo tự lập.

Ðáng chú ý, riêng quý II/2019, lợi nhuận của GENCO 3 tăng gần 5 lần so với cùng kỳ do sản lượng điện thương phẩm leo dốc so với cùng kỳ năm trước, trong khi chi phí tài chính giảm mạnh.

Sau khi Nhà máy điện mặt trời Vĩnh Tân 2 do GENCO 3 đầu tư đã chính thức phát điện thương mại vào tháng 6/2019, Công ty đã đề xuất với UBND tỉnh Ninh Thuận về chủ trương đầu tư 2 dự án điện mặt trời tại đây với diện tích 554 ha, công suất lắp đặt phát điện diện kiến 350 MW, tổng mức đầu tư khoảng 9.576 tỷ đồng.

Lam Phong

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Mã chứng khoán liên quan bài viết
8.56 -0.05 (-0.58%)
12.40 -0.15 (-1.20%)
8.16 -0.04 (-0.49%)
29.80 +0.15 (+0.51%)
19.05 (0.00%)
prev
next

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả